Thịnh Hành 4/2024 # Ngôn Ngữ Của Các Loài Chim – Kipkis # Top 9 Yêu Thích

19. Ngôn ngữ của các loài chim

Việc tìm hiểu “ngôn ngữ” của các loài chim đã từ lâu hấp dẫn sự chú ý của nhiều người và biết bao nhiêu câu chuyện dân gian của nhiều dân tộc đã kể về những con người tài ba, có thể nói chuyện được với chim muông. Nhưng đó chỉ là những câu chuyện thần thoại!

Hiện nay, những người như giáo sư Xôke ở Hungari, Lôren ở Đức, Tinbengen ở Anh và Lecman ở Mỹ cũng là những người gần như có thể hiểu được tiếng chim. Họ đã bỏ biết bao nhiêu công sức để nghiên cứu về tiếng nói của các loài chim, nhưng dầu sao cũng không ai trong họ quả quyết rằng mình có thể dịch được tiếng chim ra tiếng người. Chúng ta đã công nhận rằng chim phần nào có khả năng học tập, nhưng chắc chắn rằng “ngôn ngữ” của các loại chim lại là một thứ ngôn ngữ bẩm sinh, không giống với ngôn ngữ của loài người là phải học mới nói được.

Trong thứ “ngôn ngữ” của chim, tiếng hót giữ vai trò quan trọng. Vì sao chim hót và tiếng hót của chim có ý nghĩa gì? Để tìm hiểu điều đó có lẽ trước tiên chúng ta nên phân biệt tiếng hót và mọi loại tiếng kêu khác của chim. Olin Xêoan Pettingin, giám đốc phòng nghiên cứu chim ở Trường Đại học Cócnen đã đưa ra định nghĩa về tiếng hót của chim là “một chuỗi âm thanh được lặp đi lặp lại theo những cách đặc trưng và thường là do con trống phát ra trong mùa sinh sản”. Giáo sư Mansepxki ở Trường Đại học tổng hợp Lêningrát lại định nghĩa tiếng hót của chim là “những dấu hiệu đưa đến sự gặp gỡ giữa chim trống và chim mái đồng thời đó là tín hiệu của sự chiếm lĩnh vùng làm tổ và sự xác định ranh giới vùng đó”. Cả hai cách định nghĩa trên đều có ý tránh không dùng từ “phát âm” với hàm ý tiếng hót còn bao gồm cả những tiếng gõ nhịp nhàng của con gõ kiến hay tiếng đập cánh của gà rừng v.v…

Có những điệu hót nghe thánh thót, du dương, âm điệu phong phú như những bài ca tuyệt diệu của họa mi, khướu, chích chòe, sơn ca, những “ca sĩ” rất mực tài ba trong các loài chim ở nước ta. Nhưng cũng có những “điệu hót” nghe chói tai hay lê thê, một thứ tiếng không phải là âm nhạc như tiếng chèo chẹo ở rừng Tây bắc hay tiếng kêu “mùa khô” liên hồi của một loài chim cú rốc trong các rừng khộp ở Tây Nguyên. Dù đó là điệu hát mê li của loài sáo sống trong các cánh rừng mơ rộng ở Mêhicô hay là tiếng nấc lên buồn thảm của loài cuốc ở đồng ruộng vùng đông nam châu Á thì ý nghĩa của tiếng hót đều cơ bản như nhau. Trước hết đó là tiếng của chim trống công bố vùng đất sở hữu của mình và báo cho các chim trống đồng loại biết mà tránh xa, còn đối với chim mái thì đó lại là tiếng nói tỏ tình, là dấu hiệu tỏ rõ mình là trang nam nhi tuấn tú. Người giầu cảm xúc thường nghĩ rằng những khúc giai điệu mùa xuân của các loài chim là bài hát ca tụng niềm vui, thì thật khó mà tin được rằng đó thường lại chỉ là lời công bố về quan hệ pháp lý – một lời tuyên bố cứng rắn với kẻ đối thủ mà thôi. Tiếng hót càng liên tục hơn, càng hăng hái hơn khi ca sĩ biết rằng có một con chim trống khác đồng loại đang nghe, và hẳn là khi có kẻ vi phạm đường biên giới vô hình của vùng đất đã được xác định, hắn sẽ bị đánh đuổi, nhưng thường là chỉ nghe tiếng hót hăng hái thôi cũng đủ khiến hắn phải lảng ra xa rồi.

