Xem Nhiều 5/2024 # Tản Mạn Về Thú Chơi Chim Cảnh # Top 1 Yêu Thích

Chơi chim cảnh là một thú vui dân dã và là niềm đam mê của rất nhiều người. Không kể giàu nghèo, không phân biệt nam nữ, bất kì những ai yêu thích chim cảnh đều tìm thấy cho mình một loài chim làm bạn. Có người mê tiếng hót du dương của chim họa mi, sơn ca, người khác lại yêu vẻ đẹp của những chú chích chòe lửa, chích chòe than. Lại có người ưa tiếng “lích cha lích chích” của chim vành khuyên, nhỏ nhắn trong bộ lông màu xanh nhạt. Người thành phố thích chơi chim bởi loài chim tượng trưng cho vẻ đẹp của núi rừng, cho cuộc sống thiên nhiên nơi hoang dã mà cuộc sống ở vùng đô thị ồn ào náo nhiệt họ không mấy khi được tận hưởng. Họ tìm thấy những âm thanh nguyên sơ, trong trẻo, những niềm vui nho nhỏ từ thú vui này. Con chim trở thành người bầu bạn sớm hôm, bằng giọng hót du dương trầm bổng, nó khiến cho mọi người quên đi nỗi lo toan của cuộc sống thường ngày. Nghe tiếng chim, người ta bỗng thấy lòng mình thanh thản hẳn, cảm giác nhẹ nhàng và thư thái cho một ngày làm việc mới đầy hiệu quả.

Những loài chim được ưa thích nhất là họa mi, sơn ca, chích chòe và chào mào. Những người chơi giàu kinh nghiệm có thể phân biệt được từng con chim hay qua dáng điệu, hình thể và đặc biệt là giọng hót. Không phải con chim nào cũng giống nhau mà tùy vào nơi sinh sống, mỗi con có một vị thế riêng. Không phải những nơi “đất lành chim đậu” là có nhiều chim hay mà tùy thuộc nhiều yếu tố. Chim hay chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố “địa linh nhân kiệt”, mỗi vùng sản sinh ra một giống chim tốt hơn hẳn so với các nơi khác. Chẳng hạn với loài khướu và chích chòe chỉ có vùng đất Phong Sơn mới sản sinh ra giống tốt, chim chào mào thì nổi tiếng ở Bình Điền, Nam Đông, họa mi phải kể đến các vùng đất như Đồng Lê, Quy Đạt ở Quảng Bình…

Người chơi chim thú nhất là xem chim đá. Bằng giọng hót có uy lực và khẳng định vị thế của mình, từng con chim ganh nhau tiếng hót và sẵn sàng bay vào đánh nhau quyết tử với đối thủ của mình. Một con chim rừng khi nghe tiếng hót của chim nhà, từ vị trí cách xa 50m nó sẽ làm một cú bổ nhào vào đối thủ đang ở trong lồng bất kể hiểm nguy.

Người chơi chim muốn có chim hay thường phải tốn rất nhiều công huấn luyện và nuôi nấng. Những con chim hay thường là của hiếm, vì thế giá trị của nó càng cao.

Có những con chim có vẻ ngoài bảnh choẹ, dáng chuẩn và bộ lông màu mè, mượt mà, đó là hoàng yến, yến phụng, thanh tước, hoả tiễn, chích choè…

Chim hót lại chỉ cần hót hay là được, vẻ ngoài không là yếu tố quyết định để lựa chọn. Tuy vậy, hót hay cũng phải tuân theo những “chuẩn” nhất định nào đó. Ví dụ với chim gáy, tiêu chí đánh giá tiếng hót hay là phải gáy đủ ba loại tiếng gáy gọi, gáy trận và chu.

Trong số chim hót, còn chia làm chim dạy nói như vẹt, nhồng, cưỡng, sáo… hay chim có giọng hát hay là sơn ca, hoạ mi, khướu, thanh lam, hồng hoàng…

Còn về chim đá, chích choè, chìa vôi được mệnh dânh là chim võ sĩ. Chúng được chăm sóc, rèn giũa một cách công phu để đá cược với nhau.

Tuỳ chất lượng (đẹp, hót hay, đá giỏi) của mỗi loại chim mà giá trị của chúng cũng cao thấp khác nhau. Giá cả chim cảnh phổ thông khá ổn định vì lượng người mua là nhiều nhất, mức giá cũng được xác định.

