Xu Hướng 4/2024 # Chim Trong Văn Học–Nghệ Thuật Việt Nam – Bài 1 Trong 2 # Top 4 Yêu Thích

Chim trong văn học–nghệ thuật Việt Nam – Bài 1 trong 2

Dẫn nhập

Giới thiệu một số loài chim

Ác làÁo già / Di đầu đenBách thanh / Chàng làngBạc máBắt cô trói cộtBìm bịpBói cá / Chài chài / Chẽo chẹt / Chim chài / Thằng chài / Thầy bóiBông lau / Hoành hoạch / Quành quạch / Trao trảoBồ câuBồ chao / Khướu đầu trắngBồ nông / Chàng bèBồng bồngCà kheoCắtChàng nghịchChào mào / Chim đội mũChèo bẻoChiền chiệnChim cátChim học trò / Cò xanhChim kháchChim lamChim nghệ / Hít côChim sâu / Ốc mítChim vịt / Chim lò rènChim xanhThanh tướcChích / Chích bông / Chim thợ mayChích chòe / Chích chòe thanChích chòe lửaChìa vôiChoi choiCò / Cò trắngCò ngàng lớn & Cò ngàng nhỏCò bợCò hươngCò lửaCò ma / Cò ruồiCò nâuCò nhạn / Cò ốcCò quắmCôngCồng cộc / Cốc đenCổ rắn / Điêng điểngCu / Cu gáy / Cu cườmCu ngói / Chim ngóiCuốcCuốc lùn / Vỏ vẻCú / Cú mèoCú lợnCú vọCúm núm / Gà đồngCun cútDi / Ri / Chim lá rụng / Chim mía / Mỏ chì / Rồng rộc / Sắc ô / Di đáDiềuDiệcDiệc lửaDù dì

Dẫn nhập

Vè chim chóc

Nghe vẻ nghe ve, nghe vè chim chócHay moi hay móc, vốn thiệt con dơiThấy nắng thì phơi, là con diệc mốcLặn theo mấy gốc, là chim thằng chàiLông lá thật dài, là con chim phướnRành cả bốn hướng, là chim bồ câuGiống lặn thật lâu, là con cồng cộcĂn táp sồng sộc, là con chim heoHam đậu cheo leo, là chim lá rụngCắm đầu muốn thụng, là chim thầy bóiHay ăn hay nói, ấy thật chim quyênVừa đứng vừa biên, là chim học tròRủ nhau đi mò, là con chim ốcGõ mõ lốc cốc, là chim thầy chùaTụng kinh bốn mùa, là chim bìm bịpChạy theo không kịp, là chim hít côBắt mẹ xẻ khô, là chim điêng điểngKhông ăn ngoài biển, là chim le le.

Nguồn: Đặng Anh Tú (2009). Đồng dao Việt Nam. NXB Văn hóa Thông tin.

Óc tò mò khoa học của tôi bị kích thích mạnh vì bài đồng dao này. Đối với một số tên chim, tôi thắc mắc: đó là chim gì vậy? Khổ nỗi các tài liệu điểu học hàn lâm không ghi loài chim nào mang tên hít cô, học trò, lá rụng, thằng chài, thầy bói, thầy chùa… Thử tra cứu về con bìm bịp quen thuộc thì thấy tài liệu điểu học nêu ra hai loài riêng biệt là “bìm bịp lớn” và “bìm bịp nhỏ”. Loài nào được thể hiện trong bài đồng dao, hay cả hai?

Hoặc là khi đọc thơ Du Tử Lê và nghe ca khúc phổ nhạc của Anh Bằng, ta muốn tìm hiểu về con chim bói cá. Tài liệu điểu học nêu ra những nhóm chim “bói cá”, “bồng chanh” và “sả”; còn dân gian có thể kể cho bạn nghe về “chim chài”, “thần chài” và “chài chài” – tất cả đều là chim bói cá. Thế thì con chim bói cá trong thơ và nhạc đó có thể là loài bói cá nào?

Còn thêm rắc rối nữa. Lấy ví dụ: văn nhân thi sĩ vẫn viết đơn giản là “chim chích”, nhưng tài liệu điểu học kể ra hơn 20 loài chích ở Việt Nam. Vậy thì họ tức cảnh sinh tình từ con chích nào, ta chẳng biết!

Hóa ra từ dân gian qua văn học–nghệ thuật rồi đến lĩnh vực hàn lâm là những khoảng trống mênh mông!

Bài viết này cố gắng xác định một số loài chim được thể hiện trong văn học–nghệ thuật Việt Nam. Cần nêu rõ là bài này không tham khảo cổ thi và cổ văn vì không thể đối chiếu với những loài chim ở Việt Nam thời bây giờ. Ví dụ như ta không bàn đến “con quốc quốc” và “cái gia gia” trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, bởi vì ta không biết khu hệ chim ở vùng Đèo Ngang thời Bà Huyện Thanh Quan là như thế nào. Tương tự, ta không biết khu hệ chim xung quanh Thúy Kiều thời Gia Tĩnh triều Minh, thế nên không thể bàn đến con quyên trong Đoạn trường tân thanh.

Để dễ được trông thấy mà đi vào văn học–nghệ thuật Việt Nam đương đại, thiển nghĩ các loài chim cần có hai đặc tính chính:

Chim hiện diện phổ biến ở Việt Nam. Còn những loài chim hiếm hoi di cư đến trú đông ở Việt Nam thì liệu bao nhiêu nhà văn và nhà thơ trông thấy mà đưa vào tác phẩm của họ? Cho nên ta không tính đến những loài như thế.

Chim sống gần con người. Cụ thể là gần thôn làng, ruộng đồng, hoặc vùng bờ biển, sông, hồ… nơi con người có thể lui tới. Còn ví dụ như những loài chim sống xa tít trên vùng núi non Tây-Bắc hoang vu thì miễn bàn!

Người tổng hợp chọn trình bày các loài chim theo hai đặc tính đó, và cũng không trích thuật chuyện tâm linh, huyền bí.

Vì một số lý do, người viết cáo lỗi không thể xin phép các tác giả thơ, văn, nhạc và hình ảnh sử dụng trong bài này. Trang web không có tính thương mại này nhằm tạo một cầu nối giữa văn học–nghệ thuật và điểu học. Nếu bạn đọc xem qua bài này rồi yêu thương chim chóc nhiều hơn và qua đó yêu môi trường hơn, thì cái tội sử dụng chất liệu mà không xin phép của người tổng hợp hẳn sẽ được dung thứ.

Giới thiệu một số loài chim

Ác là

Đồng dao / Vè

Bồ các là bác chim riChim ri là dì sáo sậuSáo sậu là cậu sáo đenSáo đen là em tu húTu hú là chú bồ cácBồ các là bác chim ri…

[Bồ các: ác là]

Thứ hay lớn tiếng: tu hú ác làNhảy nhót lân la: chích chòe bìm bịpTính hay ăn hiếp: chim cú, diều hâuSang đứng lưng trâu: sáo hành, sáo nghệ

Thơ

Lửa mặt trời, linh điểu và sa mạc hồng – Thái Thụy VyMắt sắc như dao giọng ác làMặt trời rung chuyển giữa bao laMột cõi bao năm ta ngự trịNúi đỏ cát hồng thảm ngàn hoa

Loài điểu học: ác là – Oriental magpie (Pica serica)

Có những tên khác như bồ các, ác xắc, hỉ thước, ác là thuộc Họ Quạ (Corvidae). Những loài quen thuộc khác trong họ này là chim khách, giẻ, quạ đen, quạ khoang…

Chiều dài khoảng 40-51 cm. Đầu, cổ và ngực màu đen, bụng và vai màu trắng; cánh màu xanh lam, đầu lông cánh màu trắng lộ rõ khi dang cánh ra. Đuôi xòe rộng dần màu đen, lốm đốm xanh lục-vàng đồng hay các màu ngũ sắc khác. Chân và mỏ màu đen.

Ác là được xem là một trong những chỉ dấu (indicator) của chất lượng môi trường: nơi môi trường xấu đi thì số lượng ác là giảm sút. Cộng thêm cái tật thích phá hoại chim chóc của dân Việt, tuy có thời phân bố ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhưng hiện nay ác là rất hiếm.

Ác là được chỉ định là loài chim chính thức của một số thành phố và thị trấn tại Hàn quốc, và có những tên tiếng Anh khác là Korean magpie và Asian magpie.

Ác là được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam để bảo vệ, nhưng chỉ được IUCN xếp vào cấp độ LC (ít lo ngại), chứng tỏ ở nhiều nơi khác môi trường còn tốt hơn ở Việt Nam.

Ghi chú: “ác là” trước đây chỉ chung một nhóm chim và Pica pica là tên khoa học cũ, hiện nay cụm từ “ác là” trở thành tên gọi riêng cho loài này, tuy tài liệu cũ ghi “ác là phương Đông”.

Áo già / Di đầu đen

Truyện ngắn

Nhan sắc thinh không – Hoài Ziang Duy

Thú vui của Rừng là non nước, chim muông và cá. Sinh sống ở Rừng là khai đất trồng cây, trồnglúa bên khoảnh đất cạnh giòng suối nhỏ. Suốt đời Rừng sống khao khát lấy một tình yêu, thủychung và nên thơ chính mình.. Rừng làm bẫy bắt thú, bắt chim. Những loại chim rừng, lẫn chim họa mi, chim áo già.

Người khắc bia mộ – Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Chúng tôi có một trò chơi mới: nuôi chim. Ý kiến này do thằng Sơn nảy ra, khi nó đi trồng trái ở Y viện Tân định và thấy cạnh đó có một hàng bán chim. Mỗi con chim giá hai mươi đồng, đủ các màu. Thế là chúng tôi dành dụm tiền quà để mua vài con về nuôi. Riêng tôi, tôi thích nuôi chim áo dà, nên tôi nuôi toàn loại đó.

Tiếng khóc con điên – Lưu Nhơn Nghĩa

Một đêm, thằng em tôi đang lúi húi xé giấy đậy cái lồng cho mấy con chim áo già nó nuôi khỏi bị lạnh, nghe tiếng Điên kêu khóc ngoài chợ, nó ngơ ngác hỏi: “Ủa! sao nó điên mà nó biết kêu má nó vậy?!!”

Chim áo già: bằng chim se sẻ, mỏ xám cứng, đầu lông đen, mình lông màu già, thường có nhiều vào mùa lúa.

Truyện dài

Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi

Chúng tôi tiếp tục đi tới một cái tráng rộng. Giữa vùng cỏ tranh khô vàng, gió thổi lao xao, một bầy chim hàng nghìn con vọt cất cánh bay lên. Chim áo già màu nâu, chim manh manh mỏ đỏ bóng như màu thuốc đánh móng tay, lại có bộ lông xám tro điểm những chấm trắng chấm đỏ li ti rất đẹp mắt…

Chim phóng sinh – Nguyễn Hồ

Theo lời dạy của ông Bảy, chú bé xin mớ cạc tông cũ và một cây vụn cắm dùi, xây túp lều của mình trên bờ kinh còn một khoảng trống nhỏ bằng cái nia. Trai thực hiện ngay kế hoạch do ông Bảy vạch ra, bán lồng chim đầu tiên, góp nhóp tiền dành dụm, làm những lồng chim chắc chắn hơn để có thể bẫy tất cả các loài chim sẻ, chim sắt, chim sâu, dồng dộc, áo già.

Loài điểu học: di đầu đen – chestnut munia (Lonchura atricapilla)

Một con tem của Việt Nam Cộng hòa ngày xưa thể hiện chim áo dà, còn được gọi là áo già. Đó là loài có tên theo điểu học là di đầu đen.

Thân dài 11 cm. Mỏ dầy, màu lam pha xám. Trống và mái khá giống nhau, tuy mái nhỏ hơn một chút. Con non: toàn thân màu hung nâu nhạt.

Sống định cư phổ biến ở Trung Trung Bộ đến Nam Bộ. Thường đi theo đàn. Gặp ở vùng đồng cỏ, cây bụi, đồng lúa, từ đồng bằng lên đến 1.500 m.

Tiếng kêu: ‘píp píp’ the thé.

Ghi chú: có tài liệu ghi phân loài atricapilla có đầu đen, mình hung nâu, bụng đen; phân loài malaca có ngực trắng, ứng với tên tiếng Anh là tricolored munia. Tài liệu khác ghi tên tricolored munia cho loài Lonchura malacca. Như thế, tên di dầu đen thuộc về hoặc là hai phân loài Lonchura atricapilla atricapilla và Lonchura atricapilla malacca, hoặc là hai loài riêng biệt Lonchura atricapilla và Lonchura malacca.

Bách thanh / Chàng làng

Ca dao

Chàng làng cót két bụi treChiều trông chẳng thấy, dạ nghe buồn rầu

Thơ

Nhớ Tú Xương – Trần HậuNghĩ lại thương ông đến bất bìnhSố phận lung trung điểu bách thanhÔng Nghè ông Cống kinh chữ nghĩaQuan Pháp quan Nam sợ thanh danh

Cố hương – TuongtriHồn ta mây gió bốn phươngĐôi khi ngồi khóc khói sương bên đèoChim chàng làng hót trong veoBên kia triền dốc, quê nghèo, mẹ ơi!

Truyện ngắn

Nhạc chim – Ma Văn Kháng

Cạnh đó, bách thanh là một gã có tài khẩu thuật, đâu có chịu kém cạnh, gã bắt chước được cả tiếng của con họa mi, con chích chòe inh ỏi cả một góc rừng xanh rì bóng cây màng tang.

Truyện ngụ ngôn

Tiếng hót của chim chàng làng

Một chú chim chàng làng luôn tự tin, kiêu hãnh về tiếng hót của mình so với những loài chim khác. Và điều làm chim chàng làng tự hào nhất đó là nó có thể bắt chước tiếng hót của rất nhiều loài chim khác. Đến một ngày, khi các loài chim cùng nhau tụ tập hội hè, chàng làng cho rằng đây là một dịp đặc biệt có thể phô bày giọng hót mà mình vốn rất tự hào, chú ta nhảy lên cành cây cao nhất rồi bắt đầu cất tiếng hót.

Chàng làng hót rất say sưa, bắt chước tiếng hót của rất nhiều những loài chim khác, lúc là sáo đen, khi là giọng của chích chòe, họa mi… Những chú chim có mặt ở đó đều tấm tắc khen ngợi làm cho chàng làng càng kiêu ngạo hơn. Tuy nhiên, cuối buổi biểu diễn, khi một chú chim sâu nhỏ yêu cầu chàng làng hãy hót bằng chính giọng của mình thì chàng làng ta không tài nào hót nổi, bởi từ lâu chàng làng chỉ bắt chước giọng hót của người khác mà quên đi giọng hót của chính mình.

Chim bách thanh

Còn được gọi chung là chim chàng làng, thằn lằn chó, hoặc chim quích, tiểu ưng, nhóm chim bách thanh thuộc Họ Bách thanh (Laniidae) trong Bộ Sẻ (Passeriformes), được biết đến vì hành vi bắt con mồi (côn trùng, chuột, chim nhỏ…) rồi mang xiên trên gai của cành cây hoặc dây kẽm gai. Việc này giúp bách thanh dùng mỏ xé thịt con mồi thành mẩu nhỏ cho dễ ăn, và lưu trữ thực phẩm để sau đó quay trở lại ăn tiếp.

Bách thanh ghim mồi trên cây. Ảnh: Duncan Usher

Tiếng kêu đa dạng, có thể nhại tiếng hót của một số loài chim khác, bắt chước giọng các loài vật khác rất giỏi, từ gà gáy, chó sủa, mèo kêu, lợn kêu, đến các tiếng động trong nhà phát ra như xay lúa, giã gạo, v.v. Vì thế mà có tên bách thanh (có nghĩa: trăm thứ âm thanh). Một đặc điểm nữa là có khả năng hót từ sáng đến tối, mỗi lần hót không ngắt quãng, âm vực thánh thót luyến láy tựa như kiểu hót của sơn ca. Tiếng hót có thể làm một số chim gần đó sợ hãi nên không dám cất tiếng kêu. Dân săn bắt chim khi gặp bách thanh thì chửi đổng bởi vì các loài chim khác trong vùng nghe tiếng bách thanh thì không dám xuất hiện!

Các loài bách thanh thường bay là là sát mặt đất để tìm kiếm con mồi, sau đó lao tới và tấn công nạn nhân bằng cú mổ chí mạng. Chúng cũng lùng bắt các loài chim biết hót bằng cách tìm kiếm xuyên qua bụi rậm, hàng rào và cây cối, đuổi theo không ngừng nghỉ cho tới khi bắt gọn và giết chết đối thủ.

Loài điểu học: bách thanh đuôi dài – long-tailed shrike (Lanius schach)

Đây là loài bách thanh phổ biến nhất ở Việt Nam, còn được gọi đơn giản là bách thanh.

25cm. Trông từ xa có thể nhầm với khướu đầu trắng.

Định cư phổ biến từ Bắc Bộ đến hết Trung Trung Bộ, gặp lên tới độ cao khoảng trên 2.000 mét. Như vậy chim bách thanh mà người Bắc nói đến chính là loài này – ngoại trừ loài bách thanh khác xổ lồng ra hoang dã.

Sống ở khu vực trống trải và vùng cây bụi. Sống đơn lẻ, bao giờ cũng đậu trên cành cây cao nhất.

Loài điểu học: bách thanh nhỏ – Burmese shrike (Lanius collurioides)

Trông rất giống bách thanh đuôi dài nhưng nhỏ hơn: chỉ 20 cm.

Định cư phổ biến từ Trung Bộ đến Nam Bộ. Như vậy bách thanh mà người Nam nói đến chính là loài này – ngoại trừ loài bách thanh khác xổ lồng ra hoang dã.

Sống ở vùng cây bụi và khu vực trồng trọt. Làm tổ ở vùng núi, nhưng mùa đông di cư xuống vùng đồng bằng.

Bạc má

Thơ

Mười năm – Trần Huyền TrânNhánh hồng em chiết bên songĐã mười xuân rụng, mười bông hoa cườiCon chim bạc má già rồiMỏ vàng đã nhặt hết lời thơ xanh

Truyện ngắn

Nhạc chim – Ma Văn Kháng

… Tất nhiên cao giá nhất thì phải là họa mi, nhồng cưỡng, bạc má, hồng tước…

Thú vị vườn chim Tư Sự – Băng Thanh

Anh Ân gắn bó với vườn đã hơn 10 năm, anh thông tin, hiện vườn có hơn 3 ha với gần 20 loài: cò, vạc, còng cọc, bạc má, diệc lửa, diệc xám, điên điển… Chúng sinh sản theo mùa, anh theo đó làm công tác thuần dưỡng con con, kể cả việc chăm sóc khi các con chim non yếu sức, bổ sung nguồn thức ăn, nước sạch, dẫn dụ những loài khác.

Loài điểu học: bạc má – great tit (Parus major)

Bạc má thuộc Họ Bạc má (Paridae), là một họ lớn gồm các loài chim nhỏ có dạng sẻ, thân chắc, mỏ ngắn và mập, làm tổ trong các hốc, đẻ trứng với vỏ có đốm màu. Sở dĩ gọi là bạc má vì một số loài có vá trắng hai bên má.

13 cm. Kích thước lớn so với các loài bạc má khác. Trong chi Parus, đây là loài phân bố rộng nhất trên thế giới.

Đỉnh đầu và cổ đen, ngực màu vàng chanh nhạt, lưng màu lục ô-liu, cánh màu lam pha xám có dải trắng. Chim mái: tương tự trống nhưng có màu nhạt hơn.

Chim mái đẻ đến 12 trứng, mỗi năm đẻ 2 lứa. Thiên nhiên cho chúng khả năng đẻ nhiều như thế bởi vì trứng trong hốc cây thường bị sóc, chim gõ kiến, chồn… tìm ăn, và chim non thường có nhiều bọ chét hút máu. Chỉ chim mái ấp trứng; cả mái và trống đều nuôi chim non.

Phân bố phổ biến Bắc Bộ và Trung Bộ.

Sống ở rừng cây gỗ và rừng thông, chủ yếu vùng rừng núi, tuy nhiên còn gặp ở đồng bằng. Thường đi vào công viên, vườn nhà.

Loài điểu học: bạc má Nhật Bản, bạc má phương Đông – Japanese tit, Oriental tit (Parus minor)

Loài này được giới nuôi chim gọi là bạc má rừng, để phân biệt với bạc má cảnh vốn được lai tạo. Lúc trước loài này và loài trên được nhập làm một, gần đây được tách ra thành hai loài riêng biệt, không có sự lai tạp giữa hai loài. Vì thế, một số ảnh trước đây ghi là Parus major thật ra là Parus minor.

Màu lông tương tự như bạc má, nhưng màu xám nhạt thay cho ô-liu.

Năm 2024, bạc má Nhật Bản được chú ý vì một nhóm các nhà nghiên cứu tìm ra bằng chứng cho thấy tiếng kêu của loài này dựa theo quy luật về ngữ pháp cấu tạo (compositional syntax). Đây là loài động vật đầu tiên được biết có ngữ pháp như thế.

Phân bố phổ biến Bắc Bộ và Trung Bộ.

Bắt cô trói cột

Thơ

Về quê nghe tiếng chim bắt cô trói cột – Dương Quang Anh

Về quê nghe tiếng chim bắt cô trói cộtNgỡ ai treo kí ức ở trên cànhTa mòn gót đi cùng trời cuối đấtTóc trên đầu hao hết nửa phần xanh

Ta xuống đồng, lúa mừng vui vẫy gọiCánh cò chao nghiêng ướm hỏi đôi điềuỪ, nơi đây ta từng gieo kỉ niệmAi gặt hết rồi thuở tóc xanh yêu!?

Có một tài liệu điểu học mô tả tiếng kêu loài chim này giống như 4 nốt nhạc đầu trong bản Symphony số 5 của Beethoven. Đó là mô tả chính xác. Tôi thường nói đùa với một cô bạn đồng nghiệp rằng ai muốn nghiên cứu điểu học phải biết qua nhạc giao hưởng!

Trong một cảnh của phim The longest day, các binh sĩ Đồng minh ở trên tàu chuẩn bị đổ bộ lên Normandie ngước nhìn lên phi đội máy bay vận tải, thấy có một máy bay mở đèn theo cách chớp 3 lần nhanh và 1 lần dài hơn, lặp đi lặp lại như thế. Một binh sĩ hỏi “Cái gì thế?” Một anh trả lời: “Đồ ngốc! Đó là tín hiệu chữ V, có nghĩa Victory [chiến thắng]. Ba chấm và một vạch. Tạch tạch tạch tè. Cậu chưa từng nghe bản Symphony số 5 của Bethoven à?”

Đúng thật tín hiệu Morse ●●● — biểu hiện mẫu tự V, theo nhịp điệu bốn tiếng nhạc đầu của bản Symphony số 5, và thêm điều trùng hợp: V cũng là số 5 La Mã.

Loài điểu học: bắt cô trói cột – Indian cuckoo (Cuculus micropterus)

Cái tên ‘bắt cô trói cột’ đã quá thông dụng trong dân gian nên ngành điểu học dùng luôn tên này. Đó là tên mà người Việt gọi theo tiếng kêu của con chim. Có sách điểu học phương Tây mô tả tiếng kêu là ‘one more bottle’. Cả hai cụm từ ‘bắt cô trói cột’ và ‘one more bottle’ là do óc tưởng tượng phong phú của ta và tây chứ không giúp ích gì cho người muốn nhận định loài chim này qua tiếng kêu. Tôi nghĩ theo đúng âm điệu của tiếng kêu mà đặt tên cho loài chim này là ‘bắt nó trói gô’ thì đúng hơn, bởi vì 3 âm đầu cao bằng nhau và âm cuối thấp hơn.

Nếu bạn thử huýt sáo theo âm điệu ‘bắt nó trói gô’ thì đó chính là tiếng kêu của loài chim này.

Đây là loài cu cu cỡ trung bình, dài 32 cm. Loài ký sinh trong tổ, thường đẻ trứng vào tổ chim chèo bẻo. Xem Mục Tu hú để biết thêm về tập tính ký sinh trong tổ.

Ở Việt Nam, loài bắt cô trói cột định cư ở hầu hết các vùng núi rừng miền Bắc và miền Trung, được biết đồng bằng ở hai miền này cũng có.

Sinh cảnh sống ưa thích là rừng thứ sinh thường xanh và rừng thay lá, cũng sống trong các khu vườn và bụi cây. Vào mùa đông, có một vài quần thể từ phương bắc đến trú đông.

Tiếng kêu:https://www.xeno-canto.org/species/Cuculus-micropterus

Bìm bịp

Ca dao

Bìm bịp kêu nước lớn em ơiBuôn bán không lời, chèo chống mỏi mê.

Đồng dao

Bắc kim thang

Con le le đánh trống thổi kènCon bìm bịp thổi tò tí te tò te.

Xem video Bé Bào Ngư:https://www.youtube.com/watch?v=dxr8CP8h7vI

Thơ

Chiều! – Tuyền Linh

Ngồi nghe bìm bịp gọi tìnhChiều đi chầm chậm Vũng Liêm thật buồnSắc trời chờ chực mưa tuônNghe trong sâu thẳm vạn nguồn nhớ nhung

Chiều quê – Kim Thư

Bìm bịp kêu… gọi hoài con nước lớnLục bình trôi lay lắt tím mơn manCon chuồn ớt cõng nỗi nhớ thênh thangMây lảng đảng,,, nhuộm chiều… bâng khuâng… tím!

Tháng Tư về – Lê Gia Hoài

Rồi một ngày tiếng bìm bịp dịu êmGiục bông lúa căng tràn dòng sữa mớiRét nàng Bân cứ ngẩn ngơ đứng đợiKhúc giao mùa ai hát cuối đồng xa.

Về bến quê xưa – Nguyễn Kim Hương

Thuyền ai lặng lẽ xuôi dòng nướcBìm bịp kêu buồn nỗi nhớ xưaXóm vắng chân chiều thong thả bướcMột mình ngan ngát gió sông đưa

Truyện ngắn

Con chim bìm bịp – Trương Hoàng Minh

Học được cách làm bài thuốc hay, tôi ráo riết săn lùng ổ chim bìm bịp, bắt chim con về ngâm rượu cho ba má tôi uống. Bìm bịp thường sống và làm ổ ven sông rạch nên tôi càn lùm lướt bụi, lội sình, dang nắng dầm nước, bất chấp vất vả hiểm nguy, rình rập tìm kiếm gần nửa tháng mới gặp được một ổ trong đám bần và ô rô cóc kèn rậm rạp. Lòng hiếu thảo của tôi được đền đáp xứng đáng. Để món quà cho ba má có thêm ý nghĩa, tôi chưa vội ra tay mà ngồi núp trong lùm đợi chim cha mẹ tha mồi về cho con ăn bắn luôn một thể. Nhưng… nếu bắn chết chim cha mẹ thì con nào tha mồi tha thuốc về nuôi nấng chữa trị vết thương cho lũ chim non?

Nếu không có mồi ăn, không có thuốc chữa trị lũ chim non sẽ chết đói, mình sẽ không lấy được thuốc chẳng phải hoài công vô ích sao? Nghĩ vậy nên tôi không chờ bắn chim cha mẹ, leo lên nhánh bần có ổ chim. Trong ổ có ba con chim non chưa mọc lông vũ đang nằm ngủ vô tư hồn nhiên. Nghe tiếng động, ba con chim non tưởng cha mẹ tha mồi về, vui mừng ríu rít, nghểnh cổ lên, hả hoác miệng chờ miếng mồi tươi ngon chứ chúng đâu có ngờ đó lại là tên hung thần ác sát sắp giáng họa lên đầu chúng!

Tôi bắt một con cầm gọn trong lòng bàn tay. Hồi nãy nó vui mừng bao nhiêu, bây giờ hoảng loạn bấy nhiêu. Nó vùng vẫy, chòi đạp thoát thân một cách yếu ớt, miệng kêu lên chíp chíp liên tục như báo cho cha mẹ nó nghe biết, đến bảo vệ cứu giúp nó. Tôi dừng tay ngẫm nghĩ. Mình sơ ý bị trặc khớp, bong gân còn đau nhức thấu trời, huống gì nó bị bẻ một lượt đến sáu khúc xương! Nếu có ai đó bẻ chân bẻ tay mình như vậy liệu mình chịu nổi không? Ba má mình sẽ nghĩ gì? Nếu bài thuốc không hiệu quả thì có phải mình đã giết oan ba sinh linh bé nhỏ không đủ sức kháng cự hoặc chạy trốn! Tôi đặt con chim trở lại ổ, cả ba con đều nằm im thin thít trông thật tội nghiệp, đáng thương.

Tôi rời ổ chim bìm bịp với nhiều ý nghĩ lung tung. Loài vật cũng có gia đình, cha mẹ, con cái, anh chị em và thương yêu, đùm bọc, chia sẻ mọi thứ với nhau như loài người. Chúng cũng biết sung sướng khi được sống bình yên, cũng biết khổ đau khi bị săn bắt, giết hại. Báo hiếu cho cha mẹ là chuyện nên làm bằng nhiều cách khác nhau nhưng không thể lấy khổ đau bất hạnh của chúng để mưu cầu sung sướng hạnh phúc cho mình. Để có những món ăn thơm ngon khoái khẩu cho gia đình, thời gian qua tôi đã bắn chết nhiều loài chim, trong số đó chắc chắn có không ít chim cha hoặc chim mẹ đang nuôi con và có thể cả hai, gián tiếp giết chết lũ chim non chưa đủ sức tự lực cánh sinh vì thiếu mồi. Tôi đã phạm phải sai lầm đáng trách, sung sướng trên sự đau khổ của các loài chim. Từ đó tôi đốt bỏ cái nạng giàn thun và thề sẽ không bắn chim nữa.

Biển người mênh mông – Nguyễn Ngọc Tư

Ông già Sáu mới dọn lại thuê một căn chung vách với nhà Phi. Ông cũng nghèo, lúc chuyển đến đồ đạc chỉ gói gọn bốn cái thùng cáctông, dọc đường rớt đâu mất một thùng đựng mùng mền quần áo nên chỉ còn bộ đồ duy nhất dính da. Ai cũng ái ngại, ông Sáu phủi tay cười, “Thôi, của đi thay người, ba thứ đó mà nhằm gì, mất con quỷ này mới tiếc.” Ông chỉ tay vô cái lồng trùm vải xanh. Giở ra nhìn thấy một con bìm bịp chỗ nào cũng đen trủi, trừ đôi cánh màu xám. Đám trẻ xúm lại, bảo nhau “Ngộ quá ha. Nó hót làm sao?” “Bậy, bìm bịp đâu có hót, nó kêu, tiếng của nó phát ra từ trong cổ họng nầy nè. Giọng nó ấm lắm, tiếng kêu phát ra từ tấm lòng mà. Mấy con chim há mỏ ra hót lách chách thấy vậy chớ không chân tình đâu. Rồi ông già dừng lại, nuốt nước miếng, hạ giọng, con người ta cũng vậy thôi hà.” Đám trẻ nấn ná chờ hoài, mãi con bìm bịp mới cất tiếng kêu, tụi nó tiu nghỉu, “Kêu gì buồn thấu trời.” Ông già cười hỉ hả, “Buồn hả? buồn chớ sao không! Trời sanh ra cho nó con mắt đỏ như khóc vầy không buồn sao được!”

Bên đập đồng cháy – Võ Hồng

Con chim bìm bịp cất giọng trở canh. Tiếng chim vang từ bụi rậm ở bờ ao, lanh lảnh rền xa trong bầu không khí vắng yên mát lạnh.

… Lại tiếng con bìm bịp. Một tiếng gọi ồm ồm, hối thúc, giục giã. Một tiếng nhẹ nhàng như tiếng muỗng bột đổ vào khuôn bánh xèo nóng mỡ. Hồi còn con gái mình đi chợ Giả về nghe tiếng “xèo” của con bìm bịp, mình hay nói đùa với con Thiện “Thiện ơi, bước lẹ lên đi mày. Ở nhà đúc bánh xèo chờ rồi đó.” Thoáng chốc mà mình đã già rồi.

Loài điểu học: bìm bịp lớn – greater coucal (Centropus sinensis)

Bìm bịp thuộc Họ Cu cu (Cuculidae). Một số loài chim quen thuộc trong họ này là bắt cô trói cột, chim vịt, cu cu hay chèo chẹo, chẹo đất, phướn, tu hú…

Ở Việt Nam có hai loài phổ biến theo tên điểu học là bìm bịp lớn và bìm bịp nhỏ, khó phân biệt ngoài hoang dã. Dân gian thường gọi bìm bịp lớn là bìm bịp và bìm bịp nhỏ là bìm bịp cóc. Rất có thể bìm bịp lớn là loài đi vào văn học Việt Nam bởi vì loài này định cư toàn cõi Việt Nam và có tiếng kêu dài hơn, vang vọng hơn, dễ tạo chú ý từ xa; trong khi bìm bịp nhỏ chỉ định cư ở miền Nam và có tiếng kêu không tạo ấn tượng nhiều.

Bìm bịp lớn có thân dài 48-50 cm. Phân biệt với bìm bịp nhỏ: lưng dưới có màu đen, lông cánh màu nâu đều, mắt đỏ au, đuôi ngắn hơn. Trống mái giống nhau. Tổ chim bìm bịp được xây dựng trong bụi rậm cách mặt đất khoảng 1-3 m. Chim non có màu nâu đen hoặc xám đen.

Bìm bịp lớn thích sống trong thảm cây bụi, lau lách và cỏ rậm, rừng thứ sinh, rừng tràm và rừng ngập mặn gần sông suối, đầm lầy, vườn tược ở thôn quê, ngoại ô. Có lúc bay vào tới tận cửa nhà người viết bài này trong một khu dân cư ở ngoại ô Bangkok.

Chim con có nhu cầu thức ăn ngày một nhiều, thời gian ở tổ lại khá lâu nên bố mẹ biết dự trữ thức ăn bằng cách bắt rắn về “giam lỏng”. Do vậy, mỗi khi tìm thấy tổ bìm bịp là có thể tìm thấy rắn gần đó. Nhưng tại sao rắn không làm hại đến chim non lại là điều bí ẩn! Có ý kiến cho rằng lông và phân bìm bịp quanh tổ có mùi đặc trưng mà hầu hết các loài rắn không dám đến gần.

Có người nuôi bìm bịp từ nhỏ và thuần hóa chúng rồi đi đâu có chúng đi theo như con cún. Bìm bịp được huấn luyện có thể giúp bắt chuột xung quanh nhà, hoặc thậm chí đi theo chủ nhân để săn chuột.

Bìm bịp lớn thường kêu khi đậu trên ngọn cây hoặc chui rúc trong bụi rậm. Tiếng kêu: ‘pum pum pum’ hoặc ‘púp púp púp’ lặp đi lặp lại, âm vực lên đều rồi xuống đều; hoặc tiếng kêu ‘ục ục’ như tiếng nước đổ ra khỏi chai. Ở miền Tây, tiếng kêu thường vang vào buổi chiều nên mới có thành ngữ “bìm bịp kêu chiều”, và văn học cũng thường cho rằng tiếng vang cất lên lúc con nước lên.

Tiếng kêu:https://www.xeno-canto.org/species/Centropus-sinensis

Loài điểu học: bìm bịp nhỏ, bìm bịp cóc – lesser coucal (Centropus bengalensis)

Thân dài 35 cm. Phân biệt với bìm bịp lớn: lưng dưới có màu nâu, lông cánh có nhiều vằn màu sáng, mắt đen, đuôi dài hơn, và móng chân sau rất dài.

Có thể mùa đông bay qua vùng Đông Bắc và Bắc Trung Bộ trên đường đi trú đông, định cư từ Nam Trung Bộ đến Nam Bộ. Gặp tới độ cao khoảng 1.800 mét.

Sống ở thảm cây bụi, bìa rừng thứ sinh, thảm cỏ cao và vùng đầm lầy, kể cả rừng tràm.

Tiếng kêu không vang vọng như tiếng bìm bịp lớn và thường ngắn hơn.

Tiếng kêu:https://www.xeno-canto.org/species/Centropus-bengalensis

Bói cá / Chài chài / Chẽo chẹt / Chim chài / Thằng chài / Thầy bói

Vè / Đồng dao

Có sách cầm màuLà chim thầy bói

Cắm đầu muốn thụngLà chim thầy bói

[Chim thầy bói: chim bói cá]

Ca dao

Chim thằng chài(1) có ngày mắc bẫyEm cho anh hay anh hãy tránh xaMẹ cha không thể chịu hòaEm đâu dám cãi để mà theo anh

(1) Chim thằng chài: chim ăn cá, cỡ bằng sáo, mỏ đỏ, lông xanh, ngực nâu.https://cadao.me/chim-thang-chai-co-ngay-mac-bay/

Chàng làng(1) chẽo chẹt(2) nỏ mần chi(3) aiCu cu(4) rúc rích nuôi trai trong nhà

(1) Chàng làng vằn(2) Sả khoang cổ(3) Nỏ mần chi: chẳng làm gì(4) Cu cu: chim bồ câu (phương ngữ Trung Bộ)

[Dân gian thường dùng tên chàng làng để gọi chung các loài bách thanh, chứ không chỉ gọi riêng chàng làng vằn tức bách thanh vằn, là loài di cư ở Việt Nam.]

Thơ

Ao thu & chim bói cá – Đỗ Văn Tri

Em như ao thu lặng lẽCó trong lòng mây trắng, trời xanhMà anh đến, anh đi như chim bói cáVỡ cả trời xanh, mây trắng tan tành…

Khúc thụy du – Du Tử Lê

như con chim bói cátrên cọc nhọn trăm nămtôi tìm đời đánh mấttrong vụng nước cuộc đời

như con chim bói cátôi lặn sâu trong bùnhoài công tìm ý nghĩacho cảnh tình hôm nay.

Âm nhạc

Khúc thụy du – Anh BằngTuấn Ngọc – https://www.youtube.com/watch?v=nlPckWHBypA

Anh là chim bói cáEm là bóng trăng ngàChỉ cách một mặt hồMà muôn trùng chia xa.

Truyện ngắn

Rừng mắm – Bình Nguyên Lộc

Trên một tàu dừa nước, một con chim thằng chài xanh như da trời trưa tháng giêng, đang yên lặng và bền chí rình cá.

Trong thế giới bùn lầy mà thằng Cộc đang sống, ai cũng là ông câu cả, từ ông nội nó cho đến những con sinh vật nhỏ mọn qui tụ quanh các ngọn nước.

Màu xanh của chim thằng chài đẹp không có màu xanh nào sánh kịp. Sự bền chí của nó cũng chỉ có sự bền chí của các lão cò sầu não là ngang vai thôi, cái bền chí nhìn rất dễ mê, nhưng mê nhứt là mũi tên xanh bắn xuống nước nhanh như chớp, mỗi khi thằng chài trông thấy con mồi.

[Chim thằng chài chính là chài chài]

Bến – Nguyễn Văn Ninh

… Cuộc sống là đôi bờ thu lại không có gì vui thú. Vài con cá đớp quẩn quanh mặt nước, mấy con chim chẽo chẹt hót trên ngọn cây, gã bìm bịp vỗ cánh phành phạch cũng không nhấc mình qua khỏi ngọn tre, cứ là là rồi đậu. Tiếng kêu âm âm: nóc, nóc… nóc cụt, ụt, ụt…

Truyện dài

Tới một tuổi nào – Từ Kế Tường

Đực cổ quay sang bọn nhóc. Chúng nó tản mác hết vào vườn dừa theo dõi những con chim chài về kiếm mồi khi nước sông vừa mới lớn.

