Phổ Biến 5/2024 # Mùa Xuân Với Cùng Thú Thưởng Ngoạn Chim Sơn Ca Và Địa Lan Yên Tử # Top 7 Yêu Thích

Thú chơi sinh vật cảnh ở Yên Hưng là một truyền thống văn hoá lâu đời. Xưa kia, trong khuôn viên mỗi gia đình, giữa sân có hòn non bộ thả trong bể nước với vài cây súng và mấy con cá cảnh. Phía ngoài sân là tường hoa bó hè bao quanh một khu vườn nhỏ. Trên tường hoa đặt vài chậu Hoa Địa Lan lấy từ vùng rừng núi Yên Tử, vài cây bon sai. Trên các cành cây trong vườn treo vài lồng chim Gáy; chim Hoạ Mi; chim Sơn Ca.

Trong các thú chơi sinh vật cảnh của người dân Yên Hưng, nổi tiếng trong vùng vẫn là thú chơi chim Sơn Ca vùng Quảng Yên và Địa Lan của vùng núi Yên Tử.

Chim Sơn Ca Quảng Yên được dân chơi chim cảnh cả nước mệnh danh là đệ nhất Sơn Ca ở vẻ đẹp, tính cách và tiếng hót. Sơn Ca Quảng Yên có nhiều ở Bãi Cháy, Hoành Bồ, Yên Tử, Yên Hưng, nhưng hay nhất vẫn là chim Sơn Ca ở vùng Yên Hưng đặc biệt là Sơn Ca sống ở vùng núi Mắt Rồng, núi Nấm Chiêng, Núi Na thuộc địa phận Yên Hưng. So với chim Sơn Ca vùng Sông Hồng, xứ Huế, Quảng Nam, Hải Phòng, Móng Cái…Sơn Ca Quảng Yên đầu to, cổ vại, cánh dài, đuôi hình đuôi cá hoặc đuôi chuồn chỉ, lông màu vàng nâu sáng có hoa đen rõ nét. Giọng hót có nhiều hồi lèo, hồi kép và dài, tiếng hót mềm, âm hưởng lớn, nghe một con hót có cảm giác như cả một đàn chim dang hót.

Mùa xuân cũng là mùa chim Sơn Ca xung mãn chuẩn bị cho mùa sinh nở. Là thời kỳ chim có bộ lông óng ả và giọng hót hay nhất. Dân chơi thường gọi là hồi giọng, nghĩa là chúng trở về hót đúng giọng tự nhiên của loài chim Sơn Ca ít pha giọng các loài chim khác. Xuân Mậu Tý về, đến thăm vườn cảnh của hội viên sinh vật cảnh Yên Hưng, bạn tâm giao được chiêm ngắm các chậu cây cảnh và bon sai ẩn chứa nhân tình thế thái, được thưởng thức các chậu Địa Lan vương giả trong tiếng thánh thót dìu dặt nhiều khúc điệu của đệ nhất Sơn Ca Yên Hưng.

Địa Lan Yên Tử

Ở Yên Hưng có thú chơi địa lan từ lâu đời. Nhiều lão ông nay ngoài 80 tuổi vẫn còn giữ được trong vườn một số giống Mạc Lan quý của vùng núi Yên Tử do ông cha để lại. Tương truyền vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) sau khi đánh tan đạo binh thuyền của đế quốc Mông – Nguyên trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử năm 1288, Vua đã từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa lên Yên Tử tu hành, lập nên một giáo phái Phật giáo đặc trưng của Việt Nam là thiền phái Trúc Lâm. Ông đã đem theo các giống Địa lan quý từ cung đình lên trồng ở Yên Tử. nguồn ảnh: internet

Về chủng loại Địa Lan, ở Yên Tử có nhiều loài hoa quý: nhiều giống Mạc cánh hoa màu nâu, xanh, xanh nhạt, xanh vàng…có sọc tím; có loài Mạc cánh hoa một màu đen hoặc nâu đen họng vàng hoặc đốm; có loại Mạc cánh hoa một màu vàng, họng điểm nâu… Ngoài các loài Mạc, Địa Lan Yên Tử có nhiều loài quý hiếm hoa một màu, ngồng hoa thanh thoát cân đối với lá, phân bố các bông hoa đều và cân đối. Có loài Địa Lan cánh hoa, nhuỵ hoa đều một màu vàng cháy, vàng thư hoặc vàng nhạt dân chơi thường gọi là Hoàng Vũ; có loài Địa Lan các cánh hoa và nhuỵ hoa một màu xanh như xanh ngọc, xanh lục, xanh nhạt dân chơi thường gọi là Thanh Ngọc, Thanh Trường; có nhiều loài Địa Lan có cánh hoa, nhuỵ hoa một màu trắng thanh khiết. Đặc biệt là Địa Lan Bạch Ngọc Điểm Hương, hiện mới thấy ở vùng núi Yên Tử; cây mọc trong mùn đất ở các hốc núi cao; thân không giả hành có từ 6 đến 8 lá dày cứng, đầu lá xẻ thuỳ đuôi cá lệch; ngồng hoa mọc từ lách lá, trên đầu ngồng hoa có từ 1 đến 3 hoa, các cánh hoa và nhuỵ hoa to một màu trắng thanh khiết, họng hoa điểm nâu nhạt cân, đối, hương rất thơm, nồng nàn, hoa thường nở từ tháng 12 âm lịch cho đến hết tháng giêng, đặc biệt cây Bạch Ngọc Điểm Hương năm nay ngồng hoa nở từ nách lá này, năm sau lại mọc ngồng hoa từ nách lá khác trên thân cây. Đa số các loài hoa Địa Lan Yên Tử đều nở vào dịp tết Nguyên đán, chúng có hương thơm tự nhiên thanh tao quyến rũ, dâng tặng những người đam mê yêu thích hoa Lan.

nguồn ảnh: internet

Trong khuôn viên gia đình những người chơi Địa Lan ở Yên Hưng, mỗi độ xuân về và đón tết cổ truyền dân tộc đều có vài chậu Địa Lan Yên Tử nở hoa được đặt trang trọng trong phòng khách, phòng ngủ, trong khuôn viên sinh vật cảnh, vừa thưởng ngoạn vẻ đẹp của chậu Địa Lan, vừa thưởng thức mùi thơm của loài hoa đệ nhất hương lại có tác dụng tăng cường sức khoẻ. Đúng là thú chơi của những “bậc vương giả”.

Mùa xuân Mậu Tý 2008, vào dịp tết nguyên đán, Hội sinh vật cảnh Yên Hưng như thường lệ sẽ tổ chức triển lãm cây thế, bon sai, phong lan và địa lan tại Bảo tàng Bạch Đằng.

Triển lãm sinh vật cảnh của Hội sinh vật cảnh Yên Hưng, triển lãm ảnh nghệ thuật của Hội Văn học Nghệ thuật Yên Hưng và Hội báo xuân do Hội nhà báo và Sở Văn hoá Quảng Ninh tổ chức tại Nhà Bảo tàng Bạch Đằng Yên Hưng sẽ tạo ra một trung tâm hoạt động văn hoá, thông tin phong phú và đa dạng, là hoạt động mừng Đảng mừng xuân, mừng đất nước đổi mới.

Lê Sơn – Trưởng phòng VHTT