Xem Nhiều 5/2024 # Tuổi Thọ Của Chích Chòe Lửa? Góc Tò Mò Giải Đáp # Top 1 Yêu Thích

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy loài chích chòe lửa là khi ba tôi mang nó về nuôi. Thú thực là tôi không thích việc con người nuôi nhốt một chú chim trong chiếc lồng (kể cả nó có xinh đẹp đến đâu). Nó quá tàn nhẫn. Và rồi điều gì đến cũng đã đến. Chú chim nhỏ bị nhốt trong lồng một ngày kia nằm cứng đơ. Nó chết trong lạnh lẽo và cô độc.

Gạt đau buồn qua một bên, tôi chợt tự hỏi nó chết vì lý do gì? Vì bệnh? Vì buồn? Hay đơn giản là vì nó quá già.

Tìm Hiểu Về Chích Chòe Lửa

Chích chòe lửa – một loài chim thuộc giống Chích chòe ( giống này chủ yếu gồm các loại như: chích chòe Lửa, chích chòe Đất, chích chòe Than ) . Tên khoa học của Chích chòe lửa là Copsychus malabaricus. Trong tiếng Anh, nó được gọi là White – Rumped Shama. Chiều dài của nó khoảng 23 – 28 cm, cân nặng dao động từ 28g – 34g. Vì vậy, bạn có thể nâng niu chú chim nhỏ này chỉ bằng môt bàn tay.

Chúng được phát hiện lần đầu vào những năm đầu thế kỉ XX tại Hawaii. Hiện nay, khu vực phân bố của chúng cũng khá rộng rãi, nếu là trong tự nhiên thì hầu như có mặt tại các khu rừng rậm ( nhưng đôi khi chúng cũng có thể sinh sống ở các rừng tre, bụi cây cao tương đối… ) ở các vùng Nam Á, Đông Nam Á… Tuy nhiên có một thời gian chích chòe lửa bị con người bắt giữ quá nhiều mà trở nên khan hiếm, khiến cho một số quốc gia trong khu vực phải nhập loài chim này.

Trong tự nhiên ở Việt Nam, Chích chòe lửa có mặt tại các tỉnh miền Trung và Nam Bộ, chúng cũng rất ưa thích sống trong các khu rừng, nông thôn…

Ngoài tự nhiên ra, nơi ở còn lại của nó chính là trong những cái lồng nuôi nhốt.

Loài chim này tuy thuộc giống Chích chòe với một số đặc điểm chung là nhỏ và nhẹ, khá lanh lợi tinh nghịch, màu sắc đen xám… nhưng bản thân chúng lại rất dễ nhận biết. Ở con trống thường là một màu lông đen bóng với phần bụng màu nâu hạt dẻ, phần đít và đuôi ngoài thì lại có màu trắng. Con mái thì khác biệt hơn – đa phần có màu nâu hơi xám, thân hình cũng ngắn và lông không mượt như con trống. Với những con chim non mới nở thì chúng màu lông giống như con mái nhưng phần ức thì có đốm lấm chấm.

Tuy khác biệt về phần thân nhưng nếu cần phân biệt với các loại Chích chòe khác thì riêng Chích chòe Lửa cả trống vài mái đều có mỏ đen, cái chân màu hồng. Đặc biệt, trong thời gian thay lông , lớp lông mới nổi lên rực rỡ với một màu đỏ cam ( có con thì ánh vàng ) ở phần ức và bụng. Vậy nên, chúng mới được gọi là Chích chòe lửa.

Ưu điểm nổi trội nhất của Chích chòe lửa chính là giọng hót này. Chúng có âm giọng rất cao, thánh thót, quãng rộng. Đặc biệt, giọng hót của Chích Lửa rất giàu âm điệu, lại có biệt tài bắt chước được nhiều âm thanh khác nhau : tiếng loài chim khác, tiếng suối chảy, tiếng con người… Khi con người bật nhạc chuông điện thoại ở gần Chích chòe, chúng cũng có thể hót theo gần như là tương tự. Nhiều con rất hay, có thể hót một bản nhạc mà chúng tự hòa trộn các âm điệu đã nghe được trong suốt thời gian qua.

Mùa sinh sản của chúng thường kéo dài từ mùa Xuân cho đến Thu, nhưng hoạt động duy trì nòi giống tích cực nhất lại là từ tháng Tư đến tháng Chín. Con đực thường bay lượn xung quanh con mái và cất giọng hót du dương để thu hút các nàng. Nếu chàng nào có vẻ trổ mã, giọng hát hay truyền cảm thì con mái sẽ đồng ý để con trống đậu lên mình giao hợp. Nếu nàng không thích đối tượng đó hoặc chàng chim trống không đẹp trai, hát không hay thì nàng sẽ kêu và cắn, xua đuổi dữ dội.

Mỗi một cặp chim thường sinh khoảng 4 – 5 trứng đặt trong một cái tổ làm từ lá, vỏ cây khô, có khi là dương xỉ được chúng kết lại, đặt trong hốc cây khá kín đáo và ở một độ cao nhất định để an toàn cho con chúng. Thời gian ấp trứng là khoảng hai tuần, cả chim bố lẫn chim mẹ sẽ làm nhiệm vụ ấp và canh chừng kẻ thù tự nhiên. Nhưng khi trứng sắp nở và lúc chim con nở ra, chim bố sẽ đi kiếm mồi và bay về tổ đưa cho chim mẹ để chim mẹ mớm mồi cho con ăn. Chim non ở với bố mẹ cũng hơn mười ngày rồi sau đó mới tự lập.

