Xu Hướng 5/2024 # Thị Trường Chim Cảnh: Thật Giả Lẫn Lộn # Top 4 Yêu Thích

Trong một lần trò chuyện với những cụ hưu trí, chúng tôi nghe các cụ thở dài: “Bây giờ cái gì người ta cũng ngụy tạo che đậy bằng lớp vỏ bên ngoài.

Giới trẻ hiện nay tóc đen nhuộm thành tóc hung, tóc vàng đã đành, nhưng chim thú cũng được phủ lên một lớp màu tinh tế, sắc sảo để thiên hạ bị… lừa thì quả là hết biết”.

Đằng sau cánh cửa “trại chim”

Trong vai một người buôn chim mới vào nghề, tôi cùng một bạn đồng nghiệp chạy dọc theo khu chợ trời ở Thuận Kiều (Q.5 – TPHCM). Đây là điểm thu gom chim lý tưởng cho các điểm kinh doanh chim cảnh ở TP. Sau đợt cúm gia cầm, chợ trời này hoạt động nhộn nhịp hẳn lên.

Thấy chúng tôi có vẻ “hai lúa” khi chọn từng loại chim, bà Tám Phượng, chủ một điểm bán chim cảnh có tiếng ở đường Lê Hồng Phong (Q.10), nói: “Chần chờ gì nữa, hốt đại đi rồi về tính tiếp, hơi đâu mà săm soi, chọn lựa”. Vậy là tất cả nhanh tay hốt đại không kể lớn bé, chủng loại… rồi cho hết vào chuồng lớn đậy lồng kỹ càng.

Anh Ngô Lê D., một người kinh doanh chim có hạng ở quận 4, hỏi chúng tôi: “Mới vào nghề hả? Làm cái nghề này phải chịu khó, công phu mới mau giàu. Đừng sợ lỗ, đi buôn phải biết liều”(!). Giới mua bán chim thường gọi anh D. là ông chủ “trại chim”. Mang tiếng “trại chim” chứ thật ra đó là nơi “xử lý” chim, một hoạt động khá âm thầm diễn ra sau góc khuất căn nhà thuộc cầu Kiệu (Q. Phú Nhuận). Có thể nói lượng chim thu gom về đây lên tới hàng ngàn con, bao gồm nhiều loại, như: khướu, chích chòe lửa, chích chòe than, hắc yến, họa mi, hoàng anh, ý nhi, hoàng yến… Anh D. cầm lấy lồng chim mới hốt về, lựa ra những con chim lanh lợi, được mắt. Những loại chim được xếp vào “hạng nhất” này thường sau khi được chăm sóc với một chế độ đặc biệt, mới được bay nhảy trong những chiếc lồng sặc sỡ. Tất cả chúng được nuôi từ một đến hai tháng, lúc này những chú chim săn bắt ở rừng trở nên dạn dĩ hơn. Để gột bỏ lớp cánh “phong trần” của lũ chim này, chúng sẽ qua một lớp nhuộm “ma-ki-dê” (maquiller – hóa trang).

Qua tìm hiểu, chúng tôi “học lỏm” được chút đỉnh nghề của họ để biến những loại chim từ rừng núi hoang dã thành những con chim mượt mà, sặc sỡ. Họ chỉ khéo léo cho một lớp thuốc nhuộm là xong ngay. Tưởng thuốc gì ghê gớm, ai dè đó chỉ là những thuốc nhuộm vải rẻ tiền. “Với những loại thú này thì thuốc nhuộm này mới thích hợp chứ mấy đứa thử với thuốc nhuộm tóc là xong đời đấy” – anh Tư, một anh chàng “ma-ki-dê”, giải thích. Quan sát quá trình pha chế, chúng tôi phát hiện họ bỏ vào lớp thuốc nhuộm một ít chất keo chống thấm nước. Chim là một loại rất thích tắm hằng ngày, nếu không nhờ chất keo chống thấm nước này những lớp thuốc nhuộm sẽ bay màu chỉ sau vài lần tắm.

Nâng “tuổi thọ” cho chim

Sau khi nhuộm, lớp chim này được bày bán ở cửa tiệm. Những con chim được “để mắt” đến sẽ có giá từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/con (gồm hắc yến, chích chòe lửa, hoàng anh…), còn các chim loại hai như khướu, ý nhi… được bán với giá mềm hơn, từ 35.000 đồng đến 50.000 đồng/con.

Rời khỏi “trại chim” của anh D., chúng tôi tiếp tục hòa vào dòng người mua chim ở đường Lê Hồng Phong (Q.10), dọc Công viên Lê Thị Riêng. Đối tượng mua chim đa số là những người trung niên hoặc các cụ cao tuổi. Đối với họ, chọn cho mình một con giống tốt, hót hay thì dù “có mất bao nhiêu tiền cũng chịu vì đó là thú vui tao nhã không nên… cò kè tính toán”.