[Chim chài chính là chài chài]

Bãi gió cồn trăng – Hồ Trường An

Bỗng một con chim thằng chài lông xanh bay lướt qua bên kia đám điên diển trổ bông vàng sát mé nước. Bà già bảo hai chị em:

– Tui phải đi, đã tới giờ có người kêu tui đó! Vậy tui cho mấy cô mớ cá tôm này.

Bút ký

Chim chài chài – Lê Văn Thưa

Ven sông ven hồ nước ta bỗng thấy thoáng bay vút đi một con chim nhỏ có màu sắc sặc sỡ. Thì đó chỉ có thể là chim chài chài, một loại chim ăn cá rất phổ biến.

Ai dã qua tuổi thơ mà chưa từng ngắm loài chim này bắt cá? Chúng quen đứng rình ven bờ rồi lao bủm xuống mặt nước, khi rời mặt nước thể nào cũng có một con cá nhỏ kẹp trên mỏ. Chúng có một bộ lông đặc trưng: cánh mầu xanh dương, ngực và chân màu hồng đỏ trông thật đẹp mắt. Chẵng dể dàng gì để có dược những bức hình chụp loài chim khá nhút nhát nầy, phải kiên trì mới có được.

Câu chuyện của dòng sông – Diệp Minh Tâm

Kỳ rồi tôi có chỉ cho các cháu con chim bói cá đang đậu ở xa nên các cháu không thấy rõ. Rồi khi nó kêu chát chúa tôi cho biết đó là tiếng kêu của con chim bói cá nọ…

Có nhiều loài chim bói cá, cho nên các chuyên gia nghiên cứu về chim (trong ngành học chuyên môn gọi là điểu học) phân loại và gọi loài này là sả khoang cổ, tiếng Anh là collared kingfisher. Collared tức là mang vòng cổ (collar, giống như vòng cổ của chó), còn kingfisher chỉ chung các loài bói cá. Các cháu thấy không: cổ màu trắng giống như con chim mang vòng cổ vậy. Các cháu tìm trên Google theo “sả khoang cổ” hoặc “collared kingfisher” thì sẽ thấy vô số mô tả và hình ảnh về con chim này.

Tôi quên kể thêm cho các cháu: con chim này có đôi mắt rất tinh, có thể nhìn một con côn trùng hoặc một con cá nhỏ cách xa cả trăm mét. Nhờ vậy mà nó thể bay nhanh tới, và khó có con mồi nào thoát khỏi chiếc mỏ dài của nó.

Bức ảnh trên cho thấy điều gì? Cho tôi niềm vui, vì biết có chim bói cá bay qua lượn lại trên khúc sông này tức là sông còn có cá, tức là môi trường còn tốt. Khi ta không thấy con chim nào thì e rằng môi trường ở đó không tốt: không còn sâu bọ cho chim sâu, không còn cá cho chim bói cá.

Đầm Thị Nại – bán đảo Phương Mai: Bức tranh sơn thủy trong lòng thành phố – ngnghai

Trong đầm, ở gần phía Tây có một đảo nhỏ nổi lên hình dáng trông xa tựa như một ngôi tháp cổ, gọi là tháp Thầy Bói. Có người giải thích sở dĩ có tên như vậy vì xưa kia có một ông thầy xem bói rất giỏi đến đây xây tháp, hành nghề. Lại có thuyết cho rằng, thầy bói là tên của một giống chim ăn cá, lớn bằng bắp tay, lông xanh, ức đỏ, mỏ dài, gọi là chim bói cá, hoặc chim thầy bói. Giống chim này thường tụ nơi khóm đá để bắt mồi. Khóm đá dáng tròn tròn nho nhỏ trông như ngọn tháp, nên gọi là tháp Thầy Bói.

[Chim thầy bói chính là chài chài]

Chim bói cá

Các loài bói cá có điểm chung là mỏ sắc nhọn, to và dài so với kích thước của đầu. Khi chim bói cá phát hiện con mồi, nó lao thẳng về phía con mồi và dùng chiếc mỏ xuyên qua thân nạn nhân, con mồi thường giãy chết nhanh hơn so với cách dùng mỏ đế kẹp lấy con mồi ở các loài chim khác. Bộ lông không thấm nước, giúp chim bói cá giữ được nhiệt độ cơ thể ổn định khi phải liên tục lao mình xuống nước. Mắt có cấu tạo đặc biệt nhằm giúp chim nhận ra con mồi dưới nước. Có tính chiếm lĩnh lãnh thổ cao bởi vì mỗi con chim bói cá cần ăn mỗi ngày khoảng 60% trọng lượng cơ thể, chủ yếu là cá. Vì thế, bói cá thường kiên quyết đánh đuổi chim xâm nhập lãnh thổ.

Chim bói cá là những loài chim thành công nhất trong việc tiết kiệm năng lượng khi đi săn. Hầu hết các loài chim nhỏ đều mất khá nhiều thời gian và năng lượng để leo trèo, chuyền cành, bay đi bay lại. Các loài chim lớn như đại bàng, mặc dù biết lợi dụng sức gió và luồng khí nóng bốc lên những khi trời nắng gắt để chao lượn và tìm mồi, nhưng vì kích thước cơ thể khá nặng, chim vẫn phải tiếp tục đập cánh trong khi tìm kiếm con mồi. Để săn được mồi, chim bói cá chọn cách an toàn nhất và tiết kiệm năng lượng nhất là đậu ở một góc khuất để chờ con mồi xuất hiện. Chim vừa có thể tiết kiệm năng lượng vừa lẩn tránh kẻ thù được, trừ những nơi ít có kẻ thù thì chim bói cá mới xuất hiện ở những chổ trống trải để săn mồi.

Ngành điểu học mô tả các loài bói cá mang tên bắt đầu bằng “bói cá”, “bồng chanh” và “sả”. Hai loài bói cá phổ biến nhất ở Việt Nam là

sả khoang cổ, tên trong dân gian là chẽo chẹt;

bồng chanh, tên trong dân gian là chài chài, chim chài, thằng chài, thần chài.

Bài thơ Khúc thụy du ra đời năm 1968, khi Du Tử Lê sống ở Saigon. Cho nên tôi đoán loài chim bói cá trong bài thơ là loài sả khoang cổ mà tôi thường trông thấy ở đây và được biết làm tổ nhiều ở rừng phòng hộ Cần Giờ, trong khi tôi thường quan sát và nghe ngóng mà không nhận ra loài chim bói cá nào khác. Tuy vậy, tôi đưa dự đoán thứ hai: đó là con bồng chanh.

Loài điểu học: sả khoang cổ – collared kingfisher (Todiramphus chloris)

Gần tòa nhà căn hộ của tôi là một dòng sông nhỏ, và mỗi khi tôi đi dạo dọc bờ sông đều trông thấy con chim này. Thậm chí nhiều ngày ở trong căn hộ của mình tôi vẫn nghe tiếng kêu lanh lảnh của nó từ xa.

Loài này dễ nhận biết: bộ lông màu lam hay lam pha lục, cổ trắng trông như có vòng cổ, bụng trắng. Tiếng kêu lanh lảnh có thể nghe từ xa ‘két-keng két-keng’ khi bay, nhưng khi đậu thì không kêu.

Sinh cảnh: dọc sông nước lợ, rừng ngập mặn, rừng tràm và các vùng ngập nước. Thường đậu trên các cọc hoặc cáp điện, dây điện thoại gần bờ sông, kênh mương.

Sinh sản tháng 12-8. Tổ làm ở hốc cây, cách xa mặt đất khoảng 6 mét, đẻ 3-7 trứng. Trong thời gian nuôi con, chim mẹ rất hung dữ, đuổi chó, mèo đến gần tổ, thậm chí người đến gần tổ cũng bị chim mẹ quấy phá.

Sả khoang cổ là loài định cư phổ biến ở châu thổ Sông Hồng và từ đèo Hải Vân đến Nam Bộ, rất phổ biến trong các vùng rừng ngập nước ở Nam Bộ.

Tiếng kêu tôi thường nghe là tiếng ghi âm của Hobart WQH và Marc Anderson:https://www.xeno-canto.org/species/Todiramphus-chloris

Loài điểu học: bồng chanh, chài chài – common kingfisher (Alcedo athis)

Còn được gọi là chim chài, thằng chài, thần chài, đây là loài chim bói cá duy nhất phổ biến khắp thế giới và cũng là loài chim bói cá thường gặp nhất ở Việt Nam.

Thân dài 17 cm. Có kích thước tương đối nhỏ nhất so với các loài khác cùng họ. Khi bay để lộ màu lông xanh da trời sáng ở giữa lưng. Chim mái và chim non có màu xỉn hơn.

Đây là loài đến trú đông trên cả nước; định cư ở vùng Đông-Bắc và Bắc Trung Bộ.

Sống ở vùng đất ngập nước, thường gặp ở nơi quang đãng. Dạn người, thường bay vỗ cánh liên tục tại một chỗ để tìm mồi hoặc đậu gần mặt nước để rình mồi.

Đào hang ở bờ nước để làm tổ.

Tiếng kêu: êm dịu ‘chiu chít’ hoặc ‘chít chi’:https://www.xeno-canto.org/species/Alcedo-atthis

Bông lau / Hoành hoạch / Quành quạch / Trao trảo

Ca dao

Con chim trả, ai vay ai trả?Bụi cây sưng, ai vả mà sưng?Đây người dưng, đó cũng người dưngCớ sao giọt thảm rưng rưng ướt tròng?

[Chim trả là trao trảo tức hoành hoạch, và cây sưng là cây sung. Chữ được đọc trại ra như thế để có vần và theo nghĩa.]

Không ai cưới hỏi, là chim bông lông[Bông lông chính là bông lau.]

Thơ

Trung du – Nguyễn Vĩnh TiếnCon chim bông lau cánh xác xơ về kêuBuổi chiều sắc xám xơ vạt đồi cao ối đỏÔng nội tôi uống rượu say là tại con đường.

Âm nhạc

Chim bông lau tìm bóng – Nguyễn Vĩnh TiếnNgọc Khuê – https://www.youtube.com/watch?v=TOrhUrCVdc4

Tôi là một con chim, bay qua dòng sôngTôi nghiêng đôi cánh, tôi thử soi gương…Mặt sóng soi tôi thành một con sóngDòng nước soi tôi thành một chiếc láTrôi dạt… trôi dạt…

Truyện ngắn

Tướng về hưu – Nguyễn Huy Thiệp

Hơi hướng một cuộc tình đã dai dẳng, ông nghĩ đến cái hơi hướng của cuộc đời. Của cả cuộc đời.

Mai kia, ông ra đi khỏi cõi đời này, chắc đâu cái hơi hướng của nó không đeo đuổi? Ba tấc đất đâu đã thực là đủ sâu? Trong nghĩa trang, những khu nghĩa trang với đồi cỏ xanh mướt, cây xanh mơn mởn, mười giờ lũ chim sẻ, chim quành quạch kêu tíu tít, kêu rối cả lên, và nắng thì chan hòa, những khu nghĩa trang đô thị nằm ngay cạnh các con lộ rộn ràng, sát kề cuộc sống náo nức, trong những khu nghĩa trang như thế làm sao yên được giấc nghìn thu!

Nhạc chim – Ma Văn Kháng

Tất nhiên cao giá nhất thì phải là họa mi, nhồng, cưỡng, bạc má, hồng tước… Còn bình thường thì có thể kể cả ngày không hết. Nào hoành hoạch, mỏ chì, nào bạch khuyên, vàng ảnh vàng anh có phải vợ anh chui vào tay áo… Mỗi loài nó hót một kiểu.

Bên đập đồng cháy – Võ Hồng

Tiếng cánh cửa gỗ đóng “két, “ nặng và dài. Chùm lục lạc cột ở khuy cửa khua rủng rẻng. Toàn là những tiếng quen thuộc, những tiếng quen nghe từ hai mươi năm nay. Những bụi ớt. Giàn mồng tơi. Đụn rơm. Cây mít còn ôm ấp những mảnh bóng tối. Cây ổi xá lị của thằng Xang. Bà quay mặt đi không dám nhìn nữa. Cái gánh đè lên vai. Thôi tụi bay ở lại. Má đi chắc không về. Tụi bay sẽ héo, sẽ khô không còn ai tưới nước cho tụi bay nữa. Tha hồ những con chim sẻ, những con chim quành quạch đục rỉa tụi bay. Má đi chắc không về nữa.

Tiếng vạc sành – Phạm Trung Khâu

Lưới chụp sẵn. Soạn thêm đồ nghề, cu mồi, cơm nước cho cả ngày. Khản vác, xách các thứ đó ra đồng.

Ði một hồi tới khu vườn hoang. Nghe tiếng chân người, bầy trao trảo trên cây ớt hiểm bay loạn xạ. Một con rắn hổ ngựa giật mình, chạy phăng phăng trên mặt nước của một ao to.

[Ghi chú: Vạc sành là côn trùng trông tựa châu chấu. Muốn phân biệt thì ta dựa vào đôi râu, nếu râu dài hơn thân đó là vạc sành, râu ngắn hơn thân đó là châu chấu. Vạc sành đực có các cơ quan tạo âm nằm ở góc sau của cặp cánh trước. Khi gáy thì có tiếng như âm thanh rõ rệt.]

Người duy nhất – Dạ Ngân

Chị gật đầu, có vẻ quan tâm tuy chị biết thừa những điều này rồi. Cái nghề chơi chim, gác chim của ông chồng chị thì nổi tiếng cả xứ này chứ đâu phải vùng quê nhỏ bé này. Đến giờ, thỉnh thoảng cũng có người tìm đến anh để tìm hiểu về cách nuôi chim cu gáy, chim chìa vôi, trao trảo hoặc cách gác lục, gác lưới bắt chim, chọn chim hay chim dở đó thôi. Nhưng lẽ nào anh chỉ còn giữ lại bấy nhiêu? Lẽ nào anh không còn ước muốn gì nữa trong cuộc đời này?…

Thế mà, chỉ một cơn bệnh thập tử nhất sinh đã thay đổi hoàn toàn. Mọi thứ với anh đều như vô nghĩa, mối quan hệ vợ chồng, tình gia đình, con cái… Anh thu mình lại, không muốn ai can dự vào cuộc đời mình. Có mở miệng nói về chuyện này chuyện kia cũng chỉ là cho có nói. Riêng có thú chơi ngày xưa là anh còn giữ lại như nuôi gà tre, nuôi chim, nuôi thỏ. Góc vườn này là vương quốc của anh đó. Có lẽ anh thích nghe tiếng gù gù êm ái của loài cu cườm, tiếng hót của chim chìa vôi hay tiếng “ríu” của con trao trảo trong mấy chiếc lồng treo trên cháng cây kia còn hơn gặp mình, nghe mình nói chuyện, chị nghĩ thầm như vậy…

Nguyệt quế – Nguyễn Ngọc Tuyết

… Góc vườn này là vương quốc của anh đó. Có lẽ anh thích nghe tiếng gù gù êm ái của loài cu cườm, tiếng hót của chim chìa vôi hay tiếng ‘ríu’ của con trao trảo trong mấy chiếc lồng treo trên cháng cây kia còn hơn gặp mình, nghe mình nói chuyện, chị nghĩ thầm như vậy…

Truyện dài

Chú Tư Cầu – Lê Xuyên

Hai con chim trao trảo đuổi nhau trên cành kêu chí chóe, con trống rượt con mái bay lạt xạt trên ngọn cây, con nầy không chịu trốn thẳng đi mà chỉ bay loanh quanh, lộn đi lộn lại để cuối cùng nằm mọp xuống chịu trận mà kêu chiêm chiếp nửa như đau thương nửa như âu yếm…

Tản văn

Chim hoành hoạch – Y Nguyên

Cây mai nhà Lữ thỉnh thoảng vẫn có sâu và lũ hoành hoạch. Chim sâu lại đợi những trưa vắng người để sà xuống nghiêng ngó, tìm bắt sâu non. Lạ gì!

Ấy vậy, nhưng… quả có điều lạ!

Cu Lữ vừa dợm quay vào nhà đã thấy con hoành hoạch trở lại. Nó đảo một vòng, sà xuống, mỏ ngậm tòn ten một con sâu. Ái chà! Con chim này mới kỳ cục, không bắt sâu cho cây thì chớ, lại còn “tha” sâu về! Được! Để xem mày định làm gì. Con hoành hoạch liếc mắt, nghi ngại nhìn Lữ. Thấy cu Lữ “lơ đãng”, chú chàng có vẻ yên tâm, ngoắc chiếc đuôi dài, biến ngay vào vòm lá. Đáp lại tràng tiếng “hoạch hoạch” là cả một chuỗi thanh âm xôn xao, líu ríu… Ui trời! Bây giờ thì cu Lữ hiểu cả. “Điều bí mật” to tướng giấu sau vòm lá, trên chạc ba cây mai chính là những tiếng líu ríu kia. Hèn chi “chú” hoành hoạch mẹ cứ đi đi, về về. Chưa đầy nửa phút, chim mẹ lại te tái chui ra, bay vút. Chỉ chờ có thế, cu Lữ hậm hụi bắc ghế… A, kia rồi! Giữa chạc ba là một chiếc tổ. Trong tổ, 2 con hoành hoạch non da mép vàng chạch, lông cánh lưa thưa đang ngọ nguậy đầu, chép chép mỏ. “Trúng” to thật! Từ lâu, cu Lữ vẫn thầm mơ một chiếc lồng và những chú chim. Được đấy, cứ đợi lũ hoành hoạch non đủ lông đủ cánh rồi thì… Phen này, đám bạn Lữ sẽ tha hồ mà lác mắt!

Loài điểu học: bông lau mày trắng – yellow-vented bulbul (Pycnonotus goiavier)

Thuộc Họ Chào mào (Pycnonotidae) gồm những loài chim hoặc biết hót hoặc có tiếng kêu chát chúa; tất cả có kích thước trung bình. Các loài quen thuộc trong họ này là cành cạch thuộc các chi Alophoixus, Hemixos, Hypsipetes, Iole và Ixos; 33 loài chào mào và bông lau thuộc chi Pycnonotus, và khướu. Trong dân gian, các tên bông lau, chào mào và hoành hoạch thường được dùng lẫn lộn cho các loài chim khác nhau.

Dân gian gọi bông lau mày trắng đơn giản là bông lau, hoặc bông lau đít vàng, chào mào huyệt vàng, chào mào đít vàng. Nhóm chim bông lau có tên như thế vì bộ lông có màu giống bông cỏ lau.

Như tên gọi bông lau mày trắng trong điểu học: phía trên mắt có dải rộng trắng kéo dài từ gốc mỏ đến gáy; như tên thông thường bông lau đít vàng: vùng lông dưới đuôi và phần sau bụng màu vàng tươi.

Mào ngắn và dày, màu nâu nhạt so với đầu trắng. Mặt lưng nâu đất, dọc giữa lông mày thẫm hơn. Cằm và họng trắng. Tai nâu rất nhạt. Mặt bụng trắng, có vệt nâu ngực và hai bên sườn.

Bông lau mày trắng được tìm thấy trong nhiều môi trường sống mở, gần bìa rừng nơi có nguồn nước hoặc ven bờ biển, nhưng không ở trong rừng sâu. Đây là một trong những loài chim phổ biến nhất tại các khu vực trồng trọt. Cũng hiện diện ở vùng ngoại thành như Quận 2, Thủ Đức, Hốc Môn… và ngay cả nội đô Saigon.

Thích nghi với con người, thậm chí có thể làm tổ trong vườn cây ăn trái, trụ trồng cây tiêu… Đẻ 2-4 trứng.

Tổ và trứng bông lau mày trắng (Thú vui Tây Nguyên)

Tiếng kêu: ríu rít êm dịu, cũng có tiếng chát chúa ‘chwich chwich’:https://www.xeno-canto.org/species/Pycnonotus-goiavier

Loài điểu học: bông lau họng vạch – stripe-throated bulbul, streak-throated bulbul (Pycnonotus finlaysoni)

Có thể xem bông lau họng vạch là biểu trưng cho hoành hoạch trong dân gian. Điều lạ là cái tên “hoành hoạch” rất phổ biến trong dân gian nhưng ngành điểu học không dùng tên này, lại dùng tên lạ hoắc!

Thân dài 19-20 cm. Đúng như tên gọi, họng có những vạch màu vàng nghệ trông rất rõ, giúp phân biệt với những loài bông lau khác. Lưng màu ô-liu pha vàng nghệ; bụng từ xám nhạt đến xám đậm; trán, tai, phần ngực trên và đuôi có màu vàng nghệ nhạt hơn họng. Trống mái giống nhau. Chim non: những vùng màu vàng có màu vàng xỉn.

Sống định cư trên cả nước, ở rừng thường xanh, rừng hỗn giao, rừng cây bụi, ở bìa rừng có các vùng trống trải.

Hoành hoạch bắt côn trùng mang về tổ mớm cho chim non (Thu vui Tay Nguyen)

Tiếng kêu có khi nghe như ứng với tên “hoành hoạch”, cũng có tiếng kêu vui tai nhưng không kêu nhiều:https://www.xeno-canto.org/species/Pycnonotus-finlaysoni

Loài điểu học: bông lau tai vằn – streak-eared bulbul (Pycnonotus blanfordi)

Tôi có ấn tượng với loài bông lau này vì mỗi chiều chúng tề tựu trong tán cây kề bên nhà tôi thuê ở Bangkok, rồi sau này cũng mỗi chiều tôi lại thấy chúng tề tựu trong tán cây trước văn phòng dự án nơi tôi làm việc ở Hội An. Ấn tượng mạnh bởi vì chúng rất ồn ào! Cũng có thể được xem là loài hoành hoạch thứ hai.

Thân dài 18-20 cm. Như tên gọi, hai bên tai có những đường vằn. Bộ lông không có gì đặc biệt bởi vì quá đơn điệu: chỉ là màu vàng đất sét, bụng nhạt hơn lưng, mặt dưới đuôi phớt vàng.

Phổ biến từ Trung Bộ đến Nam Bộ ở cao độ thấp.

Sống ở rừng thay lá, bụi rậm, khu vực canh tác, vườn nhà kể cả ở làng mạc và đô thị. Thường ngủ theo đàn ở cây to trong đô thị, tạo tiếng huyên náo lúc bình minh vừa thức dậy và lúc chiều tối khi trở về chỗ ngủ.

Tiếng kêu đa dạng: liên tục nhiều âm chát chúa pha lẫn âm trầm, cả đàn có thể gây phiền nhiễu vì tiếng ồn khi đậu trong vườn nhà:https://www.xeno-canto.org/species/Pycnonotus-blanfordi

Bồ câu

Thành ngữ

Thóc đâu bồ câu đấy.

Mắt bồ câu.

Thơ

Ngày xưa – Lưu Trọng LưNgày ngày vào rừng sâuThổi sáo tìm bồ câuChim ngàn trên vai đậuĐậu cả mái tóc sầu.

Người ảo – Trần Bảo Kim ThưEm là cô gái ở nơi naoDuyên đã bén chưa, mấy tuổi đầu?Da trắng, tóc đen, mày lá liễuMôi hồng, má thắm, mắt bồ câu

Tiếng hát ước mơ – Thiết DươngTa nhuộm màu xanh vẽ đất trờiCó bồ câu trắng liệng muôn nơiNgăn dòng lệ đắng dừng cơn hậnDệt đóa môi xinh thắp nụ cười

Truyện ngắn

Cô gái làng Sơn Hạ – Ngọc Giao

Vĩnh nhìn xuống cái quán nước của mẹ con Nhàn. Anh lại nghĩ đến người con gái lành hiền ấy cũng có cặp mắt bồ câu, có cái miệng cười tươi tắn, cái bàn tay, nhất là cái bàn tay, thực là lành hiền như tất cả các nết của cô.

[…]

Vĩnh đưa mắt nhìn Nhàn. Nhàn đứng ở ngoài hàng bồng con. Nhàn vẫn như xưa, đôi má vẫn hồng, đôi mắt bồ câu vẫn đen nhanh nhánh.

Yêu dấu xưa – Lê Thị Nhị

Toàn âu yếm nhìn Thúy. Trông nàng thật ngây thơ xinh đẹp. Mái tóc đen dài chải túm phồng phồng ở phía trước và kẹp lơ lửng bằng cái kẹp ba lá phía sau. Đôi mắt bồ câu đen láy, linh động. Mũi cao và thon, ngăn đôi gò má trắng hồng. Miệng nàng tươi như hoa nở.

Im lặng – Nguyễn Thị Thu Huệ

Nghe vợ nói lại, tôi vừa tức vừa mừng. Từ lúc ấy tôi càng thấy yên trí, sung sướng với câu nói chí tình ấy của mình. Tôi tin lời tôi như con bồ câu tin hạt thóc vàng trước mặt. Nhưng cuộc đời cứ tạm như vậy cả, có lẽ tôi đã không ra thế này.

Truyện dài

Tôi và em – Hoàng Ngọc Tuấn

Em có định đến thăm nhà tôi không? Nhà tôi tuy chẳng có “giàn thiên lý” nhưng vườn trồng thật nhiều cây đu đủ, thế nào cũng có một vài trái chín ửng vàng. Và một rặng mía voi dày bao quanh trước nhà, thứ mía to bằng bắp tay, ngon ngọt biết bao và cũng vì thế mà đã làm tôi gãy mất vài chiếc răng tham lam ngấu nghiến. Vườn nhỏ nhưng cũng có trồng vài thứ ớt xanh, rau quế, bạc hà… Trên mái nhà cao một chuồng bồ câu gọi nhau gù gù suốt ngày. Chúng ta sẽ bắt chước chúng gọi nhau gù gù suốt đời. Em thích không, Mơ Nữ?

Âm nhạc

Bồ câu trắng – Trầm Thiên ThuEm là bồ câu trắngtung bay vút trời xanhcánh vàng nghiêng trong nắngca dao em hòa bình.

https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/bo-cau-trang-dang-cap-nhat.HA773NiJnB.html

Em như chim bồ câu trắng – Trần NgọcEm như chim bồ câu tung cánh giữa trời (4)Em mong sao không có nước mắt rơi chia lìaEm mong sao trên trái đất hoa thơm nở bốn mùaEm mong sao trên trái đất mỗi con người như em

Bé Thùy Dương – https://www.youtube.com/watch?v=tuJD443tm3Y

Bồ câu không đưa thư – Nguyễn Văn HiênBồ câu không đưa thư hay lòng ai không dám!Bồ câu không đưa thư cho lòng ai bàng hoàng than thở!

Tam Ca Áo Trắng – https://www.nhaccuatui.com/playlist/bo-cau-khong-dua-thu-va.HgpZimACitXP.html

Loài điểu học: gầm ghì đá – rock pigeon (Columba livia)

Họ Bồ câu (Columbidae) gồm khoảng 22 loài ở Việt Nam. Các loài quen thuộc là bồ câu, gầm ghì và cu gáy.

Nếu vì óc tò mò khoa học mà muốn tìm tên “bồ câu” trong tài liệu điểu học thì bạn sẽ thấy những hình ảnh mang tên “bồ câu” trông không hề giống những con bồ câu mà bạn quá quen thuộc! Còn loài chim quá quen thuộc với bạn lại mang tên điểu học chẳng quen thuộc tí nào!

Gầm ghì đá chính là thủy tổ của các chủng bồ câu nuôi (Columba livia domestica), và các chủng này có sắc màu đa dạng hơn loài nguyên thủy.

Gầm ghì đá hoang dã trưởng thành dài 29-37 cm và nặng 240-380 g, mặc dù bồ câu nuôi được cho ăn đầy đủ thường vượt quá trọng lượng này.

Hai vệt đen hình vòng cung trên mỗi cánh là nét đặc trưng của loài hoang dã mà một số cá thể bồ câu nuôi còn giữ được. Đầu màu xám xanh, cổ và ngực có màu xanh lục bóng, màu đỏ-tím ánh kim dọc theo cổ và cánh lông của nó. Mống mắt màu da cam, đỏ hoặc vàng với một vòng trong nhạt màu, và da trần quanh mắt màu xám-xanh.

Trong hoang dã hiện nay có bồ câu nuôi đi hoang hoặc bị người nuôi bỏ mặc, chúng đi kiếm ăn đây đó rồi cuối cùng trở về với hoang dã.

Bồ chao / Khướu đầu trắng

Ký sự

Chuyện về chim chơ-rao – Tạ Văn Sỹ

Cây kơ-nia, rừng xà-nu, hoa pơ-lang… đã từ một loài thảo mộc bình thường bỗng trở nên nổi tiếng, được coi như thứ đặc hữu, biểu trưng cho núi rừng Tây Nguyên qua các tác phẩm văn học – nghệ thuật. Chim chơ-rao cũng vậy, từ một loài chim bình thường bỗng trở nên nổi tiếng qua trường ca Bài ca chim chơ-rao của nhà thơ Thu Bồn.

[…]

Từ điển Ba na–Việt ghi chơ-rao là chim sáo. Tuy nhiên, theo những người biết về chim muông thì cho đó là chim bồ chao. (Mà nghe ra âm đọc ‘chơ-rao’ cũng gần với “bồ chao” hơn là “sáo”!). Từ điển Việt–Ba na ghi bồ chao là “bơ-lang”. Từ hai định nghĩa trên, so sánh cụ thể giữa hai loài chim thì thấy: Chim sáo có bộ lông chủ yếu là đen nâu, chân cao, thân hình thon gọn, ít hót liên tục; Chim chơ-rao to con hơn một tí vì có bộ lông hơi xù, màu xam xám với những chấm lốm đốm đen và trắng xám, có tập quán thi nhau la hét liên hồi khi tụ đàn đông đảo. Ở vùng Nam Trung Bộ có câu thành ngữ “Ồn như đám bồ chao!” để nói về một nhóm người nào đó đang kháo chuyện ồn ào náo nhiệt. Bồ chao hay quần tụ ở nơi có ao hồ, đầm lầy hay sông suối giữa rừng già. Người đi rừng nếu cần tìm nguồn nước cứ lắng nghe tiếng chim bồ chao ở đâu thì lần đến đó, thế nào cũng gặp nước. (Được cái, đàn bồ chao luôn thi nhau kêu la inh ỏi nên cũng dễ nghe ngóng được “tín hiệu” có nước ấy!). Người viết bài này vào những năm 1980 theo bạn đi đãi vàng sa khoáng khắp rừng Tây Nguyên cũng đã nhiều lần ứng dụng kinh nghiệm này mà tìm sông suối để đào đãi.

Truyện ngụ ngôn

Chuyện của loài chim – Võ Quảng

Chỉ trong vài hôm mà chim chóc ở khu rừng nằm dọc bên một cái hồ lớn đã về đông đủ. Ca hát xong, các chim thi nhau kể chuyện. Chợt Bồ Chao ập đến. Bồ Chao liến thoắng một hồi:

– Tôi xin báo một tin mới toanh. Một tin khẩn cấp! Tôi vừa biết là người ta đang dựng hai cái trụ cao, cao đến mây xanh. Chắc là để… chống trời. Nếu để chống trời thì trời có thể sụp. Tôi lo quá! Nếu quả vậy thì tôi phải đưa gấp các cháu đi chỗ khác. Gia đình tôi sơ tán ngay. Việc đó rất cần.

Thơ

Mùa buồn – Đặng Ngọc Ngận

Xuân ánh hồng lơ lửng không gianHoa mai nở xúng xính nàng đào đẹpÁnh mặt trời dát vàng ánh thépLũ lượt rộn ràng đầy những vườn chim

Chú bướm nào đang mắt ngủ lim dimCũng đã được mùa xuân đánh thứcCon bồ chao khe khẽ hót gọi bầyTất cả thế nhưng sao sầu quá đỗi

Nghe tiếng chim bồ chao nhớ Nội – Quang HàPhải rồi, chim ấy bồ chaoVang vang lên những tiếng chào dễ thươngChào tia nắng sớm mai hườngChào tôi bước lại con đường tuổi thơ

Truyện ngắn

Mùa Xuân nghe tiếng chim – Võ Hồng

Với đóa hoa nhu mì gần gũi, người mở sách tra chữ và đặt tên. Còn với chim trời, chỉ nhìn thấy dáng xa xa, lại gần thì bay mất: nên thường dựa theo tiếng kêu mà đặt cho một cái tên quấy quá, lấy có: cồng cộc, bồ chao, chèo bẻo, bìm bịp… Cả đến tên bắt cô trói cột. Chỉ với những con chim quý, cưng dưỡng trong lồng mới tầm chương trích cú: hồng yến, hoàng anh…

[Xem các mục: Cồng cộc / Cốc đen, Bồ chao / Khướu đầu trắng, Chèo bẻo, Bìm bịp, Bắt cô trói cột, Yến cảnh, Vàng anh.]

Con khướu sổ lồng – Nguyễn Quang Sáng

Con Khướu nhà tôi không đẹp như họa mi hay sơn ca, so với con cưỡng nó cũng không bằng. Lông một màu đen, trên đầu có một cái chóp trắng, trông nó như một lão già lụ khụ lúc nào cũng đội kết. “Đừng thấy vậy mà chê. Nghe nó hót rồi biết”. Ông bác tôi vốn là người chơi chim, mang nó từ quê lên cho, bảo vậy. “Tao chọn rồi, chim trong nhà, nó là con hót hay nhứt”. Đúng như lời của ông bác, tiếng hót của nó vừa vui vừa xao xuyến. Những buổi chiều mệt nhọc từ ngoài đồi trở về, ngồi trên mảnh vườn nghe nó hót, lòng bỗng thấy thanh thản, thấy gần với trời đất.

Cây bàng xóm chợ – Minh Hương

Bọn chúng tôi học trò tiểu học, nhà cửa quanh quẩn xóm chợ là những đứa nghịch ngợm nhất. Tuy vẫn một lòng tôn kính cây bàng huyền thoại này, không bao giờ dám trèo phá bắt chim non hay khoèo móc trái chín, loại trái nổi tiếng là ngon nhất thị trấn, nhưng cũng không kiềm chế được tính tò mò và vẫn không hoàn toàn tin vào những lời huyền hoặc. Thỉnh thoảng làm như vô tình lén nhìn lên ngọn cây để có thể thấy được cái gì lạ. Lần nào cũng thấy từng bầy sáo sậu, chào mào, bù chao bay về đậu trên mấy cành rậm lá. Suốt ngày bọn chim sâu nhỏ xíu vừa kêu líu lo vừa chăm chỉ tìm bắt sâu trên lá, trên cành.

[Xem các mục: Sáo sậu, Chào mào.]

Con bồ chao đoạt giải – Khôi Vũ

Đúng buổi sáng ngày hội thi chim hót hay, con bồ chao của Tám Tùng sổ lồng. Anh Tám buồn ra mặt. Vậy là anh không thể có mặt trong số những người chủ chim dự hội thi. Anh chỉ còn một tia hy vọng mỏng manh cuối cùng: may ra con bồ chao chịu trở lại cái lồng mái nhà rông mà anh nhờ treo trên một nhánh mận, trong có cái hũ đầy trứng kiến. Con bồ chao chẳng bay đâu xa. Nó đậu ngay đầu một nhánh mận cao chót vót, đứng giữa trời nhìn một khoảng không phố xá nội ô vắng bóng cây, trần trụi phơi mình dưới nắng.

[…]

Tám Tùng buồn bã nhìn lên nhánh cây mận, nơi có treo cái lồng mái nhà rông, cửa lồng mở sẵn thòng xuống sợi dây bẫy bằng chỉ. Anh lại nhìn về phiá cái nhánh cây cao chót vót, nơi đó, con bồ chao đang chúi đầu xuống nhìn dáo dác. Anh khẽ thở dài, lặng lẽ đi bên ông Năm nghệ nhân, tai nghe ông già nói chuyện mà mắt thỉnh thoảng lại ngước lên nhìn con bồ chao…

Loài điểu học: khướu đầu trắng – white-crested laughingthrush (Garrulax leucolophus)

Khướu đầu trắng có tên trong dân gian là bồ chao, bù chao, bạch đầu ông, khướu đầu bạc, khướu mào trắng, thuộc Họ Chào mào (Pycnonotidae) và cùng Chi Garrulax với khướu.

Hiện diện phổ biến toàn cõi Việt Nam lên đến độ cao 1.000m, từ rừng dày, ẩm đến rừng thứ sinh nơi nó có thể trốn tránh những kẻ săn mồi và trú ẩn từ mặt đất. Ngoài ra nó còn thích ở những khu vực có rừng tre trúc, nơi có thể cung cấp cho chúng một môi trường lý tưởng để làm tổ và ngụy trang. Chủ yếu sống định cư thành đàn nhỏ.

Chiều dài cơ thể khướu mào trắng trung bình khoảng 30 cm, trong đó đuôi 13-15 cm. Trên đầu có mào; lưng, cánh và đuôi có màu nâu hạt dẻ; đầu cổ và bụng có màu trắng tuyết; còn có một vệt đen kéo dài từ mắt bên này sang mắt bên kia; mỏ dài và thẳng. Trống và mái có bộ lông và vóc dáng giống nhau.

Tiếng kêu: ‘hủ chiu hít chìu – hủ chiu hít chìu’ khá chói tai. Chim nuôi có thể hót liên tục suốt ngày, được cho là do huấn luyện hoặc chế độ ăn uống – một hình thức hành hạ động vật.

Bồ nông / Chàng bè

Vè / Đồng dao

Kiếm ăn từng vạtLà chim chàng bè

Ca dao

Chim chích mà ghẹo bồ nôngĐến khi nó đánh, lạy ông tôi chừa!

Bao giờ cho hết tháng baBồ nông no ấm ở nhà nghỉ ngơi.

Thơ

Hứa thầm – Trần Như ChuyênNgô vàng trải kín bãi sôngVườn ai quá rộng bồ nông bay vềTrâu bò đầm nắng ven đêChích choè tập múa mải mê sau vườn.

Truyện ngắn

Gánh hàng hoa – Nhất Linh và Khái Hưng

− Liên, em! Chiều hôm nay anh sung sướng. Anh nghĩ tới hạnh-phúc, tới tương-lai của đôi ta; tới cái tương-lai tốt đẹp hơn ngày nay. Bỗng một vật khiến anh buồn rầu lo nghĩ. Đi quanh cái hồ vuông, anh nhác trông thấy con bồ nông một mình lủi thủi, đặt bước nặng nhọc bên cái cù lao. Đột nhiên, anh nghĩ tới những cảnh cô-độc ở đời…

Bồ nông có hiếu – Phong Thu

Thế là chỉ còn có hai mẹ con bồ nông ở lại nơi nắng bỏng cát rang này. Từ thuở xa xưa, họ hàng nhà bồ nông không chịu nổi giá rét và nóng nực. Rét còn tạm, chứ nắng quá, bồ nông ngại lắm.

Phải năm trời hạn, mưa xuân chưa tan, gió nồm đã tới. Rồi cứ như bị đổ nghiêng, cả một vòm xanh ngắt rớt mãi ánh nắng chói chang xuống, khiến cho mọi nhà bồ nông hốt hoảng gọi nhau rời phương Nam lên phương Bắc. Có hai mẹ con chú bồ nông kia chẳng may bị nạn. Trên đường đi, bồ nông mẹ bị nắng chiếu quáng mắt, lao phải cành gai tre, suýt nữa gãy cánh. Bồ nông con dìu mẹ ẩn vào trong một hốc cây, chờ cho mẹ khỏi mới đi tiếp. Thấy vậy, các bác bồ nông khác cùng đi cũng đứng lại giúp đỡ một tay.