Tiếng hót vào đầu mùa xuân có lẽ là tiếng hót mạnh mẽ nhất, dứt khoát nhất, dai dẳng nhất và cũng là lời tuyên bố đanh thép nhất. Ngay một tiêu bản của chim trống nhồi, dù vụng về đến mấy mà đặt vào trong vùng lãnh thổ của một con chim đang hót đó, nó cũng xông vào đánh, đặc biệt là khi có máy ghi âm phát thêm tiếng để gợi sự chú ý nữa. Nhưng một con chim cổ đỏ sẽ không công kích một con sẻ nhồi, hoặc một con sáo. Nó chỉ phản công đối với chim cổ đỏ mà thôi. Davít Lac ở trường Đại học Oxfo khi thí nghiệm với con chim cổ đỏ nước Anh, ông đã phát hiện ra rằng cái mà làm cho con cổ đỏ nổi xung lên chính là cái ngực đỏ của đối thủ. Ngay chỉ một chùm lông ngực đỏ quấn vào dây thép cũng bị tấn công dữ dội. Thậm chí khi cái đó đã được cất đi, con chim vẫn hăng hái xông vào đánh chỗ đặt chùm lông. Nói chung những kiểu dựng lông cổ lên, những màu sắc rực rỡ của bộ lông, hay là mọi thứ trang hoàng khác chỉ xuất hiện vào mùa sinh sản đều là có ý nghĩa khiêu khích hay hăm dọa đối với con trống khác, đồng thời lại là cái để chinh phục các con chim mái. Sự tấn công và đánh trả đã làm cho tiếng hót của chim phát triển đến mức cao độ và nếu như không có những sự kiện này thì cuộc sống của con chim hẳn là mất đi nhiều vẻ quyến rũ của nó.

Nếu như một con chim trống nhồi đã có thể kích nên một trận đánh nhau ác liệt thì không có gì lạ là một con chim mái nhồi lại gây nên một phản ứng ngược lại. Cũng tiếng hót đó nhưng bây giờ nó có vẻ êm dịu hơn, thánh thót hơn. Dầu cho con chim nhồi có tỏ vẻ lãnh đạm, thì cũng không hề gì. Chừng nào nó còn tỏ ra là một con chim mái của loài đó, thì nó vẫn còn vẻ hấp dẫn và con chim trống nồng nhiệt bị lừa kia vẫn cứ hót và quay đi quay lại xung quanh cái tiêu bản nhồi ngay cả khi nó đã bị vặt cả đầu lẫn cánh.

Uynliam Vốt trong khi nghiên cứu về con sẻ bụng vàng trống, đã làm thay đổi màu sắc của một con mái nhồi bằng cách dán một dải băng đen qua mặt nó (con trống của loài này có dải đen đó, con mái không có). Khi con trống quay trở lại, theo nhận xét của Vốt thì phản ứng đầu tiên của nó là sững sờ vì ngạc nhiên, “dường như chim mái đã phản bội”, sau đó nó xông vào đánh kẻ lừa gạt.

Chim mái cũng có tiếng nói riêng của nó để tỏ tình. Khi một con chim mái bị hấp dẫn bởi tiếng hót của chim trống mà đến gần thì đầu tiên, con chim trống còn hăm dọa nó. Nhưng nó đã biết làm nguôi cơn giận của chim trống bằng một dấu hiệu xoa dịu, một cử chỉ tế nhị, một tiếng kêu dịu dàng mà chỉ đồng loại mới thông cảm được như cái vẩy đầu duyên dáng mà điển hình của con mòng biển đầu đen, hay nhịp vỗ cánh kiểu đòi ăn của chim non với tiếng kêu chíp chíp để biểu thị sự quy phục của nhiều loài chim cỡ nhỏ. Đó là một kiểu nói chuyện có tính chất “làm nũng”, “trẻ con” của loài chim nhưng lại dẫn đến sự kết đôi trong mùa sinh sản.