Tuổi Thọ Của Chích Chòe Lửa

Thông thường, một con Chích chòe lửa tùy theo môi trường sống mà thời gian tồn tại của chúng trong khoảng từ 10 năm trở lên. Đa phần ở ngoài tự nhiên, chúng khá thọ. Nhưng nếu nuôi nhốt, chăm sóc cẩn thận với điều kiện lí tưởng, gần gũi với thiên nhiên thì chúng cũng có thể sống lên đến 15 năm.

Đặc biệt, Chích chòe lửa nếu được nuôi nhốt từ khi mới nở thì phải mất hai năm – có khi là ba, bốn năm, chúng mới có thể hót như ý muốn của con người. Ở trong tự nhiên, sống cùng đồng loại và nhiều loại chim khác thì chúng đã phát triển kĩ năng này sớm hơn.

Cách Nuôi Chích Chòe Lửa

Chính vì có khả năng ” ca hát ” trời phú mà Chích chòe lửa là đối tượng được con người săn lùng nhiều nhất. Nuôi để làm cảnh là một phần, nuôi để nghe chúng hót và đem đi thi đấu lại còn nhiều hơn. Việc nuôi Chích chòe lửa không còn là điều khó khăn nữa. Nhiều người đã trở thành dân chơi chim sành sỏi – biết lựa con chim nào có thể hót tốt, thậm chí họ còn tìm cách huấn luyện giọng cho chim.

Tôi không rành và cũng không hứng thú với việc nuôi chim cho lắm, nên chỉ xin góp nhặt một số kiến thức nho nhỏ khi nuôi Chích chòe lửa này.

Vậy nên ai muốn mua chim phải biết rõ dấu hiệu về loài và giới tính của chúng, và phải quan sát kĩ lưỡng dưới chân chim. Bởi chim non và chim đã trưởng thành, hót hay thì sẽ có những đặc điểm khác nhau. Những con lâu năm bắt chước được nhiều thứ tiếng – kể cả tiếng người, sành sõi hót hay thì có đôi chân khá dẹt, dưới chân có lớp vảy màu trắng. Những con còn non thì đôi chân của chúng tròn trịa, màu hồng và chưa có vảy nào.

Đáng chú ý thêm là, chim nếu được nhuộm lông ( thường không phải là chim Chích chòe lửa ) thì rất thích tắm. Bởi lớp sơn trên lông luôn khiến chúng có cảm giác nặng nề. Khi tắm chúng cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng bởi gột rửa bớt được lớp sơn đó.

Lồng nuôi cho Chích chòe Lửa cần phải đủ cao và rộng. Bởi giống này khi trưởng thành cái đuôi của chúng khá dài ( hơn 20 cm ).

Nếu mua chim non thì cần chú ý thức ăn cho chúng qua nhiều giai đoạn tới lúc trưởng thành. Có những con quá nhỏ còn chưa học được cách chủ động lấy thức ăn thì người chăm cần phải mớm mồi cho nó. Hãy để ý chúng thường xuyên, đừng để chúng đói hay khát nước. Thức ăn cho Chích chòe lửa tuy số lượng không nhiều nhưng cũng nên đa dạng, phù hợp với từng thời kì của chúng. Ngoài bột đậu phộng trộn với trứng theo tỉ lệ 70 – 30 là thức ăn dặm thì ta có thể cung cấp thêm cho chúng những thức ăn tươi trong tự nhiên : giun đất, cào cào châu chấu, trứng kiến, sâu quy… Những thức ăn tươi này chính là những nguồn dinh dưỡng quan trọng cho chúng trong thời kì thay lông, trưởng thành và giúp chúng có được giọng hót hay.

Đa phần người nuôi chim thì chỉ quan tâm tới giọng hót của chúng. Như đã nói ở mục 2, Chích chòe lửa trong điều kiện nuôi nhốt thì không thể nào hót hay trong vòng 1 năm đầu, sớm lắm là hai năm – có khi trễ hơn. Vậy nên nếu muốn thúc giọng và rèn cho chim nó hót hay lão luyện càng sớm càng tốt thì cần phải cho nó nghe nhiều âm thanh khác nhau, cho nó đi tiếp xúc với đồng loại và các loài chim khác. Bởi trong một cuộc thi đấu chim – người ta sẽ cho các con chim dự thi cùng hót với nhau xen lẫn với nhiều con khác nhằm tìm kiếm xem thử trong môi trường ” hỗn loạn, ồn ào ” ấy, con nào hót khỏe nhất, lâu nhất và giọng hót hay nhất thì con đó mới là chim chiến thắng.

Nuôi chim là một thú vui, nghe chúng hót cho vui cửa vui nhà không xấu. Nuôi chim để đi thi đấu cũng không phải là việc làm tệ hại gì ( Bởi người nuôi nhằm mục đích thi hót thì họ chăm sóc chim rất kĩ lưỡng, cẩn thận ). Tuy nhiên, sự săn tìm khiến cho các loài chim trong tự nhiên ngày càng hiếm đi lại là điều Góc tò mò không khuyến khích. Bởi cái gì cũng cần phải có chừng mực giới hạn. Chúng sinh ra trong tự nhiên, sống tốt trong tự nhiên thì cuộc đời chúng cũng thuộc về nơi đó.