Một ngày, rồi hai ngày, bồ nông mẹ vẫn chưa nhấc cánh lên được. Mà, ngoài kia, trời cứ hầm hập như nung. Như thế này, không thể đuổi theo đàn được nữa. Bác bồ nông hàng xóm cần phải đuổi theo bầy con thơ dại, bác gọi chú bồ nông bé bỏng nọ lại gần, dặn dò mọi việc cần thiết trong khi săn sóc mẹ. Bồ nông con vâng dạ, ghi lòng. Từ buổi ấy, bồ nông con hết dắt mẹ tìm nơi mát mẻ, lại mò mẫm đi kiếm mồi. Đêm đêm, khi gió gợn hiu hiu, chú bồ nông nhỏ bé một thân một mình ra đồng xúc tép, xúc cá. Đôi chân khẳng khiu của chú vốn đã dài, giờ càng như dài thêm ra vì lặn lội.

Trên đồng nẻ, dưới ao khô, cua cá chết gần hết. Mặt sông chỉ còn sâm sấp, xơ xác rong bèo. Bắt được con mồi nào, chú bồ nông cũng ngậm vào miệng để phần mẹ…

Truyện dài

Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi

… Những con chàng bè đồ sộ như con ngỗng, mỏ to bằng cổ tay cứ gõ vào nhau lộp cộp, làm rung rung mảnh da mềm thòng xuống tận cổ như cái diềm lụa mỡ gà.

Loài điểu học: bồ nông chân xám – spot-billed pelican (Pelecanus philippensis)

Các loài bồ nông thuộc họ Bồ nông (Pelecanidae), có mỏ dài để bắt con mồi và túi cổ họng lớn dùng để thoát nước từ con mồi được nó xúc lên trước khi nuốt.

Dễ nhận diện bồ nông chân xám – còn được gọi là chàng bè hoặc chằng bè – vì cơ thể to trông cục mịch, đôi chân ngắn có màng để bơi và lặn, sải cánh rộng, mỏ dài màu vàng nhạt. Thân cao 125-150 cm, nói chung màu trắng pha xám nhạt hoặc nâu nhạt.

Bồ nông nhận diện con mồi tiềm năng từ trên cao, sau đó lao thẳng tới vị trí con mồi để bắt với độ chính xác rất cao.

Từng được nhìn thấy ở các vùng cửa sông lớn của khu vực đồng bằng Sông Hồng, Sông Đáy, Sông Thái Bình và Văn Úc… Vì mất môi trường sống và cũng vì sự xáo trộn do con người gây ra, số lượng bồ nông định cư giảm rõ rệt.

Bồ nông có thể sống 10-30 năm trong hoang dã.

Bồ nông được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam để bảo vệ, và được IUCN xếp vào cấp độ NT (gần bị đe dọa).

Bồng bồng

Ca dao

Le le, vịt nước, bồng bồngEm đi lấy chồng anh ở lại quê.

[Bồng bồng tức mồng két mày trắng]

Truyện ngắn

Đêm Tháp Mười – Lê Văn Thảo

Vợ chồng tôi nuôi con chẳng khác chi chim bồng bồng ấp trứng, nhiều lúc phải đi lặt từng gương sen, trái súng về giã bột cho con ăn.

Bút ký

Có những mùa chim – Lương Thư Trung

Đổi mùa là làm lại một lần đời nhưng có ai ngờ loài chim chóc lại có những vụ mùa tương lân góp sức thú vị biết dường nào! Loài bồng-bồng thì ít khi làm ổ mà lại đẻ trên ngọn cây cao chót vót. Loài chim này cùng với giống chim le-le có tập quán chung là cả một bầy chẳng cần biết bao nhiêu con, cứ tụ hội là đẻ chung trong một cái ổ trên những ngọn cây cao chót vót. Chỉ có khác là loài le-le thì cùng nhau đạp cỏ lót ổ; trái lại bồng-bồng thì chờ con người lót ổ sẵn và cứ thế rủ nhau từng đàn, từng đàn.

Nhưng sự đời đâu có đơn giản như vậy. Người ta làm sẵn cái ổ hình tháp công phu và bò lên ngọn cây cao biệt vụt như vậy là cũng có cái ý dụ cho bồng-bồng về đẻ và họ sẽ lượm trứng chim. Và lâu lâu, người gác ổ bồng bồng sẽ trèo lên trút ổ một lần. Trứng thôi là trứng… Vì có đẻ mà không được ấp trứng nên dần dần loại chim này gần như tuyệt chủng trên những vùng quê có mùa nước lụt hằng năm. Họa hoằn lắm mới thấy vài bầy chim bồng-bồng là nhờ chúng còn biết đẻ ở các bộng cây cổ thụ mà không ham tìm kiếm những cái ổ hình tháp thật hấp dẫn ở rải rác nơi các ngọn cây cao lơ lửng lưng trời….

Loài điểu học: mồng két mày trắng – garganey (Anas querquedula)

Bồng bồng tức mồng két mày trắng là loài vịt nhỏ, thân dài 37 cm. Đỉnh đầu hơi bằng. Chim trống: Có vạch rộng màu trắng trên đầu; khi bay thấy phần trước cánh có màu xám bạc. Chim mái, chim trống ngoài mùa sinh sản và chim non: có họa tiết trên đầu dễ phân biệt hơn; vạch qua mắt màu sẫm, vạch trên mắt rõ ràng, cổ họng trắng hoàn toàn và thường có một đốm màu xanh nhạt nổi bật ở gốc mỏ.

Loài di cư phổ biến ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.

Sống ở vùng đầm lầy, hồ nước, vùng ven biển.

Loài điểu học: mồng két – common teal (Anas crecca)

Loài này khác với mồng két mày trắng ở chỗ không có mày trắng, thay vào đó là một vệt rộng màu xanh lục sậm trên đầu màu nâu sậm. Khi đứng yên thấy có nhiều vệt trắng dài dọc trên vai. Con trống có màu lông được xem là đẹp hàng đầu trong số các loài chim.

Có phân bố hẹp hơn loài trên: chỉ trú đông ở đồng bằng Bắc Bộ và miền Tây. Vì thế ở miền Tây loài này có thể được gọi là bồng bồng,

Cà kheo

Bút ký

Kỹ sư trẻ bỏ Sài Gòn về quê ‘đỡ đẻ’ cho chim, cá – Hoàng Nam

Khi đến cánh đồng năng, bên kia là rừng tràm bạt ngàn chim muông, Linh Em ra dấu mọi người im lặng rồi bò một đoạn dài qua bờ đất lởm chởm quan sát cái tổ với 4 trứng to có đốm đen của loài chim lạ. Ổ không nằm trên cây như bình thường mà được xây bằng xác lá, thân cây, nổi lên giữa ao nước. Anh nói đã theo dõi tổ chim này mấy ngày nhưng chưa phát hiện con mẹ.

Hơn 30 phút nhóm người ẩn mình trong rừng cây, cuối cùng con chim mẹ cũng tha mồi về tổ. Linh Em ồ lên một tiếng rồi bảo đó là chim cà kheo, đã gặp chúng bay nhiều lần nhưng chưa thấy đẻ trứng bao giờ.

“Phải theo dõi mới biết cách chúng đẻ, cách ấp trứng và nuôi con để bảo tồn cho tốt. Chim này nhỏ, hai chân dài mảnh như cây cà kheo nhưng rất thông minh. Khi có nguy hiểm khu vực tổ, nó sẽ dùng kế nghi binh, bay chập chững như bị thương rồi từ từ dụ kẻ địch ra khỏi khu vực con non”, anh chia sẻ.

Loài điểu học: cà kheo – black-winged tilt (Himantopus himantopus)

Thuộc Họ Cà kheo (Recurvirostridae) gồm những loài chim có chân rất dài so với kích thước của thân. Từ đặc tính này, trò chơi đi cà kheo được tạo ra bằng cách dùng hai cây sào dài để nâng thân người lên cao. Các loài cà kheo cũng có mỏ dài và mảnh, cùng với chân cao giúp chúng dễ di chuyển trong vùng nước nông và dễ gắp mồi thủy sinh trong nước.

Cà kheo còn được gọi là chim so đũa, có thân dài 33-36 cm. Đặc điểm nhận biết: Giò và ngón chân màu hồng, phần trên lưng, trên và dưới cánh có màu nâu sậm (gần như đen). Cằm, cổ và thân dưới màu trắng. Mỏ thẳng, dài, rất mảnh và nhọn, màu đen. Sắc thái đầu có nhiều loại. Khi bay có dạng đặc trưng: hai chân duỗi thẳng về sau, đầu và cổ hướng thẳng về trước. Chim non: màu nâu nhạt, có thể nhầm với bộ lông mùa đông của loài choắt nhưng chiều dài và màu sắc của chân là những đặc điểm để phân biệt.

Phân bố trên cả nước ngoại trừ đồng bằng Bắc Bộ. Sống định cư và làm tổ ở Nam Bộ phổ biến. Gặp vào mùa đông ở các vùng phân bố còn lại nói trên, không phổ biến.

Sinh cảnh sống: Vùng đầm lầy, bãi bồi ngập triều ven biển và ruộng lúa. Sinh sản từ tháng 5-8. Tổ làm trên mặt đất, đẻ 3-5 trứng.

Cắt

Thành ngữ

Nhanh như cắt / Lẹ như cắt

Thơ

Đồi mai vùi kiếm (2a) – Bùi Thanh KiênLẹ như chim cắt xớt gàLá rơi đầu gió sao sa lưng trời

Truyện ngắn

Tìm ngựa – Vũ Hạnh

Ông Thất lợi dụng bóng tối, đánh ngay một quyền vào bụng dưới gã. Người kia kêu ối một tiếng, ôm ruột, gập người, ông Thất đã nhanh như cắt, nhảy tới ôm vật gã xuống…

Chuyện kể đêm giao thừa – Nguyễn Quốc Văn

Con lợn hoảng hồn, chạy quẩn, lao về phía chú. Chỉ chờ có thế, nhanh như cắt, chú Thả nắm ngoéo lấy hai chân sau của con vật, hất nó nằm chỏng trơ trên ổ rạ, trói nghiến lại.

Loài điểu học: cắt lớn – peregrine falcon (Falco peregrinus)

Họ Cắt (Falconidea) gồm những loài có thân hình mảnh hơn các loài diều, cánh nhỏ hơn nhưng nhọn hơn, đuôi hẹp nhưng dài hơn. Chúng bay nhanh, và khi bay thì cánh vỗ nhanh, hiếm khi bay vút lên. Chi Cắt (Falco) được dùng để chỉ những loài chim cắt thực thụ. Tuy nhiên, tùy theo kích thước của từng loài cụ thể mà có lúc người ta gọi là ưng, lúc thì là cắt. Chim cắt có cánh mỏng và nhọn, cho phép chúng lao xuống với tốc độ rất cao. Vì thế trong dân gian mới có câu “Nhanh như cắt”.

Nguyễn Cử et al. (2000) ghi nhận 6 loài cắt ở Việt Nam, riêng cắt lớn là loài tương đối không hiếm như 5 loài kia.

Chiều dài thân 34-58 cm, là loài cắt lớn nhất ở Việt Nam. Chim mái lớn hơn chim trống 30%, và đây là sự khác biệt lớn nhất trong số chim săn mồi. Cánh nhọn, gốc cánh rộng.

Cắt lớn là loài chim ăn thịt có sự phân bố rộng nhất trên thế giới, cũng khá phổ biến ở Việt Nam.

Sống ở khu vực trống trải trong các vùng đất ngập nước và ngập mặn, ven biển. Bình thường bay lượn ngắn, nhưng khi thấy con mồi thì lao đến rất nhanh. Cắt lớn luôn tạo kinh hoàng cho các chim khác trên không trung vì có thể bắt loài chim có kích thước lớn như vịt. Đây là loài chim có tốc độ lao xuống nhanh nhất, đúng nghĩa nhanh như cắt: 322 km/giờ.

Cặp chim trống mái sống với nhau trọn đời và làm tổ trong hốc, thường trên mép vách đá.

Loài điểu học: diều trắng – shikra (Elanus caeruleus)

Một số hình ảnh ghi được ở những cửa hàng bán chim hoang dã mà người ta giới thiệu là “chim cắt” có tên theo điểu học là diều trắng thuộc Họ Ưng (Accipitridae). Họ này gồm những loài chim săn mồi ban ngày, có mỏ cong và khỏe, đại đa số ăn thịt, có kích thước và hình thái đa dạng, riêng chim mái thường to hơn chim trống. Phần lớn các loài có bộ lông kết hợp các màu xám, vàng da bò và nâu; mặt bụng nhạt hơn mặt lưng. Chúng có thị lực rất tinh để săn mồi từ xa. Những loài quen thuộc trong họ này là diều hâu, đại bàng, diều mướp, ó, ưng và kền kền, nhưng kền kền và một ít loài mang tên ó, diều được xếp vào những họ riêng.

“Chim cắt” được bày bán

Không có loài cắt nào tương ứng với sắc lông của “chim cắt” được bày bán.

Thân hình diều trắng cao 30-36 cm. Chim trống: lưng có màu xám bạc dễ phân biệt, bụng có nền nhạt hơn với nhiều vằn nâu đỏ hoặc xám sậm. Khi bay, phần dưới cánh có màu xám bạc với mút cánh màu tối, nếu nhìn từ trên xuống thì lông ở giữa đuôi không có vằn. Chim mái: lưng sẫm hơn. Chim non: lưng màu nâu, mút lông màu nhạt tạo nên hoa văn giống như ngói lợp nhà, bụng màu nâu nhạt.

Thường lao bổ xuống đất từ chỗ đậu để bắt mồi.

Đây là loài định cư, phổ biến toàn cõi Việt Nam trừ Tây Bắc, vì thế có một số không ít bị bắt và bày bán ở các chợ chim hoang dã. Có người huấn luyện diều trắng để mang vào rừng tìm tổ ong.

Sống ở rừng tự nhiên, rừng trồng và chỗ trống trải. Độ cao phân bố lên tới 1.600 mét.

Chàng nghịch

Ký sự

Các giai thoại Nam Kỳ lục tỉnh – Hứa Hoành

Nhìn kỹ cô gái, tôi đổi giận làm vui. Đây là một cô gái mơn mởn đào tơ, tròn trịa như con chim chàng nghịt, óc cau đầu mùa lúa trổ…

Hồi ký

Hồi ký Sơn Nam

Gần ven sông, ven biển, nhiều gân đất cao ráo, người Hoa kiều từ lâu rồi biết khai thác để trồng nhãn. Dịp tựu trường, tha hồ ăn nhãn, bấy giờ chỉ có loại nhãn lớn hột; thơm tho ngọt ngào, đối với người ở U Minh, xứ không bao giờ thấy cây nhãn. Lại còn các loại chim ở đồng lúa vùng nước ngọt, nay hãy còn như ốc cao, vỏ vẻ, chằng nghịt, cuốc.

Loài điểu học: chàng nghịch, gà nước vằn – slaty-breasted rail (Gallirallus striatus)

Còn được gọi bằng những tên khác là chằng nghịch, rẽ đất, rẽ hoa, thuộc Họ Gà nước (Rallidae), gồm nhiều loài sống ở vùng đất ngập nước, đặc biệt thích cây cối rậm rạp. Các loài quen thuộc trong họ này gồm có cuốc, chàng nghịch, gà đồng, sâm cầm, xít (trích, trích cồ).

Chàng nghịch có mỏ đỏ dài, mắt và chân đen tuyền, mặt lưng nâu thẫm có nhiều vằn lượn sóng trắng; phần dưới lưng và lông cánh sơ cấp có nhiều chấm trắng, mỗi lông đều viền nâu hơi vàng.

Cỡ trung bình: 27 cm. Đỉnh đầu màu hung và phần trên cơ thể có vằn trắng mảnh. Ngực xám trơn. Chim non: mới nở đen tuyền rất giống cuốc mới nở, dần dà màu xám hơn, mỏ xám sậm, ngực màu nâu nhạt, phần trên có sọc mờ.

Loài định cư phổ biến ở vùng Tây Bắc, Trung Bộ (trừ Tây Nguyên) và Nam Bộ. Có thể chỉ đi qua vùng Đông Bắc và Bắc Trung Bộ.

Sống chui lủi ở vùng đầm lầy, ruộng lúa và rừng ngập mặn. Làm tổ trong bụi cỏ, đẻ 2-9 trứng. Gặp đến độ cao khoảng 1.300 mét.

Chào mào / Chim đội mũ

Ca dao

Con chim chích chòe đứng hè bà chủCon chim đội mũ nó đứng đám ông cử ông HươngĐôi ta mới ngộ tình thươngDù ai đem nhiễu đổi lương cũng đừng.

[Chim đội mũ tức là chào mào.]

Thơ

Hoa gạo – Đỗ Hữu Tich

Tháng ba hoa gạo gọi hèMuôn ngàn đốm lửa lập loè trời xanh!Chào mào, sáo sậu, vàng anh…Bay về mở hội trên cành líu loBao mùa hoa gạo trong mơNhớ quê, nhớ đến sững sờ hồn ta!

Vườn nhà – Hoàng NhạnTiếng sẻ nhà dí dáchLách chách lũ chim sâuLũ chào mào í ớiGù gù tiếng bồ câu

Lỗi hẹn – TamMuộiGió lất phất ngọn sào cò nhốn nháoKhói lam chiều ngơ ngáo chú chào màoNhững dãy mạ dạt dào xuôi con tạoĐám mục đồng giã gạo cạnh bờ ao

Truyện ngắn

Dưới mái chùa xưa – Võ Hồng

… Quả rằng chỉ có lũ chim là chuyên môn ăn trộm của chùa. Mấy trái mãng cầu chín quên hái ở ngoài vườn, chùm ớt đỏ nơi bụi ớt ở vại nước rủ rê lũ chim đội mũ, chim chìa vôi tụ hội lại vừa ăn vừa nói chuyện rinh rả. Bụi thơm cây mít ở sau lưng chùa thì có lũ sóc ranh mãnh dòm chừng.

Chuyến tàu trên sông Hồng – Mai Thảo

… Nó đi thẩn thơ chờ giờ khởi hành. Ra khỏi bờ ao có bè rau muống thả dài dưới bóng cây sung, cây mít, có luống khoai ngứa lá to bản đỏ tía bờ ao bên kia, có cá chuối dưới chân cầu ao, cá bống mít vươn cái bụng trắng phau phau những buổi trưa nắng êm ả điểm từng tiếng động lộp bộp của trái rụng trong vườn, ra khỏi cái ngõ ruối những tinh sương xanh, nó cầm cái nỏ cao su gạc ổi chờ rình con chim chào mào sáng nào cũng đến đậu trên ngọn cây soan, ra khỏi căn nhà lá ba gian hai chái có bàn thờ ông bà ông vải kê chính giữa đằng sau bộ trường kỷ trên để một khay chén tống chén quân và một bình trà Ninh Thái chữ tầu đỏ chói, buổi chiều tuổi nhỏ ấy, đứa nhỏ đã vượt qua con đường tàu chìm khuất dưới đám cỏ bồng, đi qua vùng ngoại ô là xóm cô đầu ngày trước, tới chân bức tường thành cổ ngập ngụa lá sấu lá bàng, rồi là những con đường đầy than và những chuyến xe goòng, rồi là những ống khói của nhà máy dệt sau những bức tường màu xám cao ngất, và nó đã đứng đó, chờ đợi chuyến tàu thứ nhất trong đời ngược dòng chở nó vào cái thế giới hiện lên trong tưởng tượng ấu thơ như một chân trời cách trở nghìn trùng là Hà Nội.

Nhạc chim – Ma Văn Kháng

Con chào mào nhà bác Thu giọng líu ta líu tíu như giọng ca sĩ nhí thì lũ “chích chòe học dốt có chuôi, bởi chưng nhí nhoẻn nên đuôi phất cờ” nhà cô Hoa lại có kiểu hót cót két như tiếng xa chỉ quay. Mỗi con một vóc hình, một sắc màu mà sắc màu, vóc hình nào cũng ưa nhìn, cũng đẹp. Nho nhỏ là chim yến lông xanh pha vàng mượt mà. Nhỏ nữa là chim khuyên mắt hai vành, xanh màu lá mạ. To nhất đám, lông màu hồng như mây trời lúc rạng đông là chim cu gáy. Làng nhàng thì đã có chào mào nghênh ngáo dựng bờm trên chóp.

Con sóng Đồng Tháp Mười – Nguyễn Thị Phước

Mấy ngày sau, thằng Lịch đòi mẹ chặt nửa vườn ổi. Lúc đó Thoan mới biết nó đã chọn và ươm thứ ổi mà trước kia nó đòi đốn.

Nó bảo mẹ:

– Giống ổi nầy thơm, chim chào mào thích lắm. Để cho chim nó về, má hà?

Bây giờ thì Thoan nhớ ra rồi. Mà sao hôm đó cái mặt nó lạnh ngắt; cứ tưởng nó không bỏ vào tai lời nào của ba nó: “Hồi bé, anh nhớ, vườn nhà anh nhiều chim chào mào lắm, nhờ giống ổi này. Anh thích chim này lắm!”

Truyện dài

Mắt biếc – Nguyễn Nhật Ánh

Nhà Hà Lan ở cuối chợ Ðo Ðo, trên con đường dẫn đến giếng Cây Duối. Nhà nó tuềnh toàng, vách tre mái lá, thua xa căn nhà gạch của tôi. Nhưng nhà nó mát mẻ hơn nhà tôi nhiều. Phía sau nhà, lũy tre xanh suốt ngày kẽo kẹt và trên ngọn tre cao lủng lẳng những tổ chim chào mào, gió thổi rì rào qua kẽ lá và không ngừng phát ra những âm điệu du dương và êm ái tuyệt vời.

… Tự nhiên tôi thấy buồn buồn. Tôi chẳng buồn Dũng, mà buồn Hà Lan. Nó đến đây, chẳng thèm nói chuyện với tôi. Nó chẳng hỏi thăm về làng quê. Nó bỏ tôi ngồi một mình. Trong khi tôi có biết bao điều muốn nói với nó. Tôi muốn kể với nó rằng thầy Cải đã nghỉ dạy, thầy ở nhà đi câu và đan giỏ sống qua ngày. Tôi muốn kể với nó về cơn gió dữ vừa thổi qua làng tháng trước suýt xô ngã cây bàng già giữa chợ và đã thổi đi đâu mất những tổ chim chào mào trên ngọn tre sau nhà nó.

Loài điểu học: chào mào – red-whiskered bulbul (Pycnonotus jocosus)

Họ Chào mào (Pycnonotidae) gồm những loài chim biết hót, có kích thước trung bình. Các loài quen thuộc trong họ này là bông lau, cành cạch, chào mào, hoành hoạch và khướu.

Chào mào còn được gọi là chim đội mũ, hoành hoạch mồng, chóp mũ đỏ. Chim trống dài 20 cm.  Chào mào có một cái mào dễ nhận biết (“đội mũ”), hai má trắng, phía trên mảng trắng là khoảnh màu đỏ, do đó chim có tên tiếng Anh là râu đỏ (red-whiskered).

Chim mái: nhỏ chỉ bằng 2/3 đến 3/4 chim trống; đầu nhỏ, mào thấp, bàn chân nhỏ, móng mảnh mai hơn.

Sống theo bầy đàn. Làm tổ trong bụi rậm, trong tán lá cây rậm ở độ cao khá thấp. Khi làm tổ quấn các sợi rơm, cảnh cây nhỏ thành hình cái cốc nhỏ. Chim mái thường tự vặt lông bụng của mình để lót ổ. Chim mẹ nôn thức ăn từ bầu diều để mớm cho con non.

Chào mào nôn thức ăn từ bầu diều để mớm cho chim non (Thu vui Tay Nguyen)

Thường gặp ở sườn đồi, rừng thưa, lùm bụi, cũng đi vào vườn làng và công viên đô thị.

Chào mào bạch tạng. Ảnh: Toàn Vũ.

Chào mào được du nhập vào Úc và Mỹ để làm chim cảnh, sau đó một số xổ lồng và sinh sôi ngoài hoang dã. Chúng phá phách các đồn điền cây ăn quả như lê, táo…: mỗi quả chỉ mổ ăn một ít khiến cho nông dân phải loại bỏ một số lượng lớn quả chỉ vì một đàn chào mào nhỏ.

Vì thế, ở các nước này chào mào bị xem là loại gây hại, cần phải diệt trừ. Nhưng ở các nước này không có nhiều nhu cầu nuôi chào mào làm cảnh, thế nên không có người đi bẫy chào mào để bán! Một số địa phương cấm vận chuyển chào mào đến nơi chưa có chào mào ngoài hoang dã.

Ghi chú: có loại chào mào bạch tạng toàn bộ lông đều trắng muốt trừ hai điểm đỏ ở đầu và dưới đuôi. Riêng loại chào mào chỉ trắng phần đầu được đánh giá cao nhất. (Hà Trang, 2024)

Chèo bẻo

Thơ

Nối tiếp cung đàn – TamMuộiNgoài song lãng đãng trắng phauQuyện bầu xanh biếc, gió tàu dừa rungKhiến nàng chèo bẻo thẹn thùngNgọc hồ lúng liếng chập chùng quả tim

Truyện ngắn

Bà lão lòa – Vũ Trọng Phụng

Mặt trời sắp lặn, còn xiên qua lũy tre xanh, tầu lá chuối mà rọi ánh sáng đỏ đó vào gian nhà. Dưới những đám mây thiên hình vạn trạng mầu cá vàng chăng dọc chăng ngang phủ kín một bầu trời, một đàn sếu xếp hàng chữ nhân bay từ Bắc về Nam, vươn cổ kêu oang oác. Trên mấy ngọn tre gió thổi ngả nghiêng, dăm ba con chèo bẻo tung tăng chuyền cành này sang cành khác, còn đua nhau hót như muốn cất giọng chào mặt trời trước khi vào tổ.

Truyện dài

Bãi gió cồn trăng – Hồ Trường An

Hôm đó đang lúc cô Bảy kho tô cá bống kèo trong bếp thì cô Tám Cẩm Vân đi chợ về, miệng véo von như con chim chèo bẻo…

Loài điểu học: chèo bẻo, chèo bẻo đen – black drongo (Dicrurus macrocercus)

Ngành điểu học chấp nhận tên dân gian “chèo bẻo” và tên đồng nghĩa “chèo bẻo đen” theo cách gọi ở phương Tây. Có phần chắc đây là loài chèo bẻo quen thuộc nhất với người Việt và do đó là loài đi vào thơ văn Việt.

Đặc điểm nhận dạng: 28 cm, đen toàn thân, đuôi chẻ sâu, hai mép ngoài hơi vểnh lên. Trống và mái giống nhau.

Thường gặp đậu trên dây điện, cáp điện thoại và lưng gia súc, vì thế khi đi dã ngoại bạn hãy để ý hai bên đường! Chèo bẻo bay thành hình lượn sóng, đi từng đôi hay theo đàn. Chim mẹ bắt sâu mang về tổ mớm cho chim non.

Chèo bẻo có hành vi hung hăng, không cho các loài chim lớn hơn như quạ và chim ăn thịt đến gần vùng lãnh thổ của chúng và những hàng xóm quen thuộc. Nếu nhìn thấy bóng dáng của chim cắt, chim ác, diều hâu, đại bàng lảng vảng trên bầu trời, chúng lập tức báo tin cho nhau và cả bầy xuất trận. Loài chim gan dạ này luôn đuổi đánh những kẻ xâm lược to hơn và khoẻ hơn chúng rất nhiều. Cho nên nhiều loài chim – như sáo đá – biết ở gần chèo bẻo là được bảo vệ và tự nguyện làm tổ bên cạnh chèo bẻo.

Chèo bẻo được tìm thấy nhiều ở các vùng đất cằn cỗi, và săn mồi gần mặt đất. Chúng săn và bắt mồi trên không, nhưng cũng có thể lượm nhặt từ mặt đất hoặc các thảm thực vật. Thức ăn của chúng là côn trùng như châu chấu, ve sầu, mối, ong bắp cày, kiến, sâu bướm, bọ cánh cứng và chuồn chuồn. nó cũng thường xuất hiện ở các cánh đồng đang cày xới để săn bắt sâu bướm và bọ cánh cứng.

Thời gian hoạt động mạnh của chúng là vào lúc sáng sớm, vào ban đêm loài chim này ngủ sâu hơn các loài chim khác.

Hiện diện trên toàn cõi Việt Nam, gặp phổ biến lên đến độ cao khoảng 1.200 mét. Định cư từ miền Tây Bắc đến Nam Trung Bộ, di trú ở Bắc Bộ và Nam Bộ.

Loài điểu học: chèo bẻo mỏ quạ– crow-billed drongo (Dicrurus annectans)

27-32 cm. Nhìn từ xa có thể nhầm với chèo bẻo, nhưng mỏ giống mỏ quạ: (mỏ dài, gốc mỏ rộng), đuôi rộng, đuôi chẻ nông, hai mút đuôi cong lên nhiều.

Di trú ở bắc và trung Việt Nam, định cư ở Nam Trung Bộ. Gặp phổ biến ở các vùng nêu trên.

Chiền chiện

Thơ

Con chim chiền chiện – Huy CậnCon chim chiền chiệnBay vút, vút caoLòng đầy yêu mếnKhúc hát ngọt ngào

Tháng Năm – Hữu ĐiệpMưa bay khe khẽ xuân sangGóc vườn mai vàng đã nởChồi non cựa mình bỡ ngỡTrên đồng chiền chiện hoan ca

Bút ký

Con chim chiền chiện – Hưng Lợi

Người ta nói không thể tìm loài chim nhỏ bé nhưng kiêu hãnh này khi giá đông rét mướt, lúc nắng gắt đổ lửa hay mưa bão chết cò. Nó chỉ bay lên khi trời xanh trong, nắng vàng nhẹ, những bãi cỏ xanh thênh thênh nắng gió, đó đây những vạt lúa đang độ đông sữa mơn mởn xanh, tỏa mùi thơm thoang thoảng dịu nhẹ khắp cánh đồng. Trong đám cỏ nào đó, chim chiền chiện đột ngột bay vút lên cao, đến lưng chừng trời, nó sững lại, treo mình lơ lửng như một giọt mật và thả xuống từng chuỗi tiếng hót cũng trong veo như thế.

Chuỗi tiếng hót trong sáng thanh tao ấy, người ta ví như chuỗi ngọc, nhưng phải nói như nhà thơ Thanh Hải, đấy là những giọt âm thanh tròn trịa, trong trẻo, sáng long lanh, những tín hiệu báo mùa xuân đẹp đẽ:

Ơi con chim chiền chiệnHót chi mà vang trờiTừng giọt long lanh rơiTôi đưa tay tôi hứng… (Mùa xuân nho nhỏ)

Nghe tiếng chim chiền chiện hót, lòng người ta trở nên bình yên, thanh tĩnh, nhẹ nhàng kỳ lạ. Bao khó nhọc lam lũ như tan biến hết, chỉ còn lại cái nhẹ nhàng, cái thanh thản lâng lâng sau một buổi còng lưng, dầm chân trong bùn lầy nước đọng. Lũ trẻ chăn trâu mơ mộng nằm xoài trên cỏ ngắm con chim treo mình trên không như một dấu chấm giữa trời, nghe chuỗi âm thanh thánh thót của nó, thấy lòng bay bổng lên, một niềm vui nao nức không rõ lí do choán ngợp tâm hồn.

* * *

Họ Chiền chiện (Cisticolidae) gồm khoảng 158 loài chim tựa như chim chích, chim sẻ, sống ở các vùng nhiệt đới. Nói chung, đây là các loại chim nhỏ với bộ lông màu nâu-xám hay xám, được tìm thấy tại các khu vực đồng quê như đồng cỏ hay bụi cây rậm. Thông thường rất khó nhìn thấy chúng và do nhiều loài có bề ngoài khá giống nhau nên tiếng hót của chúng có lẽ là chỉ dẫn nhận dạng tốt nhất.

Loài điểu học: chiền chiện đồng hung (Cisticola juncidis)

Thân dài 11 cm. Kích thước cơ thể nhỏ, có sọc vằn, đuôi ngắn màu nâu với dải đen ở gần cuối đuôi, mút các lông đuôi trắng. Mùa đông đuôi dài hơn. không có bất kỳ lông màu vàng nào trên cổ. Chim trống: đầu ít sọc hơn, mùa xuân mào chuyển thành màu nâu xanh nhạt, phớt đỏ. Sống chui rúc, di chuyển từ bụi cỏ này sang bụi cỏ khác. Tìm thấy ở nơi cỏ mọc thưa, thưòng xuyên gặp ở gần chỗ có nước.

Loài định cư cả nước. Tương đối phổ biến ở các vùng đồng cỏ thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

Sống ở nơi trống trải, xung quanh ruộng lúa, bãi cỏ và bụi rậm.

Được phân biệt bởi tiếng kêu giọng mũi đơn âm tiết ‘chít’ hoặc ‘choét’:https://www.xeno-canto.org/species/Cisticola-juncidis

Loài điểu học: chiền chiện đồng vàng – golden-headed cisticola, bright-headed cisticola (Cisticola exilis)

9-11,5 cm. Bề ngoài rất giống chiền chiện đồng hung, tuy nhiên, trong mùa sinh sản những con trống có bộ lông với đầu, họng và ngực là một màu cam vàng kim tươi màu, còn đuôi ngắn hơn nhiều.

Loài này sống định cư hẹp hơn chiền chiện đồng hung: chỉ từ phía Nam đèo Hải Vân đến hết Đông Nam Bộ, gặp lên tới độ cao khoảng 1.200 mét ở các thảm thực vật mọc thành tầng vùng đất ngập nước.

Có kỹ năng làm tổ giỏi nhất trong các loài chim, dùng cành cây nhỏ làm khung rồi dùng sợi tơ nhện để kết lại các cành này.

Tiếng kêu ríu rít với nhiều âm tiết, so với chiền chiện đồng hung mỗi chuỗi có nhiều âm hơn và mỗi âm dài hơn:https://www.xeno-canto.org/species/Cisticola-exilis

Chim cát

Truyện ngắn

Huyền xưa – Từ Kế Tường

Qua khỏi tấm bảng, bắt đầu leo dốc. Lũy lấy làm ngạc nhiên khi thấy ngoài kia là biển, bãi cát nối dài từ biển tới chân đồi. Con đường ngó xa mút mắt nhưng khi lên đây lại thấy gần. Lại nghe được cả tiếng sóng đánh ầm ì vào bãi. Những con chim cát cánh lấm chấm những điểm màu trắng bay tung lên trên, chúng bay từng ấy, khi đáp xuống lại đậu rải rác trên các mỏm đá.

Lũy bắt gặp vài con chim con đang được mẹ mớm mồi:

– Hạnh thích nuôi chim cát không?

Hạnh nhìn, sáng mắt lên:

– Cậu bắt cho cháu đi. Thích nuôi lắm. Dì Cúc Huyền cũng thích nuôi, nhưng không có ai bắt để nuôi cả.

Lũy vác cần câu đứng nhìn những con chim cát nói:

– Chừng về cậu bắt cho cháu một con, cho Cúc Huyền một con. Tha hồ mà nuôi.

[…]

Lũy cắm cần câu vào kẽ đá và nằm xuống, lót hai tay sau gáy nhìn lên trời xem những đám mây trắng đuổi nhau bay qua mặt biển, ở chỗ này lũ chim cát dạn dĩ hơn. Chúng không ngại bóng người nên bay đến hàng bầy và đậu chung quanh Lũy. Nếu chúng không bay chắc Lũy với tay ra là bắt hết được chúng. Những con chim cát dễ thương và xinh xắn kia, mi có hiểu cho lòng ta không? Mi có hiểu rằng ta đang buồn? Những con chim cát vẫn hồn nhiên ríu rít.

[…]

Cúc Huyền chỉ thích những con chim cát ngoài bãi biển. Ðôi cánh lấm tấm những điểm trắng của chúng, đôi chân hồng thật xinh xắn, đôi mắt thật tròn như hai viên cườm láu liên nhìn trời…

Lũ chim cát ngày nào vẫn không bay khỏi những mỏm đá. Chúng quen thuộc, như những cái đã quen thuộc nơi đây.

My định nói gì đó rồi tự nhiên lắc đầu, đưa tay chỉ về nơi có thật nhiều chim cát đậu. My nói:

– Ngày trước Cúc Huyền còn ngồi đó. Cúc Huyền gọi nơi đó là thung lũng chim cát. Bởi vì mùa thu chim cát về từng bầy. Và đến hết mùa, lúc trời sửa soạn sang đông thì bay đi.

– Mùa thu lại về.

– Ừ, mùa thu lại về.

Lũy cười buồn:

– Tôi cũng tỉ như là một con chim cát. My thấy không?

Loài điểu học: choắt nâu – common redshank (Tringa totanus)

Tên “chim cát” không phải là tên quen thuộc trong dân gian, và cũng không có trong ngành điểu học, vì thế ở đây việc xác định chim cát được đưa ra với sự dè dặt.

Một bài dạy tiếng Nhật cho biết chim cát trong tiếng Nhật gọi là “shigi”. Có một số loài chim thuộc nhóm này mà tên Nhật đều có chữ cuối là shigi. Trong số đó, tên Nhật tsuru-shigi ツルシギ chỉ một loại choắt chân đỏ, hợp với mô tả trong truyện ngắn của Từ Kế Tường. Rất có thể đó là loài choắt nâu, có chân đỏ và khá phổ biến ở Việt Nam.

Choắt thuộc Họ Dẽ (Scolopacidae). Các loài quen thuộc trong họ này là choắt, dẽ (dẽ giun, dẽ gà), nhát… Chiều dài khác nhau của mỏ cho phép các loài khác nhau có thể cùng sinh sống trong một môi trường sống, cụ thể là ven biển, mà không có sự cạnh tranh trực tiếp về thức ăn.

Choắt nâu có thân dài 27 cm. Như tên gọi, bộ lông chủ yếu có màu nâu. Khi bay dễ nhận thấy dải rộng màu trắng ở đường viền sau cánh.

Trong mùa sinh sản: Phía bụng có nhiều sọc đậm. Ngoài mùa sinh sản: Phía lưng chỉ có một màu xám nâu, và ngực có sọc mảnh màu nâu và màu xám nâu rất bóng. Chim non: Phần trên cơ thể có màu nâu với nhiều chấm dày màu nâu sẫm.

Rất nhát và khi có tác động thì nhảy rất nhanh, sau đó bay vọt lên trời phát ra tiếng kêu gọi đàn. Thường sống thành từng đàn nhỏ. Tiếng kêu to, nghe tiếng ‘tiu-hiu-hiu’ có nhạc điệu.

Loài di cư đến vùng ven biển Vịnh Bắc Bộ đến Trung Bộ (ngoại trừ cao nguyên) và Nam Bộ. Gặp đàn đông phổ biến ở bãi bồi ngập triều, vùng đầm lầy, ven bờ biển.

Chim học trò / Cò xanh

Chim học trò là tên dân gian được nêu trong bài vè ở đầu bài này:Vừa đứng vừa biên, là chim học trò

Cũng trang web này cho chú thích như sau:Chim học trò: một loài cò nhỏ, lông phía lưng màu xám, sống theo đàn, bay ra vùng núi phía biển kiếm ăn.https://cadao.me/ve/ve-chim-choc/#note-7582

Truyện ngắn

Đàn chim học trò – Đức Lang

Buổi sáng, khi gió se lạnh từ biển thổi về, mặt nước sông gợn sóng, thì đàn chim đó lại theo sông bay ra cửa biển. Chúng bay về vùng núi phía xa.

Đàn chim đó lũ trẻ con chúng tôi quen thuộc lắm, chúng gần gũi với bọn tôi vì chúng cũng là một đàn học trò.

Người lớn bảo: “Chim học trò bay ra núi, lấy mỏ bẻ que làm viết, lấy lá làm giấy để học bài, tối nó lại về.”