Tiếng hót của các loài chim thường được bắt đầu từ lúc sáng sớm. Nó cất lên hăng hái rộn ràng nhất vào lúc Mặt trời vừa mọc, giảm dần cho đến lúc gần trưa để rồi lại tiếp tục mạnh lên vào khoảng xế chiều. Tiếng hót của nhiều loài chim, hình như không biết mệt mỏi, nó vang lên từ lúc mới rạng đông và kéo dài không dứt cho đến tận chiều tối như tiếng của nhiều loài chim sống trong các khu rừng rụng lá bao la vào mùa khô ở miền Tây nam nước ta hay tiếng của chèo chẹo, tu hú, cu rốc có ở nhiều vùng. Cũng có một số loài chim mà tiếng “hót” của chúng kéo dài cả suốt đêm khuya như cuốc và tìm vịt. Đó là những tiếng hót đầu mùa sinh đẻ của các loài chim, lúc mà ranh giới vùng làm tổ còn có chỗ tranh chấp và cũng là lúc mà nhiều chim trống chưa tìm được bạn lứa đôi. Nhưng rồi ít lâu sau, tiếng hót của chim có phần thưa bớt, nhưng lại giàu tính chất tình cảm. Nó mang nhiều ý nghĩa khẳng định lòng trung thành giữa đôi bạn trong mùa sinh đẻ hơn là để xác định vùng đất, vùng trời.

Dường như trong thế giới các loài chim có một quy luật bù trừ là những loài có màu sắc giản dị lại là những ca sĩ tài ba. Về điều đó. chúng ta có thể nghĩ rằng những loài chim có bộ lông rực rỡ thì ngôn ngữ để tỏ tình cảm của chúng chính là màu sắc, là dáng điệu như các loài chim thiên đường, công, trĩ. Còn những loài chim có màu nâu xám của đồng ruộng như sơn ca, chiến chiện chúng không có bộ cánh bảnh bao và không có vẻ đẹp bề ngoài hấp dẫn, màu lông của chúng mộc mạc như hòn đất, củ khoai thì thiên nhiên đã phú cho chúng giọng hót mê ly. Chúng bay bổng lên cao và ngự trị cả một vùng rộng lớn bằng giọng hót véo von không dứt của chúng.

Trước khi có máy ghi âm hiện đại, Arêtas Xaođơ, nhà phân tích tài ba về tiếng hót của chim đã sáng tạo ra một hệ thống ký hiệu để ghi lại và diễn đạt bằng hình tiếng hót của chim. Dựa vào đôi tai phi thường của mình và hệ thống ký hiệu, ông đã phát hiện ra rằng trong nhiều loài chim không bao giờ có 2 tiếng hót của 2 cá thể hoàn toàn giống nhau. Qua nhiều năm nghiên cứu ông đã ghi lại được 884 dạng tiếng hót khác nhau của chim sẻ lưng vàng ở Bắc Mỹ. Ít năm sau, Bôro tiếp tục nghiên cứu sâu hơn với chiếc máy ghi âm. Ông tập trung nghiên cứu tiếng hót của chim sẻ lưng vàng ở đảo Hốt. Ông đã ghi được 462 lần tiếng hót của nó và khi phân tích thì thấy rằng có 13 kiểu hoàn toàn khác biệt và 187 kiểu phụ. Tuy thế nhưng tính chất cơ bản thì vẫn như nhau và qua mỗi điệu đều có thể nhận biết ngay là tiếng hót của sẻ lưng vàng.

Rõ ràng là những nét khác biệt trong tiếng hót của các cá thể mà tai chúng ta không nhận biết được đã giúp cho chim nhận ra hàng xóm của mình và phát hiện ra kẻ lạ mặt.

