Xu Hướng 5/2024 # “Tài Tình” Thú Chơi Chim Cảnh # Top 4 Yêu Thích

“Nghề” chơi cũng lắm công phu

Mặc dù thú chơi này đã có từ rất lâu nhưng khoảng hơn 1 năm trở lại đây, giới chơi chim Ninh Thuận mới quy tụ và chơi theo phong trào. Chim được chọn nuôi cảnh khá đa dạng, phổ biến là chích chòe lửa, sáo, họa mi, cu gáy,… nhưng nhiều nhất vẫn là chào mào. Anh Nguyễn Trần Lâm (Tp.Phan Rang – Tháp Chàm), một trong những người nuôi có nhiều kinh nghiệm, cho biết: Chơi chim chào mào chủ yếu là chơi tiếng hót của chim. Nghe giọng hót, người sành sỏi có thể đoán được xuất xứ của chim. Cũng giống con người, chim ở mỗi địa phương có chất giọng khác nhau. Hiện tại, chào mào ở Huế có giọng hót được nhiều người ưa thích nhất, trầm ấm và tròn. Không giống với những loại chim khác, giọng của chào mào ít bị thay đổi, hầu như giữ nguyên bản chất, làm nên nét đặc sắc của mỗi con chim.

Chơi chim cảnh đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn.

Anh Lâm cũng là người đã “nuôi đẻ” thành công chim chào mào tại nhà. Anh đã tự mày mò, nghiên cứu, lựa chọn con bố và con mẹ để phối giống và cho ra đời 5 thế hệ chào mào con (12 con) có chất giọng đặc biệt của chim bố mẹ. Đây được xem là một “kỳ tích” trong giới chơi chim cảnh.

Chơi chim đòi hỏi tính kiên nhẫn cao. Anh Nguyễn Huy Đạt (Phước Thuận – Ninh Phước) giải thích: Chim mới mua về thường nhút nhát, việc thuần hóa phải làm từng bước, không được nóng vội. Ban đầu phải mặc áo lồng cho chim không bỡ ngỡ với môi trường, thời tiết và tiếng ồn xung quanh. Đến khi cảm thấy chim hơi quen quen rồi thì mới tiến hành các bước tiếp theo để thuần và rèn tiếng hót. Một khi làm cho chim hoảng sợ thì sẽ không bao giờ thuần được nữa.

Buổi sáng trong lành ở con hẻm nhỏ trên đường Trần Nhân Tôn (phường Thanh Sơn, chúng tôi Rang-Tháp Chàm), nắng lấp lánh chiếu qua những tán cây vú sữa đang lúc trĩu quả. Người ngồi uống cà phê trong quán ít khi nói chuyện với nhau, hoặc nói năng rất nhẹ nhàng. Tai họ còn đang lắng nghe âm thanh trong trẻo, huyền diệu từ những chú chim chào mào có cái “mũ miện” như bậc đế vương. Dân gian có câu: “Nuôi chim dưỡng trí, nuôi cây dưỡng đức, nuôi cá dưỡng thần”

Ở các cuộc thi chim, Ban giám khảo sẽ đánh giá chất lượng chim và chất giọng, chia thành nhiều vòng khác nhau. Những tiêu chí đánh giá chim gồm có: Thái độ thi (chim nếu mắc các tật xấu như: lộn cầu, hót giọng mái, xù lông, tắm,… thì sẽ bị loại); độ bền và chất giọng hót; phong cách trình diễn (bung cánh, sàn cầu, sổ giọng,…). Mặc dù việc đánh giá chim hay dở mang tính tương đối và có phần chủ quan của giám khảo nhưng ban tổ chức các hội thi luôn cố gắng tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình làm việc của ban giám khảo cũng như dư luận từ phía những người tham gia.

Chi phí cho thú chơi này cũng tùy theo điều kiện của mỗi người. Chim rừng chưa được thuần có giá từ 80.000 – 150.000 đồng/con. Nếu vào các vựa chim mua thì giá có nhỉnh hơn vài chục nghìn. Tuy nhiên, với những con chim đã được thuần, dạn dĩ, tiếng hót hay, phong cách đẹp thì giá cả có thể lên đến vài triệu, thậm chí vài chục triệu đồng một con. Lồng chim cũng có nhiều mức giá khác nhau, từ vài chục nghìn đến vài chục triệu đồng. Tại tỉnh ta, chiếc lồng có giá cao nhất hiện tại là khoảng 7 đến 8 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí cho thức ăn chỉ vài ba chục nghìn đồng mỗi tháng và thời gian chăm sóc, yêu thích thì tùy vào mức độ đam mê của mỗi người.