Đàn chim học trò bay sát nhau đông đúc lắm, cả hàng trăm con xếp theo hình mũi tên; đội hình bay cân đối, nhịp nhàng phía sau con đầu đàn. Trong buổi sáng thanh bình, đàn chim bay thong dong, trông thật đẹp!

Có hôm đàn chim không bay giữa dòng sông mà bay ngay trên xóm nhà. Chúng bay rất thấp, chỉ cao hơn mái nhà một ít, thấy rõ cả cái ức trắng và đôi chân khẳng khiu duỗi dài đến tận đuôi. Mấy đứa nhỏ, có đứa cởi trần trùi trụi, giơ hai tay lên trời, nhảy cẩng lên thích thú: “ Ê, học trò! Ê, học trò!… Học trò đi học đường xa! …” Chúng trêu ghẹo bầy chim. Đàn chim vẫn thong thả bay qua, không để ý đến lời bọn nhỏ dưới đất.

Tiếng khóc con điên – Lưu Nhơn Nghĩa

Chiều nay, khuya rồi, chờ hoài sao không thấy đàn chim học trò bay về núi? Điên bật cười sằng sặc, ôm ngực tức tưởi. Chợ trống, áo rách lưng, cột đá lạnh không đủ che mưa gió bốn bề, lạnh quá, “Me ơi! Me!”

Chim học trò: loại chim chiều chiều bay về núi, con nào bị bỏ sau gọi là chim thi rớt.

Anh Năm thợ hồ và anh Sáu thợ mộc – Lưu Nhơn Nghĩa

Chiều về trời bảng lảng những đám mây vàng ánh như màu lúa chín, đàn chim học trò lũ lượt bay về núi, xa xa vài con chim thi rớt mỏi mệt vỗ cánh bay theo. Trên bờ dọc theo con kinh hai ông già lọm khọm dắt nhau, chân dò dẫm, đi ngửa nghiêng như hai người say rượu.

[Chim thi rớt tức là chim học trò về muộn.]

Truyện dài

Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi

… Cò thì không biết bao nhiêu mà kể. Cò ngà, cò trắng, cò xanh, cò ma… buộc từng xâu, chất nằm hàng đống.

Loài điểu học: cò xanh – striated heron, little heron, mangrove heron (Butorides striata)

Các mô tả trên về chim học trò ứng với loài cò xanh: “loài cò nhỏ, lông phía lưng màu xám”, khi bay “thấy rõ cả cái ức trắng và đôi chân khẳng khiu duỗi dài”.

Thân cao 44 m. Chim trống: lưng và cánh màu xanh lam pha xám (đôi khi xanh lam pha nâu), bụng trắng. Khi đậu mào thường giương lên. Thường gặp một con. Hay hoạt động vào lúc hoàng hôn. Chim non: lưng nâu, bụng có vằn lớn.

Loài định cư và di cư. Phổ biến. Phân bố trên mọi miền đất nước.

Sinh cảnh sống: Suối, hồ, rừng tràm và rừng ngập mặn, bãi lầy ngập triều.

Loài điểu học: gà lôi nước – pheasant-tailed jacana (Hydrophasianus chirurgus)

Thuộc Họ Gà lôi nước (Jacanidae).

Dài 39–58 cm, trong đó đuôi dài khoảng 25 cm. Bộ lông có màu đặc trưng: thân màu chocolat, mặt, họng và cánh trắng, mặt trên cổ màu vàng, đuôi dài màu đen. Có các ngón chân và móng dài, giúp chúng bước trên thảm thực vật trên mặt nước để kiếm ăn. Cũng có thể bơi hoặc bước trên đáy kênh rạch với nửa thân ngập trong nước.

Chim mái lớn hơn chim trống một chút. Một con mái có thể giao phối với vài con trống trong đàn; các lứa chim non nở ra được những chim trống khác nhau chăm sóc.

Chim khách

Thơ

Nào đâu chim khách – TrinhcamleNgỡ là chim khách nào hay nhìn lầmCon chèo bẻo bay đuối tầmLòng tôi trở lại âm thầm mơ xa

Bài ca sao – Hoàng Phủ Ngọc TườngNơi em về xuân tím nụ vườn chanhHoa xoan tím hoa lục bình cũng tímCành tre nhỏ có ngày chim khách đếnTận bây giờ chờ đợi vẫn rưng rưng

Truyện ngắn

Cô gái làng Sơn Hạ – Ngọc Giao

Cụ nhắp từng ngụm nhỏ, chậm rãi:

– Con em nó đã nói chuyện với tôi về cậu, nó tin chắc rằng hôm nay thể nào cậu cũng sang chơi. Ấy, lúc sáng thấy chim khách hót ngoài bụi tre, tôi đoán ngay là có khách. Thế nào, cụ Tú bên nhà có mạnh không, cụ vẫn làm thơ như thường đấy chứ?

Bút ký

Chim khách – Đông Ngàn Đỗ Đức

Chim khách có bộ lông màu than. Nó hay lần mò vào vườn cây nhặt sâu bọ. Hiếm có giống chim nào thân thiện với con người hơn nó. Chim khách sống gắn bó với dân làng, được coi như người đưa tin đầu tiên khi chưa có ngành bưu điện ra đời. Ai cũng mến con chim có bộ cánh giản dị và giọng hót lào khào đó.

Thuộc loại mảnh dẻ nhỏ con, tính tình hiền hậu, chim khách thường hay lặng lẽ một mình. Chưa bao giờ thấy chim khách đi đôi.

Tha thẩn nghiêng ngó tìm sâu, thỉnh thoảng chim khách lại cất tiếng khẹt khẹt nhịp với bước nhảy di chuyển. Mỗi lần nghe tiếng khẹt khẹt thuốc lào, mẹ lại ngóng ra cổng lẩm bẩm: Nhà lại sắp có khách đây.

Truyện dài

Bãi gió cồn trăng – Hồ Trường An

Cửa lúc nào cũng mở sẵn. Cô men theo con đường rải vỏ hến bên hè nhà Bác vật Cảnh. Coi kìa, con chim khách đậu trên cành cây bông công chúa hót lăng líu một tràng dài.

Bến không chồng – Dương Hướng

Còn cái giống chim khách nó kêu thì rõ là điều mừng. Sáng hôm ấy tao dậy sớm để đi chợ Quài mua khoai, ra tới bể nước đã nghe tiếng chuột rúc. Khi quẩy gánh ra đến ngõ tao nghe trên nóc từ đường chim khách kêu “khách khách”. Đến chiều vừa quẩy gánh khoai về tới đầu ngõ tao đã nhìn thấy chị cả chạy ra reo “Bố về rồi! Mẹ ơi, bố về rồi”. Bố mày về cùng với chú Hinh chú Dược.

Loài điểu học: chim khách – racquet-tailed treepie (Crypsirina temia)

Chim khách thuộc Họ Quạ (Corvidae). Những loài quen thuộc trong họ này gồm ác là, giẻ, quạ đen, quạ khoang..

Định cư trên toàn cõi Việt Nam, số lượng không nhiều nhưng có thể gặp ở nhiều nơi.

Chim khách kiếm ăn và làm tổ ở rừng trên các độ cao khác nhau từ 50-1000m. Có thể gặp ở bìa rừng hay trong rừng sâu kể cả rừng ngập mặn, cũng hiện diện ở cánh đồng, bụi tre và vườn nông thông. Thường gặp 1-2 con kiếm ăn ở tầng thấp cách mặt đất từ 5-6m trong đàn hỗn hợp với một số loài khác, ít khi xuống mặt đất. Chúng thường bị chim chèo bẻo tấn công.

Làm tổ trong bụi rậm hoặc tán lá dầy, đặc biệt giữa những cây có gai. Đẻ 2-4 trứng.

Hình ảnh và tiếng kêu:https://www.birdwatchingvietnam.net/bird/racket-tailed-treepie-389

Loài điểu học: chim khách đuôi cờ – ratchet-tailed treepie, notch-tailed treepie (Temnurus temnurus)

Không thể nhầm lẫn: đuôi dài với những lông đuôi tua tủa hai bên giống giải cờ đúng theo tên tiếng Việt, hoặc giống răng bánh cóc đúng theo tên tiếng Anh.

Phân bố hẹp hơn chim khách, định cư từ Bắc Bộ đến Trung Bộ.

Chim lam

Truyện ngắn

Con chim lam về rừng – Phan Đức Lộc

Mỗi ngày trôi qua với Hượu là một cơn địa chấn. Trong giấc chiêm bao ngắt quãng bởi ngột ngạt mùi xăng máy cưa, cậu ám ảnh bởi hình ảnh một con chim lam non lạc mẹ chập choạng bay giữa vạt rừng trọc lốc đá sỏi. Con chim ấy sẽ chết yểu hay sống tiếp? Hượu không rõ. Cậu mấy khi được ngủ trọn giấc để chứng kiến cái kết của nó đâu. Có thể con chim ấy là hiện thân kiếp trước của cậu. Hượu luôn tin như thế. Vậy đấy, kiếp trước là con chim lam non lạc mẹ, nên kiếp này dù đã được làm người, cậu vẫn yêu rừng. Ngoài ra, không có một nguyên do nào khác cắt nghĩa được tình yêu đó.

Loài điểu học: chim lam – Asian fairy-bluebird (Irena puella)

Thân dài 25-27 cm. Chim trống: cánh, đầu, bụng và phần cuối của đuôi màu lam rất đậm (gần như đen) sáng bóng, dưới ánh nắng, lưng và phần đầu của đuôi xanh da trời, mắt đỏ rực. Chim mái: nói chung màu xanh cẩm thạch xỉn, đuôi sậm hơn.

Loài định cư ở Việt Nam ngoại trừ đồng bằng Sông Hồng và Nam Bộ.

Sống trong rừng các loại. Làm tổ hình cái chén, đẻ 2-3 trứng.

Chim nghệ / Hít cô

Chim hít cô là tên dân gian được nêu trong bài vè ở đầu bài này:Chạy theo không kịp, là chim hít cô

Cũng trang web đó cho chỉ dẫn như sau:Chim hít cô: Còn gọi là chim huýt cô, chim vàng nghệ, hoặc chim nghệ ngực vàng, là một loài chim có ngực màu vàng củ nghệ, cánh có sọc xanh và trắng. Gọi là chim huýt cô vì tiếng kêu của chúng.

Ca dao

Chim hít cô đậu dây bình bátBươm bướm bà đậu cột chùa Ông

Thơ

Cỏ bồng – Trần Huiền Ânchiền chiện bay… bay là là đây đócon chìa vôi chót vót ngọn tre nonđôi chim nghệ say sưa lời gởi giólũ chào mào đỏm dáng chiếc đuôi son

Nỗi đau cồn cào – Huỳnh Ngọc Anh KiệtHuýt cô lạc bạn gọi bầyChia ly nhớ mãi tháng ngày bên nhau

Loài điểu học: chim nghệ, nghệ ngực vàng – common iora (Aegithina tiphia)

Có những tên trong dân gian là vàng nghệ, hít cô, huýt cô, sâu rằn, chim nghệ dạng sẻ thuộc Họ Chim nghệ (Aegithinidae).

Tên gọi của loài này là do màu vàng củ nghệ của chim trống. Mỏ nhọn, màu xám đậm với đường sống mỏ thẳng. Chim trống: đỉnh đầu và lưng màu đen, cánh có màu xanh ô-liu đậm với hai vạch trắng to (đặc biệt trong mùa sinh sản), đuôi đen. Chim mái: cánh màu xanh lá với hai vạch trắng nhỏ hơn, đuôi màu xanh ô-liu.

Sống ở rừng thưa và cây bụi phổ biến toàn cõi Việt Nam, nhưng cũng thích nghi với môi trường đô thị vì khá dạn dĩ với người.

Thường làm tổ có hình chén nhỏ ở chạc ba của cành cây, tổ làm từ những nhánh cỏ khô được kết lại bằng mạng nhện.

Mùa sinh sản của chim nghệ thường diễn ra sau khi kết thúc các đợt gió mùa. Những con chim trống trong thời kỳ này thường xuyên thể hiện những hành vi tán tỉnh rất thú vị như là lộn nhào hoặc bay vút đi như tên bắn trong không trung, đặc biệt phần mông của chúng sẽ trở thành màu xanh lá cây nhạt, khi hạ cánh chúng thường xòe rộng những chiếc lông đuôi kết hợp với đôi cánh rủ xuống, trông như đang múa.

Chim mái đẻ 2-4 trứng mỗi lứa. Cả chim bố và chim mẹ cùng tham gia ấp trứng. Thường bị chim tu hú, chim vịt “đẻ nhờ” vào tổ để chim non nở ra sống ký sinh trong tổ.

Tiếng kêu: chuỗi 2 âm ‘chít chít’ hoặc ‘huýt hu’, chuỗi 3 âm ‘huýt huýt huýt’ đến 8 âm ‘huýt huýt huýt huýt huýt huýt huýt hồ’, hoặc chuỗi ríu rít nhiều âm điệu:https://www.xeno-canto.org/species/Aegithina-tiphia

Chim sâu / Ốc mít

Thơ

Bốn cái hôn – Đông HồEm nhớ: một buổi trưa mùa hạBuổi trưa nặng nề, trời oi ảTựa cửa lớp học, em rầu rầuNghe tiếng ríu rít đàn chim sâu

Vườn nhà – Hoàng NhạnTiếng sẻ nhà dí dáchLách chách lũ chim sâuLũ chào mào í ớiGù gù tiếng bồ câu

Truyện ngắn

Giàn bầu trước ngõ – Nguyễn Ngọc Tư

Chiều chiều, tôi ra giàn bầu xanh rượi, mơ màng nghe con ong vò vẽ trên từng phiến lá, chớp mắt nhìn chim sâu lích rích chuyển cành, chuồn chuồn rồi bướm rồi hoa thi nhau nở chấp chới.

Truyện dài

Tới một tuổi nào – Từ Kế Tường

Hai đứa đi tới gốc mận bên hông nhà. Ðây là cây mận dòi, nghe nói mẹ trồng hai cây mận sát nhau để kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ, lớn lên hai cây mận ngả đầu vào nhau, tàn lá xum xuê, trái trĩu cành khó phân biệt cây nào nhiều trái hơn, do đó nó có tên là cây mận dòi. Khuyên thường ngồi dưới gốc mận hồng mát và nghe những con chim sâu líu lo gọi nhau, và dĩ nhiên với lồng móc và chén muối đặt sẵn ở dưới chân.

Trên ngọn gió bấc – Từ Kế Tường

Chim phóng sinh – Nguyễn Hồ

Hai cánh tay khỏe mạnh của Trai lăn cật lực, hai bánh xe nhỏ xíu lên dốc, vượt qua hết thảy đất đá, ổ gà, ổ voi chướng ngại. Trên xe là ba chiếc lồng kẽm đầy ắp chim sâu, chim sẻ, chim sắt líu ríu, hấp dẫn những người thích phóng sinh chim.

Ký sự

Chim sâu lưng đỏ – Võ Thị Phương Thanh

Chim trống khoác “áo đỏ” lộng lẫy như vậy nhưng thiên nhiên lại hẹp hòi ban cho nàng chim mái chiếc “áo cánh” ngắn củn với một chút màu đỏ nhạt…

Khi nàng đồng ý nhận lời thì cả hai cùng xây tổ ấm, cùng chăm sóc con cái. Tổ được lót bằng bông gòn mềm mại, ấm áp để lũ con sống sót qua mùa mưa dai dẳng của miền nhiệt đới.

Mình có cảm xúc rất mạnh mẽ với loài chim này vì nó gắn liền với kỷ niệm ngày thơ. Chiều nay tìm thấy ảnh của chúng, mình vui như được về với ngày xưa… Cũng khoảng tháng 5, trời bắt đầu vào mùa mưa, loài chim này tìm bạn tình, xây tổ, sinh con. Mình rất thích vũ điệu tỏ tình của chim trống nên hay lẻn đi quan sát chúng. Loài này rất nhanh nhẹn, liến thoắng và rất nhát, thấy bóng người là bay mất…

Chuyện Sài Gòn từ những chú chim non gặp nạn – Trung Thanh

Làm nghề sửa ô tô nhưng hơn 30 năm qua, anh Nhựt dành rất nhiều thời gian để săn ảnh chim ở chúng tôi và đã chụp được hàng ngàn bức ảnh đẹp. Nhờ những bức hình của anh mà tôi mới biết, phía sau những khu phố tấp nập trên đường Lê Văn Khương (đoạn thuộc H. Hóc Môn) cũng có một cánh đồng cò bay về nườm nượp chẳng khác nào ở Tràm Chim (H. Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp); hay ở H. Nhà Bè, H. Cần Giờ cũng có những con chim rồng rộc vàng, chim gõ kiến, chim ốc mít… có màu sắc tuyệt đẹp.

Loài điểu học: chim sâu lưng đỏ – scarlet-backed flowerpecker (Dicaeum cruentatum)

Tên “ốc mít” trong dân gian chỉ loài chim sâu lưng đỏ thuộc Họ Chim sâu (Dicaeidae). Họ này gồm các loài chim mập mạp, với mỏ, cổ và chân đều ngắn, có kích thước 10-18 cm, cân nặng 6-12 gam, thường có bộ lông xỉn màu, thích ăn mật hoa, quả mọng và đôi khi côn trùng.

Chim sâu lưng đỏ là loài chim sâu có sự phân bố rộng nhất trong số các loài cùng họ. Thân rất nhỏ, chỉ 9 cm. Chim trống: không thể nhầm lẫn với lưng màu xanh lam thẫm có một vạch rộng màu đỏ tươi chạy dài từ trán đến gốc đuôi. Chim mái: bộ lông màu ô-liu, có khoảnh nhỏ màu đỏ thẫm ở hông hoặc dưới gốc đuôi xám sậm. Chim non: Không có màu đỏ thẫm nhưng mỏ màu da cam tươi.

Loài chim định cư, phổ biến từ vùng Đông Bắc đến hết Nam Bộ (riêng vùng phía Nam của Trung Trung Bộ chưa tìm thấy), lên đến độ cao khoảng 1.200 mét. Gặp ở rừng thưa, rừng trồng, cây bụi, chủ yếu ở bìa rừng, cũng có thể ở đất trồng trọt, công viên thành phố. Cũng được quan sát kiếm ăn và hót líu lo trên tán cây thấp trong nội thành Saigon.

Tôi thường chiêm ngưỡng những chú chim sâu lưng đỏ trong một khu dân cư ở Bangkok. Không ai quấy rầy chúng, có lẽ vì thế mà các chú chim ở đây khá dạn dĩ, cho phép tôi quan sát chỉ cách dăm ba mét. Ngược lại, Võ Thị Phương Thanh (2012) cho biết các chú chim sâu lưng đỏ ở Việt Nam rất nhát. Lý do dễ hiểu thôi: chim trống là đối tượng bị săn bắt ráo riết do có bộ lông đẹp! E rằng một ngày không xa, ta chỉ có thể quan sát con chim đẹp này ở các cơ sở rao bán chim!

Loài điểu học: chim sâu mỏ lớn – thick-billed flowerpecker (Dicaeum agile)

Rất nhỏ, thân chỉ dài 10 cm. Mỏ dầy, đuôi ngắn. Bộ lông có màu đơn giản: lưng màu nâu-xám đậm, bụng trắng xỉn (có khi phớt vàng) với nhiều vằn mờ màu xám chạy dọc. Khi đậu, đuôi lúc lắc qua lại. Không thể phân biệt trống mái ngoài hoang dã.

Loại định cư phổ biến từ Trung Bộ đến Nam Bộ.

Tổ hình chén được treo chúc ngược từ cành cây mảnh nằm ngang. Cả cặp trống mái đều giúp nhau làm tổ. Đẻ 2-4 trứng.

Chim sâu mỏ lớn mớm mồi cho chim non (Thú vui Tây Nguyên)

Tiếng kêu: ‘chiu chít’ thanh thanh:https://www.xeno-canto.org/species/Dicaeum-agile

Ghi chú: một số trang web viết về “chim sâu” nhưng hình ảnh cho thấy đó là chích bông. Xem mục Chích / Chích bông / Chim thợ may. Không loại trừ các văn nhân thi sĩ viết về “chim sâu” nhưng thật ra đó là chích bông vốn phân bố rộng rãi hơn là chim sâu.

Chim vịt / Chim lò rèn

Ca dao

Chiều chiều chim vịt kêu chiềuBâng khuâng nhớ bạn chín chiều ruột đau.

Thơ

Chim vịt kêu chiều – Lý Thị Minh Châu

Chiều chiều chim vịt kêu chiềuThương mây nhớ gió hay yêu lỡ làngDẫu là hợp để rồi tanChẳng trăm năm cũng huy hoàng hơn không

Tìm đâu để gặp ngày xưaĐầm sâu vũng cạn ao hồ cũng khôngPhố giờ mọc cả trên sôngTrách chi chim vịt sao không gọi chiều.

Truyện ngắn

Mùa Xuân nghe tiếng chim – Võ Hồng

Vào một buổi sáng có nắng rực rỡ, trong vườn tôi chợt vang lên tiếng một con chim lạ. Thời tiết đầu xuân và lúc đó vào chặng tám giờ. Khu phố tôi ở tương đối yên tĩnh nên tiếng chim không bị pha lẫn vào một thứ tạp âm nào. Nó mạnh, sắc cạnh, lảnh lót. Chỉ gồm bảy tiếng ‘Kéc… kéc… kéc… kéc kéc… kéc kéc.’ Ba tiếng đầu ngắt quãng chậm rãi, trịnh trọng. Bốn tiếng sau thúc mau, nhỏ dần rồi hòa mất vào sự im lặng.

Sau chừng năm bảy phút, chim lại cất lên một tràng bảy tiếng như vậy nữa. Nhưng lần này chim không còn ở vị trí cũ, nó đã di chuyển cách đó khoảng năm sáu thước. Tôi đi lại cửa sổ, đưa mắt nhìn ra vườn, chăm chú nhìn nơi xuất phát tiếng chim nhưng tuyệt nhiên không thấy nó đứng nơi nào.

[…]

Một tiếng chim trung thành thủy chung như vậy, nhất định là tôi phải tìm hỏi cho biết tên. Chọn hỏi những người có dính dáng đến nông thôn, càng có phong cách quê mùa càng tin tưởng hơn. Nhưng lạ, không ai có một hiểu biết đích xác. Chừng như ai cũng có nghe mà không chú ý lắm. Họ đưa ra tên này… tên này… rồi tự cải chính lấy. Chẳng hạn: “Tiếng con chim chăn vịt đó mà… Chiều chiều đến giờ lùa vịt là nó kêu. Ở đồng Gò Dài thiếu gì… Uở, mà con này kêu buổi sáng.” Đó, cứ cái kiểu hăng hái mở đầu rồi rụt rè thụt lùi như vậy đó. Một anh bạn gốc Huế nói ngoài anh người ta kêu là con chim lò rèn, vì tiếng nó giống nhịp đập của búa nơi lò rèn.

[…]

Một ông bạn nghe tôi mô tả tiếng chim liền nói: “Người Pháp đặt tên nó là chim mồ côi (l’orphelin) vì tiếng kêu buồn khắc khoải gồm bảy âm rời mà họ diễn ra là tiếng kêu than: ‘Cha, mẹ, anh, chị, chết cả rồi’ (père, mère, frères, soeurs, tout est perdu)

Tiếng chim buổi sớm – Huy Phương

Nhà văn Lâm Ngữ Ðường thì thích nghe tiếng kêu của một loại “gà gô” (tiếng Tàu còn gọi là “giá cô”). Nói là giống gà nhưng nó hót như chim. Tiếng hót có bốn âm do, ré, mi… âm mi kéo dài hai ba nốt, ngưng hẳn một tí, rồi tiếp theo bằng một nốt thấp hơn. Giống chim này có nhiều ở phía Nam Trung Quốc, hót trễ vì đây là một giống chim dạn dĩ, không sợ giàn thun bọn trẻ, trái lại hầu hết loại chim khác đều hót sớm vì sợ loài người ác độc. Có khi chúng bặt tiếng luôn vì lưới bẫy giăng khắp nơi, vì lưới chim đem ra chợ bán là một nghề mới kiếm cơm.

Tiếng hót của giống gà gô này có ba âm và âm cuối kéo dài, có người nghe là ‘chè, xôi, chuối… thịt’, âm thịt kéo dài ra, thấp xuống rồi ngưng bặt (theo Nguyễn Hiến Lê). Nghe giống như ý nghĩ mấy ông xôi thịt làng xã ngày trước và ngay cả hôm nay. Giống chim này ở Việt Nam cũng có, thời Tây thuộc tôi có nghe người ta nhại tiếng chim là ‘père, mère, frère… tout est perdue’ (cha mẹ anh em… mất cả rồi). Nghe ra ngậm ngùi làm sao…

[Theo mô tả tiếng kêu thì đó là tìm vịt.]

Chim vịt kêu chiều – Từ Kế Tường

… tôi bồi hồi xúc động nhất vẫn là tiếng chim vịt kêu vào lúc xế chiều, khi nắng đã nhạt, gió qua vườn xào xạc hơn, không gian mênh mông hơn. Con chim vịt rất nhỏ, ngang bằng con chim sẻ nhưng tiếng kêu vang động cả góc vườn, bay đi rất xa. Tiếng chim vịt kêu thành một chuỗi âm thanh, giống như người kêu vịt về chuồng, 4 nốt đầu lên thật cao, đứt khoảng, những âm sau liên tục, thấp dần nghe như nỗi khắc khoải, chờ mong, trông ngóng… Chim vịt khi cất tiếng kêu nó đậu trên nhánh một cây rất cao, thường là cao nhất trong khu vườn. Nó lẻ bạn, luôn đứng một mình và rướn cổ kêu để âm thanh bay cao và xa. Thường chim vịt xuất hiện từ lúc xế chiều và kêu rất lâu mới chịu bay đi nơi khác. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nghe chim vịt kêu vào lúc đêm tối hoặc khi trời sắp sáng.

Nếu có một loài chim nào cất tiếng kêu làm xúc động lòng người, bồi hồi nhớ kỷ niệm, nhớ bóng hình một ai đó mà mình đang ngóng đợi thì chắc chỉ có con chim vịt nhỏ bé đứng lẻ bạn trên cây cao kia. Con chim sinh ra với số phận hẩm hiu, thui thủi một mình để hoài vọng một bóng hình trong cõi nhớ mong và không biết bao giờ quay lại.

Chim vịt kêu chiều – Phan Trung Nghĩa

Đâu đó tiếng nhái bầ‌u ngắt nga, hòa lẫn với tiếng chim vịt kêu chiều. Chim vịt là con vịt lạc bầy vào mùa nước nổi. Nó sống bơ vơ côi cút giữa đồng không môn‌g quạnh. Nó cất tiếng kêu lạc loài nghe xó‌t x‌a vô tận. Tiếng chim vịt kêu chiều hay đó là một thứ tiếng lòng của đất này mà mùa mưa dầm tháng bảy nào cũng nhớ má đến lạ.

Loài điểu học: tìm vịt – plaintive cuckoo (Cacomantis merulinus)

Tìm vịt còn được dân gian gọi là chim vịt, chim chăn vịt, chim gọi vịt, chim lò rèn, thuộc Họ Cu cu (Cuculidae).

Tìm vịt thường đậu trong tán cây cao nên khó thấy. Có lẽ nhiều người chưa bao giờ trông thấy tìm vịt nhưng đã thường nghe tiếng kêu của nó vang vọng từ nơi xa ở vùng nông thôn, rừng thưa, thậm chí vùng đô thị có cây cao. Tiếng kêu thường gồm có 4 âm cao kéo dài bằng nhau, tiếp theo là 4 âm nhanh dần với cao độ thấp dần. Tên Hán của tìm vịt là bát thanh đỗ quyên, tức đỗ quyên có 8 âm thanh. Người phương Tây cho rằng đó là tiếng kêu ai oán, cho nên họ lấy nghĩa này mà đặt tên cho loài chim: “cu cu ai oán” (tiếng Anh: plaintive cuckoo, tiếng Pháp: coucou plaintif). Từ nhỏ người viết thường nghe tiếng chim này mà không nghĩ có tính chất ai oán gì cả!

Tìm vịt có kích thước nhỏ: 22 cm. Chim trưởng thành: đầu màu xám, phần trên thân màu xám hoặc nâu sẫm, phần dưới màu nâu nhạt hơn. Phần trên đuôi đen nhạt, với nhiều vằn hẹp màu trắng. Thường gặp chim mái có bộ lông màu nâu đỏ tối ở phía trên và màu xanh nhạt ở phía dưới, toàn thân có vằn; đuôi có vằn dày nổi bật.

Ngoài tiếng kêu như nêu trên, còn có loại tiếng kêu khác gồm 3 nhịp nhanh, mỗi nhịp 3 âm cao lên dần nghe chát chúa. Chim thường kêu mỗi lần 9 âm như thế. Ở vườn quê Vĩnh Long hồi còn nhỏ, tôi thường nghe tiếng kêu này, có cảm tưởng con chim chỉ cách mình chục mét. Vì không trông thấy chim mà chỉ nghe hai loại tiếng kêu khác hẳn nhau nên nhiều người giống như tôi một thời lầm tưởng đó là do hai loài chim khác nhau!

Hãy nghe hai loại tiếng kêu khác hẳn nhau của tìm vịt:https://www.xeno-canto.org/species/Cacomantis-merulinus

Ngoài khả năng vang xa, tiếng kêu tìm vịt có đặc điểm khác là vang lên bất kể sáng trưa chiều tối. Có lời nói đùa cho rằng loài chim này rãnh rỗi quá, bởi vì chúng thuộc nhóm chim ký sinh trong tổ, tức là cả chim trống và chim mái không cần lo ấp trứng và nuôi con!

Họ Cu cu có nhiều loài chim ký sinh trong tổ, trong số đó có tìm vịt và tu hú, dựa vào một số bản năng đặc biệt của chính các loài trong Họ Cu cu và bản năng yếu kém của một số loài chim chủ.

Mục Tu hú trình bày chi tiết về tập tính sống ký sinh trong tổ của nhiều loài chim cu cu, trong đó có tìm vịt (xem ảnh trên).

Chim xanh

Vè / Đồng dao

Sáo sậu là cậu sáo đenSáo đen là em sáo đáSáo đá là má bồ nôngBồ nông là ông ác làÁc là là bà tu húTu hú là chú chim riChim ri là dì chim xanhChim xanh là anh cò bợCò bợ là vợ thằng NgôThằng Ngô là cô sáo sậuSáo sậu là cậu sáo đen……

[Sáo đá còn được gọi là yểng, sáo đen còn được gọi là sáo mỏ ngà.]

Thơ

Buổi sáng – Nguyên ĐỗChim xanh, này chim xanhBay về vùng nắng ấmĐậu trong vườn hoa gấmNgươi thay ta dỗ dành

[…]

Chim xanh, này chim xanhĐem tín điệp thương nhớGắn vào ngay cửa sổXin em cho làm lành

Em có về ta? – Hà Nguyên Duhãy hót vườn ta, chim xanh nhỏnắng đã vơi rồi, tia lãng quênchiều qua lá chết nơi đầu ngõmưa chẳng thương cây một chút tình

hãy hót vườn ta, chim xanh nhỏsố kiếp tang bồng vườn cũng khôtình như lá chết nơi đầu ngõem có như mưa giọt xuống mồ?

Truyện ngắn

Muối của rừng – Nguyễn Huy Thiệp

Ông Diểu rẽ sang lối mòn ngoằn ngoèo đi miết. Chim xanh đầy trên rặng gắm hai bên lối mòn nhưng ông không bắn. Với khẩu súng này mà bắn chim xanh thì thật phí đạn. Chim xa nhà ông chén chán rồi. Ngon thì ngon nhưng có vị tanh.

Đóa hoa vô thường – Nguyên Nhung

Hai người không nói với nhau câu nào, dường như ai cũng sợ kinh động sự yên tĩnh của một buổi sớm mai, có con chim xanh đậu trên bờ rào hót líu lo…

Âm nhạc

Ngày về – Hoàng GiácHương Lan – https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/ngay-ve-hoang-giac-huong-lan.8gmS6leJZr.html

Tha thiết mong tìm về bạn cũnhưng cánh chim mịt mùng bạt gióvắng tiếng chim xanh ngày vui hót tung mâymờ khuất xa xôi nghìn phương

Loài điểu học: chim xanh Nam Bộ – blue-winged leafbird (Chloropsis cochinchinensis)

20 cm. Còn được dân gian gọi là chim hỏa tiễn. Đầu và hai bên cổ có màu lục nhạt phớt vàng. Mắt nâu, mỏ đen. Quanh mắt, má, họng màu đen. Ngực, bụng và dưới đuôi màu lục nhạt, phớt vàng. Đặc điểm phân biệt với thanh tước là: cánh và đuôi có những lông xanh lam, đầu không có màu cam. Bộ lông còn lại màu xanh lục tươi giống thanh tước.

Định cư trên toàn cõi Việt Nam.

Thanh tước

Truyện ngắn

Nhạc chim – Ma Văn Kháng

… Còn mới trở về trên vòm cây mía rừng mùa này đơm từng chùm hoa màu hồng phấn là bọn thanh tước lông ve chai có tiếng hót líu lo trong vắt như tiếng lăn của những hạt thủy tinh.

Loài điểu học: chim xanh trán vàng – golden-fronted leafbird (Chloropsis aurifrons)

Thanh tước tức là chim xanh trán vàng, thân dài 15-20 cm. Vùng dưới cổ được bao phủ bởi bộ lông màu đen và hai bên mép dưới mắt có vệt dài màu xanh dương là điểm nhấn đặc biệt của thanh Tước. Thêm nữa là mỗi đầu cánh có vệt lông màu xanh biếc trông đẹp. Có những con có luôn vệt lông màu xanh biếc ở đuôi nhìn rất đẹp. Đặc điểm khác phân biệt với chim xanh Nam Bộ (xem mục Chim xanh) là: cánh, bụng và đuôi màu lục (không có hoặc có ít lông màu lam), đầu màu cam, phần lông trên đầu nơi tiếp giáp với mỏ có màu vàng-cam. Chim non: đầu xanh lục; không có các khoảnh màu đen. Chim mái: màu xỉn hơn.

Loài định cư phổ biến từ châu thổ Sông Hồng đến Trung Bộ.

Làm tổ trong hốc thân cây, đẻ 2, 3 trứng.

Dần dà có thêm người trong giới chơi chim chú ý đến thanh tước. Thanh tước từng sống ở nhiều nơi như rừng Bình Thuận, Lâm Đồng và cũng gặp rải rác ở các khu rừng chồi ở Biên Hòa, Bà Rịa, Bình Phước… Tình trạng này dần đảo ngược khi nhiều người biết đến thanh tước vì sự mời chào của các cửa hàng bán chim.

Thanh tước siêng hót nhưng không dùng giọng hót để đấu nhau, tiếng hót không hay bằng những loài chim cảnh khác. Có khả năng bắt chước tiếng kêu của những loài chim khác.

https://birdwatchingvietnam.net/science-name/golden-fronted-leafbird-201

Chích / Chích bông / Chim thợ may

Ca dao

Chim chích mà ghẹo bồ nôngđến khi nó mổ lại lạy ông tôi chừa

Thơ

Chim chích bông – Nguyễn Viết Bình

Chim chích bôngBé tẹo teoRất hay trèoTừ cành naRa cành bưởiQua bụi chuối

Chú chích bôngLiền sà xuốngBắt sâu cùngVà luôn miệngThích… thích… thích!

Truyện dài

Bếp lửa – Thanh Tâm Tuyền

Thế là tao đi rồi. Không hiểu sao tao cứ đinh ninh mày sẽ xuống gặp tao. Nghĩ rằng mặt mày sẽ ngơ ngác như chú chim chích trong rừng, sao tao khoái làm vậy.

Truyện ngụ ngôn

Chim thợ may

Hổ động viên:

– Yên Trí! Yên trí! Rồi đâu sẽ có đó. Theo ta, muốn có tên không khó. Cái khó là làm sao xứng với cái tên ấy thôi. Có gì đáng tự hào, nếu như nghe đến tên mình mà ai cũng căm ghét muốn tránh cho xa. Ta báo cho nhà chị biết, Phượng Hoàng đang mở cuộc thi làm tổ đấy. Nếu làm tổ khéo nhất, chắc chắn cả núi rừng này sẽ biết đến họ hàng nhà chị thôi.

Nghe Hổ nói vậy, nó phấn khởi quay về, tập trung cả họ hàng lại bàn việc làm tổ thế nào cho bền, cho đẹp. Theo phân công của chim mẹ, các chim thợ cần mẫn nhặt nhanh những cành lá úa dài, mảnh và bền cả những sợi bông, sợi len, sợi vải vương vãi dưới đất làm chỉ. Để bắt tay vào làm tổ, trước hết phải tìm hai cái lá to và chắc mọc sát nhau. Chim mẹ dùng mỏ sắt thay kim khâu túm các mép lá lại. Sau khi dùi thủng mép lá, chim mẹ cắn chỉ dùi qua lỗ thủng của lá để khâu từ mép lá đến cuống lá rồi dùng bông, sợi cỏ, sợi vải mềm để “rải thảm” và “ốp tường”. Một tuần sau chiếc tổ xinh xinh vừa bền đẹp đã hoàn thành. Cứ y như một thợ may lành nghề khâu vậy.

Kết quả, chiếc tổ ấy được bình là chiếc tổ đẹp nhất, bền nhất và đại gia đình nhà chim “vô danh” kia được Phượng Hoàng tặng danh hiệu “chim Thợ May”. Danh hiệu ấy trở thành tên của loài chim Thợ May.

Loài điểu học: chích bông đuôi dài – common tailorbird (Orthotomus sutorius)

Cũng được dân gian gọi là chim sâu xanh hoặc chim sâu đầu xanh. Tên tiếng Anh tailorbird cho một số loài chích bông trùng khớp với tên tiếng Việt trong dân gian: chim thợ may. Đó là vì chích bông có kỹ năng đặc biệt khi làm tổ. Chúng mổ thủng phần rìa của các lá to và khâu lại với nhau bằng sợi tơ thực vật hay tơ nhện để làm nôi, rồi tha các cọng cỏ về để lót tổ.

Cộng thêm mô tả của nhà thơ; tôi cho rằng con chim chích bông này – cũng như chim chích nói chung trong thơ văn – rất có thể là loài chích bông đuôi dài, thuộc Họ Chiền chiện (Cisticolidae).

Ngoài cây bụi, tre nứa, chích bông đuôi dài còn sống ở vườn làng, ngoại ô, thậm chí vườn trong khu đô thị, nên thường được trông thấy. Tôi đã thấy một con chích bông đuôi dài nhảy nhót trong một khu vườn nhỏ ở nội đô Hải Phòng, ngay bên ngoài cửa sổ nơi tôi nhìn ra.

Hình thái nói chung: gọi là chích bông bởi vì lông hai bên má xoắn thành từng lọn nhỏ. Phần trước đỉnh đầu màu hung, họng và bụng trắng, đuôi dài (thường vểnh). Thỉnh thoảng phần gốc lông màu xám nhìn thấy ở vùng cổ (đặc biệt là khi chim hót) tạo nên nhiều mảng tối.

Hai điểm nhận dạng độc đáo của loài chích bông đuôi dài giúp phân biệt với những loài chích bông khác là chân màu hồng, và tiếng kêu chỉ một âm ‘cheuk’ lặp đi lặp lại vang dội so với thân hình bé nhỏ chỉ dài 12 cm.

Kỹ năng làm tổ

Đặc điểm chung của chích bông tức chim thợ may là, dù ở bất kể môi trường sống nào, vật liệu để xây tổ của chúng vẫn là những chiếc lá vẫn còn xanh, chưa lìa cành.