Với các loại chim có thể cải tạo và tiến bộ theo sự giáo dục, nuôi dưỡng của chủ nhân, giá trị có thể vô cùng. Tuy vậy, kỷ lục về giá có lẽ thuộc về các “chiến binh” chim đá từng đoạt chức vô địch tại một giải nào đó. Dân cá cược có thể bỏ ra cả chục triệu đồng để sở hữu con thắng cuộc. Tuy nhiên, mức giá đó còn gồm cả lợi nhuận tương lai mang lại của nó khi đá thắng trong các cuộc cá cược sau này.

Mâu thuẫn lớn nhất của việc chơi chim cảnh chính là cái lồng nuôi. Chim cảnh chỉ có thể chơi nếu có lồng nhưng nó lại làm mất sự tự do của chim. Vì vậy, thiết kế và đặc điểm hợp lý của chiếc lồng sẽ làm giảm mâu thuẫn này. Sự phù hợp đó chỉ tồn tại với từng loại chim khác nhau.

Dân chơi thường làm lồng bằng tre hay gỗ vót nhỏ có chiều cao và mảnh cho sơn ca, hoạ mi. Còn hồng hoàng, ngọc yến dùng lồng thấp và nhỏ hơn. Sáo, két, nhồng, cưỡng… thường được nuôi trong những chiếc lồng có hình dạng quả chuông úp. Ngoài tre và gỗ, vật liệu làm lồng chim có cả đồi mồi và ngà voi.

Bên cạnh lồng nuôi, người chơi tiếp tục “nghĩ” tới khoản ăn uống cho chim cùng cách chăm sóc, phòng bệnh trong quá trình nuôi. Tắm cho chim hay chữa trị cho chúng mỗi khi bị bệnh, thêm cả việc chống rét mùa đông và chông nắng mùa hè là những việc phải tính tới tiếp theo.

Tuy được coi là dân dã, chơi chim cảnh hay bất cứ thú chơi nào khác cũng đòi hỏi niềm đam mê. Chính niềm đam mê đó giúp chủ nhân của những con vật đáng yêu này không cảm thấy “phí thời gian” hay “mất công mất việc” với những điều mình đang làm.

Nghệ thuật chơi chim đá

Chim đá hay hoặc dở tùy ở từng con. Cái tài của con chim đá hay là do thiên phú, mà cũng có thể là do ở kinh nghiệm mưu cầu sự sống. Nghệ nhân nuôi chim đá, tất nhiên phải cổ công chọn lựa những con chim có đủ tài năng ra nuôi riêng, có khi vài chục con mới chọn được một. Tiêu chuẩn chọn một con chim đá, thường phải xét qua những phần sau đây:

– Phần đầu: Đầu chim đá trước hết phải to, phải chọn con đầu xà (đầu rắn), loại đầu hơi bằng, gần ngang với chiều của mỏ chim. Chim có loại đầu này vừa lanh lẹ, vừa lì lợm, tránh đòn hay mà trả đòn cũng lẹ.

– Phần mắt: Mắt phải tinh anh, ngời sáng. Chim mắt méo mau sung hơn chim mắt tròn.

– Phần mỏ: Mỏ dài vừa phải, chót mỏ hơi khum như mỏ sẻ. Mỏ này mổ đau, cắn mạnh.

– Phần chân: Chân chim đá phải to, khỏe, không thương tật, bàn chân lớn, ngón và móng toàn vẹn. Móng không cần dài, nếu dài phải cắt bớt.

– Phần thân mình: Lớn con, dài đòn, tướng oai phong.

– Phần đuôi: Lông đuôi đầy đủ, dài và dày, tạo thế đứng vững cho chim khi đá, và khi bay lên đáp xuống lách lái được dễ dàng.

– Phần lông: Mỏng lông, chim đủ lửa sung sức.