Máy ghi âm đã góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu tiếng hót của chim. Nhờ có máy mà người ta đã ghi được nhiều thứ tiếng hót khác nhau của chim. Máy ghi âm còn dùng để phân tích tiếng chim, bằng cách cho máy chạy chậm lại lúc phát tiếng ra hay cho băng ghi âm qua giao động ký. Nhờ cách phân tích như vậy mà người ta đã phát hiện được nhiều điều lý thú trong tiếng hót của chim và một khoa học mới đã ra đời: khoa âm sinh học.

Âm thanh của chim phát ra không phải chỉ có tiếng hót mà còn có nhiều thứ tiếng kêu khác (như ta thường hay gọi) do chim phát ra trong những hoàn cảnh khác nhau. Ta có thể chia âm thanh của chim ra làm 5 loại chính với ý nghĩa: 1) hoạt động tập hợp thành bầy, 2) báo có thức ăn, 3) báo có kẻ thù, 4) thể hiện tình cảm mẹ con và 5) biểu thị tình yêu và xung đột. Tiếng hót của chim dĩ nhiên là nặng về ý nghĩa cuối cùng này. Ngoài ra trong khi bay di cư nhất là về đêm chim thường phát ra một thứ tiếng ngắn gọn, mà không nghe vào những lúc nào khác. Tất nhiên những âm thanh này chỉ có ý nghĩa là để thông tin với nhau về đường bay, lúc không trông thấy nhau vì cách xa nhau hay vì tối trời.

Khi quan sát chim hoạt động trong thiên nhiên chúng ta có thể nhận thấy được một cách dễ dàng ý nghĩa của những âm thanh mà chúng phát ra từng lúc. Trên bãi phù sa ở cửa sông Hồng nơi một bầy ngỗng trời về đây trú đông đang kiếm mồi, chúng chuyện trò rầm rì nho nhỏ, nhưng bỗng một tiếng rống to báo hiệu, tất cả vội vàng cất cánh và khi cả đàn chim đã bốc lên cao, dàn thành hình mũi tên dài, bay về phía chân trời thì cả đàn lại cất lên một điệu hợp xướng sôi nổi. Hẳn là mỗi thứ âm thanh mà đàn ngỗng phát ra đều mang ý nghĩa riêng của nó.

Tiếng kêu báo động cũng là một thứ tiếng phổ biến của các loài chim, và tùy theo mức độ nguy hiểm mà tiếng kêu đó có khác nhau. Một con gà mái khi nhận thấy có bóng dáng diều hâu, nó liền phát ra một thứ tiếng chói tai khiến cho đàn gà con tản ngay vào chỗ ẩn nấp, nằm im thin thít, còn khi có con chó hay người lạ đến gần thì tiếng báo động chỉ là tiếng cục tác và đàn gà con cũng chỉ chạy xúm lại gần mẹ mà không tìm chỗ ẩn nấp như khi có diều hâu.

Có thể nói rằng mọi âm thanh mà chim phát ra đều mang một ý nghĩa riêng, nó là một thứ “lời nói”, một thứ “ngôn ngữ” để thông báo cho đồng loại biết một tin tức nhất định nào đó. Thậm chí các loài chim khác nhau cùng chung sống với nhau ở một môi trường như trong một cánh rừng, trên một vùng đồng lầy, không những hiểu được nhiều thứ tiếng kêu của các loại khác như tiếng kêu gọi đàn, tiếng kêu xuất phát, tiếng gọi tập hợp, tiếng gọi đến ăn, tiếng báo động…, giống như một người nói tiếng Việt mà đồng thời nhận ra ý nghĩa cơ bản của những câu nói bằng tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp mà người ấy không biết.

Tác phẩm, tác giả, nguồn

Tác phẩm: Đời sống các loài chim

Tác giả: Võ Quý

Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội – 1978

Đôi dòng về tác giả: GS. Võ Quý: Ông dành cả cuộc đời say sưa nghiên cứu các loài chim và có nhiều đóng góp lớn cho khoa học môi trường Việt Nam và thế giới. Ông là người Việt Nam đầu tiên ở Châu Á giành được giải thưởng Blue Planet Prize về môi trường.

“Like” us to know more!

Knowledge is power