Để xây tổ, chim thợ may thường chọn một chiếc lá lớn, có độ đàn hồi cao. Chúng gấp các cạnh của chiếc lá lại thành hình giống như một chiếc túi. Tiếp đến, chúng đục một hàng lỗ dọc theo cạnh lá và sử dụng chiếc mỏ điêu luyện của mình luồn những ngọn cỏ dai, chắc hoặc tơ nhện xuyên qua. Chuyển động mỏ của chim thợ may được ghi nhận là y hệt một thợ may thực sự. Thậm chí chúng còn biết thắt nút để giữ cho đường may của mình không bị tuột ra, đảm bảo được sự chắc chắn. Sau khi may xong tổ, chim mái sẽ lấp đầy chiếc tổ này bằng lông tơ mềm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, làm tổ như vậy rất thuận tiện về mặt ngụy trang, bảo vệ con non. Chiếc lá xanh tiếp tục mọc trên cành và không nổi bật so với nền chung của cây, che giấu chim non khỏi những con mắt rình mò. Không chỉ thế, việc làm tổ bằng lá còn ngăn những kẻ săn mồi có trọng lượng nặng như rắn, bởi những con rắn không thể trườn ra những cành cây mỏng mảnh.

Đối với những kẻ săn mồi biết bay, tổ của những con chim thợ may cũng không phải là nơi dừng chân được. Vì kẻ thù hầu như không thể nhận thấy tổ của một con chim thợ may được bao bọc bằng lá xanh trong những tán lá xanh um.

https://guu.vn/diem-tin/bi-mat-chim-tho-may-loai-chim-kheo-leo-may-ca-to-minh-5d4634042f01bb1311dfa1f2.html

Loài điểu học: chích phương Đông – Oriental reed-warbler (Acrocephalus orientalis)

Còn được gọi là chích đầu nhọn Phương Đông, loài này cũng có thể được các nhà thơ và nhà văn trông thấy bởi vì nó hiện diện ở cả trong vườn và dọc theo các mương dẫn nước.

Thân dài 20 cm. Sinh cảnh yêu thích của nó là vùng cỏ cây, lau sậy, bụi gai gần với nguồn nước nơi đầm lầy.

Chích phương Đông làm tổ bằng những cọng cỏ giữa đám lau sậy.

Ở vùng định cư sinh sản, các loài chích thường là nạn nhân của các loài cu cu. Cu cu đẻ trứng vào tổ chích để khi nở ra được chích “mẹ nuôi” kiếm mồi về mớm cho ăn, ngay cả khi cu cu non có thân hình lớn gấp nhiều lần “mẹ nuôi”.

Chích chòe / Chích chòe than

Thành ngữ

Ba hoa chích chòe.

Ca dao

Chích chòe học dốt có chuôiBởi chưng nhí nhoẻn nên đuôi phất cờ

Nếu đẹp đã có tiếng đồnLọ là nhấp nhỏm như trôn chích choè

hoặc:Khôn ngoan đã có tiếng đồnLọ là nhí nhảnh như trôn chích chòe

Thơ

Tự hài – Hà Huyền ChiGià này già tóc già râuRượu vào vẫn tưởng cỡ đâu tam tuầnTrời còn nắng Sở mưa TầnTrách chi cái hạc theo thân chích chòe

Vườn nhà – Hoàng NhạnChiều nay không có việcNằm đếm tiếng chim kêuTiếng chích chòe lảnh lótTiếng cu gáy đều đều

Truyện ngắn

Chim rừng trong vườn nhà – Đinh Đăng Lượng

Tiếng chim kêu là tín hiệu giữ cự ly kiếm ăn với đồng loại, có thể là hai con hoặc nhiều con trong đàn. Chim teo kheo (chào mào), chim chìa vôi, chích chòe…, con nào cũng bằng tiếng kêu của riêng mình mà cho con người biết được sự có mặt của nó trong khu vườn.

Chích chòe than trong thành phố – Phạm Trung Tuyến

Con chích chòe than này có thể không phải những con chim tôi đã từng gặp ở những căn hộ cũ nhưng chúng giống nhau đến lạ lùng. Vẫn những tiếng hót tuyệt vời ấy, những cú nhảy lộn vòng điệu nghệ ấy và ánh mắt nhìn con người điềm nhiên ấy. Ở đây, rất xa thành phố, rất nhiều cây xanh và bầu trời rất rộng, sao nó lại ở trên ban-công nhà tôi, con chim thành phố ấy?

Nó là con chim thành phố. Bởi bạn sẽ không thể tìm thấy nơi nào trong thiên nhiên, núi rừng đồng ruộng, một con chích chòe than hót hay như thế hoặc nếu nó có giọng hót hay thì cũng không bay đến gần bạn để hót như thế này. Chỉ những con chích chòe than thành phố mới hót hay thôi, vì nó được chọn, vì nó phải hót hay để được cho ăn những món ăn khoái khẩu.

[…]

Con chim chích chòe ấy, nó đã làm hỏng buổi sáng của tôi bằng tiếng hót, bằng điệu nhảy tuyệt vời của nó. Bởi nó nhắc tôi nghĩ tới thân phận thị dân, với những nỗi khát khao chật chội đã trở thành thói quen. Con chim chích chòe than ấy vẫn đứng trên thành chậu nhìn tôi bằng cái nhìn đầy giễu cợt của một kẻ trải đời, giống như tôi nhìn nó và lập tức nhận ra nó là một con chim thành phố.

Loài điểu học: chích chòe, chích chòe than – Oriental magpie-robin (Copsychus saularis)

Theo nghĩa rộng, chích chòe là tên gọi chung một số loài chim kích thước trung bình trong các chi Copsychus và Enicurus, thuộc Họ Đớp ruồi (Muscicapidae). Họ này gồm những loài chim nhỏ, bắt côn trùng khi đang bay, như tên gọi của họ.

Theo nghĩa hẹp, dân gian thường gọi chích chòe than với tên đơn giản chích chòe, và ngành điểu học cũng dùng tên này.

Chích chòe có thân dài 19 cm, kể cả đuôi dài thường hay dựng thẳng̣. Chim trống: lưng, đầu và cổ họng có màu đen (dưới ánh nắng thấy pha ánh xanh lam); vai, bụng và mặt dưới đuôi màu trắng. Chim mái: xám đen trên lưng, xám trắng ở bụng. Chim non: màu nâu xếp như vảy trên lưng và đầu.

Loài định cư phổ biến toàn cõi Việt Nam.

Sống từ cao độ thấp ở đồng bằng lên đến vùng trung du và miền núi. Thích kiếm ăn ở nơi thoáng đãng, nhất là trên thảm cỏ xanh. Còn gặp ở rừng ngập mặn. Cũng thích ứng với môi trường đô thị, gặp trong nội đô Saigon (hay là chim nuôi sổ lồng?).

Trong mùa giao phối, chim trống đậu trên cây cao mà hót với nhiều giai điệu.

Vì có tiếng hót hay, chích chòe là một trong các loài chim cảnh được yêu thích, do đó bị săn bắt khá nhiều.

Chích chòe lửa

Truyện ngắn

Nhạc chim – Ma Văn Kháng

Thú vị thật vì nằm bất động trong tâm thái tĩnh tại dưới bóng rừng già, lắng tai nghe một chút, ông Biền vẫn nhận ra, từng tiếng hót riêng biệt của mỗi loài chim. Líu lo ỏm tỏi trên vòm trám rậm kia là tiếng bầy sáo mỏ vàng đông cả trăm con. Trong khi đó, vót cao lên lanh lảnh là tiếng hót của bầy chích chòe lửa đuôi xòe như con công mái.

Loài điểu học: chích chòe lửa – white-rumped sharma (Copsychus malabaricus)

Như tên gọi tiếng Anh, có điểm đặc biệt là khoảnh lông trắng trên phao câu. Chim trống 28 cm, chim mái 22 cm. Chim trống: Đầu, họng, ngực trên và phần trên cơ thể màu đen; hông màu trắng; lông bao trên đuôi, các lông đuôi ngoài và phần dưới cơ thể màu nâu vàng tối. Chim mái: Giống như chim đực nhưng màu hơi xám; màu đen ở chim đực thay bằng màu xám ở chim cái; bụng và lông bao dưới đuôi nâu hung. Chim non: Giống như chim mái nhưng màu xám thay cho màu nâu; lông bao cánh và vai nâu đỏ nhạt.

Chim mái xây tổ một mình; chim trống đứng bảo vệ. Tổ thường làm bằng rễ cây, lá cây, dương xỉ và thân cây. Cả chim bố và chim mẹ nuôi chim con, nhưng chỉ chim mẹ ấp trứng và úm con non.

Loài định cư phổ biến toàn cõi Việt Nam, nhưng bị săn bắt mạnh.

Nơi sống: Dưới tán rừng thường xanh nguyên sinh hoặc thứ sinh, và nơi có cây bụi rậm rạp.

Chìa vôi

Ca dao

Chim chìa vôi bay ngang đám thuốcCá bãi trầu lặn tuốt mương sâu!

Thơ

Bức tranh quê – Mai Thanh NgọcTôi về thăm quê hương Nội NgoạiMỗi bức tranh quê, mỗi nét riêng mìnhRuộng mạ dài như thảm cỏ nhung xanhGió hát vu vơ đẩy lúa nghiêng mình.

Con nghé nhỏ chờ mẹ bừa trên ruộngDưới bóng tre nghiêng mát rợp oi hèCon chìa vôi làm xao động bờ treGiọng lảnh lói nhạc đồng quê thơ mộng

Hoa 10 giờ – Dung NguyênNắng vàng rọi đến nửa sânChìa vôi ngưng cất tiếng ngân sau vườnMười giờ nở tím bờ tườngEm soạn cặp vở tới trường cho mau

Qua mấy ngõ hoa – Mường MánChim chìa vôi chuyền cành múa hátTrên hư không ve cưới mùa HèO có nghe suốt dọc đường vềSỏi đá gọi tên người yêu dấu?

Truyện ngắn

Bầy chim chìa vôi – Nguyễn Quang Thiều

Có lẽ bố chúng nó nói đúng. Chỉ ở khúc sông làng chúng, những con chim chìa vôi mới làm tổ như thế. Hàng năm vào mùa nước cạn, giữa sông làng nổi lên một dải cát. Sau một thời gian, những đám rong sông tốt bời bời héo dần làm thành một lớp đệm trên cát. Vào lúc đó, những con chim chìa vôi mảnh khảnh và ít lời từ hai bờ sông bay ra bãi cát. Chúng tìm những đám rong khô và dày để đẻ trứng. Khi những con chim chìa vôi đã đủ lông cánh cũng là lúc có những đám mây lạ từ dãy núi đá vôi Hoà Bình bay về báo hiệu mùa mưa. Những tiếng sấm sau mỗi đêm lại chuyển dần từ một chân trời xa về bên kia sông. Và bất chợt một đêm nào gần sáng, sấm nổ vang trên nóc nhà và mưa ném xuống. Con sông Đáy cựa mình lớn lên. Chỉ sau dăm đêm, dải cát nổi giữa sông chìm vào trong nước đỏ. Khi vòng vây của nước ập vào phần cuối cùng của bãi cát thì những con chim chìa vôi non lần đầu tiên trong đời đập cánh bay lên. Những con chim bé bỏng bứt khỏi dòng nước khổng lồ bay vào bờ. Và đến mùa khô sang năm chúng lại ra dải cát nổi bắt đầu mùa sinh nở của chúng.

Nguyệt quế – Nguyễn Ngọc Tuyết

Chị nhìn chiếc lồng trên tay anh, giả vờ hỏi:

– Anh làm lồng chim à?

– Ừ, có mấy đứa nhỏ trong xóm mê chim chìa vôi lắm. Hôm trước gác được mấy con bán cho chúng, giờ chúng đòi mua thêm lồng.

Chị gật đầu, có vẻ quan tâm tuy chị biết thừa những điều này rồi. Cái nghề chơi chim, gác chim của ông chồng chị thì nổi tiếng cả xứ này chứ đâu phải vùng quê nhỏ bé này. Đến giờ, thỉnh thoảng cũng có người tìm đến anh để tìm hiểu về cách nuôi chim cu gáy, chim chìa vôi, trao trảo hoặc cách gác lục, gác lưới bắt chim, chọn chim hay chim dở đó thôi…

Truyện dài

Tuấn, chàng trai đất Việt – Nguyễn Vỹ

Tuấn đang học lại bài, nằm trên chiếc chiếu trải ngoài vườn, bên gốc cây mít. Lá mít rụng đầy chung quanh, lá úa đỏ. Trời vừa chạng vạng. Một con chim chìa vôi bay đậu trên sân, nhẩy hai ba bước, đuôi dựng lên, y như chiếc chìa vôi cắm trong miệng bình vôi.

Loài điểu học: chìa vôi trắng – white wagtail (Motacilla alba)

Ở Việt Nam có năm loài chìa vôi, nhưng khi nói đến tên chìa vôi thì phần lớn đó là chìa vôi trắng.

Thân dài 19 cm. Nhìn chung có màu xám bút chì; đỉnh đầu, ức và đuôi màu đen, giữa bụng và ngực màu trắng. Khi đậu, đuôi hay vẩy lên xuống dúng như tên tiếng Anh wagtail. Khi bay, thấy hai màu trắng và đen trên bộ lông bằng nhau. Về mùa đông, màu lông ít đen hơn và phía dưới cơ thể thường có màu xám. Chim mái: lưng màu xám. Chim non: phần trên cơ thể và một dải trước ngực hẹp màu nâu.

Gặp phổ biến khắp các vùng trong cả nước. Di cư đến vào mùa đông. Có thể có chủng quần làm tổ ở Bắc Bộ.

Sống ở đồng ruộng, ven đường, chỗ trống trải và nơi gần nguồn nước.

Choi choi

Thành ngữ

Nhảy như con choi choi / Nhảy choi choi.

Thơ

Bây giờ mà vẫn ngày xưa – Phạm Ngọc VĩnhMùa đông xác cỏ khô ngòiSương sa gió táp choi choi há mồmNgáo gà mấy cậu gầy nhomDạng chân hun chuột cúi nhòm miệng hang

Truyện ngắn

Rồi thì người ở một mình – Tô Hoài

Những người xách xâu chim túm tụm lại một nơi. Năm trước, tôi thường trông thấy mỗi chiều chủ nhật có ông đi xe máy vai đeo súng săn phóng xe từ các vùng đầm nước ở Suối Hai, ở Đại Lải về: buộc đằng trước xe những xâu chim bắn được, nào con le, con mòng, nào vịt trời, sâm cầm. Đấy là những ông đi chơi săn chim và “cải thiện” đôi chút. Nhưng bây giờ trông những người đi bán xâu chim thì thiểu não, vất vả nhiều. Chiếc xe đạp méo mó và cả người như vùi trong bùn lên. Họ vắt trước ghi đông những xâu chim chết, thôi thì chào mào, sáo đá, cả con choi choi bé tí tẹo.

Xóm trọ – Tống Phú Sa

Thế là khẩu chiến. Hết giọng khào đục của chị chàng luôn tô môi đỏ choét, đến giọng kim the thé của người phụ nữ không chồng ở cuối dãy nhà. Tất cả đều nhảy lên choi choi “Đây mà tôm tép thì ngữ nhà chị là sâu, là bọ…Đồ giời đánh. Về, chúng mày về hết cho bà. Đừng có bén gót đi qua cửa nhà bà. Bà cấm. Bà giết…”

Một quan niệm tình yêu – Chu Lai

– Hoan hô! Hoan hô! Đây là một trò xiếc chứ không phải là lái nữa – Anh lái râu ria nhảy choi choi lên như một đứa trẻ – nửa đời người qua lại đường này, đây là lần đầu tiên gặp một tay lái thần sầu.

Loài điểu học: choi choi nhỏ, choi choi sông – little ringed plover (Charadrius dubius)

Nguyễn Cử et al. (2000) ghi nhận 5 loài choi choi ở Việt Nam, có bộ lông trông tương tự nhau và khó cho ta phân biệt ngoài hoang dã bởi vì chúng thường… nhảy choi choi.

Ở đây chỉ giới thiệu một cách biểu trưng loài cho choi nhỏ vì lẽ loài này đến trú đông khá phổ biến toàn cõi Việt Nam. Độ cao phân bố lên đến gần 1.500 mét.

Choi choi nhỏ có thân dài 16cm. Khác với các loài choi choi tương tự khác bởi khi bay không thấy vằn trắng ở cánh. Bộ lông có vòng cổ màu trắng, đây là đặc điểm dễ phân biệt.

Thời kỳ sinh sản: Vòng cổ quanh họng đen hoàn toàn; mặt màu đen với mảng trắng ở giữa trán và một đường trắng phía trên vùng lông đen ở đỉnh đầu; mỏ thường có màu đen; chân có màu hồng nhạt và vành mắt có màu vàng sang. Ngoài mùa sinh sản: Những vùng màu đen được thay bằng màu nâu và phần ngực có màu nâu nhạt. Chim non: Giống chim ở ngoài mùa sinh sản nhưng có nhiều vạch màu vàng sẫm ở phía lưng, đầu có nhiều đốm mờ, giò vàng nhạt.

Sinh cảnh sống: Ven sông lớn, hồ, vùng xình lầy, ruộng lúa và các vùng đất ngập nước ven biển.

Cò / Cò trắng

Thành ngữ

Cò bay thẳng cánh

Khỉ ho cò gáy

Câu đố

Không dấu trời rét nằm congThêm huyền bay lả trên đồng quê taThêm hỏi xanh tươi mượt màTrâu bò vui gặm nhẩn nha từng đàn

– Là ba chữ gì?Giải đáp: co – cò – cỏ

Ca dao

Uổng công xúc tép nuôi còcò ăn cò lớn cò dò lên câyhoặc:Công anh xúc tép nuôi còcò ăn cho lớn, cò dò cò đi

Con cò mà đi ăn đêmĐậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao…

Cái cò lặn lội bờ sôngGánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non…

Cái cò đi đón cơn mưaTối tăm mù mịt ai đưa cò về?Cò về thăm quán cùng quêThăm cha thăm mẹ cò về thăm anh

Cái cò lặn lội bờ aoĂn sung thì chát, ăn đào thì chuaNgày ngày ra đứng cửa chùaTrông lên Hà Nội thấy vua đúc tiền

Thơ

Con cò – Chế Lan Viên Con còn bế trên tayCon chưa biết con còNhưng trong lời mẹ hátCó cánh cò đang bay

Chiều nhớ quê – Lãng Tử Hào HoaHoàng hôn xuống nơi này đẹp lắmRáng mây chiều tím thẫm trời caoNhìn đàn cò trắng chênh chaoBỗng nhiên thấy nhớ dạt dào miền quê

Chiều quê – Tác giả: Hắc Diện ThầnGió từ đâu… thổi ngọt lànhMạ non như sóng lật vành nón quêLũy tre nghiêng xuống bờ đêThương đàn cò trắng bay về vườn xưa

Đôi cánh nhỏ – Kiem KaMưa tháng sáu giọt rơi lả chảRũ cánh cò chao ngã chao nghiêngDáng cò trắng tuyết mây thiênThương anh nắng ngã mưa nghiêng dãi dầu

Dân ca

Điệu cò lả là một trong những làn điệu dân ca và hát ru đồng bằng Bắc Bộ, bắt nguồn từ ca dao.

Trước đây, điệu cò lả được hát bởi những người nông dân sống ở nông thôn, nhưng ngày nay được nhiều nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp trên sân khấu với sự biến đổi khác nhau về ngôn từ. Bất cứ câu lục bát nào cũng có thể ghép vào để hát theo điệu cò lả.

Lời nguyên thủy:

Con cò cò bay lả lả bay laBay từ từ cửa phủ bay ra ra cánh đồngTình tính tang tang tính tìnhAnh chàng rằng hỡi anh chàng ơiRằng có biết, biết hay không?Rằng có nhớ, nhớ hay không?

Cò lả – Hiền Thảo, NSUT Kim Liên, Thanh Hoài:https://nhacdanca.net/co-la-7.html

Âm nhạc

Trở về Huế – Văn PhụngNgọc Hạ – https://www.youtube.com/watch?v=LVwbsGb_L5A

Ôi bao năm xa cách quê hươngTình hoài hương tha thiết vấn vươngTrở về đây vui với quê xưa bao niềm thươngNghe đâu đây ai hát đôi câuNhịp chèo lướt khua nước sông sâuÐàn cò xưa nay đã lên mauNhớ khi nào còn xanh mái đầu

Giấc mơ trưa – Giáng SonKhánh Linh – https://nhac.vn/bai-hat/giac-mo-trua-khanh-linh-so994GE

Em nằm em nhớMột ngày trong veoMột mùa nghiêng nghiêngCánh đồng xa mờCánh cò nghiêng cuối trời.

Ca dao em và tôi – An ThuyênQuang Linh – https://nhac.vn/bai-hat/ca-dao-em-va-toi-quang-linh-soqdWB

Để cùng ngân khúc ca dao quê mùaĐể nghe tiếng sáo thân thương cánh còĐã có lần em giận hờn tôiĐêm ra đồng em đổ ánh trăng vàng đi

Truyện ngắn

Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng

… Khi người điên nhe răng, thì tôi bỗng lùi lại, tôi nhận ra anh ta, người mà trong gánh hát ai cũng gọi đùa là vị công tử si tình của Năm Thanh. Ðó là chàng thanh niên tuổi độ hai bốn hai lăm, con của một nhà giàu xứ Bạc Liêu, ruộng đất cò bay thẳng cánh, từng học ở Sài Gòn, lấy bằng “đíp lôm.”

Lòng trần – Nguyễn Thị Thụy Vũ

… Ông biết lán mán về quá khứ của ni cô ngày xưa lúc bà mới hai mươi tuổi, bà là vợ kế của nhà phú hộ trong làng Ðạo Ngạn thuộc tỉnh Mỹ Tho. Ruộng vườn của bà cò bay thẳng cánh.

Tiếng gọi ngàn – Ðoàn Giỏi

Nói cho “miên” thì bà con chẳng ai rõ lai lịch thầy Bẩy. Người thì bảo chắc ông thất tình hoặc trốn nợ; kẻ cho rằng: có chữ nghĩa như ông, ra làm việc thì thông ngôn ký lục dễ như chơi, lại bỏ trốn thị thiềng lánh về xứ khỉ ho cò gáy này, sống như một nông dân lam lũ, là ông muốn tỏ thái độ bất hợp tác với nhà nước Pháp…

Chuyến đò tốc hành – Nguyễn Lê Hồng Hưng

Sau khi sắp xong bàn ghế, các bạn kêu tôi cùng ngồi. Cái chị hồi nãy, tôi đoán là chủ quán, từ trong đi ra, chị ta kéo rẹt rẹt bốn tấm màn bông treo bốn bên lại. Trong nháy mắt chúng tôi ngồi trọn lỏn trong căn buồng dã chiến. Tôi hơi sửng sốt, không ngờ ở nơi mà lòng tôi luôn nghĩ là khỉ ho cò gáy lại có chuyện lạ như vầy.

Giấc mơ cánh cò – Nguyễn Hòe

Mùa mưa lại đến, đất trời sa sẩm, gió mưa đánh ghen đuổi nhau trên cánh đồng tít tắp. Đàn cò lại mải miết bay về phương nam. Tiếng kêu khắc khoải như xé toạc cả màn mưa dày đặc. Lão Tràng bước vào bếp lấy ra hai cái ống tre dài đã sạm đen lại vì khói bếp và bồ hóng. Lão rút ra từng nắm hom tre cũ, cẩn thận tra nhựa vào hom chuẩn bị cho một mùa chinh phạt.

… Lão dừng lại trên một cánh đồng vừa gặt, cắm hom lên những mô cò đắp vội bằng đất và rạ chiều qua. Lũ cò mồi vắt vẻo đậu trên chiếc cọc tre cắm sâu vào lòng đất… Gió mỗi lúc càng thổi mạnh, mây đen trườn vào đất liền ngày càng nhiều. Ánh mắt lão thắc thỏm đợi chờ từng đàn cò bay tới.

Nhưng sao lão cứ thấy sốt ruột. Không phải sự chờ đợi làm cho lão sốt ruột. Bởi bao nhiêu năm làm cái nghề này, lão có thừa lòng kiên nhẫn. Đàn cò đang đến rất gần, đôi bàn tay gân guốc của lão đang ra sức giật liên tục vào sợi dây cước. Những con cò mồi chao đảo, chấp chới như vẫy gọi, như cầu cứu đồng loại. Chỉ tích tắc nữa thôi, đàn cò đen kịt trên trời kia sẽ là của lão. Nhưng sao lão không có cảm giác hồ hởi, khoái trá như mọi khi. Lão thấy khó thở. Không được! Lão phải về ngay, ngộ nhỡ… Thế là lão đi như chạy trở về, gốc rạ lởm chởm dưới chân làm lão ngã dúi dụi.

… Tin bão xa, trời chuyển mây xám xịt, gió thốc lên từng hồi ào ạt.

Lão Tràng ngó lên trời, mắt đăm đăm:– Trời này là trời cò đây!

Con Côi đang băm bèo cho lợn chợt dừng tay, hết nhìn bầu trời lại nhìn cha, vẻ mặt đầy nghi hoặc:– Cha ơi! Cò đi đâu thế?

– Cò đi tránh bão!

Lão trả lời nó nhưng mắt vẫn không rời khỏi đàn cò đang bay ngang qua nhà. Con gái lão vẫn chưa chịu tiếp tục công việc của mình, nó nhíu mày ra điều khó hiểu lắm:

– Không đâu, cò đi học đấy!

– Ừ! Phải rồi cò đi học.

– Cò đi học sao cha lại bắt cò?

– À… ừ… thì thôi không bắt nữa!

Nói rồi lão thủng thẳng bỏ đi, có chút gì bối rối trong câu trả lời của người đàn ông hơn nửa cuộc đời làm cái nghề tàn sát chim trời!

Truyện dài

Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi

… Cò thì không biết bao nhiêu mà kể. Cò ngà, cò trắng, cò xanh, cò ma… buộc từng xâu, chất nằm hàng đống.

Nhiếp ảnh

Lung linh cánh cò quê – Phạm Văn Thành

Có cánh chim nào thân thiết với người nông dân hơn cánh cò? Bao đời nay những cánh cò mỏng manh, khiêm nhường, cần mẫn đi bên cạnh người nông dân để xin con tép nhỏ trên đồng lúa, bên mom sông, bờ đầm. Cánh cò lặng lẽ, yếu đuối như thân phận người đàn bà nông thôn – Tất nhiên không thể thiếu được trên cánh đồng, trong cuộc sống thôn quê. Nếu gần gũi hơn sẽ thấy cánh cò không chỉ là yếu ớt mà còn thật đẹp. Đẹp đến say lòng trong sự mong manh ấy.

* * *

Có lẽ cò là nhóm chim xuất hiện nhiều nhất trong kho tàng văn hóa–nghệ thuật của Việt Nam. Điều này không có gì lạ, bởi vì những đàn cò xuất hiện trên toàn cõi Việt Nam, trên đồng ruộng, bãi cỏ, rặng cây, và tung bay cùng khắp trên bầu trời.

Các loài cò nằm trong Họ Diệc (Ardeidae), gồm một số loài chim lội nước. Những tên gọi phổ biến của chúng trong tiếng Việt là cò, vạc, hay diệc. Các loài của họ này chủ yếu sống tại những vùng đất ẩm ướt. Khi bay, chúng rụt cổ lại, khác với các loài hạc, già đẫy, cò quăm, cò mỏ thìa… khi bay cổ dài ra. Cò làm tổ bằng những nhánh cây nhỏ ghép vào nhau một cách bừa bộn.

Khi tác phẩm văn hóa–nghệ thuật chỉ nêu một tên đơn giản “cò” thì rất có thể đó là loài cò trắng vốn rất quen thuộc với người Việt Nam do sự phân bố rộng rãi trên mọi miền đất nước.

Loài điểu học: cò trắng – little egret (Egretta garzetta)

Cò trắng rất phổ biến ở mọi miền Việt Nam trong cả bốn mùa, lại gần gũi với con người trên ruộng đồng, nương rẫy, bờ sông, bờ hồ, và trên khắp bầu trời. Vì thế mà cò trắng đi vào rộng rãi trong văn học–nghệ thuật Việt Nam. Cũng vì thế mà loại cò này được gọi đơn giản là cò trắng, trong khi có một số loài cò khác cũng có bộ lông trắng nhưng hiếm hơn.

Thân cao 55-65 cm. Toàn bộ lông thường trắng, nhưng cũng có chủng mang lông xám pha xanh lam nhạt. Để phân biệt với những loài cò lông trắng khác, cò trắng Egretta garzetta có mỏ đen, giò đen, và các ngón chân màu vàng nổi bật (khó thấy khi cò bước đi trong bùn, dễ nhận thấy khi bay). Trong mùa sinh sản, đầu có hai lông gáy hẹp từ chùm lông gáy dài 15 cm hướng về phía sau. Chim non: giò màu đen pha xanh lục, ngón chân màu vàng nhạt hơn.

Môi trường sinh sống: đầm lầy, hồ, bãi lầy ngập triều, rừng tràm, rừng ngập mặn và cánh đồng lúa.

Đẻ 3-5 trứng màu lam pha lục nhạt; cả bố mẹ đều ấp trứng và mớm mồi cho con.

Cò ngàng lớn & Cò ngàng nhỏ

Bút ký

Quê hương đẹp quá vườn cò – Phúc Lộc

… mỗi lần về quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ tôi đều ghé qua vườn cò Bằng Lăng để ngắm nhìn cho thỏa thích…

Bác Bảy Thuyền, chủ nhân vườn cò cho biết: Cò là loài động vật hoang dã nhưng chúng mang tính tập thể rất cao. Từ sáng tinh mơ, cả họ nhà cò đều thức giấc. Sau đó, một vài con cất cánh bay vút lên trời cao, lao thẳng về một phương trời. Ngay lúc đó, hàng trăm, hàng ngàn những cánh cò khác cũng vội vàng tung cánh theo một đội hình đều đặn, không có con nào tách bầy. Lúc bấy giờ vườn cò chỉ còn lại những lũ chim non, chim làm tổ, ấp trứng và nuôi con.

Khi mặt trời dần tắt cũng là lúc đàn cò rợp trời bay về, nào cò trắng, cò ngà, cò nâu, cò bông, cò lửa, cò đen, cò xám… khiến cho cả một vườn cây trở nên xao động.

Vườn cò Bằng Lăng – Minh Nguyenhttp://dulichcantho.com.vn/dia-danh/vuon-co-bang-lang/n900.html#.XhUNglUzapo

Ở đây có rất nhiều loại cò như: cò ruồi, cò cá, cò ngà, cò ma, cò xanh, cò lép, cò đúm, cò sen, cò quắm… Loại nhỏ nhất là cò lép, chỉ nặng chừng 150 gr. Lớn nhất là cò ngà, cò quắm nặng đến 1,2 kg. Giống cò ruồi lông trắng, mỏ vàng chân đen, một con nặng chừng 400 đến 500 gr.

Bình yên khung cảnh vườn cò Bằng Lănghttps://www.vgcr.org.vn/blog/binh-yen-khung-canh-vuon-co-bang-lang.html

… đúng như cái tên vườn cò, có rất nhiều chủng loại cò sinh sống: cò ruồi, cò ngà, cò ma, cò sen…loại nhỏ nhất là cò lép, chỉ nặng chừng 200 g và lớn nhất là loại cò ngà với trọng lượng lên đến gần 1,2 kg.

Vườn cò Bằng Lănghttp://cantho.gov.vn/wps/wcm/connect/cantho/tieng+viet/gioithieu/thanhphocantho/datvanguoicantho/dia+danh-di+tich-thang+canh/tham+cac+vuon+chim+nam+bo

Năm 1983, một đàn cò đông hàng trăm con chẳng biết từ đâu bay về đây sinh sống ở một góc vườn. Ðây là loài có mình đen, cánh trắng rất đẹp. Cò ngà mỏ vàng, cò quắm, cò cá mỏ đen chuyên bắt cá, thường “ở cữ” từ tháng tám cho đến tháng giêng âm lịch. Cò rằn, cò xanh, cò mồi mỏ vàng thích đậu trên lưng trâu ăn mồi nên còn gọi là cò trâu, ngoài ra chúng còn ăn cả sâu keo, chuồn chuồn. Cò ráng mầu đỏ giống như ánh sáng của ráng chiều lúc hoàng hôn. Cò lép, cò đùm nhỏ nhất, toàn thân mầu đen, ngực có đốm trắng.

Truyện ngắn

Rừng mắm – Bình Nguyên Lộc

Thằng Cộc là một đứa bé bạc tình. Một đàn cò lông bông bay qua đó, đủ làm cho nó quên thằng chài ngay. Là vì đầu cò chởm chởm những cọng lông bông, nhắc nhở nó những kép võ hát bội gắn lông trĩ trên mão kim khôi mà nó đã mê, cách đây mấy năm, hồi gia quyến nó còn ở trên làng.

Truyện dài

Ngọn cỏ gió đùa – Hồ Biểu Chánh

Ở ngoài đồng ngọn gió thổi lai-rai, đưa đẩy mấy chòm lau bóng giũ phất phơ, cộng ngã oặc-òa oặc-oại. Con cò ngà đậu trên nhánh bần rạch, xoè cánh ra phơi; vịt xiêm mái lội xuống mé đường mương kêu con đi rút tép.

Xác định các loài cò

Các tác giả đưa ra những mô tả mâu thuẫn nhau về các loài cò. Có lẽ lý do chính cho việc này là mỗi địa phương dùng từ ngữ khác nhau, khiến cho một tên chỉ hơn một loài và một loài có nhiều tên. Đó là điều vẫn hay xảy ra. Ví dụ như cùng một loại củ, trong Nam gọi là “khoai mì” thì ngoài Bắc gọi là “sắn”, nhưng khi người Nam gọi là “củ sắn” thì người Bắc lại gọi là “củ đậu”.

Loài điểu học: cò ngàng lớn – great egret (Ardea alba)

Theo những mô tả trong thơ văn thì cò ngà tương ứng với cò ngàng lớn hoặc cò ngàng nhỏ, đều thuộc Họ Diệc (Ardeidae). Ngoài hoang dã dễ có sự nhầm lẫn giữa hai loài cò này: khó nhận ra thế nào là lớn và thế nào là nhỏ bởi vì cò ngàng lớn còn non có thể to bằng cò ngàng nhỏ đã trưởng thành đầy đủ.

Cò ngàng lớn tức cò ngà có thân dài 90 cm, nặng trung bình 1 kg. Là loài cò trắng lớn nhất, bộ lông hoàn toàn trắng. Da mặt màu xanh vàng nhạt. Nhìn gần có thể thấy đường đen của góc hai mép mỏ kéo dài dưới mắt, là đặc điểm phân biệt với loài cò ngàng nhỏ.

Trong mùa sinh sản: Trên lưng không thấy có các lông dài từ đầu rủ xuống. Mỏ trở nên đen (hoặc một phần như vậy) và phần trên chân có màu xanh nhạt tương phản (đôi khi đỏ ửng). Ngoài mùa sinh sản chim non có mỏ màu vàng.

Loài định cư. Phổ biến ở Đông Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Sống ở sông, hồ, đầm lầy, rừng tràm, rừng ngập mặn và cánh đồng lúa.

Loài điểu học: cò ngàng nhỏ – intermediate egret (Ardea intermedia)

Cò ngàng nhỏ có thân thon dài 56-72 cm, nặng 400-500 gr. Bộ lông trắng toát, có khi phớt màu kem, chân tối màu. Mỏ hơi dày, thường màu vàng nhưng có thể thay đổi theo mùa. Đầu và cổ dài, thường có hình chữ S khi đang đứng hoặc bay. Ngoại hình giữa trống và mái không khác nhau lắm.

Trong mùa sinh sản: có lông dạng sợi rất dài lỏng lẻo trên ngực và lưng, chân và ngón chân đen nhạt; da mặt vàng sáng; mỏ trên đen chỉ trong một thời kỳ ngắn. Ngoài mùa sinh sản: lông trên ngực và lưng ngắn gọn, mỏ vàng xám xịt với chóp mỏ tối và phía cuối thường sẫm hơn.

Loài di trú từ Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ; định cư ở miền Đông Nam Bộ và Nam Bộ.

Cò ngàng nhỏ thường rón rén đi bắt mồi ở vùng nước nông duyên hải hay nước ngọt, như ruộng ngập nước. Nó thường xây tổ thành bầy cùng những con cò và diệc khác, trên cây và trong bụi rậm. Đẻ 2-5 trứng.

Cò bợ

Thơ

Anh Đom Đóm – Võ QuảngTiếng chị Cò Bợ:“Ru hỡi! Ru hời!Hỡi bé tôi ơi,Ngủ cho ngon giấc”.

Mong nhớ hoài – Trảng ChimLạch hoang cò bợ vươn cổ ngócCọc cằn diệc mũm mắt lim dim

Truyện ngắn

Con cò bay lả bay la – Ma Văn Kháng

Tôi xa làng đi học ở nước người chốc đã năm năm. Một chiều xuân về thăm quê, đang thiu thiu, chợt thức tỉnh vì trên không trung vang lộng tiếng cò kêu như những tiếng kèn đồng. Vùng dậy, tôi chạy ra sân, ngước mắt lên cao.

Trời! Cả một khoảng trời đang giăng giăng phấp phới những cánh cò. Cò trắng cò nâu cò lửa cò bợ, cò bố cò mẹ cò con. Những con cò cổ dài, mỏ nhọn, chân cao, mong manh một sắc trắng thanh khiết, sau một ngày đi kiếm ăn nơi đồng Mụ bên con sông Hồng màu mỡ phù sa đang trở về nơi cư trú, dáng vẻ đều thanh thản, yên hòa. Con dang cánh lượn. Con vỗ cánh đảo vòng tìm ổ. Trên những cành tre mềm mại dẻo dai, con đang rỉa lông, rỉa cánh. Con đang nghênh mỏ ngắm nhìn cảnh trí xung quanh. Gió nhè nhẹ, khóm tre rung rinh lả lướt, vắt vẻo một nhịp điệu êm đềm. Từ dưới nhìn lên, thấy những chiếc tổ cò đan bện đặt thật khéo giữa những thân cành che chắn tua tủa, thấy cả cảnh cò mẹ đang chúc mỏ bón cho cò con. Rừng tre bao la này là khu chung cư, nơi trú ngụ bình yên muôn thuở của các gia đình nhà cò.

Loài điểu học: cò bợ – Chinese pond heron (Ardeola bacchus)

Cò bợ thuộc Họ Diệc (Ardeidae).

Dân gian gọi loài này là “cò xám” trong khi thật ra bộ lông phần đầu, cổ và lưng thiên về màu cà phê sữa hoặc màu đất sét.

Thợ săn khoe “cò xám” anh bắn được (ảnh chụp từ video clip)

Thân dài 46 cm. Bộ lông khi bay màu trắng loáng. Trong mùa sinh sản: Bộ lông pha trộn giữa màu đá xám, trắng và nổi bật nhất là màu đỏ như ráng chiều (phải chăng vì thế mà được dân gian gọi à “cò ráng”?) Ngoài mùa sinh sản: Tương đối khó mô tả; lông màu nâu nhạt, cổ và ngực có viền nâu sậm sọc chạy dọc. Chỉ thấy được đôi cánh trắng khi bay.  Chim non: Giống chim trưởng thành ngoài mùa sinh sản.

Loài định cư, phổ biến toàn cõi Việt Nam.

Sống ở ao, hồ, đầm lầy và cánh đồng lúa. Tôi thường trông thấy cò bợ kiếm ăn dọc bờ sông ở khu Phú Mỹ Hưng, Q.7.