Ngoại hình mà vừa ý ta mới chọn đến tài nghệ của chim. Chim đá cũng như gà đá, mỗi con có những thế đá khác nhau. Có con đá độc hiểm, nhưng cũng có con lớn đòn mà địch thủ không đau. Có con ra đòn nhanh, có con lại rề rà chậm chạp. Có con lì đòn dù thương tật nhiều cũng lăn xả vào đá tiếp, nhưng có con lại nhát đòn chưa đá đã muốn thua…

Người nuôi chim đá tất nhiên phải có cặp mắt tinh tường, phải vận dụng kinh nghiệm chuyên môn của mình để chọn lựa ra những con chim hay, và loại bỏ những con chim dở. Việc này, mình phải tự khắt khe với chính mình. Vì nếu chọn lựa không kỹ ta sẽ bị hao công tốn của do nuôi phải những con chim dở .

Con chim đá khi đấu đá nhờ cậy nhiều nhất ở bộ chân và phần đầu. Chân khóa, mỏ mổ… Tuy nhiên những bộ phận khác tuy là phụ nhưng cũng phải kết hợp nhuần nhuyễn với nhau mới tạo nên những thế đá hữu hiệu được. Chính vì vậy, việc chọn lựa phải kỹ lưỡng, tính toán chi li từng chút một.

Thế đá của chim thường có những kiểu cách sau đây:

– Lấy móng, lấy gối địch thủ, khóa chặt chân địch thủ bằng đôi chân rắn chắc như thép của mình, rồi dùng mỏ mổ lia lịa lên những chỗ nhược như đầu gối, ngón chân…

– Khóa cổ, bóp đầu địch thủ, bàn chân kia khóa chân, khiến địch thủ như bị trói không sao cựa quậy chống đỡ nổi. Đấu đá mà tài tình như vậy thì phần thắng chắc sẽ ngã về con chim khôn.

– Có con kết hợp nhiều thế trong một lúc hoặc buông thế này bắt thế kia, làm cho đối thủ múa may không kịp…

Khi đã lựa chọn đươc cho mình những con có vóc dáng mạnh khỏe, có thế đá tuyệt hay thì chủ nuôi chỉ còn việc nuôi dưỡng chim, chăm sóc chim chu đáo để chim mập mạnh, sung sức (đủ lửa), và tập dượt chim đúng phương pháp để chim đủ lực mà ra thi đấu.

Thức ăn của chim đá: Chim đá do phải tập dượt nhiều lại cần phải tẩm bổ cho khỏe mạnh thêm nên người nuôi phải cho chim hưởng một chế độ ăn uống tốt.

Tùy theo giống chim mà thức ăn được pha chế riêng. Nhưng dù sao thì khẩu phần của chim đá cũng bổ dưỡng hơn khẩu phần của chim hót. Tùy theo kinh nghiệm và ý thích của mỗi người mà công thức pha chế thức ăn có khác nhau, gần như không ai giống ai.

Chăm sóc chim đá: Chăm sóc chim đá cũng như cách chăm sóc chim hót, có khác chăng là cần mẫn và kỹ hơn một chút.

Trước hết là cho ăn uống no đủ, tắm đúng định kỳ, sau đó vệ sinh lồng, cùng những dụng cụ trong lồng như bố lồng, cóng thức ăn, cóng nước uống…

Tập dượt: Nuôi chim đá phải chú trọng đến phần tập dượt cho chim càng chu đáo càng tốt. Chim chỉ nuôi tại nhà (trừ trường hợp nhà có nuôi chim nhiều) không sao tiến bộ về mặt hót và đá được. Hằng ngày, hoặc vài ba ngày, quá lắm là một tuần một lần, ta phải đem chim đến những tụ điểm đấu chim, hoặc đến các câu lạc bộ nuôi chim để chúng có dịp nghe, thấy và học hỏi tài nghệ của các chim lạ. Kinh nghiệm cho thấy, mỗi lần đi dượt về như vậy, chim sẽ sung hơn, hót nhiều giọng lạ hơn và hay hót hơn trước. Việc mang chim đi tập dượt tất nhiên là tốn nhiều thì giờ, và cũng lắm phiền phức, nhưng nếu ta tự hỏi mình nuôi chim với mục đích gì, sẽ thấy thì giờ bị mất đi và công lao phải bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng.