Đánh vào tâm lý đó, những ông chủ ở đây thường lừa khách hàng bằng trò… nâng “tuổi thọ” của chim. Chim thường trưởng thành qua 4 giai đoạn (chim lứa, chim chuyền, chim bội và chim thuộc). Qua giai đoạn này nó sẽ trở thành chim mùa (một mùa một năm), càng nhiều mùa chừng nào chim sẽ khôn chừng đó. Thường với những con chim cứng cựa, lâu năm, nhất là chim trống sẽ hót hay và bắt chước tiếng người rất sõi. Chim bội giá chỉ 45.000 đồng/con được “nâng cấp” thành chim thuộc (chim dạn dĩ, không sợ khi tiếp xúc với người) với giá 150.000 đồng đến 200.000 đồng/con. Hoặc với những con chỉ được một mùa chúng sẽ được nâng lên thành hai, ba mùa. Nếu để ý những con lâu năm sẽ thấy dưới chân chúng một lớp vẩy trắng có đường sóng, chân thường dẹt, còn những con chim chưa đến mùa thì chân thườngcó màu hồng đỏ, tròn trịa và chưa nổi vẩy.

Biến chim mái thành chim trống

Không như những giống, loài khác, chim trống được thiên nhiên ban cho nhiều ưu điểm mà chim mái không có. Một trong những ưu điểm đó là tiếng hót (gáy). Do đặc điểm này, chim trống thường được người mua chuộng hơn nên có giá khá cao. Ví dụ chích chòe lửa trống thì bán với giá 150.000 đồng trong khi chích chòe mái chỉ 50.000 đồng. Lợi dụng đặc điểm này, các ông chủ ở đây đã tìm cách biến đổi “giới tính” khiến nhiều người mua chim thường nhầm lẫn. Ví dụ chim yến phụng rất khó phân biệt trống mái vì hình dáng và màu sắc của chúng rất giống nhau, nhất là ở giai đoạn chim non, chưa trưởng thành. Khi chim đã qua 4 – 5 tháng tuổi, chúng sẽ có một lớp da như chất sáp nằm ở chung quanh mũi. Với con mái, lớp da này sẽ có màu trắng đục (những con già hơn sẽ chuyển sang màu xám đen). Ở con trống thì lớp da này sẽ có màu xanh đậm (những con có lông màu xanh dương, xanh đọt chuối), còn với những con có lông màu trắng, mắt đỏ hay vàng, thì lớp da này sẽ có màu hồng. Nắm chắc đặc điểm này, các ông chủ ở đây thường cho chim mái và chim trống vào cùng một lồng với thủ thuật đơn giản: Sơn một lớp màu xanh hoặc màu hồng lên lớp da trên mũi là xong. Khi đưa tay vào bắt, lũ chim này thường bay loạn xạ trong lồng, do đó khách thường không biết được sự “đánh tráo” này. Hoặc với chim chích chòe đất, con trống thường có đốm lông trắng ở trên đầu hoặc phía sau hậu môn có một chỏm lông màu trắng, còn chim mái thì chỉ một màu đen tuyền từ trên xuống. Để biến hóa, những tay “ma-ki-dê” sẽ phết lên một lớp sơn màu trắng trên đầu và phía sau đuôi, lúc này đố ai mà nhận ra!

Bác Nguyễn Minh Đức, một cán bộ hưu trí sành nuôi chim ở lô 2 cư xá Thanh Đa, hướng dẫn cách phân biệt chim trống, mái: “Đa số chim trống thường có màu sắc sặc sỡ, mình dài, thon, đầu to, ức lớn, mắt quắc sắc (nhìn dữ hơn con mái). Còn con mái lông ngắn hơn, màu không sặc sỡ bằng. Ví dụ chim hoàng anh, con mái có màu vàng hơi xanh, còn con trống có màu vàng đậm hơn. Chích chòe lửa trống lông dài và mướt còn chim mái lông ngắn, màu bạc, rất xấu. Hay chim ý nhi (còn gọi chim gáy) cườm ở cổ con trống dài hơn, trong khi cườm con mái ngắn và bầu bĩnh hơn. Rõ nhất là phân biệt nó qua tiếng hót. Chim họa mi trống hót rất hay trong khi chim mái chỉ kêu “xùy”, với con mái là khướu thì chỉ kêu “ro”.

Ông Phạm Viết Trung, một hội viên nuôi chim cảnh, đưa ra một cách phân biệt khác: “Không khó lắm khi quan sát chúng dưới ánh nắng mặt trời. Chim nhuộm có màu sắc sặc sỡ còn chim thiên nhiên có màu dịu hơn. Đặc biệt những con chim nhuộm lông rất thích tắm vì lông chúng lúc này rất nặng nề nên chúng tắm để gột bỏ lớp màu sơn trên đôi cánh”.