Cò hương

Thành ngữ

Thân hình cò hương / Cặp giò cò hương.

Truyện ngắn

Một người hiếm có – Thế Lữ

Nhân thể, anh nói chuyện với tôi về tính vui hồn nhiên của tuổi thơ ngây, nhắc đến những lúc còn bé dại, đến lúc đi học hay đánh nhau với anh em bạn; lúc bị thầy giáo phạt, rồi bình phẩm các thầy giáo và các bạn chung của chúng tôi:

– Ông Biên thầy cúng, chẳng biết bây giờ còn ngâm thơ bằng cái giọng khàn khàn nữa không?… Ông Lương pha trò sao mà nhạt thế… Ông Đàm hôm nọ tôi gặp ở phố Hàng Bún đang lau kính, đi lò dò như con cò hương. Anh còn nhớ hồi ông mới đến dạy chúng ta không? Tôi hay chế ông ta nhất.

Một trong những đêm trắng – Nguyễn Hoài Phương

Ðể lấy được mấy cái vỏ chai không, Thu phải bê chân Long Voi đặt sang chỗ khác. Chân chú này nặng chình chịch làm Thu liên tưởng đến mấy cái cẳng chân lẻo khoẻo như cẳng cò hương của Hà.

Loài điểu học: cò hương – black bittern (Ixobrychus flavicollis)

Cò hương thuộc Họ Diệc (Ardeidae).

Khá lớn: thân dài 54-58 cm. Bộ dạng đúng kiểu cò hương: hai chân khẳng khiu thiếu cân đối với thân thô kệch. Bộ lông có màu rất tối (lưng trông như màu đen khi bay là đặc điểm nhận dạng), hai bên cổ màu vàng, bụng trắng xỉn có những vệt nâu dầy. mỏ hình con dao găm, dài không cân đối. Khi bay thấy cổ rất dài, vươn ra hình nửa chữ S.

Chim trống: màu xám sẫm pha xanh lam, họng, cổ và ngực trên có viền sọc màu vàng da bò sẫm, ngực có những sọc nhạt chạy dọc. Chim mái: Tương tự như chim trống nhưng nâu sậm thay cho màu đen.

Loài định cư từ đồng bằng Sông Hồng đến Nam Bộ.

Sống ở bãi sậy, đầm lầy, rừng ngập mặn, cánh đồng lúa, suối trong rừng. Khó quan sát vì hoạt động kín đáo, chủ yếu kiếm ăn vào ban đêm. Làm tổ trên cây.

Cò lửa

Câu đối

Có đôi câu đố về thuật nói lái như sau:

Cá đối nằm trên cối đáCò lửa đứng trước cửa lò

Bút ký

Quê hương đẹp quá vườn cò – Phúc Lộc

… mỗi lần về quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ tôi đều ghé qua vườn cò Bằng Lăng để ngắm nhìn cho thỏa thích…

Bác Bảy Thuyền, chủ nhân vườn cò cho biết: Cò là loài động vật hoang dã nhưng chúng mang tính tập thể rất cao. Từ sáng tinh mơ, cả họ nhà cò đều thức giấc. Sau đó, một vài con cất cánh bay vút lên trời cao, lao thẳng về một phương trời. Ngay lúc đó, hàng trăm, hàng ngàn những cánh cò khác cũng vội vàng tung cánh theo một đội hình đều đặn, không có con nào tách bầy. Lúc bấy giờ vườn cò chỉ còn lại những lũ chim non, chim làm tổ, ấp trứng và nuôi con.

Khi mặt trời dần tắt cũng là lúc đàn cò rợp trời bay về, nào cò trắng, cò ngà, cò nâu, cò bông, cò lửa, cò đen, cò xám… khiến cho cả một vườn cây trở nên xao động.

Loài điểu học: cò lửa – cinnamon bittern (Ixobrychus cinnamomeus)

Cò lửa thuộc Họ Diệc (Ardeidae).

Thân dài 41 cm. Bộ lông rất đặc trưng: khi bay có màu nâu vỏ quế đúng như tên gọi tiếng Anh. Chim trống: Toàn bộ phần trên cơ thể phủ đều một màu nâu vàng sáng. Mỏ màu đỏ khi mùa sinh sản bắt đầu. Chim mái: Như chim đực nhưng phần lưng tối hơn, phần dưới cơ thể xám xịt hơn, có nhiều viền sọc hơn. Chim non: Màu nâu hơn, phần trên cơ thể có nhiều vệt và điểm nâu sẫm.

Loài phổ biến: định cư vùng Tây-Bắc, Nam Trung Bộ đến Nam Bộ; di trú trên các vùng còn lại của Việt Nam.

Sống ở vùng đầm lầy, bãi sậy, rừng và cỏ cây vùng đất ngập nước, dọc sông suối, và trên đồng lúa.

Cò ma / Cò ruồi

Chân đi khấp khẻoLà con cò ma

Thơ

Cũng đã chân mây – Luân TâmChìa vôi thánh thót tình caBãi trầu xanh bóng, cò ma bạc phần

Sầu riêng đá mòn – Luân TâmBuồn quê tuyệt giống cua còngNước lớn điên điển, nước ròng cò ma

Truyện ngắn

Rừng mắm – Bình Nguyên Lộc

Ðủ thứ là cò, cò ma, cò lông bông, cò quắm, cò hương, thân mật nhìn gia đình bốn người gặt lúa nhà. Ðây là bốn người độc nhứt mà chúng thấy mỗi ngày ở vùng hoang vắng nầy; ban đầu chúng sợ hãi họ, nhưng về sau, thấy họ hiền từ quá, chúng làm quen với họ đã được bốn thế hệ cò rồi.

Loài điểu học: cò ruồi – cattle egret (Bubulcus ibis)

Wikipedia và nhiều nguồn cho rằng cò ma tức là cò ruồi. Loài này thuộc Họ Diệc, phân bố rộng ở vùng cận nhiệt đới, nhiệt đới và vùng có nhiệt độ ấm.

Khác với các loài cò khác thường kiếm ăn ở bờ nước, ta thường gặp cò ruồi ở nơi khô ráo. Nếu có cò trắng kiếm ăn trên đồng cỏ quanh đàn trâu bò và còn đậu trên lưng gia súc, thì phần lớn đó là cò ruồi, mà dân gian gọi là cò bắt ruồi hoặc cò trâu, tên thứ hai ứng với tên thông thường tiếng Anh.

Cò đi kiếm ăn theo trâu

Thân cò ruồi dài 51 cm. Trong thời kỳ sinh sản: bộ lông giàu màu vàng và màu trắng dễ phân biệt. Với bộ lông này đôi chân thường màu đen nhạt có thể trở thành xanh vàng, và chân, mỏ, da mặt đôi khi hơi đỏ. Ngoài thời kỳ sinh sản và chim non: lông màu trắng, khác với cò trắng cùng lứa bởi mỏ màu vàng và ngắn hơn. Chim thường cúi mình khi đứng yên.

Cò ruồi định cư phổ biến toàn cõi Việt Nam. Sống ở rừng, gần đầm lầy ngập nước, đồng cỏ và đồng lúa.

Cò nâu

Bút ký

Quê hương đẹp quá vườn cò – Phúc Lộc

… mỗi lần về quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ tôi đều ghé qua vườn cò Bằng Lăng để ngắm nhìn cho thỏa thích…

Bác Bảy Thuyền, chủ nhân vườn cò cho biết: Cò là loài động vật hoang dã nhưng chúng mang tính tập thể rất cao. Từ sáng tinh mơ, cả họ nhà cò đều thức giấc. Sau đó, một vài con cất cánh bay vút lên trời cao, lao thẳng về một phương trời. Ngay lúc đó, hàng trăm, hàng ngàn những cánh cò khác cũng vội vàng tung cánh theo một đội hình đều đặn, không có con nào tách bầy. Lúc bấy giờ vườn cò chỉ còn lại những lũ chim non, chim làm tổ, ấp trứng và nuôi con.

Khi mặt trời dần tắt cũng là lúc đàn cò rợp trời bay về, nào cò trắng, cò ngà, cò nâu, cò bông, cò lửa, cò đen, cò xám… khiến cho cả một vườn cây trở nên xao động.

[Cò bông: xem mục Cò ngàng nhỏ & Cò ngàng lớn]

Loài điểu học: cò nâu – Schrenck’s bittern (Ixobrychus eurhythmus)

Cò nâu hoặc cò lùn nâu thuộc Họ Diệc (Ardeidae).

33-38 cm. Mỏ màu vàng hơi dài, chân màu vàng. Chim trống: nâu toàn thân với những vệt nâu sậm dọc theo thân. Chim mái và con non: xám toàn thân với những chấm trắng trên lưng.

Sống ở các bãi lau sậy. Khó quan sát vì thích chui rúc trong bờ bụi, chỉ đi ra kiếm ăn lúc hoàng hôn, rón rén đi tìm mồi với dáng vẻ như mèo rình chuột.

Cò nhạn / Cò ốc

Bút ký

Người ‘cưu mang’ chim trời – Chí Công

Ngồi bệt xuống chiếc ghế đá, ông Mười Thỏ đưa đôi mắt nhìn mảnh vườn mà lũ chim cò đang đậu trên cây rồi hồi tưởng những ngày đã qua của một thời trai trẻ.

Những năm 1960, ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Tòng đến vùng đất lung ở ấp Tân Bình (hay gọi xã Tân Long cũ) sinh sống. Thời điểm này, mảnh đất của vợ chồng ông ở cũng bị bom đạn cày xới tan tành. Tuy nhiên, với đôi bàn tay cần cù lao động, vợ chồng ông đã biến đất hoang thành đất lành bội thu. Đặc biệt, chim cò từng đàn lũ lượt kéo về làm tổ trú ngụ.

“Khi tiếp nhận thì mảnh đất rộng hơn 10 công của tôi dường như nát vụn, lổm chổm lổ loang. Vợ chồng tôi mới tính toán dưới đào ao nuôi cá, trên trồng cây lâu năm, lấy gỗ để sau này con cái đứa nào muốn xài gì thì xài. Đột nhiên, không biết từ đâu chim cò bay về xây tổ ngày một đông và chúng sinh sôi nảy nở đến tận bây giờ” – ông Mười Thỏ nói.

Theo ông Mười Thỏ, kể từ năm 1977, hàng ngàn con cò ốc, cò nhạn, cò mỏ vàng, cò xám, vạc, diệc… về đậu đầy vườn tre của gia đình ông trong khi ở địa phương vườn hoang thì rộng bao la, lại có thêm khu rừng tràm Mỹ Phước cách chỗ ông ở không xa nhưng chúng không ở. Vì vậy, ông Mười Thỏ nhủ rằng: “Đó là duyên trời cho”.

Ông và cháu – songhausongtien

Ở đây tới mùa làm đồng chim cò nhiều vô kể, chúng làm đẹp thêm hình ảnh ruộng đồng, nhất là loài cò ốc, chúng ăn ốc và không giẫm đạp lúa bao giờ.  – Năm Mỹ nói tốt cho loài cò ốc.

Phim tài liệu

Khi cò ốc trở về (2024), Giải Việt Nam Xanh tại Liên hoan Phim môi trường toàn quốc:https://www.youtube.com/watch?v=AhTQxInrs-c

Loài điểu học: cò nhạn, cò ốc – Asian openbill (Anastomus oscitans)

Cò nhạn thuộc Họ Hạc (Ciconiidae), gồm những loài chim lội nước lớn có cổ cao, chân dài. Các loài thường được biết đến trong họ này là cò lạo, giang sen, già đẫy, hạc…

Đặc điểm không thể nhầm lẫn của cò nhạn là khi khép mỏ lại vẫn có khoảng trống, đúng theo tên tiếng Anh. Còn tên tiếng Việt cò ốc do món ăn khoái khẩu của giống chim này là ốc, nhưng ngành điểu học cứ muốn dùng thêm một tên lạ lẫm là cò nhạn.

68-81 cm. Ngoài mùa sinh sản: bộ lông có màu trắng bẩn, lông vai, cánh và đuôi màu đen.

Loài định cư ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Gần đây loài này mở rộng vùng phân bố lên phía Bắc như Đirrjn Biên, Sơn La và gặp khá phổ biến ở đầm Vân Long, Ninh Bình.

Sống ở rừng tràm và đồng cỏ ngập nước ngọt, bãi bùn, ruộng lúa… Loài hữu ích trong việc kiểm soát ốc bươu vàng gây hại cho cây lúa. Nông dân trồng lúa đánh giá cao vai trò hữu ích của cò ốc: diệt hữu hiệu ốc bươu vàng nhờ đó không cần dùng hóa chất diệt ốc mà vẫn không làm hại cây lúa.

Cò ốc không làm tổ, nhưng có thói quen giành tổ với các loài chim khác như cò trắng, cồng cộc, điên điển, vạc… Vào mùa khô, trong cái nóng hừng hực cò ốc biết ngậm nước trong cổ họng bay về nhả nước ra làm mát tổ cho con. Cò ốc bố mẹ còn biết ngậm những cành lục bình hoặc những vật giữ nước để về rấp nước lên tổ, làm mát cho đám chim non.

Cò nhạn được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam để bảo vệ, nhưng chỉ được IUCN xếp vào cấp độ LC (ít lo ngại).

Cò quắm

Truyện ngắn

Rừng mắm – Bình Nguyên Lộc

Ông nội thằng Cộc chống xuồng trên ruộng, len lỏi qua mấy gốc tràm. Ông ghé từng gốc để cho lúa xuống xuồng.

Ðủ thứ là cò, cò ma, cò lông bông, cò quắm, cò hương, thân mật nhìn gia đình bốn người gặt lúa nhà. Ðây là bốn người độc nhứt mà chúng thấy mỗi ngày ở vùng hoang vắng nầy; ban đầu chúng sợ hãi họ, nhưng về sau, thấy họ hiền từ quá, chúng làm quen với họ đã được bốn thế hệ cò rồi.

Loài điểu học: cò quắm đen – glossy ibis (Plegadis falcinellus)

Thuộc Họ Cò quắm (Threskiornithidae), gồm các loài cò quắm và cò thìa. Cò quắm đen là loài cò quắm phổ biến nhất. Không giống sếu, cò quắm bay với cổ vươn dài, cả đoàn bay với đội hình chữ V.

Thân dài 48-66 cm; mỏ quắm, rất dài. Lông cánh thường có sắc láng bóng dưới ánh nắng. Trong mùa sinh sản: thân màu nâu-đỏ, cánh xanh lục như ve chai. Ngoài mùa sinh sản và con non: bộ lông có màu nhạt hơn.

Loài định cư tương đối phổ biến ở đồng bằng Sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long: các sân chim, nhiều vùng rừng tràm và vườn cây gỗ. Gặp nhiều ở U Minh Thượng, Kiên Giang, Vườn chim Trà Cú, Láng Sen, Trà Vinh…

Sống ở rừng tràm, các vùng đồng cỏ và cây ngập nước, đầm lầy và hồ, vùng cây gỗ ở đồng bằng.

Ghi chú: một số bản tin và video clip tường thuật số lượng lớn “cò quắm xanh” ở Việt Nam. Thật ra, đây là cò quắm đen thì đúng hơn. Việc này được xác định bởi một bản tin ghi “cò quắm cánh xanh (Plegadis falcinellus)” (trộn lẫn tên thông thường loài này và tên khoa học loài khác) và hình ảnh một đàn đông của loài này.

Cò quắm cánh xanh đích thực (Pseudibis davisoni) là một trong những loài chim quý hiếm nhất thế giới. Hiện số lượng loài này ở Việt Nam còn rất ít. Các nhà nghiên cứu hiếm khi tìm thấy cò quắm cánh xanh: chỉ ở Vườn quốc gia Cát Tiên (3 cá thể trong các năm 1991-92), và ở vùng đất ngập nước Hòn Chông (gặp 2 cá thể, năm 1999).

Công

Cầm sào mà vọtLà con chim công

Truyện ngụ ngôn

Chim công và họa mi

Hôm ấy là một buổi sáng đẹp trời sau vài ngày mưa dầm dề. Nắng đùa nghịch trên những tàng cây và gió lao xao mơn man cành lá. Chim công cảm thấy vô cùng hứng khởi nên bước ra thảm lá nhảy một bài thật đẹp. Mấy bạn sóc, thỏ, hươu nai… đều tấm tắc khen.

Phấn khích quá, chim công liền cất giọng hát, mắt nhắm nghiền khi giai điệu lên tới đoạn cao trào.

Truyện ngắn

Mười hai cửa bể – Lý Biên Cương

Bố cô gái về làng lập tức đóng áo lương, khăn xếp, quỳ lạy người mẹ tám mươi tuổi, người mẹ ngồi lọt trong chiếc ghế lót vải con công, đeo chữ thọ vẽ hoa trước ngực.

Ký sự

Những điệu múa truyền thống của đồng bào Chăm

… Theo quan niệm của người Chăm, chim công là biểu tượng của niềm vui, sự may mắn. Vì thế múa Biyen (chim công) luôn có trong các lễ hội, ngày vui của cộng đồng. Đây là điệu múa dân gian đặc sắc và tiêu biểu của nghệ thuật múa Chăm.

Đạo cụ múa Biyen là những chiếc quạt, vì vậy người Chăm rất yêu quý chiếc quạt. Phụ nữ Chăm với đôi tay khéo léo cầm hai chiếc quạt khi như đôi cánh, khi như đôi chim. Chiếc quạt là tiếng nói tâm tình khi vui quạt vung lên, khi buồn quạt úp xuống, khi yêu thương quạt duyên dáng, khi nghĩa tình thì sóng đôi bay lượn.

Nói chuyện “trên trời dưới đất” – Trần Huiền Ân

Căn cứ vào địa danh thì không ít chuyện lộn xộn. Nước ta trước dùng chữ Nho, đến chữ Tây, rồi sau mới Việt hóa hoàn toàn. Do đó có nơi đến hai ba tên. […] Ven sông Ba có chỗ gọi là Bãi Công, sách Đại Nam Nhất thống chí viết Khổng Tước uyên, một bản dịch viết Bãi Khổng Tước (Bãi là đúng, nhưng dân quê đâu biết khổng tước là con công), một bản dịch viết Vực Công (công là đúng, nhưng đây là bãi không phải vực).

Âm nhạc

Lên rừng ba mươi sáu thứ chim – Phạm DuyKim Tước & Vũ Anh – https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/len-rung-ba-muoi-sau-thu-chim-pham-duy-5-kim-tuoc-ft-vu-anh.Ap5ayq9Qqy.html

Con công tố hộ trên rừngChim trời cá nước vẫy vùng dọc ngangTiếng chim quý báu vô chừngCon công tố hộ trên rừng, mặc công.

Loài điểu học: công – green peafowl (Pavo muticus)

Chim công hoặc khổng tước ở Việt Nam được cho là có xuất xứ lâu đời từ Trung Quốc. Sau này có các giống công nhập từ Ấn Độ.

Bộ lông chiếm tới 60% tổng trọng lượng cơ thể của một con chim công. Sải cánh của loài chim này có thể lên tới 1,5m. Đây là một trong những loài chim lớn nhất trên thế giới.

Công trống: cơ thể dài 2,1 m trong đó đuôi dài tới 1,5 m, bộ lông sặc sỡ. Công mái: kích thước nhỏ hơn, lông màu nâu xám.

Trong thời kỳ giao phối và sinh sản, công thường chia thành từng nhóm nhỏ bao gồm vài chim mái và một chim trống duy nhất. Mùa giao phối thường xảy ra vào mùa xuân, và chim công trống thường xòe bộ lông sặc sỡ biểu diễn cho chim cái, đồng thời phát ra âm thanh với tần số mà con người và các loài khác khó có thể nghe được ngoại trừ chim mái. Khi chim mái nghe thấy âm thanh đó, nó sẽ quyết định xem có nên chọn chim trống này làm bạn tình hay không.

Khi mùa giao phối kết thúc, chim mái tách đàn sống độc lập để đẻ trứng, chim công trống cũng sống độc lập và ngừng giao tiếp với các chim cái khác. Chim công trống không hề đảm nhiệm việc nuôi chim con của chúng, việc này phụ thuộc hoàn toàn vào chim công mẹ.

Công sống trong các loại rừng trừ rừng lá kim.

Do sự săn bắt và môi trường sống bị thu hẹp nên công là loài động vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài hoang dã, vì thế được đưa vào Sách Đỏ để bảo vệ.

Ở Việt Nam, có nhiều trang trại nuôi và nhân giống công với đủ quy mô lớn nhỏ nhưng không chắc gìn giữ được nguồn gien của phân loài công Việt Nam.

Cồng cộc / Cốc đen

Nết ở chẳng hiềnLà chim cồng cộc

Truyện ngắn

Mùa Xuân nghe tiếng chim – Võ Hồng

Với đóa hoa nhu mì gần gũi, người mở sách tra chữ và đặt tên. Còn với chim trời, chỉ nhìn thấy dáng xa xa, lại gần thì bay mất: nên thường dựa theo tiếng kêu mà đặt cho một cái tên quấy quá, lấy có: cồng cộc, bồ chao, chèo bẻo, bìm bịp… Cả đến tên bắt cô trói cột. Chỉ với những con chim quý, cưng dưỡng trong lồng mới tầm chương trích cú: hồng yến, hoàng anh…

Truyện dài

Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi

… Một đám đàn bà trẻ con đang ngồi lúi húi vặt lông chim cồng cộc gần đấy.

Bút ký

Thú vị vườn chim Tư Sự – Băng Thanh

Anh Trương Minh Thắng, chủ vườn chim Tư Sự (toạ lạc tại ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) cười khanh khách khi thấy tôi đến sớm, vì anh biểu tôi tới lúc tầm 4-5 giờ chiều để thoả sức ngắm nhìn những đàn chim lũ lượt bay về tổ. Chúng bay trật tự, tách biệt giữa sắc lông, chủng loại và theo đội hình ngộ nghĩnh, thú vị.

Anh chỉ tay về phía những tán cây gừa, cây sộp, thuyết minh một tràng: “Màu trắng tinh kia là của cò ngà, còn màu đen như dầu hắc là của cồng cộc… Anh trêu: “Thôi chịu khó ngồi ôm máy ảnh rình, sẽ không khó bắt gặp cảnh chim mẹ mớm thức ăn cho con khi chúng đang háo hức vẫy cánh chờ đợi con mồi trong các tổ chim nằm trên ngọn cây”.

Loài điểu học: cốc đen – little cormorant (Microcarbo niger)

Cồng cộc hoặc còng cọc hoặc chim cốc là tên trong dân gian gọi cốc đen, thuộc Họ Cốc (Phalacrocoracidae).

Cư dân ở Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản sống gần sông, hồ, thường dùng một số loài cốc lớn để bắt cá cho chủ. Cốc đế (lớn hơn cốc đen, hiếm ở Việt Nam) là một trong số loài cốc được thuần dưỡng để bắt cá. Cốc được xích bằng dây, lặn xuống nước bắt cá và ngậm trong miệng. Để tránh chim nuốt mất cá và điều khiển chúng dễ dàng hơn, ngư dân buộc dây thừng rồi thắt nút gần cổ chim. Khi chim mò cá ngậm đầy trong mồm, chúng được kéo lên gỡ cá khỏi cổ họng và lại tiếp tục thả xuống nước để bắt. Cách thức bắt cá này đã theo tryền thống từ khoảng 1.300 năm nay, hiện đang dần mai một.

Cốc đen là loài định cư phổ biến từ đồng bằng Bắc Bộ đến Nam Bộ kể cả ở sân chim Bạc Liêu, rừng ngập mặn Minh Hải, sân chim Vàm Sát trong rừng phòng hộ Cần Giờ, Vườn Quốc gia U Minh Thượng…

Thân dài 50 cm, mỏ hẹp và dài, chót mỏ tạo thành móc câu.

Sống ở các vùng đất ngập nước, ven bờ sông, hồ, cửa sông thủy triều từ đồng bằng đến vùng cao như Đà Lạt, Yok Don…

Khá dạn dĩ: có lúc tôi đang đứng ở một bờ hồ bên Thái Lan xem chim hoang dã thì một con cốc đen bay đến đậu trên một cành cây chỉ cách tôi 3 m. Tôi nhẹ nhàng giơ máy ảnh lên chụp chán chê, con cốc đen vẫn đậu yên một chỗ cho tôi ngắm nó mãi…

Cổ rắn / Điêng điểng

Ký sự

Điên điển – loài chim tráo cá – Nguyễn Hào Quang

Ở vùng này, mỗi nhà thường nuôi một vài ao cá. Mỗi loài cá đều được nuôi ở những ao riêng biệt để chúng khỏi đánh nhau và dễ dàng phân loại khi mua bán. Vậy mà, khi các lão nông tát ao lên thì ôi thôi: ao cá lóc lẫn đầy cá trê, ao cá trê lẫn đầy cá lóc… Tức mình, họ quyết định thả lứa cá con khác và cẩn thận canh chừng xem ai đã đến đổi cá ở ao mình. Canh mãi chỉ thấy mấy loài chim bói cá, cồng cộc và điên điển hay lui tới bắt trộm cá. Đối tượng đã được khoanh vùng, tiếp tục theo dõi thì người ta phát hiện nhiều lần chim điên điển bắt được cá nhưng không ăn, chúng bay sang ao khác thả cá rồi lại đi bắt tiếp.

Hóa ra, vì là loài chim có biệt tài săn bắt cá thứ thiệt, nay cá tôm ngày càng ít, thức ăn thiếu trầm trọng, chim điên điển nghĩ ra chiêu thức kiếm mồi mới: lẻn ngay vào ao nhà bắt lấy cá nuôi.

Như chúng ta đã biết, hầu hết các loài động vật thường có tập tính dự trữ thức ăn. Nhiều loài thú chọn cách tích trữ mỡ để sống qua mùa đói kém, các loài chim thường khó sử dụng được cách này vì quá trình chuyển hóa năng lượng ở chim diễn ra với tốc độ chóng mặt và chim phải giữ trọng lượng cơ thể lúc nào cũng phải gọn nhẹ để bay nhảy cho tiện. Cách duy nhất để dự trữ năng lượng ở chim là tích trữ thức ăn. Chim điên điển thường bắt cá thả vào ao để dự trữ thức ăn cho những tháng mùa khô đói kém. Thế tại sao chim không thả cá vào sông, hồ? Đơn giản vì ao nhỏ, cá không chạy đâu được. Mỗi chú chim điên điển chọn cho mình một cái ao để thả cá, thế là mỗi lần tát ao, các lão nông bắt được đủ thứ cá!

Cận cảnh đàn chim cổ rắn quý hiếm ở Đồng Nai – Thiennhien.net

Việc đàn chim cổ rắn quý hiếm khoảng 500 con bất ngờ xuất hiện tại phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là những người yêu thích chim rừng và các nhà nghiên cứu những loại động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.

[Thực tế có một số ảnh chụp, mỗi ảnh thể hiện một vài con chim đúng là cổ rắn. Nhưng làm thế nào người ta đếm được 500 cá thể thuộc loại hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng bất thình lình tụ hội về một nơi thu hẹp như thế?]

Loài điểu học: cổ rắn, điêng điểng – Oriental darter, Indian darter (Anhinga melanogaster)

Còn được gọi là điên điển hoặc nhang điển, tên cổ rắn là do cổ chim dài và mảnh dẻ, tạo ra bề ngoài tương tự như con rắn khi chim bơi kiếm ăn với phần thân chìm dưới mặt nước.

Đây là loài duy nhất ở Việt Nam thuộc Họ Cổ rắn (Anhingidae).

Cổ dài và thon; mỏ thẳng, nhọn.

Chim trưởng thành: Một dải màu trắng kéo dài bắt đầu từ mắt chạy suốt bên cổ. Phần còn lại của đầu và cổ màu nâu. Phần trên lưng màu đen nhạt, từng lông cũng có vạch nhạt hơn. Lưng dưới, hông, trên đuôi, đuôi và mặt dưới thân đen. Chân có màng như chân vịt.

Chim non: Đầu và cổ nâu nhạt, dải trắng ở cổ không rõ. Dưới lưng và trên đuôi nâu thẫm. Mặt dưới thân nâu.

Thường thấy đứng trên bờ giang rộng hai cánh ra và giữ ở tư thế này nhằm làm khô bộ lông sau khi kiếm ăn dưới nước.

Đời sống thường gắn liền với môi trường nước. Cơ thể vẫn chìm trong nước khi nó bơi, và cái cổ mảnh khảnh chỉ có thể nhìn thấy trên mặt nước. Cổ rắn đâm con cá dưới nước, đưa cá lên trên bề mặt, quăng và tung hứng cas trước khi nuốt đầu cá vào trước. Thường sống thành từng đôi ngay cả ngoài mùa sinh sản. Có tập tính kiếm ăn cùng với các loài cốc ở những bãi bồi ngập nước ven biển.

Tổ ở vị trí cao nhất so với tổ của các loài chim khác trong cùng địa điểm. Trước năm 1990, gặp hầu như khắp các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, hiện nay chỉ gặp làm tổ tại một vài sân chim với số lượng rất ít ở Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp. Nguyên nhân chính là do nơi làm tổ bị nhiễu loạn bởi các hoạt động của con người như chặt cây, lấy trứng, bắt chim non.

Cu / Cu gáy / Cu cườm

Ca dao

Cu kêu ba tiếng cu kêuTrông cho tới Tết dựng nêu, ăn chè

Ở đời có bốn cái ngu:Làm mai, gánh nợ, gác cu, cầm chầu

[Gác cu tức là đặt bẫy để bắt chim cu. Đó là công việc vất vả. Người gác cu đặt một con chim cu đã được huấn luyện làm chim mồi trong một chiếc bẫy được gọi là “lụp”. Chim mồi cất tiếng gáy để chọc tức, thu hút đối thủ hoang dã. Khi cu hoang dã đến thường tiến vào trong bẫy để tấn công chim mồi thì bẫy sập xuống. Người gác cu phải thật kiên nhẫn ẩn mình trong lùm bụi hoặc bẻ cành lá làm thành một cái tum để ẩn vào đó, không dám nhúc nhích hoặc gây tiếng động, khi bị kiến cắn hoặc ông đốt phải ráng chịu, thèm hút thuốc nhưng phải nhịn, mót đi tiểu nhưng thấy cu hoang dã sắp đến gần phải nín. Tóm lại là đủ mọi khổ ải. Trong khi chim cu nuôi làm chim gáy có giá trị thấp, mà thường trong hàng trăm con mới tìm được một con siêng năng gáy và có tiếng gáy hay. Thế nên người đời coi việc gác cu là một việc dại, ngang bằng ba cái dại kia.]

Thơ

Cu gáy – Trần Thanh Địch

Những chàng trai xinhNhững anh cu gáyYếm quàng hạt cườmLấp la lấp láy

[…]

Chích choè gáy sángGà gáy canh tưGáy nhiều: bìm bịpCu gáy gáy trưaTừng anh đồng hồ…

Tiếng con chim gáy – Nguyễn Văn Thuận

Chim gù vẳng tiếng ban trưaNhớ ơi là nhớ tuổi thơ quê nhàNhớ tiếng mẹ mãi rầy laMê con chim gáy vườn xa vườn gần

Lấm lem quần cụt chân trầnQuên ăn trốn học tảo tần tiếng chimTiếng gù lăn lóc con timTiếng gáy bổ nhịp bạn tình nơi nao

Tiếng chim cu – Nguyễn Quang TuyểnTa nằm nghe tiếng chim cuMênh mông một chốn rừng thu ngại ngùngTrúc mai xa bóng muôn trùngTơ duyên ai gẩy não nùng đêm thâu

Truyện ngắn

Khách má hồng – Hữu Phương

Rừng thông sau chiến tranh xanh tốt trở lại, khép tán nhanh chóng và lá thông rụng dày mặt đất. Giờ đây dưới chân gần như được trải một lớp thảm nâu. Nắng lọc qua tán lá rơi lỗ chỗ từng đốm tròn như trứng gà trứng vịt trên lớp lá khô. Những đôi chim cu đất đã kéo nhau về xây tổ, tiếng nó gù giữa trưa thanh vắng, nghe yên bình và xao xuyến lạ lùng.

[…]

Ngày hôm sau quay trở lại, khách má hồng đã không tìm thấy anh ở đấy nữa. Ngôi nhà trên đỉnh đồi và cả khu vườn tượng lặng im, hoang vắng như chưa từng có người ở. Nắng lỗ chỗ ở trên mặt đất như rơi từng giọt trắng, và tiếng chim cu gù đâu đó vẳng lại nghe xa ngái và khắc khoải nỗi chia ly. Mẹ cô vẫn đứng đó, trẻ trung, xinh đẹp trong cái lốt của đá hoa cương, như bà chủ quán xuyến ngôi nhà.

Con chim cu cườm – Nguyễn Văn Uông

Ông nửa tỉnh nửa như váng vất [vì] tiếng gáy dật dờ của con chim cu cườm trong chiếc lồng tre treo đầu chái nhà trên. Tiếng gáy giọng thổ trầm vừa tròn tiếng, ồm ồm như tiếng mấy cậu bé trai mới qua kỳ vỡ giọng. Đôi [khi] giọng gáy còn khàn khàn, vang vang non choẹt thật dễ thương. Nó đã biết tập gù gọi bạn tình. Ông thoáng thấy vòng cườm phồng lên theo tiếng gù non nớt nhịp nhàng với những cái ngúc cúi đầu gọi mời tình tứ…

Nho xanh – Ma Văn Kháng      

Chao ôi! Bây giờ mới thấy mình không có được cái sức làm việc như của ông Phù Hưng. Sáng dậy, sau bát phở tái nạm và tách cà phê là ông ấy ngồi vào bàn. Tay kẹp thuốc lá, tay cầm bút, cứ thế ông ta lia. Đúng là lia chứ không phải viết. Lia thật thoải mái, trơn tru trong khung cảnh ngoài cửa sổ, giò phong lan thoảng đưa hương thơm bánh khảo. Con cu cườm chốc chốc điểm nhịp bốn tiếng gáy trầm ấm. Ý tứ bồng bồng nở, chữ nghĩa tuôn đổ ào ào, mỗi buổi sáng ông Phù Hưng xong một cái truyện ngắn năm trang ngon ơ…

Loài điểu học: cu gáy – spotted dove (Spilopelia chinensis)

Ghi chú: Ban đầu được xếp vào chi Streptopelia, vì vậy tài liệu cũ vẫn còn ghi tên chi cũ.

Trong số các loài chim cu ở Việt Nam, cu gáy – còn được gọi là chim cu, chim gáy, cu đất, cu đồng – là loài phổ biến hơn hẳn các loài cu khác. Vì thế, khi người ta chỉ đơn giản nói đến chim cu, thì phần lớn đó là loài cu gáy.

Thân dài 28-32 cm. Cu gáy có hình dáng chung của chim bồ câu, nhưng nhỏ hơn hẳn. Sắc lông thay đổi khác nhau nhiều. Nói chung, gáy và mặt bụng nâu nhạt phớt tím hồng; đỉnh đầu và hai bên đầu phớt xám; đùi, bụng và dưới đuôi màu hơi nhạt hơn. Hai bên cổ màu đen có những điểm tròn trắng tạo thành một nửa vòng hở ở phía trước cổ. Thời kỳ sinh sản ở con đực vòng này nổi lên rất rõ, người ta gọi là cườm. Mặt lưng nâu, các lông có viền hung nhạt rất hẹp. Mắt nâu đỏ hay nâu với vòng đỏ ở trong. Mỏ đen. Chân đỏ tươi hoặc đỏ xám. Rất khó phân biệt trống mái bởi vì màu lông giống nhau, cũng gáy như nhau.

Cu gáy đi có đôi trong đàn 4 đến 16 con và có khi nhiều hơn nữa, quanh năm không đi xa khỏi vùng làm tổ. Cu gáy là một loài chim chung tình, chúng sống thành từng cặp cho đến suốt đời, chim trống, mái chỉ kết đôi lại khi bạn tình qua đời.

Chim đầu đàn có tính bảo vệ lãnh thổ. Khi nghe tiếng gáy của cá thể lạ, nó sẽ tìm đến rồi lao vào chiến đấu. Người ta lợi dụng đặc điểm này để bẫy chim cu gáy bằng cách dùng một cu mồi siêng gáy.

Ở Việt Nam cu gáy là loài định cư, phân bố rộng rãi, thường sống ở các vùng rừng thưa, đồng bằng, trung du, nhiều khi vào công viên, làng mạc, vùng ngoại ô và cả thành phố. Không gặp cu gáy trong rừng sâu. Tổ được làm sơ sài bằng nhánh cây nhỏ. Tôi thường trông thấy cu gáy kiếm ăn ở các công viên trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7, Tp HCM, và ở đây vẫn thường nghe tiếng loài này vang đến từ xa.

Tiếng kêu dài ngắn khác nhau, thường là ‘cục–cu-cu–cù’. Nhiều lần tôi từng thấy cu gáy xuống đất kiếm mồi, nhưng chỉ nghe tiếng kêu từ xa, khi chim đậu trên cây cao.

Cu gáy được thuần dưỡng và nuôi phổ biến từ lâu. Mỗi năm, một cặp chim bố mẹ thuần dưỡng thường đẻ 8 đến 9 lứa, mỗi lần cho ra 1 đến 2 quả trứng, 10 ngày sau khi trứng nở chim mẹ tiếp tục đẻ lứa khác.

Ghi chú: Trang Wikipedia ghi cu cườm (Spilopelia chinensis tigrina) là một phân loài của cu gáy (Spilopelia chinensis), nhưng không cho biết sự khác biệt giữa cu cườm và cu gáy là như thế nào. Các trang web về điểu học cũng không có mô tả về phân loài này. Ta chỉ biết rằng phân loài hiện diện ở vùng Đông Nam Á kể cả Việt Nam. Dân gian không thể phân biệt cu cườm với cu gáy, và có lẽ văn thi sĩ cũng thế.

Hình ảnh và tiếng kêu:https://www.birdwatchingvietnam.net/science-name/spotted-dove-404

Đặc biệt, nhiều bản ghi âm tiếng kêu của các loài chim khác thường trộn lẫn tiếng cu gáy, cho thấy cu gáy có sự thích ứng tốt ở nhiều điều kiện sinh cảnh khác nhau.

Loài điểu học: cu vằn – zebra dove (Geopelia striata)

Đây là một ngoại lệ của bài này, bởi vì cu vằn (còn được dân gian gọi là cu vằn Thái Lan) là loài chim khá mới mẻ ở Việt Nam vì thế hẳn chưa đi vào văn học nghệ thuật người Việt.

Đối với tôi, cu vằn là loài thân thương vì tôi thường nhìn ngắm chúng ở khoảng cách khá gần, chỉ 3 m, trong khu dân cư ngoại ô Bangbok và trong các công viên ở Phú Mỹ Hưng, Q7, Tp HCM. Tôi đứng yên một chỗ quan sát con vật cứ đi tới đi lui gần tôi, chỉ lo kiếm mổ trên mặt đất.

Từ trước đến gần đây, giới điểu học chưa từng ghi nhận loài cu vằn trong môi trường thiên nhiên Việt Nam. Cho đến năm 2011, một nhà nghiên cứu chim trên thế giới quan sát được loài này ngoài thiên nhiên tại khu vực Hồ Trị An. Sau đó, cu vằn được tìm thấy tại Bình Châu, Phước Bửu, vào năm 2012. Người ta cho rằng cu vằn có thể là loài du nhập, ví dụ như có người nhập từ nước ngoài về nuôi rồi để nó xổng ra ngoài, tuy rằng điều này là lạ vì cu vằn trông không đẹp và hót không hay!