– Dượt chim: Dượt chim là mang chim đến các tụ điểm chơi chim của một số đông nghệ nhân tụ họp, treo chim mình gần với nhiều chim lạ để chúng học hỏi những điều mới lạ của đồng loại chung quanh. Với chim hót thì nhờ vào sự tập dượt đó mà về hót hay hơn, luyến láy nhiều giọng hơn. Với chim đá thì nhờ sống cận kề với chim lạ nên hăng hái hơn, sung độ hơn. Nuôi chim đá ngày nào cũng cho chim đi tập dượt như vậy mối

– Xổ chim: Xổ chim là cho chim đấu đá thực sự với chim lạ, mỗi tuần một lần để cho chim quen dần với trận mạc, đồng thời có nhiều kinh nghiệm trong việc đấu đá, do học hỏi những thế đá hóc hiểm lạ lẫm của các chim lạ. Tuần này cáp với chim này, thì tuần sau nên cáp với chim khác. Có điều là thời gian xổ chim nên thu ngắn lại so với thời gian thi đấu thực sự tại trường thi. Làm như vậy là để dưỡng sức cho chim, đồng thời tránh cho chim bị thương tích trầm trọng.

Việc xổ chim thường xuyên cũng có điều lợi là nhờ vào đó mà ta biết rõ được tài năng con chim mình hay dở ra sao để lo liệu bổ khuyết…Trong việc tranh tài cao thấp, không tốt hơn là “biết mình biết người”.

Trước một tuần thi đấu thực sự, ta không nên tắm cho chim, và cũng không nên xổ chim. Chim đá nên nhốt trong loại lồng tổng lực (loại lồng thật lớn) để chim tự bay nhảy. Chim họa mi đá muốn ngừng hót thì nên thường xuyên phủ áo lồng, nhất là trước ngày thi đá chừng mươi ngày. Chim nuôi đá mà siêng hót thì kém sung.

Tóm lại, nuôi chim đá công phu hơn nuôi chim hót. Sự thắng bại của chim năm phần là do ở người nuôi, vì vậy nếu không đam mê, không chịu khó thì sự thất bại của chim cũng chính là sự thất bại của chính người nuôi.

Nghệ thuật chơi chim hót

Giọng hót của chim được dùng làm lợi khí sắc bén để biểu tỏ sức mạnh của mình trước kẻ thù và để o mái, cho nên suốt đòi, con chim trống nào cũng gắng sức học tập giọng hót hay.

Chúng học tập bằng cách lắng nghe những âm thanh vừa hay vừa lạ để bắt chước hót theo, với mục đích làm giàu cho âm điệu sẵn có của mình. Đó là điều chúng ta có thể kiểm chứng được. Một con khướu nuôi cạnh một con két, chỉ trong một thời gian ngắn, ta nghe được tiếng hót của con khướu có giọng két kêu. Một con họa mi nuôi cạnh một trại gà, nó bắt chước rõ ràng được tiếng gà cục tác, y như tiếng gà thật. Một con chính chòe lửa khi nuôi gần họa mi, dần già cũng nhiễm giọng họa mi…

Và điều đó cũng cho ta thấy rằng khí quản của chim có một cấu trúc đặc biệt. Những con có cấu trúc tốt hơn thì bắt chước tiếng người (như nhồng, két, sáo), còn các loài khác chỉ bắt chước được những tiếng động thông thường.

Vì chim có khả năng bắt chước được những âm thanh xung quanh, nên từ lâu các nhà nuôi chim ở châu Âu đã khôn khéo dùng những nhạc cụ như đàn, sáo, kèn đồng thổi cho chim bắt chước. Sau này, người ta tiến đến việc phát hành những cuốn băng (như băng nhạc) ghi lại giọng hót tiêu biểu của những chim bậc thầy. Ai cần thì mua để vể tập cho chim hót. Người nuôi chim chỉ cần mở cát sét ra để chim lắng nghe và học hót.

Những nghệ nhân biết rằng giống chim hót thích bắt chước những âm thanh lạ ở chung quanh, nên họ thường tụ họp lại một nơi nào đó, treo lồng chim cạnh nhau để chúng bắt chước giọng hót của nhau mà làm giàu cho âm điệu. Những thành phố nào, quận huyện nào có mở câu lạc bộ dành cho những người nuôi chim, thì những nghệ nhân đến đó làm nơi sinh hoạt. Ngoài việc đem lồng chim của mình đến treo chung cho chim hót bắt chước giọng nhau, các nghệ nhân còn trao đổi cho nhau những kinh nghiệm trong nghề nghiệp, hoặc tổ chức thi hót để việc nuôi chim thêm phần hào hứng.