Chung niềm đam mê

Trong giới chơi chim cảnh ở Ninh Thuận, cái tên Bảy Lâu đã trở nên quen thuộc với mọi người. Anh là Trần Văn Thuận (phường Thanh Sơn, chúng tôi Rang – Tháp Chàm), chủ trường chim Bảy Lâu, một địa điểm tụ hội giới chơi chào mào của tỉnh nhà. Tuổi đời mới chỉ hơn 30 và bắt đầu chơi chim cảnh từ 2 năm trở lại đây, anh Bảy có thể được xem là một trong những người “non” tuổi chơi. Thế nhưng, chính anh là người tiên phong đứng ra tổ chức những hội thi chim chào mào đầu tiên ở Ninh Thuận. Anh cho biết: Lúc mới chơi tôi cũng thấy hơi chán, nhưng sau đó, qua tìm hiểu trên các trang mạng điện tử, tôi thấy ở những địa phương khác, họ tổ chức thành hội với các cuộc thi khá rầm rộ, sôi nổi, thu hút cả nghìn lồng chim tham gia. Thế là tôi mày mò học hỏi anh em các nơi, tham gia những hội thi, giao lưu với các tỉnh bạn, và quyết định phải mở một trường chim để anh em ở Ninh Thuận mình cũng có sân chơi, trao đổi học hỏi kinh nghiệm với nhau. Chính từ đây, niềm đam mê chim chào mào mới được quy tụ lại và ngày càng phát triển.

Chích chòe lửa có tiếng hót đẹp thu hút đông đảo dân chơi chim. Ảnh: Văn Miên

Hầu như sáng nào, quán cà phê – trường chim Bảy Lâu cũng có trên dưới 20 chiếc lồng treo ở khoảng sân trống trước những dãy bàn ghế đông đúc người ngồi. Vào các ngày cuối tuần thì số lượng có thể tăng lên gấp đôi. Đối tượng chơi khá đa dạng. Đa số là những người trung niên, có công việc kinh doanh tự do. Giới công chức, công an, quân đội,… đam mê thú chơi này cũng không ít. Ngoài ra, cũng có cả những em học sinh cấp 2, cấp 3 tham gia. Anh Thuận cho biết: Những người làm việc theo giờ hành chính và học sinh thì thường đến đây vào các ngày nghỉ cuối tuần. Chúng tôi luôn sắp xếp tổ chức các hội thi vào ngày Chủ nhật, để đảm bảo những người đam mê đều có cơ hội trao đổi kinh nghiệm với nhau mà không ảnh hưởng nhiều đến công việc, học tập và gia đình. Để tạo uy tín cho trường chim cũng như các hội thi, câu lạc bộ, chúng tôi luôn tránh các hoạt động cá cược, ăn thua. Người chơi chim chủ yếu vì đam mê tiếng hót của chim, tính tình cũng thường hòa nhã, trầm lắng, nên việc tham gia các hội thi chim cũng là để tôn thêm cho thú chơi của mình.

Tuy chỉ mới phát triển thành phong trào chưa lâu nhưng các hội thi đã thu hút khá đông người tham gia, với hàng trăm chiếc lồng chim. Có những người chơi chim đã 30, 40 năm nhưng không có sân chơi để cùng chia sẻ niềm đam mê. Đó là lý do vì sao anh Lê Cư (thị trấn Khánh Hải – Ninh Hải) xúc động đến rơi nước mắt khi được nhận giải Nhì tại Hội thi tiếng hót chim chào mào tổ chức tại huyện Ninh Sơn vào ngày 9-2 vừa rồi. Niềm vui như vẫn còn thường trực trên gương mặt, anh Cư chia sẻ: Tôi chơi chim chào mào từ khá lâu rồi, đến giờ mới được tham gia một hội thi, mà con chim mình nuôi lại đoạt giải cao, không vui mừng, không xúc động sao được!”

Có lẽ vì thế mà thú chơi chim ngày càng thu hút được nhiều người, và với họ, việc sở hữu một “danh ca” cũng là chứng tỏ tài năng của bản thân mình trong thú vui rất tao nhã này.

Bảo Bình