Những khảo sát được thực hiện bởi Viện Sinh thái học Miền Nam từ những năm 2012 đến nay phát hiện ngày càng nhiều cu vằn ngoài thiên nhiên, kể cả vườn quốc gia hay khu bảo tồn. Cho đến nay, cu vằn đã được tìm thấy tại VQG Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh), VQG Cát Tiên (Đồng Nai), VQG U Minh Hạ (Cà Mau), và nhiều khu vực đô thị khác như Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Biên Hòa, Phan Rang… Cu vằn phân bố rộng trong vùng Đông Nam Á.

Số lượng cá thể của cu vằn ở Việt Nam hiện đang tăng nhanh, từ một vài cá thể được quan sát đầu tiên mỗi lần đến hàng chục cá thể mỗi bầy như trường hợp tại Thị trấn Long Hải, Bà Rịa–Vũng Tàu. Riêng tôi thường thấy cu vằn đi thành đôi ở Phú Mỹ Hưng, Q7, Tp HCM.

Những quan sát gần đây cho thấy loài này cạnh tranh môi trường sống với các loài chim bản địa như sẻ nhà, cu gáy, cu cườm và các loài chim ăn hạt khác. Chính vì là loài chim ngoại lai nhưng có khả năng thích nghi với môi trường đô thị và các môi trường nhân tác nên cu vằn được dự đoán là có thể phát tán rộng ra nhiều khu vực khác của Việt Nam.

Đây là loài chim cu nhỏ nhất, dài chỉ 20-22 cm, thân hình thon gọn. Phần trên toàn màu xám tro với những vằn chạy ngang thân, phần dưới màu sáng hơn; đầu và họng có thể phớt màu lam.

Sinh cảnh sống: Cây bụi, công viên, vùng trồng trọt và kể cả đô thị.

Thường đi theo đàn nhưng đến mùa sinh sản thì từng đôi tách ra. Làm tổ trên những cành cây không cao lắm. Tổ đơn giản, nhỏ gọn. Mỗi lứa thường đẻ 2 trứng có màu trắng. Do tính dạn dĩ với người nên cu vằn thường làm tổ cạnh nhà người; có ý kiến cho rằng chúng làm thế để tránh chim ăn thịt phá hoại tổ bởi vì các loài chim này nhát người hơn nên tổ cu vằn sẽ được an toàn. Hoặc là có lý do khác: bản thân chim bố mẹ đã được thuần dưỡng (?)

Cu vằn nhạy bén với tiếng chim cu vằn lạ. Khi nghe tiếng chim đồng loại ở khu vực sinh sống, cu vằn sẽ bay đến để chiến đấu và bảo vệ lãnh thổ.

Ở Thái Lan và Indonesia, cu vằn được nuôi làm chim cảnh do đặc tính khi để các lồng gần nhau chúng sẽ hót thi với nhau. Có người than phiền cu vằn nuôi thường gáy vào ban đêm, gây phiền nhiễu.

Tiếng kêu: một chuỗi những tiếng ‘cu-u-ru’, đôi khi dài hơn ‘cu-u-ru-u-u’, các chuỗi cách nhau 1-2 giây, có thể vang đi khá xa:https://www.xeno-canto.org/species/Geopelia-striata

Cu ngói / Chim ngói

Truyện dài

Tắt đèn – Ngô Tất Tố

Từ ngày ‘giữ chức ông Nghị’, danh tiếng của ông đã bay khắp tỉnh Trung sơn. Thế nhưng suốt năm chí tối, ông không phải thết một ông khách sáo, trừ ra hai ngày giỗ cha và giỗ mẹ.

Cố nhiên, ông phải là một người cơ chỉ, so kè từ một đồng xu trở đi. Vậy mà lắm khi ông lại rất hào. Nhất là những dịp tết ta, tết tây, không dịp nào ông quên không bắt chim ngói, gà mái theo những thúng gạo tám thơm vào cửa mấy ông to lớn.

Truyện ngắn

Mùa chim ngói – Xuân Hương

… Hàng năm cứ mỗi khi thấy những bông lúa sớm hoe vàng là từng đàn chim ngói bay về kiếm ăn. Thuở còn nhỏ, tôi đã thấy có đàn đông tới hàng trăm con, đàn nhỏ cũng vài ba chục con. Lông chim màu hồng, nhưng cũng có con màu xanh; lông nọ xếp lên lông kia theo hàng như mái nhà lợp ngói.

… Những năm còn nhỏ, tháng tám tôi thường theo cha đi bẫy chim ngói. Trước đây rét hơn bây giờ. Mùa thu, sương mù dày đặc bao phủ xóm làng, đồng ruộng, rét chẳng kém mùa đông. Mới gần bốn giờ sáng, cha tôi đã thức dậy, để ra đồng chuẩn bị trải lưới, khâu mắt chim mồi, cắm cành lá làm giả bụi cây che người cho chim trời không biết… tất cả mọi việc đều phải xong trước khi trời sáng. Bởi lẽ, mặt trời tỏa nắng là chim ngói đã đi kiếm ăn rồi. Trong dân gian bao đời nay vẫn truyền tụng nhau câu “chim chết mệt vì mồi” quả không sai.

… Cứ thế, năm này sang năm khác. Mùa chim ngói nọ tiếp mùa chim ngói kia, cha tôi cần mẫn đi bẫy chim. Có hôm chỉ được đôi con, nhưng cũng có hôm may mắn được nhiều có tiền chi tiêu muối mắm. Bẫy chim ngói là một thú chơi vất vả, nhưng góp phần bảo vệ lúa cho mọi nhà, không bị chim phá hoại.

Cha tôi giờ đã về cõi vĩnh hằng, hàng năm cứ mỗi độ thu về, nhìn từng đàn chim ngói bay liệng trên bầu trời, tôi càng nhớ cha da diết, không nguôi…

Mùa chim bẫy – Bùi Nhật Lai

Cuối tháng năm, hay đầu tháng tám âm lịch hàng năm khi những vạt lúa sớm ven rừng bắt đầu vào mẩy, lác đác vài đám lúa bắt đầu “đỏ đuôi” báo hiệu mùa lúa chín. Vẳng trong lũy tre làng tiếng chim gáy vang lên gióng giả gọi mùa về. Đó cũng là lúc những người bẫy chim ngói quê tôi vào vụ. Chim ngói như dân làng quê tôi gọi là chim bẫy, hình dánh chúng nếu chỉ nhìn thoáng qua ta dễ lầm tưởng chúng với chim cu gáy, bộ lông cũng màu tro xám nhưng tươi hơn, cườm cổ ít hơn và mình nhỏ hơn chim cu gáy. Điểm khác biệt lớn nhất là chim ngói không biết gáy và chúng thường sống thành từng đàn từ chục con, có đàn đông đến hàng mấy chục con.

Loài điểu học: cu ngói – red collared dove, red turtle dove (Streptopelia tranquebarica)

Thân dài 21-23 cm; nhỏ hơn cu gáy. Còn được gọi là chim ngói, cu ngói cũng có vòng đen ở sau cổ nhưng không nổi bật như cu gáy. Chim trống: lưng màu nâu đỏ từ nhạt đến sẫm như màu ngói lợp nhà ngày xưa (bây giờ nên so sánh với màu rượu vang đỏ) tương phản với đầu màu lam nhạt, hông và đuôi màu đá xám. Chim mái: toàn thân nâu-xám sẫm, đôi khi phớt hồng.

Định cư phổ biến toàn cõi Việt Nam từ đồng bằng, trung du đến miền núi, tuy không phổ biến bằng cu gáy. Phân bố đến độ cao khoảng 1.200 mét.

Sống ở rừng thứ sinh nơi có nhiều cây bụi, vùng quê thoáng đãng. Thường đậu thành đàn nhưng sống cặp đôi. Gặp nhiều đàn lớn sống trong rừng tràm ở đồng bằng sông Cửu Long (1999). Cũng thích vùng đất thấp trồng trọt gần bờ biển.

Tiếng kêu: 3-4 âm liền nhau, không lên xuống nhiều và không nghe rõ âm ‘cu’ như cu gáy:https://www.xeno-canto.org/species/Streptopelia-tranquebarica

Cuốc

Thơ

Bao giờ em quên? – Duyên AnhBao giờ em quên được hở em?Muôn loài hoa bưởi uớp hương duyênCó con chim cuốc kêu buồn bãBắt cả không gian ngậm nỗi niềm.

Nghe tiếng cuốc kêu – Phùng QuánChắc có điều chi bi thương lắmKhông bày giải được nên phải kêuĐêm mất ngủ, nghe cuốc kêu đứt ruộtLòng những bàng hoàng muốn kêu theo.

Tiếng cuốc đêm – Trần Thị Mỹ ChâuThu đi để lá vàng rơiNgười đi để lại tả tơi tình sầuThương thay tiếng cuốc đêm thâuBắc Nam một nỗi lo âu buồn phiềnNgày ngày chôn giấu niềm riêngĐêm đêm thổn thức nợ duyên ngậm ngùi.

Tình về bến đỗ – Thiên LýNhư cuốc cuốc từng đêm kêu mòn mỏiNhư oanh oanh buồn bã ngóng tình quânDòng thời gian luân lưu mãi không ngừngCó dừng lại cho ta ngày hội ngộ?

Đêm nhớ – Nguyễn Hoàng PhúcĐêm nghe tiếng cuốc kêu thươngNgười đi biền biệt, còn vương bóng hìnhLòng ta nặng trĩu tâm tìnhSầu đêm lẻ bóng một mình ai hay?

Truyện ngắn

Nhạc chim – Ma Văn Kháng

… Còn dĩ nhiên là ban đêm thì đã có con cuốc cầm canh, nó khiến cậu thi thoảng lại rơi vào cơn khắc khoải vì giật mình tỉnh giấc. Ôi! Những com chim đồng quê. Niềm vui thời ấu thơ của cậu bé Biền!

Truyện dài

Mảnh đất lắm người nhiều ma – Nguyễn Khắc Trường

… Ông bố nghe có người xui: suốt mùa hè năm ấy cứ đi rình để bắt con chim cuốc thất tình. Họ bảo có những con chim cuốc bị người ta đánh bẫy mất bạn tình, buồn, nó không ăn không uống, tìm một chỗ khuất lói đứng kêu xà xã cho đến chết. Câu nói ra rả như cuốc kêu chính là chỉ những con cuốc đơn côi này…

Loài điểu học: cuốc ngực trắng – white-breasted waterhen (Amaurornis phoenicurus)

Khi tác phẩm văn hóa–nghệ thuật chỉ nêu một tên đơn giản “cuốc” hoặc “chim cuốc” thì rất có thể đó là loài cuốc ngực trắng vốn rất quen thuộc với người Việt do sự phân bố rộng rãi trên mọi miền đất nước.

Cuốc ngực trắng thuộc họ Gà nước (Rallidae).

32 cm. Phía trên và hai hông chủ yếu màu xám sẫm; mặt, cổ và ngực màu trắng; bụng và mặt dưới của đuôi màu nâu vàng. Ngón chân dài, chân màu vàng; đuôi ngắn, mỏ màu lục nhạt, có một mảng màu đỏ gần khóe mắt. Chim non: toàn thân đen tuyền, rất giống gà nước non. lưng đen, ngực trắng, bụng nâu hồng.

Ở Việt Nam, cuốc ngực trắng là loài định cư, phân bố rộng rãi, thường sống ở các vùng đồng bằng, trung du, đôi khi vào gần khu dân cư ở vùng ngoại ô.

Cuốc ngực trắng sống trong bờ cây, bụi rậm quanh khu vực đầm lầy, làm tổ trên chỗ khô ráo của mặt thảm thực vật đầm lầy, đẻ 6-7 trứng. Thăm dò tìm mồi bằng cách nhúng mỏ xuống vũng bùn hay vùng nước nông, và mổ thức ăn nhờ thị giác tốt. Cũng lục lọi tìm kiếm thức ăn trên mặt đất hay trong các bụi cây thấp và các cây gỗ nhỏ.

Loài cuốc ở Việt Nam khá ồn ào, đặc biệt là lúc bình minh và chạng vạng tối. Tiếng kêu của cuốc chỉ gồm những âm thanh mà người ta nghe như là ‘quốc’ hoặc là ‘cuốc’ vang lên đều đều (không thay đổi cách quãng dài ngắn) và đơn điệu (không lên xuống).

Cuốc đã được thuần dưỡng và cho sinh sản thành công. Do thói quen kêu thảng thốt và nhảy đến tấn công người lạ, cuốc được nuôi nhằm đánh động khi có người lạ đến.

Tiếng kêu của cuốc: có phải thật sự tạo những ý tình “buồn bã”, “khắc khoải”, “bi thương”, “nghe đứt ruột”, “lo âu buồn phiền”… như thi văn miêu tả? Phải chăng thi văn đương đại bị ảnh hưởng từ câu thơ “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc” của Bà Huyện Thanh Quan? Đã có những tranh cãi về “con quốc quốc” này. Nhiều nguồn cho rằng đó là con cuốc, nhưng không ít ý kiến cho rằng đó là đỗ quyên, một phần dựa theo điển tích Vua Thục Phán ngày xưa vì nỗi uất ức khi mất nước mà chết hóa thành đỗ quyên (nói rằng hóa thành cuốc thì không đúng theo tích này), vì nhớ nước nên thường kêu than nghe cũng giống như ‘quốc quốc’.

Đỗ quyên là chim gì? Theo Bách khoa toàn thư Baidu (百度百科), đỗ quyên 杜鹃 là tên chung của một số loài chim thuộc chi Cuculus, Họ Cuculidae (Họ Cu cu). Thí dụ: tiểu đỗ quyên 小杜鹃 tức cu cu nhỏ (tên khoa học: Cuculus poliocephalus); đại đỗ quyên 大杜鹃 tức cu cu thông thường (Cuculus canorus). (Vương Trung Hiếu, 2024)

Rất khó phân biệt hai loài tiểu đỗ quyên và đại đỗ quyên, vì thế có lẽ dân gian gọi cả hai bằng tên chung là đỗ quyên.

Bửu Kế (1968) mô tả cụ thể đỗ quyên: Chim miệng lớn, đuôi dài, lưng màu tro, bụng sắc trắng, không tự làm tổ lấy mà đẻ trứng vào tổ chim oanh, chim oanh nuôi cho khôn lớn. Mô tả này ứng với hai loài cu cu trên.

Một số nguồn cho rằng đỗ quyên là chim tu hú Châu Á, tên Hán là táo quyên 噪鹃, cũng thuộc Họ Cu cu vốn thường đẻ trứng vào tổ chim khác để chim non sống ký sinh. Nhưng màu lông của tu hú không phù hợp với mô tả của Bửu Kế.

Tiếng kêu của cuốc ngực trắng chỉ gồm những âm đơn điệu ‘quốc’ lặp đi lặp lại, không tạo cho người nghe cảm nghĩ gì đặc biệt:https://www.xeno-canto.org/species/Amaurornis-phoenicurus

Tiếng kêu của cu cu thông thường gồm hai âm ‘cúc cu’ lặp đi lặp lại đều đặn nghe như “quốc”, vang vọng đi xa, dễ gây xúc động hơn so với tiếng kêu của chim cuốc:https://www.xeno-canto.org/species/Cuculus-canorus

Phải chăng thi văn theo khuôn sáo ước lệ dùng “tiếng cuốc” để diễn tả tâm trạng, trong khi tác giả không biết rằng thật sự tiếng chim cu cu mới gây nên những tâm trạng đó?

Cuốc lùn / Vỏ vẻ

Hồi ký

Hồi ký Sơn Nam

Gần ven sông, ven biển, nhiều gân đất cao ráo, người Hoa kiều từ lâu rồi biết khai thác để trồng nhãn. Dịp tựu trường, tha hồ ăn nhãn, bấy giờ chỉ có loại nhãn lớn hột; thơm tho ngọt ngào đối với người ở U Minh, xứ không bao giờ thấy cây nhãn. Lại còn các loại chim ở đồng lúa vùng nước ngọt, nay hãy còn như ốc cao, vỏ vẻ, chằng nghịt, cuốc.

Truyện dài

Bãi gió cồn trăng – Hồ Trường An

Mâm mặn ê hề món phổ thông: cháo gà và gỏi gà trộn rau răm, thịt vịt nấu cà ri ăn với bún, tôm nướng trộn gỏi bồn bồn, chim vỏ vẻ, chim ốc cao rô ti với nước dừa xiêm, cá đuối xào với cải rổ tưới tương hột…

Loài điểu học: cuốc lùn – Baillon’s crake (Zapornia pusilla, Porzana pusilla)

Rất có thể tên “vỏ vẻ” là biến thể của một tên khác trong dân gian là “gỏ ghẽ”, để gọi tên chim theo điểu học là cuốc lùn.

Thân dài 19 cm. Là loài gà nước rất nhỏ, bộ lông màu nâu-xám và có nhiều vạch đen. Đôi khi bộ lông có nhiều màu lẫn lộn. Bay thấp với cánh đập ‘vù vù’ và chân để thõng; lộ rõ một mảng lông mút cánh có màu xám bạc và ở một số con còn có một vệt dài màu trắng chạy theo mép cánh. Phía bụng của chim non có màu nhạt hơn, một số không có vằn.

Đây là loài di cư, gặp không thường xuyên ở vùng Đông Bắc đến Nam Bộ ngoại trừ Bắc Trung Bộ.

Sống ở vùng đầm lầy nước ngọt, bãi lau sậy. Thường sống chui lủi. Bơi và lặn giỏi.

Tiếng kêu đa dạng: từng âm đơn lẻ ‘réc’ hoặc ‘k…rẹc – k…rẹc’ hoặc nhiều âm liền nhau tựa như tiếng của két:https://www.xeno-canto.org/species/Porzana-pusilla

Cú / Cú mèo

Thơ

Bài ca đêm và câu chuyện vụn vặt về nguồn sáng – Nguyễn Nhựt HùngVách cót tự cót kétLeo lét ánh đèn mờCây hát bài ca ếchLũ cú mèo nằm mơ

Đêm tìm trăng – Lã Thế PhongEm mang trăng giấu đã lâuNgân hà kia vỡ ngàn sao lập lòeCú mèo giương mắt tròn xoeHỏi em có trả trăng thề lại không…

Truyện ngắn

Tiếng chim buổi sớm – Huy Phương

Ở trên đời này ai cũng ghét giọng con chim cú, nhất là chim cú kêu nửa đêm, để người ta miệt thị là “cú dòm nhà” hay “cú kêu nhà bệnh”. Cũng là loài chim, nhưng chúng lại không có tiếng hót của trời cho, mà chỉ có tiếng kêu như giống ngan ngỗng tầm thường.

Cú vẫn còn kêu – Trần Quang Khanh

Đêm hôm sau, rồi hôm sau nữa, tiếng cú vẫn âm vọng trong vườn nhà tôi. Sớm hơn và nhặt hơn. Tôi đã cố tình giả lơ nhưng vợ tôi lại luôn bồn chồn. Cô thúc giục tôi mang đèn pin đi đuổi cú. Dò theo tiếng kêu, tôi soi đèn khắp các ngóc ngách trên cây lộc vừng cổ thụ. Và tôi đã phát hiện con cú mèo nép mình nơi một chạc cây.

Lần đầu tiên trực diện với cú, tôi khiếp hãi như có một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng mình. Khác với bao loài chim, đôi mắt cú tròn xoe lại nằm ngay phía trước mặt giống như con người. Quanh đôi mắt là hai vòng tròn rộng trông như gương mặt các cụ già đeo kính. Đôi mắt ấy phản chiếu ánh sáng của đèn pin đỏ rực nhìn chòng chọc vào tôi.

Thương quá rau răm – Nguyễn Ngọc Tư

Hôm ấy, trưởng ấp Tư Mốt tuyệt vọng nắm chặt hơi thở cuối của ông bạn láng giềng trong tay, tuyệt vọng thấy nó tan đi, ông về nhà viết lên tường trạm xá “Cương quyết chỉ chết vì già.”

Nhân viên y tế nào mới về ngó câu khẩu hiệu ấy cũng cười, cũng thương. Nhưng rồi nửa khuya ngồi ăn mì gói, nghe cú kêu lẫn tiếng radio khọt khẹt (để chút âm thanh đấy cho đỡ quạnh), vạch đi vạch lại tờ báo cũ mèm, họ sực nhớ phải về quê lấy vợ, lấy chồng, sực nhớ vợ mình mới sinh, sực nhớ tội nghiệp ba má đã già… Và họ từ giã cù lao.

Tài liệu

Cú mèo

Tập tính ăn thịt cùng tiếng kêu rờn rợn vào buổi tối, đặc biệt là những lúc đêm khuya khiến không ít người áp đặt quan niệm rằng cú mèo gắn với sự xui xẻo hoặc cảnh báo điềm gở, thậm chí có người còn cho rằng tiếng kêu ấy là tiếng gọi vong hồn từ một nơi xa xăm. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu động vật Phùng Bá Thịnh, tiếng kêu ấy chỉ đơn thuần là dấu hiệu báo mùa sinh sản của cú mèo nhằm gọi bạn tình hay để khẳng định vùng lãnh địa. Cú mèo kêu suốt đêm cho đến khi bạn tình xuất hiện mới nguôi. Khi bắt đầu một buổi tối kiếm ăn, chúng cũng cất tiếng kêu nhưng âm thanh này thường ngắn hơn so với tiếng kêu trong mùa sinh sản.

https://www.thiennhien.net/2012/04/30/cu-meo/

Loài điểu học: cú mèo khoang cổ – collared scops owl (Otus lettia, Otus bakkamoena)

Cú mèo khoang cổ thuộc Họ Cú mèo (Strigidae), là một trong hai họ cú thuộc Bộ Cú (Strigiformes). Ở Việt Nam có 15 loài cú mèo này.

Các loài cú mèo có mắt to, mỏ quặp, móng vuốt dài và khỏe. Chim trống và mái giống nhau. Bay rất im lặng; cánh bầu và rộng. Cú mèo hoạt động chủ yếu vào ban đêm và sống tập trung tại các khu vực làng mạc, bìa rừng. Thường ngủ ở chỗ rậm rạp vào ban ngày. Chúng làm tổ trong các hốc cây, đôi khi trên cả vách tường, dưới mái nhà. Chúng ít khi thay đổi khu vực kiếm ăn lẫn nơi sinh sống trừ phi có sự xáo trộn đặc biệt.

Cú mèo khoang cổ có thân dài 23-25 cm. Chim mái thường lớn hoăn và nặng hơn chim trống. Đây là loài cú có kích thước trung bình. Sắc lông đa dạng: lưng có nhiều chấm đen trên nền xám hoặc nâu; bụng nhạt hơn và có vằn đậm trên nền xám hoặc nâu tùy phân loài. Mặt có viền đen chung quanh. Có hai vành tai nhưng đôi khi không thấy rõ. Tuy mang tên “khoang cổ” nhưng khoảng lông nhạt quanh phần dưới cổ có khi không thấy rõ. Giò có lông vũ bao phủ.

Đầu có thể quay tới 270 độ. Đó là do sự kết nối giữa các động mạch cánh và động mạch đốt sống, giúp máu trao đổi giữa hai mạch máu, vì thế lượng máu đến não không bị gián đoạn khi loài cú quay đầu 270 độ.

Loài định cư phổ biến ở Việt Nam. Thích sống ở rừng thưa từ đồng bằng lên chân đồi. Hoạt động về đêm; ban ngày ít thấy vì thường đậu không cử động trong tán cây rậm rạp.

Thường làm tổ ở chùa chiền, nhà và sân vườn đặc biệt là ở vùng nông thôn, thậm chí đô thị.

Tiếng kêu: từng âm đơn lẻ và ngắn ‘hu-ố’, nhắc đi nhắc lại mỗi 8-12 giây.

Bản thân người tổng hợp bài này nghe tiếng cú mèo không có vẻ gì là rờn rợn.

Tiếng kêu:https://www.xeno-canto.org/species/Otus-lettia

Cú lợn

Thức trót canh tàn: con chim cú, chim heo

Truyện ngắn

Cửa sau – Nguyễn Ngọc Tư

Đêm đầy sao, mở cửa sau chợt hương bông cau, bông bưởi ùa vào đầy ứ mũi. Muốn thở chỉ sợ hương tan. Nghe con chim heo kêu nghe sợ mơ hồ, chạy cuống chạy cuồng qua cửa rồi mà hương vẫn còn theo. Cửa sau, với mình, ít nhiều mang cảm giác thiêng liêng của sự đầm ấm, sum vầy. Cho nên nhớ hoài, nhớ mãi, nhớ không thôi. Cái số mình, thầy bói nói, là số giang hồ, giang hồ vặt.

Trăng góa – Lê Minh Hà

Những đêm khác, tôi nằm nghe thằng con thở. Thức qua đêm nhiều hôm, tôi quen dần với tiếng chim lợn kêu cữ hai giờ sáng. Tiếng chim quái gở, eng éc giữa trời thành phố hồi đầu làm tôi thấp thỏm suốt cả ngày hôm sau. Người ta bảo chim lợn không mang điều lành. Ðiều dữ nhất đối với đời đàn bà của tôi đã xảy ra rồi. Tôi hết sợ. Chắc chim lợn cũng là loài chim mất ngủ…

[…]

Và tôi, cũng chưa bao giờ tôi nói với nó, với ai rằng tôi mất ngủ. Tôi có đi khám. Chẳng ích gì. Bác sĩ bảo tôi bị suy nhược. Mất ngủ nên suy nhược hay suy nhược nên mất ngủ? Không biết. Vẫn là những đêm như thế, vẫn vầng trăng khi tỏ khi mờ khi tròn khi khuyết, vẫn tiếng kêu éc éc kỳ quái của con chim lợn mà tôi không biết hình thù…

Truyện dài

Bãi gió cồn trăng – Hồ Trường An

Cô Tư Cẩm Lệ giựt mình dậy trống vừa điểm canh tư. Bên ngoài, ánh trăng tái ngắt lòn qua khe cửa lá sách. Chim heo kêu eng éc sau vườn nhà. Cô lăn qua nửa vòng, nằm nghiêng về phía trái lắng nghe tiếng tim đập mạnh trong lồng ngực.

Mảnh đất lắm người nhiều ma – Nguyễn Khắc Trường

Một con chim lợn bỗng choạc, choạc, choạc kêu một tràng dài như xé lụa, bay vút ngang qua xóm. Chim lợn cũng thuộc họ nhà cú, cũng là phái viên của tử thần, đánh hơi người chết rất tài. Nhưng cú lợn háu đói, nên đi ăn sớm hơn cú mèo.

Bút ký

Chim lợn – Đỗ Đức

… Những đêm đông, nằm nghe gió hú, lẫn vào trong gió có tiếng chim lợn quéc quéc chập chờn, trong tiếng rì rầm của lá tre, nghe thê lương ảm đạm. Hai mắt tôi chong lên không ngủ được vì một nỗi sợ mơ hồ. Người già bảo chim lợn kêu là báo hiệu có người chết vì giống này nó đánh hơi tử thi rất tài. Người ta muốn xua đuổi nó nhưng biết nó ở chỗ nào trong cái khoảng đen rì rầm chìm trong màn đêm mênh mông.

Rồi rừng bị phá, tre bị đốn. Làng xóm xưa cây cối um tùm giờ cũn cỡn như cái đầu xù được dũi bằng tông đơ trụi thùi lụi…, nhưng vẫn không ai thấy hình thù con chim lợn. Bố tôi là người tọc mạch, tìm cái gì, mò cái gì bao giờ cũng đến tận cùng. Vậy mà với chim lợn thì ông thua, không tìm ra được nó to bé hình thù ra sao…, trừ tiếng quéc quéc treo lơ lửng trong không gian đêm tối là có thật. Tiếng chim lợn làm cho người ta rờn rợn trong trạng thái mơ hồ kéo dài triền miên theo năm tháng.

Loài điểu học: cú lợn, cú lợn lưng xám – barn owl, Western barn owl (Tyto alba)

Cú lợn hoặc chim heo, chim lợn (do tiếng kêu của nó giống heo/lợn) thuộc Họ Cú lợn (Tytonidae), là một trong hai họ cú thuộc Bộ Cú (Strigiformes).

Thân dài 34-36 cm. Đĩa mặt trắng, hình trái tim, có viền màu sậm hơn màu hung ở đầu và cổ khiến cho mặt trông nổi bật. Bụng trắng hoặc nâu nhạt, có các chấm đen. Lưng màu nâu xám với các vạch màu hung nâu đỏ. Mặt trên đuôi hung nâu đỏ với dải vằn ngang nâu tối. Mỏ phủ lông chỉ để lộ phần chóp mỏ; đùi và ống chân phủ kín lông.

Loài định cư ở Bắc Bộ, Nam Trung Bộ đến Nam Bộ. Sống ở rừng, nơi có cây to, nguồn thức ăn dồi dào, làm tổ trong hốc cây. Một số ít sống trong làng mạc thậm chí vùng đô thị nơi dễ săn chuột, làm tổ trong chùa chiền, nhà kho, trên nóc nhà trên tường cao nhà bỏ hoang.

Mặc dù cú lợn có vùng phân bố rộng nhưng số lượng ít, hiếm gặp. Cú lợn được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam để bảo vệ.

Tiếng kêu rất đặc trưng: ‘éc’ như tiếng lợn, hoặc từng tiếng đơn lẻ cách xa nhau hoặc một số tiếng liền nhau, hoặc ngắn hoặc kéo dài:https://www.xeno-canto.org/species/Tyto-alba

Cú vọ

Thành ngữ

Mắt cú vọ / Nhìn như cú vọ.

Thơ

Bãi tha ma – Nguyên HữuMấy lục bình vôi tìm hốc ẩnDăm con cú vọ nép cành chờTha ma một bãi nhiều câu chuyệnẨn hiện hoang đường lạ lẫm thơ…

Cô đơn chiếc bóng – TamMuộiQuạnh quẽ canh trường cảm xót xaNgoài song vắt vẻo đọt trăng tàNiềm than cú vọ nghe buồn bãNỗi hận côn trùng tủi diết da

Viếng mộ chiều mưa – TamMuộiBầu âm u tiếng lác đác lìa cànhThân cú vọ tròng trành rơi ảm đạmGiọt lệ đẫm muộn phiền luôn vây bámPhút tạ từ chẳng dám ngó mặt nhau

Truyện ngắn

Bức họa tàn phai – Vũ Đình Giang

Vắng em, tôi đành chấp nhận chơi thân với Lai. Dù trước đây tôi không ưa gì hắn. Mà hắn và em cũng khắc khẩu nhau. Em luôn cảnh giác với hắn còn hắn nhận xét em là phường mọi rợ. Cũng bởi hắn có đôi mắt cú vọ cứ nhìn xoi xói ruột gan người đối diện rồi buông ra những nhận xét lạnh lùng. Nó khiến người ta tổn thương.

Loài điểu học: cú vọ – Asian barred owlet (Glaucidium cuculoides)

Thuộc Họ Cú mèo (Strigidae).

Đặc điểm nổi bật là mắt tròn màu vàng với đồng tử to màu đen như đang trừng trừng nhìn. Thân dài 23-26 cm. Cú vọ thuộc nhóm cú mèo nhưng không có vành tai, mặt tròn. Phía lưng màu nâu với họa tiết ô vuông hoặc những vệt ngang màu sáng, phía dưới bụng có nền sáng với lấm tấm đen hoặc những vệt to màu nâu, đuôi màu nâu sẫm giống mặt lưng có những vệt ngang màu nhạt.

Săn mồi vào ban ngày. Tiếng kêu đa dạng: ‘oác oác’ hoặc ‘huút huút’ hoặc chuỗi âm thanh nhanh ‘oọc oọc oọc’ vào ban ngày, giống âm thanh phát ra khi cái chai đầy nước bị dốc ngược.

Loài định cư toàn cõi Việt Nam, tương đối phổ biến ở một vài nơi. Có thể gặp lên tới độ cao khoảng gần 2.000 mét.

Sống ở rừng thứ sinh và thảm cây bụi. Đẻ 3-5 trứng.

Tiếng kêu:https://www.xeno-canto.org/species/Glaucidium-cuculoides

Cúm núm / Gà đồng

Thơ

Đặc sản quê em – Trường PhongCao Lãnh nhiều thỏ (chuột) đồng quêCúm núm, rùa, rắn hả hê nướng xào

Ký sự

Về miền Tây săn cúm núm – Đoàn Xá

Cùng với vô vàn các sản vật mùa nước nổi khác, những ngày này, nhiều người dân ở Đồng Tháp, An Giang, Long An rủ nhau đi săn cúm núm (còn gọi là gà nước). Cũng như chim cu gáy, chích cồ hay le le, vịt giời… nghề săn cúm núm có nhiều nét thú vị, độc đáo mà cũng không dễ thực hiện.

Cúm núm là loài chim sống theo cặp, và thường chỉ có một đôi duy nhất gồm con trống và mái đi với nhau. Mặc dù có tên gọi là gà nước nhưng chúng lại sống chủ yếu ở nơi khô ráo, trên cạn dù vẫn có thể bơi được. Chính vì thế, khi mùa nước nổi tràn khắp các bưng đồng, cúm núm thường di chuyển lên những bờ ruộng, bãi đất cao hơn để ngủ nghỉ và đẻ trứng. Chúng rất giỏi giấu mình trong những lùm cây gốc rạ nên rất khó phát hiện. Tuy nhiên, đó lại là chính nhược điểm của loài vật này, cũng như tên gọi của chúng khi thường xuyên phát ra tiếng kêu nghe trầm khàn khàn như từ ‘núm’, ‘núm’, ‘cúm’… Đó cũng chính là lý do nhiều thợ săn cúm núm lành nghề có thể tìm và định vị được khu vực sinh sống của những chú cúm núm tinh ranh…

Truyện ngắn

Mùa cúm núm thay lông – Hồ Văn

… Gọi lão là Tư Gà Nước thì ổng thích thú, tự hào, huyên thuyên bắt chuyện. Nhưng nếu ai kêu Tư Cúm Núm là lão im re, mặt đanh lại. Gặp mấy đứa con nít ở trong xóm là đụng thứ gì ổng phang thứ ấy, có dầm phang dầm, có sào phang sào, có củi phang củi. Còn kẹt kẹt ổng móc mấy cục đất sình dẻo nhẹo liệng túi bụi, làm tụi nó chạy vắt chân lên cổ. Con Gà Nước với Cúm Núm tuy hai mà là một, thuộc lớp chim sống lưỡng cư. Chỉ khác nhau cái danh xưng để gọi tên thôi mà.

Từ ngày quen thân với lão Tư, chưa bao giờ lão đãi tôi ăn thịt cúm núm, hay nhã ý biếu tặng nhân dịp tết nhứt hay lễ lộc. Nơi ở của lão, cúm núm nhiều hơn các loài chim khác. Tụi nó thích thì sống, còn không thì cứ bay đi. Vào mùa thay lông, sau kỳ sinh đẻ đau đớn, ở trong khu vườn của lão, tụi nó cảm thấy an toàn nhất. Theo cách suy nghĩ chất phác của lão Tư, “cúm núm” gợi cho người ta sự cô độc, lẻ loi. Nó có một chút gì đó rụt rè, mặc cảm. Ai mà nhắc đến hai tiếng đó giống như họ đang chê bai, chế giễu về lão và khiến cho lão nhớ lại một đời đau khổ, ẩn chứa nhiều uẩn khúc của mình. Lão thương yêu thằng Tủm vô hạn, bởi ngoài nó ra lão không còn ai thân quen, nhưng điều quan trọng hơn là hoàn cảnh của nó cũng côi cút, run rút như mấy con cúm núm ở cái xứ heo hút này.

Loài điểu học: cúm núm – watercock (Gallicrex cinerea)

Còn được gọi là gà đồng, gà nước, có thân dài 43 cm, thường ở tư thế đứng thẳng. Chim trống trong mùa sinh sản: Bộ lông có màu đen nhạt với mỏ màu vàng, da gốc mỏ màu đỏ và chân màu đỏ. Chim mái và chim ngoài mùa sinh sản: Có màu nâu bánh bích-quy, vạch và vằn màu sẫm hơn; chân màu vàng hoặc xanh lục; mỏ màu vàng. Khi bay trông toàn bộ thân có màu nâu ngoại trừ lưng có sọc và đường viền trước cánh màu trắng.

Loài định cư, tương đối phổ biến ở vùng Đông Bắc, Trung và Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Độ cao phân bố có thể đến 1.200 mét. Gặp ở vùng Đông Bắc vào mùa đông.

Sống ở đầm lầy nước ngọt và cánh đồng lúa. Có thể đi qua vùng rừng ngập mặn.

Cun cút

Ca dao

Cút cụt đuôi, ai nuôi mày lớn?Dạ thưa bà, tôi lớn mình ên

Thơ

Vạn đại thường dân – Hàn Yên TửChim cút thay gà thêm sợi miếnCá mòi thế mực bớt bần tương

Truyện dài

Những ngày tươi đẹp – Đoàn Thạch Biền

Sau khi hả giận, tôi rủ cô bé cùng xua đuổi những con chim cút, cho chúng chạy vướng vào những bụi cỏ chông chông để bắt, nhưng em lắc đầu.

– Lúc nãy, ông nói theo thời khóa biểu cũ, giờ này ông phải làm gì?

– Tắm biển.

– Vậy sao ông còn rủ em chạy đuổi chim cút? Ông đã hứa với em sẽ làm theo những gì ông đã hoạch định mà!

Bút ký

Thưa vắng tiếng chim cút – Ngô Văn Tuấn

Mấy hôm nay trở lạnh, mưa cứ lơ phơ lất phất suốt ngày. Đêm nằm co ro trên tấm phản gỗ, nghe tiếng chim cút um um bên bờ suối lạnh, lòng chợt mênh mông nỗi nhớ một thời thơ ấu. Như thước phim quay chậm: Thả rông đàn bò trên đồi cỏ sông Dinh (Tân An, thị xã La Gi), lũ trẻ chúng tôi tìm vui với chim cút.

Trên cái trận địa đồi cỏ ấy, chúng tôi đã tạo sẵn những lối mòn, cuối lối mòn là những chiếc bẫy lưới tự tạo. Tất cả ai nấy vào vị trí mật phục rồi cất tiếng “um um”. Lũ chim cút nghe tiếng kêu, ngỡ có kẻ thù khiêu chiến, vậy là chúng theo lối mòn lủi tới, chỉ chờ có vậy, chiếc bẫy sập lại. Những con cút mập ú bẫy được, ngay lập tức được chúng tôi mang đến bờ sông nổi lửa, thui lông, ướp muối ớt và nướng liền tại chỗ. Tiếng hát, tiếng cười nghiêng ngả cả dòng sông. Hôm nào không mang bẫy lại rủ nhau đi tìm ổ, lấy trứng. Ổ chim cút được lót sơ sài bên bụi cỏ, lùm tranh. Khi bị lũ chăn bò chúng tôi đánh động, chim cút dù có ẩn mình kín đáo trong ổ cách mấy cũng phải bật cánh bay ra. Từ những vị trí bị lộ ấy, chúng tôi tìm ngay ra ổ trứng. Mỗi ổ chim cút chỉ có vài trứng, tìm được trứng nào chia nhau hút tươi ngay trứng ấy. Đêm về “nhớ chim cút” lại hú gọi nhau mang đèn pin đi rọi. Rọi chim cút vào ban đêm cũng hết sức lý thú. Ánh đèn quét soi từng bụi cỏ, con chim cút bị phản sáng cứ rụt đầu, trơ mắt, bằng động tác thật nhanh, con chim cút nằm gọn trong tay. Một đêm đi rọi không nhiều, cao lắm được vài ba con, nhưng vui nên quên cả thức khuya buồn ngủ.

