Xem Nhiều 5/2024 # Nhân Giống Chim Chào Mào: Những Điều Cần Biết # Top 1 Yêu Thích

Mùa giao phối của chào mào là từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau. Để chim sinh sản tốt, đầu tiên chào mào bố và mẹ phải được nhốt riêng, với chế độ dinh dưỡng khác nhau. Cặp chào mào được chọn ít nhất phải được 12 tháng tuổi. Điều này sẽ giúp hoạt động giao phối của chào mào diễn ra suôn sẻ.

Chào mào trống: Khẩu phần ăn hàng ngày bao gồm cám tổng hợp, trái cây và côn trùng. Những côn trùng chứa nhiều dinh dưỡng nhất bao gồm dế con, trứng kiến, sâu gạo sẽ giúp chim khỏe mạnh.

Chào mào mái: Có chế độ ăn hầu như giống với chim trống nhưng phải bổ sung thêm các loại khoáng, vitamin vào thức ăn. Bổ sung trái cây theo mùa cho chim ăn.

Lưu ý, việc ghép đôi chỉ diễn ra sau khi chim đã có ít nhất 1 lần thay lông và sức lực sung mãn.

Trường hợp bạn không có thuốc thì phải cho chim ăn thật nhiều trái cây và côn trùng, thay đổi chế độ ăn đa dạng khác nhau. Đặc biệt là chim mái, chế độ ăn phải đảm bảo đủ chất để chim khỏe, tạo trứng non tốt. Trong giai đoạn này, chim mái sẽ tự vặt lông bụng của mình để lót ổ, nên bạn cần cho chim ăn những thực phẩm giúp chim nuôi lông.

Khi trời vừa chạng vạng, tắt nắng thì bạn nên cho cặp chào mào đi ngủ, giữ xung quanh lồng chim được yên tĩnh. Ngủ sâu, đủ giấc giúp chúng tăng cường sức khỏe cũng như đề kháng.

Tiến hành cho chào mào sinh sản

Để chào mào sinh sản thành công, bạn phải đảm bảo các điều kiện sau đây.

Lồng ghép đôi tối thiểu phải có chiều rộng 1,2 m, chiều dài 2m và cao 1,5m, được bao quanh bằng lưới thép không gỉ. Mỗi lồng chỉ nên đặt 1 cặp trống mái, bởi chúng thường có hành vi hung dữ trong mùa giao phối, kể cả với đồng loại.

Lồng phải cách mặt đất thấp nhất là 2m, có rãnh để dễ vệ sinh phân chim, trong lồng bố trí sao cho có chỗ để chim làm tổ. Bạn cần phải đảm bảo chúng không xây tổ quá gần mái lồng. Trong thời tiết nắng nóng, việc xây tổ quá gần mái lồng có thể khiến chúng căng thẳng do nhiệt hoặc mất nước, thậm chí có thể khiến chim tử vong. Tổ quá nóng cũng khiến quá trình ấp trứng của chim mái gặp khó khăn.

Lồng cũng phải có đĩa nước cho chim uống, nhiều cành đậu cho chim non tập chuyền, nhưng đừng đặt quá cao sẽ khiến chim non dễ bị trượt chân. Lồng phải che được nắng mưa, đặt ở nơi kín gió, tốt nhất là hướng Đông để chim đón nắng sớm. Vào những ngày nắng to, bạn nên đặt lồng chim ở những nơi có bóng râm, mát mẻ, che chắn bằng tôn hoặc gỗ tạo cảm giác thoải mái và an toàn cho chim, khiến chim không bị căng thẳng khi đẻ và ấp trứng.

Chọn chào mào trống và mái

Chim trống và mái trông rất giống nhau. Tuy nhiên, nếu bạn tập trung quan sát thì vẫn có thể phân biệt được. Thông thường, chào mào mái chỉ bằng ¾ chào mào trống. Chiếc mào của con trống cao chót vót, uy nghiêm. Trong khi con mái, ngược lại, chiếc mào thấp, bè và đầu cũng nhỏ nữa. Móng vuốt của chim trống dày và sắc hơn chim mái. Còn 1 đặc điểm nữa là lông chim trống cứng và xơ hơn.

Chim mái có bản tính cảnh giác rất cao. Nên trong 1 bầy chào mào, nếu bạn thấy con nào ít hoạt động, luôn nhìn ngang nhìn dọc, thì đó chính là chim mái.

Cho chào mào bắt cặp với nhau

Như đã nói ở trên, cặp chào mào phải được ít nhất 12 tháng và trải qua 1 lần thay lông. Khi đến kỳ sinh sản, chim trống sẽ có biểu hiện như hót nhiều hơn mọi ngày, sức lực sung mãn. Còn chim mái phát ra nhiều tiếng rên nhỏ, kêu suốt đêm ngày để tìm bạn tình.

Khi tiến hành cho chim bắt cặp, đầu tiên bạn cho chim trống vào lồng trước, rồi mới cho lồng chim mái vào sau. Nếu chim trống hót to, ve vãn chim mái, đồng thời chim mái đáp lại bằng cách cúi đầu, vẫy cánh, múa đuôi, mào nâng và hạ xuống liên tục, thì ta tiến hành thả chim mái vào chung lồng với con trống.

Trường hợp mái không chịu trống hoặc ngược lại, bạn phải đổi bạn tình cho chúng lập tức. Bởi đây là loài chim nổi tiếng hung dữ, nếu không phải “đối tượng yêu thích”, chúng sẽ cắn nhau đến chết.

Thông thường, 1 cặp chào mào xây tổ cao 8 cm, rộng 8 – 10 cm, chiều sâu tổ tầm 5 cm. Tổ được làm bằng lông chim, cành cây, vỏ cây, lá và cỏ, hoặc bất cứ thứ gì chúng thu lượm được. Sau khi làm tổ, chim mái sẽ đẻ từ 2 – 4 quả trứng, có màu đỏ hoặc nâu sẫm, chấm trắng li ti với kích thước khác nhau.

Giai đoạn chào mào ấp trứng và nở con

Chim trống và mái sẽ thay phiên nhau ấp trứng đến khi trứng nở là 12 – 14 ngày. Phôi bên trong trứng cũng rất nhạy cảm với nhiệt độ cao. Do đó, trong 1 số trường hợp, trứng phải được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời. Lưu ý luôn cung cấp đầy đủ cám, trái cây và côn trùng cho chúng. Vì nếu thiếu thức ăn, chim trống có thể phá tổ hoặc ăn cả con non của mình.

Khi chim non nở, chưa có lông, mắt nhắm nghiền, má trắng, với mỏ màu đỏ luôn há to đòi ăn. Chào mào non chỉ ăn côn trùng và sâu bọ, các thực phẩm chứa nhiều protein giúp chúng phát triển nhanh.

Bổ sung cho chim bố mẹ chuối, bầu, cà chua, đu đủ. Nếu được, có thể thêm quả lục bát để đảm bảo chúng có sức khỏe nuôi con và tiết ra nước dãi tốt, 1 loại sữa non giúp tăng sức đề kháng cho chim non. Chào mào bố mẹ sẽ luân phiên nhau tha mồi về nuôi con.

Chim non mọc lông hoàn toàn sau khoảng 10 ngày và biết chạy sau khoảng 12 ngày. Chim bố mẹ sẽ bắt đầu dạy chúng tập bay. Đến giai đoạn này, chim non có thể ăn trái cây và cám tổng hợp. Những con chim non có thể hoàn toàn độc lập sau 3 tuần. Bạn có thể bắt chúng ở giai đoạn này.