Chim cút là loài chim sống dưới đất, ẩn mình trong lùm bụi, có cánh nhưng không bay được cao và xa, ngược lại chim cút chạy rất nhanh. Thịt chim cút thuộc nhóm thịt ngon, bổ, chế biến được nhiều món, rất hợp khẩu với dân nhậu. Những món chim cút nổi tiếng như: chim cút rô ti, xôi cút rừng, cháo cút nấu đậu xanh… nhưng dân dã và ngon hơn cả vẫn là món chim cút ướp muối sống, ớt hiểm rồi nướng lửa than.

Chim cút sống từng cặp giống như cu, mỗi lần nghe tiếng kêu là cứ nghĩ “kẻ thù”, nên thường lao đến và dính bẫy. Người bẫy chim cút chuyên nghiệp, ngày trước dùng chim mồi. Một con chim mồi hay, giá rất cao. Khi bẫy, người ta cho chim mồi vào lồng, tìm vị trí thích hợp để đặt, sau khi đã giăng sẵn lưới, hoặc bẫy. Lũ chim cút ẩn trong lùm bụi, nghe tiếng kêu khiêu khích là lao đến để nghinh chiến, vậy là dính lưới. Sau này công nghệ phát triển, thay vì dùng chim mồi, người ta ghi âm lại tiếng kêu, rồi cứ việc giăng lưới, mở máy cho phát ra loa chờ bắt cút. Cách bẫy công nghệ này hiệu quả rất cao, và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho đàn cút rừng ngày càng thưa hiếm.

Suối Đó vẫn còn đây. Sông Dinh vẫn còn đó, nhưng đồi cỏ, bãi tranh, rừng mua ngày cũ đã không còn. Lũ chim cút cũng thưa vắng.

Loài điểu học: cay Nhật Bản – Japanese quail (Coturnix japonica)

Thông thường dân ta gọi chung một số loài trông giống cút bằng một cái tên đơn giản là “cút”. Tương tự với dân Tây: họ gọi chung các loài này là “quail”.

Sự việc trở nên rối rắm khi các nhà điểu học phân tích DNA và xem xét nguồn gốc tiến hóa các loài. Họ cho ta biết rằng món trứng cút ta thường ăn là từ loài chim có quan hệ với loài trĩ. Lạ quá! sao mà hai loài trông khác biệt với nhau đến thế? Họ cũng cho ta biết rằng các loài chim mà dân thường và giới văn nghệ sĩ gọi đơn giản là “cút” lại không có họ hàng gì với chim cút thật sự tuy rằng chúng khá giống nhau! Và ta lại không biết chim cút thật sự là như thế nào!

Từ đó, tên loài cũng trở nên phức tạp: có loài trở thành “cay” (quá cứng nhắc khi phiên âm từ “quail”), và có loài phải được gọi là “cun cút”. Từ đơn giản và phổ thông “cút” trong văn học đã bị ngành điểu học Việt khai tử!

Có hai loài cun cút hoang dã phổ biến ở Việt Nam thuộc Họ Cun cút (Turnicidae). Đây là một họ nhỏ bao gồm một số loài chim trông tương tự, nhưng không có họ hàng gì với chim cút thật sự. Chúng không có tổ cố định. Đẻ trứng và ấp trên mặt đất. Chim mẹ dẫn con non đi kiếm ăn ngay sau khi cả đàn chim non nở.

Cay Nhật Bản là thủy tổ của các giống cút được nuôi để cho trứng. Nó thuộc Họ Trĩ (Phasianidae) gồm các loài trĩ, công, cút, gà gô, gà lôi, gà so, gà tiền, gà rừng, gà nhà…

Thân dài 19 cm. Lông mày nổi bật và hai vệt màu tối ở hai bên cổ là đặc điểm phân biệt loài này với các loài họ Cun cút. Mình tròn, đuôi rất ngắn. Khi bay nhìn thấy phía lưng có sọc đậm và màu nâu hơi sẫm tương phản với đường viền phía trong cánh có màu nâu xám.

Loài di cư, phổ biến ở vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ.

Sống ở vùng đồi nơi có cây bụi và cỏ; còn gặp ở rừng thông. Bất thình lình có thể bay lên từ dưới đất.

Loài điểu học: cun cút lưng hung, cun cút chân vàng – yellow-legged buttonquail (Turnix tanki)

17cm. Chân màu vàng có thể nhìn thấy được khi chim đang bay. Lông ở phần trên cánh có màu sắc rất tương phản.

Loài định cư phổ biến vùng Đông Bắc và từ Nam Trung Bộ đến Nam Bộ. Có thể lên tới khoảng 2.000 mét.

Sống ở vùng cây bụi rậm thứ sinh, xung quanh các nương rẫy, nơi canh tác. Sinh sản trong khoảng tháng 5-8, tổ làm trên mặt đất.

Loài điểu học: cun cút vằn – barred buttonquail, common bustard-quail (Turnix suscitator)

17cm. Chim mái cổ màu đen và chim trống có vằn đen đậm là các đặc điểm dễ nhận dạng. Khi bay nhìn thấy túm lông màu tối (màu đen ở con mái) với nhiều mảng lông có màu hung tương phản.

Hiện trạng: Loài định cư. Phổ biến toàn cõi Việt Nam.

Sống ở vùng cỏ khô, cây bụi thứ sinh và nơi canh tác. Làm tổ trong cỏ, đẻ 3-5 trứng.

Di / Ri / Chim lá rụng / Chim mía / Mỏ chì / Rồng rộc / Sắc ô

Một tên chim trong dân gian có thể chỉ hơn một loài chim, và một loài chim có thể có nhiều tên trong dân gian. Không loại trừ một bài viết dựa trên những chi tiết mơ hồ về một loài chim lại ghép hình ảnh của một loài chim khác, tạo ra tình huống râu ông nọ cắm cầm bà kia. Cần thiết tập trung các tên chim này vào một mục để dễ phân tích.

Thành ngữ

Khóc như riLoắt choắt như ri

[Chim ri là cách gọi khác của chim di.]

Đồng dao / Vè

Tiếng con chim riGọi dì, gọi cậu

Chim lá rụng là tên dân gian được nêu trong bài vè ở đầu bài này:Ham đậu cheo leo, là chim lá rụng

Cũng trang web ghi bài vè này cho chú thích như sau:Chim lá rụng: Một loại sẻ đồng nhỏ hơn sẻ nhà, lông màu nâu nhạt, ăn thóc lúa.

Vè chim chóc

Thơ về chim di

Buồn – Liên Hương & Lê Phú HảiĐừng như cánh nhỏ chim diBay xa cuối trời động vọngBuồn – ôi mệt nhoài chiếc bóngAi ngồi áo mỏng hiên xưa

Cảm hoài – Trúc GiangBạt cánh chim di không để dấuCòn chăng thăm thẳm cõi sầu vương

Chiều qua phố cũ – Mạc Phương Đìnhgót nhỏ ngập ngừng qua phố cũchiều mưa ướt đẫm cánh chim dilang thang chiếc lá theo nguồn gióngười ở phương nào? hỡi cố tri…

Thơ về chim lá rụng

Mơ mùa chim lá rụng – Diệp Ly

Hương lúa đồng nhẹ thoảng giữa trời đêmTìm trong mơ một mùa chim lá rụng

Mơ tìm về ngày tháng đã xa xôiGiữa đêm đen mơ trôi về quá khứCó đàn chim chập chờn trong miền nhớGợi trong lòng một thuở tuổi hồn nhiên.

Thơ về rồng rộc

Tình thầm – Phạm Thiên Thưsáng cùng anh emvào non đẵn trúcvề cất lều tranhbên dòng suối lục

rồi qua nương tràbẫy chim dồng dộc

đêm khuya rượu cầnnhóm lửa tán dóc

Cánh chim báo bình yên – Trương HoàngTuổi thơ tôi dòng sông bãi cátVắt vẻo lưng bò nghe chim hát trên caoDồng dộc mùa vàng mắc võng tàu cauGió thổi nam non cu gù yên ả

Bút ký về chim di

Làm sao em nhớ những vết chim di – Nguyễn Hoàn

Hình ảnh chim di xuất hiện trong ca khúc lừng danh Diễm xưa, ca khúc đánh dấu kỷ niệm mối tình của Trịnh Công Sơn với Ngô Vũ Bích Diễm (chị ruột của Ngô Vũ Dao Ánh):

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động,làm sao em nhớ những vết chim di.

Đặc biệt, hình ảnh chim di còn được Trịnh Công Sơn nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các trang thư tình gửi Dao Ánh, cho thấy bao nỗi niềm, bao dư chấn buồn đau của Diễm xưa còn trút gửi cả cho Dao Ánh: “Ánh rồi cũng làm loài chim di xám bỏ miền giá buốt này mà đi. Lúc đó anh chỉ còn ngồi nghe một lời bể động” (Thư Sài Gòn, 28/9/1964), “Tuy nhiên cũng không thể không buồn khi nhớ đến những vết chân chim di một lần cất tiếng hót cho mình và đã bay đi biền biệt” (Thư Blao, 27/10/1964). Vậy chim di là loài chim gì, sống ở đâu? Nhà thơ Phạm Tiến Duật kể: “Có một lần, khi nghe bài Diễm xưa, tôi bảo Trịnh Công Sơn rằng có một câu phải sửa, là câu này: “… Làm sao em nhớ những vết chim di”.

Cả bài không nói tới một tên hoa, tên lá, tên chim nào, hà cớ gì lại có chim di! Có lẽ nên đổi là “chim đi”, chỉ nói đến vết chân chim, là đủ. Trịnh Công Sơn bảo rằng không sửa được, vì đấy là kỷ niệm riêng. Sơn nói về Huế nhưng viết ở Nha Trang. Ở Nha Trang mới có loài chim di giỡn sóng. “Lũ chúng ta cũng chỉ như loài chim di giỡn sóng ở giữa đời này”.

Như vậy, chim di dùng để chỉ những hình ảnh bay biến bất thường, không nắm bắt được, không cầm giữ được, giống như tình yêu mong manh vụt biến. Khái quát hơn nữa, chim di còn chỉ sự vô tăm tích của kiếp người trong cõi phù thế.

Bút ký về chim lá rụng

Mùa chim lá rụng – Nguyễn Hoàng Ân

Sáng sớm khi sương tan, nhìn lên bầu trời, chim lá rụng bay về kín bầu trời, từng thấp sà xuống ruộng, cao một tí là ruộng kế bên, cao tích có lẽ đáp xa hơn. Chim tìm những hạt lúa rơi lại kêu liếu tiếu. Tiếng kêu nhỏ như gọi nhau. Không ồn ào. Con trống lông vàng đậm, có viền đen từ mí mắt đến tận sau gáy. Con mái vàng lợt, đuôi ngắn. Bọn tôi ngồi xem đến trưa.

[…]

Vài năm sau, chim lá rụng còn ít. Lại bị súng hơi thể thao vào bắn hết sạch.

Có người còn nói loại chim này phá lúa phải diệt, nhưng hồi ấy lúa chưa gặt không thấy chim về, phải chờ ngoài đồng cò trơ góc rạ chim về tìm ăn.

Có lẽ bị tận diệt và không còn nơi ở nữa, không biết chim lá rụng về đâu. Mỗi khi ngồi nhớ lại ngày ấy, long tôi bồi hồi nhớ mùa chim lá rụng in đậm vào bọn tôi mãi.

Có một loài chim… – Nguyễn

Hồi ấy, khi về tôi đã có bài viết “Chim dồng dộc bay về Tiên Thuận”. Sau những mô tả về cách giăng lưới bắt chim, rồi đem bán… cũng có nỗi băn khoăn về số phận một loài chim…

Bạn đã bao giờ trông thấy một đàn chim dồng dộc đang bay? Ðấy mới là điều kỳ lạ nhất. Chúng bay mà vẫn quấn quýt bên nhau như một đám mây. Phát hiện một mảnh ruộng đã vàng ươm màu lúa chín, thế là “đám mây” ấy sà xuống. Rất nhanh như “rụng” xuống.

Vậy mới có thêm một danh xưng là chim Lá Rụng. Chúng có biết đâu, chính cái tập tính bầy đàn ấy đã trở thành điểm yếu trước mắt con người. Ðể họ chọn nơi giăng lưới, khi bắt được là có nguyên cả một bầy.

Truyện ngắn về di / ri

Mùa chim bẫy – Bùi Nhật Lai

Mọi công việc người bẫy chim phải làm từ lúc trời chưa sáng để kịp đón lũ chim đi ăn sớm. Tiếp đến là việc trải lưới, đặt mồi, chặt cành cây cắm thành lùm để người nấp trong đó.

Côi cút giữa cảnh đời – Ma Văn Kháng

Đứa lớn tên là Vàng Anh. Đứa bé tên là Vành Khuyên. Có điều lạ là hai đứa đều loắt choắt chim ri, chứ không to lớn như mẹ.

Truyện ngắn về chim lá rụng

Nhạc chim – Ma Văn Kháng

Ông Biền thân thiết với các loài chim từ thời ấu thơ. Ôi cái thời chăn trâu đốt lửa ngoài đồng. Thế nào mà bên cạnh tuổi thơ nơi ruộng đồng ngày ngày lại không có chiếc lồng tre gài mấy bông thóc lúc nào cũng lích rích mấy gã sẻ đồng tham ăn nổi tiếng hay dăm chú chim ri quê kiểng mỏ to hơn người. Thôi thì còn thiếu gì! Bồ các là bác chim ri. Chim ri là dì sáo sậu. Sáo sậu là cậu bồ các. Bồ các lại là bác chim ri…

Chim lá rụng – Thai Sắc

Đàn chim lá rụng từ trong Đức Hòa, Đức Huệ bay ra ăn lúa mỗi ngày, làm ông Tư Hảo rất lấy làm phiền lòng. Loài chim đến lạ, hàng ngàn con đang bay, hễ thấy khoảng lúa chín vừa ăn là chúng thả mình rơi từ trên trời xuống như lá vàng rụng. Cỡ hàng ngàn công đất, chúng chén vèo trong một buổi là hết. Những con chim lớn hơn chim sẻ một chút, lông màu vàng, ức màu vàng tươi, tiếng kêu vui tai, không hề biết sợ tiếng la hét, tiếng gõ thùng thiếc, đến cả liệng đất cũng chẳng thèm bay…

Truyện ngắn về chim mía

Bay cao thì mặc bay cao – Nguyễn Trí

Chim mía hay còn gọi là chim lá rụng sau một ngày rong ruổi, tắt nắng là hội lại thành đoàn kiếm chỗ trú thân. Nơi qua đêm của lá rụng là những đám mía. Ở xứ Đĩnh ngụ, rẫy của cư dân nương nhờ nhiều vào mía. Mía bạt ngàn, nương này nối tiếp nương kia cả vài mươi héc ta. Khi mía cao quá đầu người thì chim lá rụng đổ về từng đoàn. Đã có người hỏi rằng vậy những ngày tháng kia chúng ở đâu khi đêm xuống? Rồi khi mía thu hoạch chúng về đâu? Cũng chả ai biết mà trả lời. Nói chung đó là chuyện của lá rụng và trời cao, hơi sức đâu mà xen vào cho rách việc. Chiều đến chúng tụ lại đen kịt cả một góc trời rồi cùng nhau rụng xuống một đám mía nào đó. Nhìn cảnh những cánh chim rơi trong trời chiều đẹp không bút nào tả xiết. Phải nhanh chân để xem vì mươi phút là không còn một cánh chim nào trên bầu trời. Chả chi nhanh bằng rụng theo kiểu rơi tự do.

Đặc sản

Huyện Thạch Thành [thuộc Tỉnh Thanh Hóa] nổi tiếng với đặc sản mía Kim Tân: Kim Tân là thị trấn – trung tâm trao đổi mua bán sầm uất của huyện Thạch Thành. Nơi đây nổi tiếng với những đồi mía trải dài bất tận, vào mùa thu hoạch mía người dân thường tập trung về thị trấn mua bán, từ đó cái tên mía Kim Tân ra đời.

Cũng nhờ có những cánh đồng mía trải dài bất tận mà loài chim mía có nơi trú ngụ và sinh trưởng, tạo cho nơi đây có thêm một nguồn lợi là đặc sản chim mía Thạch Thành: Chim mía là một món ăn đồng quê, sở dĩ thành món đặc sản vì nó ngon và rẻ… bất ngờ.

http://thanhhoa.tintuc.vn/am-thuc/dac-san-chim-mia-thach-thanh.html

Chim mía đặc sản Bình Định…

… chim mía chính hiệu là loại chim có đầu nhỏ, mỏ ngắn, thịt chắc mà ngọt. Chúng dễ bị lầm với một loài khác là chim áo già (áo đà) là loại chim đầu to, mỏ dài, thịt nhạt…

Chim mía đặc sản Bình Định…

Chim mía: Một loài chim nhỏ hơn chim sẻ một ít, bộ lông màu lá úa, sống thành từng đàn trong những ruộng mía, mỗi đàn đông tới cả ngàn con.

Chi tiết chú thích

Truyện dài về sắc ô

Chim phóng sinh – Nguyễn Hồ

Sân chùa Vĩnh Nghiêm tràn ngập khói hương, người đông như kiến cỏ. Người giàu và nghèo, người sang và người hèn, người đi cúng chùa và người dạo chơi. Tất cả những người rất khác nhau ấy đều có một điểm giống nhau: ai cũng muốn mua ít nhất là một cặp chim sắc ô, chim sẻ, chim sâu để phóng sinh, cầu phước, cầu may chơi…

[…]

Anh quan sát xác định và bắt đầu thả “chim mồi” của mình ra:

– Anh chị mua cả lồng đi, hai chục con chim sắc ô, chim này em nuôi khôn lanh lắm. Nó bay cao, bay xa, và nếu anh chị muốn, nó còn biết trở lại… chúc anh chị hạnh phúc nữa.

Hai người đang yêu nhau nhìn nụ cười hồn nhiên của Trai bằng ánh mắt cảm tình. Hóa ra đây là những người vô tư, trọng nghĩa khinh tài, Trai tin chắc chắn như vậy. Chiếc lồng chim được bán cái vèo…

Mặc cho Gái mân mê đôi uyên ương bé tí, chàng Trai chỉ biết ra lệnh như một ông cụ non thật sự:

– Không được thả, cặp chim này làm chim mồi tốt lắm!

Gái phụng phịu làm cho một bên má lúm đồng tiền thêm có duyên. Gái lắc đầu nguầy nguậy và chực khóc làm Trai cứng rắn phát hoảng:

– Gì kỳ vậy? Cặp sắc ô này dạn, làm chim mồi tốt lắm, để anh làm thêm lồng bẫy chim nữa.

Cô Gái bắt đầu dậm chân làm chàng Trai quýnh lên:

– Vậy chớ Gái muốn gì, sao không nói đi?

Gái không trả lời. Cô lẳng lặng lấy hai sợi chỉ hồng buộc vào chân hai con chim sắc ô, tung nó lên trời. Hai chú chim tíu tít, lạng quạng, lúc đầu hơi lảo đảo nhưng sao đó thì lấy lại tỉnh táo bay vút đi.

[Sắc ô chính là di cam]

Truyện ngắn về nhiều loài chim

Nhạc chim – Ma Văn Kháng

Tất nhiên cao giá nhất thì phải là họa mi, nhồng, cưỡng, bạc má, hồng tước… Còn bình thường thì có thể kể cả ngày không hết. Nào hoành hoạch, mỏ chì, nào bạch khuyên, vàng ảnh vàng anh có phải vợ anh chui vào tay áo… Mỗi loài nó hót một kiểu. Sớm bửng thì tất nhiên đã có con họa mi dáng quả vả, mắt như có ánh lửa và cặp chân như của vũ nữ, chẳng khi nào chịu ở yên.

* * *

Mỏ chì là tên một số địa phương gọi chim di bởi vì màu mỏ xám và bóng giống như chì. Cưỡng là tên gọi tắt của cà cưỡng.

Xem các mục sau đây để tìm hiểu về loài chim tương ứng: Bạc má, Hoành hoạch, Họa mi, Hồng tước, Nhồng / Yểng / Sáo đá, Vàng anh.

Chim lá rụng là một loại sẻ đồng, nhỏ hơn sẻ nhà, lông màu nâu nhạt.

Chim lá rụng nhỏ như ngón tay cái người lớn, lông màu nâu nhạt.

Chim lá rụng trống lông vàng đậm, có viền đen từ mí mắt đến tận sau gáy. Con mái vàng lợt, đuôi ngắn.

Chim lá rụng lớn hơn chim sẻ một chút, lông màu vàng, ức màu vàng tươi, tiếng kêu vui tai.

Chim lá rụng còn được gọi là chim mía.

Chim lá rụng chính là dồng dộc.

Chim mía nhỏ hơn chim sẻ một ít, bộ lông màu lá úa.

Chim mía nhỏ hơn con chim sẻ, mình thon, chân nhỏ với sắc lông màu xám.

Chim mía chính hiệu là loại chim có đầu nhỏ, mỏ ngắn.

Theo một số hình ảnh và mô tả khác, chim mía là dòng dọc (rồng rộc), có nhiều ở Thanh Hóa, Bình Định và Quảng Ngãi.

Vì lẽ ý niệm trong dân gian không thống nhất, ta có thể suy ra chim lá rụng và chim mía thuộc về ba loài chim phổ biến ở Việt Nam và phù hợp với các mô tả: di cam, rồng rộc và sẻ đồng. Cần ghi nhận là nhìn từ xa, chim chưa trưởng thành và chim mái của ba loài này khá giống nhau, vì thế việc nhầm lẫn giữa các loài là điều dễ hiểu.

Thế là, trong khi có nhiều tin tức và hình ảnh về đặc sản ăn nhậu chim lá rụng và chim mía, ý niệm lãng mạn về chim di của Trịnh Công Sơn thoát ra khỏi những hoạt động trần tục!

Loài điểu học: di cam – white-rumped munia, striated finch (Lonchura striata)

Di cam còn được gọi là chim ri, chim sắt, mỏ chì, sắc đen, hoặc sắc ô. Di nói chung thuộc Họ Di (Estrildidae), gồm những loài chim nhỏ, từ xa nhìn trông giống sẻ nên có thể bị ngộ nhận với sẻ đồng, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy mỏ dầy hơn và thường có màu chì. Thường bị bắt để bán làm chim phóng sinh.

Di cam có thân dài 11 cm, có điểm đặc biệt so với các loài di khác là khoảnh lông trắng gần phao câu. Không thể phân biệt trống mái. Chim trưởng thành: Lưng từ nâu sáng đến nâu tối (đôi khi gần như đen) có vạch nhỏ, hông trắng, đuôi đen, ngực màu nâu có vân mờ. Chim non: Nhạt màu hơn, hông không hoàn toàn trắng.

Loài định cư phổ biến toàn cõi Việt Nam. Luôn đi theo đàn.

Sống ở gần nguồn nước nơi có cây bụi thứ sinh, đồng cỏ, vùng trồng trọt và những chỗ trống trải khác, có thể gặp lên đến độ cao khoảng 1.800 mét. Tìm ăn tảo xanh xoắn Spirogyra trong ruộn lúa để lấy chất đạm.

Di cam làm tổ bằng những cọng cỏ bện lại một cách lộn xộn trên cây, bụi rậm gần nguồn nước, rồi đẻ 3-8 trứng. Cũng thường dùng tổ của rồng rộc đã bỏ trống. Tổ rồng rộc khang trang và an toàn hơn hẳn!

Hình ảnh và tiếng kêu:https://www.birdwatchingvietnam.net/bird/white-rumped-munia-286

Loài điểu học: rồng rộc – Baya weaver (Ploceus philippinus)

Nguyễn Cử et al. (2000) chỉ trình bày một loài rồng rộc ở Việt Nam, mang tên đơn giản theo dân gian là rồng rộc.

Rồng rộc hoặc dòng dọc thuộc Họ Rồng rộc (Ploceidae) gồm các loài chim nhỏ có hình thái tương tự chim sẻ, ăn hạt với mỏ hình nón thuôn tròn. Các loài rồng rộc có kỹ năng làm tổ cầu kỳ phức tạp, có lẽ là phức tạp nhất trong các loại tổ chim, cho thấy sự khéo léo cao độ.

Vì phải ủ ấm và bảo vệ trứng chống mưa gió, cú vọ, rắn rết… nên tổ rồng rộc trông như những chiếc túi hình chuông, bên hông phình ra, nối liền với một cái ống tròn, dài khoảng 10-30 cm, hướng xuống phía mặt đất tạo cửa ra vào. Tổ của rồng rộc có phần hình ống kéo thẳng xuống dưới khá dài, là đặc điểm khác với tổ của các loài rồng rộc khác. Tổ thường được treo dưới những cành cây mảnh của sao, bần, gừa, đa, sộp, tràm hoặc các bụi cỏ voi. Tổ làm thành tập đoàn: một cây có thể có nhiều tổ.

Rồng rộc có thân dài 15 cm. Trông tương tự sẻ thường, nhưng bộ lông có sọc đậm, mỏ khỏe, cơ thể nói chung có màu nâu-vàng. Chim trống có mặt nạ màu đen, đỉnh đầu và ngực vàng tươi. Chim mái: màu nhạt hơn.

Sống quanh đồng ruộng, vùng trồng trọt và cây bụi. Thường ngủ tập đoàn trong các bãi lau sậy. Thức ăn là các hạt, kể cả lúa giống do con người gieo trồng (nên thường bị xem là loài phá hoại), cũng ăn côn trùng, ếch nhỏ và loài nhuyễn thể.

Loài định cư và kiếm ăn theo đàn, khi xưa phổ biến nhiều nơi ở đồng bằng Bắc Bộ, và từ Trung Trung Bộ đến Nam Bộ. Hiện nay chỉ còn thưa thớt, do quá trình đô thị hóa, mất môi trường sống, và săn bắt hàng loạt.

Di đá

Truyện ngắn

Chim chích lạc rừng – Tô Hoài

Ít lâu nay, có một loài lạ lạc vào vườn. Anh chim sẻ xưa nay vẫn to hó đứng trong đầu nhà, kêu tẹc tẹc không được điềm tĩnh và đều đặn như mọi khi. Ra vẻ thảng thốt. Như thể lo rằng có những kẻ lạ nào đương dò dẫm, tìm kiếm nơi ăn chốn ở trong vườn nhà mình.

Quả đúng như nỗi lo của sẻ.

Có hai con chim ri đá, mấy bữa rày thường lai vãng đến vườn. Chúng nhấm nhoắt chuyền từ cây bưởi sang cây khế, đến cành hồng bì. Sẻ ta đứng băn khoăn trên nóc đầu hồi, nhớn nhác nhìn, ra điệu ghét lắm.

Loài điểu học: di đá – scaly-breasted munia, spotted munia (Lonchura punctulata)

Tên “ri đá” là biến thể của “di đá”, thuộc Họ Di (Estrildidae).

Thân dài 11-12 cm. Chim trưởng thành: đặc điểm để phân biệt là ngực và bụng màu trắng có hoa văn giống vảy cá đúng theo tên tiếng Anh, mầu nâu. Đầu từ nâu sạm đến đen, lưng từ nâu-cam đến nâu cà phê sữa. Trống mái giống nhau. Chim non: Nâu trơn, không có vảy.

Có khoảng 11 phân loài có kích thước và màu lông khác nhau đôi chút.

Loài định cư phổ biến khắp các vùng. Có thể gặp lên tới độ cao gần 1.700 mét. Di chuyển theo đàn đông, kêu liên tục khi bay ‘piu piu’ lặp đi lặp lại, thỉnh thoảng có lẫn loài di khác vào đàn. Trong khi bay có thể vẫy đuôi và cánh theo chiều dọc hoặc theo chiều ngang, có lẽ để thông tin cho nhau.

Sống ở khắp các vùng cây bụi, nơi trồng trọt và đồng ruộng, kiếm ăn ở bãi cỏ. Các đôi trong đàn làm tổ kế cận nhau, thưởng rỉa lông cho nhau. Di đá rất dạn dĩ và cũng thích sống gần con người như chim sẻ.

Diều

Thành ngữ

Lên như diều / Như diều gặp gió

Truyện ngắn

Tháng chạp chim về – Sơn Nam

Lông chim bán cho ghe buôn từ Hải Nam đến. Họ mua về để kết quạt. Giá thị trường như sau:

– Lông bồ nông một bó một quan.– Lông thằng bè, già sói thì hai quan mỗi bó.

Mỡ chim thì đem về nấu dầu như trên kia đã nói. Thịt chim đem xào sả nghệ, nước cốt dừa ăn cũng ngon ngon. Nhưng ai mà ăn cho hết? Có thể muối phơi khô. Thời bấy giờ, không ai cần làm chuyện đó. Họ thảy bỏ xác chim dưới sông cho diều, cho quạ…

Bà cụ Cần và bầy chim sẻ – Ma Văn Kháng

Bà cụ Cần, một người đàn bà nhà quê, tính tình hóm hỉnh, thực tình chỉ quan tâm đến con quạ, gã lang thang ranh mãnh, chuyên ăn trộm trứng gà; và sau nữa là con diều hâu, tên biệt kích mặc áo nâu, cao thủ trong nghề bay liệng, chuyện bắt cóc gà con. Diều hâu mày lượn cho tròn. Đến mai ta gả gà con cho mày.

Bảy ngày ngà ngọc – Hoàng Lan Chi

Nàng nhìn quanh. Bao giờ những vuông lúa dợn sóng, những cánh cò bay lả, những cánh diều vi vu… đều làm nàng yêu thích.

Bí ẩn của tình yêu – Phan Cao Toại

Nàng chịu khó tảo tần. Rồi đến lúc nước nhà mở cửa, nàng phất lên như diều gặp gió.

Nước cờ tình – Phan Cao Toại

Dân ghiền đá gà trong huyện nghe nói có trận đá gà rất lạ liền đổ về tiệm thuốc Lê Hữu Phúc nườm nượp. Vòng trong vòng ngoài. Không ai dám đặt cược vì họ tin phần thắng sẽ thuộc về con Ác Điểu của cô Hòa. Nó vạm vỡ đứng trong chiếc lồng tre, vươn cánh ra hai bên đi thủng thẳng từng bước trông thật oai vệ. Chiếc mỏ khoằm như mỏ diều hâu.

Mối tình năm cũ – Nguyễn Ngọc Tư

Tối sau Trần Hưng rủ thêm vài người tới nhà dì Thấm, anh không quên xách theo chai rượu với mớ khô cá kèo mua đằng đầu xóm. Anh nghĩ con người này không dễ thuyết phục đâu, đem rượu lại coi có mở lòng ổng ra được không. Nhưng anh lầm, càng uống ông Mười càng im lặng. Nhậu đã đời, cả đám cà xình cà xang về chỗ trụ sở ấp văn hóa mà không nói được gì hết, không thể nói. Trần Hưng nằm ngẫm nghĩ, thấy vừa rồi mình giống như con diều hâu ngồi nhậu với một con gà trống đang xù lông thủ thế bảo vệ vợ con nó.

Thõng tay vào chợ – Bạch Lê Quang

Phố thị là đất hứa nhưng cũng là đất hiểm. Mật nhiều mà ruồi cũng không ít. Buổi ấy hắn phất nhanh như diều gặp nồm nam.

Loài điểu học: diều hâu – black kite (Milvus migrans)

Đây là loài trong Họ Ưng (Accipitridae) có phân bố rộng nhất trên thế giới nhờ tính thích ứng cao, vừa săn mồi sống vừa ăn thịt thú chết. Khi văn học–nghệ thuật chỉ đề cập đến tên “diều” thì rất có thể đó là loài diều hâu.

Thân dài trung bình 60 cm. Lưng nâu sậm, đầu và cổ nâu nhạt hơn, bụng nâu-xám có vệt trắng nhạt hay hung, chót đuôi hơi xẻ hoặc thẳng ngang, chân vàng nhạt. Trống mái giống nhau; trống hơi dài hơn. Khi bay thấy sải cánh dài có góc cạnh, đuôi gập và xoắn lại trông như một bánh lái. Chim non: lưng nâu nhạt hơn, chân lục nhạt, có các sọc màu nâu sẫm chạy dọc.

Mỗi ngày thường bay nhiều giờ, bay nhẹ nhàng và lơ lửng ở trên không, nương theo luồng khí nóng tỏa lên từ mặt đất để lướt và bay vút lên cao thành từng vòng.

Thường gặp tụ tập theo đàn, cũng làm tổ gần nhau theo đàn. Tìm kiếm mồi trên mặt đất. (Ngày tôi còn nhỏ, thường nghe chuyện diều hâu đáp xuống bắt gà con ở quê nhà Vĩnh Long; trông lên trời luôn thấy một vài con diều hâu bay lượn từng vòng.)

Đẻ 2, 3 trứng, nở sau 30-34 ngày. Chim non lớn thường cắn mổ chim non nhỏ có khi đến chết, nhưng diều cha mẹ thường mớm mồi nhiều hơn cho chim non nhỏ. Đây là đặc tính khác với nhiều loài chim ăn thịt khác: chỉ mớm mồi theo ngẫu nhiên và chim non mạnh hơn thường chiếm nhiều thức ăn hơn.

Loài định cư phổ biến toàn cõi Việt Nam.

Sinh cảnh sống: Vùng ven biển, sông, bến cảng, đồng ruộng, làng mạc và thành phố.

Diệc

Ký sự

Địa ngục của chim trời – Vũ Mừng

… ở đây còn có cả giống diệc mỏ vàng, lông bạc lấp lánh, sải cánh dài tới hàng mét, được kẻ bán trưng ra ngay trước những sạp hàng… Hai chân bị buộc cứng, từng đôi diệc hoảng loạn vỗ cánh liên hồi. Đây cũng là cách mà kẻ bán dùng để thu hút mời chào khách qua đường.

Loài điểu học: diệc xám – grey heron (Ardea cinerea)

Theo mô tả và hình ảnh, “diệc mỏ vàng” là diệc xám, thuộc Họ Diệc (Ardeidae), cao 90-110 cm, cân nặng 1–2 kg. Bộ lông màu xám nhạt dễ nhận biết, gáy có lông dài, trước cổ có vân đen và trắng. Chim non: màu xám đậm hơn, ít họa tiết hơn, và không có mào lông. Đừng nhầm với loài mà dân gian gọi là “cò xám”, vốn là cò bợ.

Diệc xám là loài diệc phổ biến nhất ở Việt Nam, định cư ở khắp vùng đồng bằng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Bộ, Sống ở hồ, đầm lầy, sông, rừng ngập mặn, rừng tràm, đồng lúa, cửa sông, các vùng đất ngập nước khác.

Làm tổ theo đàn gần nhau trong tán cây cao. Đẻ 3-5 trứng mầu lục nhạt pha lam. Cả chim bố mẹ đều ấp trứng và mớm mồi cho con.

Diệc lửa

Ký sự

Thú vị vườn chim Tư Sự – Băng Thanh

Anh Ân gắn bó với vườn đã hơn 10 năm, anh thông tin, hiện vườn có hơn 3 ha với gần 20 loài: cò, vạc, còng cọc, bạc má, diệc lửa, diệc xám, điên điển… Chúng sinh sản theo mùa, anh theo đó làm công tác thuần dưỡng con con, kể cả việc chăm sóc khi các con chim non yếu sức, bổ sung nguồn thức ăn, nước sạch, dẫn dụ những loài khác.

Loài điểu học: diệc lửa – purple heron (Ardea purpurea)

Thân hình cao 80-95 cm, vì thanh mảnh nên chỉ nặng 0,5-1,35 kg. Vóc dáng tương tự diệc xám nhưng luôn có màu tối hơn và gầy hơn. Thân hình lêu khêu vì cổ rất dài so với thân.

Khi bay, cổ vặn quá mức đến nỗi bị cong lại, bàn chân duỗi dài hơn. Bộ lông phổ biến có màu nâu hung nhạt, cổ nhỏ như con rắn (khi đậu thường thấy cổ nhô cao trên các bãi đước). Chim non toàn thân màu nâu sẫm hơn, không có mào lông và sọc viền trên cổ.

Loài định cư và di cư, tương đối phổ biến toàn cõi Việt Nam. Đi ăn một mình.

Sinh cảnh sống: Vùng đầm lầy, hồ, rừng tràm, rừng ngập mặn và cánh đồng lúa. Gặp làm tổ ở rừng tràm U Minh Thượng, Kiên Giang, và rừng tràm Trà Sư, An Giang.

Làm tổ bằng thân lau sậy và nhánh cây gỗ gần bờ nước. Đẻ trên dưới 5 trứng màu lam nhạt. Cả chim trống và chim mái đều ấp trứng.

Dù dì

Bút ký

Chim đêm – Tường Linh

To nhất trong mấy loại chim ăn đêm là dủ dỉ. Nó to hơn một con gà mái đẻ. Ban ngày, phần lớn dủ dỉ ẩn trong núi có cây cao. Thỉnh thoảng, người ta cũng thấy một vài con ngủ ngày trên vòm cao chót vót của cây cổ thụ gần bìa rừng hay nơi xa xóm làng. Nó đi kiếm ăn rất khuya, thường là vào khoảng hai, ba giờ sáng. Nơi nào dủ dỉ xuất hiện, người còn thức biết ngay vì nó kêu liên tục, tiếng kêu trầm, vang xa. Nó thường tìm những đám phân trâu trên đường đi của trâu bò để xơi các con dòi trong đó. Lắm khi nó vào tận chuồng trâu để kiếm ăn.

Truyện ngắn

Trên đỉnh non Tản – Nguyễn Tuân

Chim thủ thỉ thù thì đi gần mãi lại nhau. Chả còn mấy nỗi nữa, đêm sẽ tan canh. Bởi vì tiếng kêu con chim thủ thỉ đực đã gần mãi lại chỗ có tiếng trả lời của con chim thủ thỉ cái.

Loài điểu học: dù dì phương Đông – brown fish owl (Ketupa zeylonensis)

Dựa theo tiếng kêu, các tên “dủ dỉ”, “thủ thỉ” và “thù thì” là cách gọi biến thế của dù dì, thuộc Họ Cú mèo (Strigidae).

Chim trưởng thành: 53 cm. Nhìn chung bộ lông xám phớt nâu hoặc nâu phớt xám với nhiều vệt đen hẹp dọc cơ thể và ở phía trên. Đầu dẹp, hai bên có cánh nằm ngang. Mắt từ vàng đến vàng-cam. Mỏ xám. Chân xám. Chim non: có màu nâu-cam nhiều hơn, các vạch nhỏ và mờ hơn.

Sống định cư ở các vùng rừng núi và đồng bằng. Thường gặp ở lùm cây rậm ven suối, ao, hồ, đầm lầy và các thủy vực nước tĩnh khác để tìm thức ăn chính là cá, ếch nhái và cua. Sống thành đôi. Thường làm tổ ở kẽ đá, hốc cây, đẻ 1, 2 trứng.

Phân bố ở một ít nơi từ Bắc Bộ đến Đông Nam Bộ, nhưng số lượng ngày càng ít do nguồn thức ăn ngày càng nghèo kiệt, nhiều thủy vực bị khô cạn, ô nhiễm, rừng bị chặt phá nên số lượng bị giảm sút.

Đây là loài động vật quý hiếm, được liệt kê vào Sách đỏ Việt Nam để bảo tồn.

Tiếng kêu đa dạng: từng tiếng hoặc chói tai hoặc trầm gồm 2, 3 âm ‘hu hù’ hoặc ‘hù hú hu’ hoặc ‘hù huýt’:https://www.xeno-canto.org/species/Ketupa-zeylonensis

Xem tiếp Tập 2:https://tamdiepblog.wordpress.com/2024/01/17/chim-trong-van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-bai-2-trong-2/

Share this:

Twitter

Facebook

Like this:

Like

Loading…

Related