Thịnh Hành 5/2024 # Gian Nan Nghề Khai Thác Yến Sào Cù Lao Chàm # Top 8 Yêu Thích

Cù Lao Chàm được thiên nhiên ban tặng trăm ngàn của ngon vật lạ, trong đó yến sào là một loại thực phẩm cao cấp, vừa là dược liệu quý được xem là “vàng trắng” của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Để có sản phẩm quý này, những người thợ khai thác yến sào Cù Lao Chàm đã phải lao động nhọc nhằn và luôn đối mặt với hiểm nguy.

Truyền thuyết Cù Lao Chàm kể loài chim này hoá thân từ nàng Yến, một cô gái làng biển sống với cha mẹ già, bỗng gặp cơn hồng thuỷ cuốn trôi làng mạc, chỉ gia đình nàng sống sót trôi dạt vào đảo nhỏ, cha mẹ nàng đều ngất đi vì đói khát, kiệt sức. Để cứu cha mẹ, nàng lê đi khắp đảo tìm thức ăn, nước uống nhưng chỉ gặp toàn đá. Rốt cuộc, nàng chỉ tìm thấy một lát khoai khô nhỏ nằm mắc kẹt trong khe đá, bèn đem về mớm cho cha mẹ, cùng với cả nước bọt của nàng. Cứu được cha mẹ thì nàng kiệt sức chết. Mấy năm sau trên đảo xuất hiện 1 loài chim nhỏ cứ bay quanh quẩn bên ngôi mộ của người con gái hiếu thảo, đó là chim yến.

Nghề khai thác tổ chim yến trong các hang đảo ở Cù Lao Chàm (Hội An) đã có từ rất lâu. Dưới thời nhà Nguyễn, nghề khai thác yến sào của làng Thanh Châu có những đóng góp to lớn trong giao thương kinh tế của xứ Quảng, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền ở vùng biển đảo Việt Nam.

Giữa mùa xuân khi chim yến làm tổ xong cũng là lúc bắt đầu vào mùa khai thác tổ yến. Yến làm tổ theo một cách rất độc đáo: yến nhả nước bọt thành những dãi trắng lên những vách đá cheo leo của các hang động trên đảo. Dãi yến mới nhả ra có màu trắng phớt hồng, gặp gió quánh lại, chuyển thành màu trắng đục rông tựa vành tai ngoài (nên người ta thường gọi là tai yến).

Tổ yến có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, chiếm từ 36-52% protein và là một nguồn dược liệu rất quý. Tổ yến giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, bổ khí huyết, tráng dương, ổn định thần kinh, chống lão hoá, làm đẹp nước da và có thể ngăn ngừa, thậm chí chữa được nhiều loại bệnh nan y như lao phổi, hen suyễn, viêm xương…Chính vì vậy, yến sào là loại hàng hoá hiếm quý, đắt giá trên thị trường từ xưa đến nay.

Có giai thoại nói rằng người đầu tiên phát hiện ra yến sào ở Cù Lao Chàm là vợ chồng ông lão ngư dân người làng Thanh Châu (theo dân gian, đó là vợ chồng ông Trần Tiến, hiện còn miếu thờ tại thôn Thanh Đông – xã Cẩm Thanh, dân gian gọi là miếu Ông Tiến – ông Tổ nghề yến) đi đánh cá bị bão đánh dạt ra Cù Lao Chàm. Bị kẹt lại nhiều ngày, hết lương thực ông bèn bứt lấy tổ yến để ăn. Ăn xong thấy người khỏe hẳn ra và đủ sức để về đất liền. Khi về đất liền vợ chồng ông kể lại cho dân làng nghe, từ đó nghề khai thác yến sào ở làng Thanh Châu đã ra đời.

Vào thời nhà Nguyễn (từ đời vua Gia Long) đã thành lập “Thanh Châu yến đội”, sau này đổi thành “Thanh Châu yến hộ” giao cho dân làng Thanh Châu (Hội An) khai thác yến sào ở vùng đảo Cù lao Chàm và nộp thuế hàng năm cho nhà nước. Sau này, mở rộng vào các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa. Song, yến sào Cù Lao Chàm được đánh giá là quý hơn và giá cả cao chính là vì yến nấu không nát, tổ to, dày và hàm lượng dinh dưỡng siêu việt.

Ở Cù Lao Chàm có 4 hang chim yến chọn là nơi tụ họp về làm tổ. Đó là hang Khô, hang Tò Vò, hang Tai và hang Cả. Mùa khai thác yến sào Cù Lao Chàm thường được tổ chức hai đợt vào tháng 4 và tháng 8 trong năm.

Loài chim yến thường bám vào vách đá bên trong hang khá cheo leo, hiểm trở để làm tổ, đẻ trứng nhằm tránh sóng biển, gió lùa. Vì vậy, để khai thác, đội thợ phải dựng một giàn tre phía trong hang sâu. Diện tích nhỏ hẹp, nhiều ngóc ngách, thợ khai thác yến vừa phải dùng sức lực, vừa phải quan sát, dự tính chiều dài từng cây tre để tạo kích thước phù hợp cho toàn bộ khung giàn.

Những cây tre già, cứng cáp được những người thợ nâng bổng, đưa vào hang. Tre đưa lên tới đâu, anh em phối hợp ráp nối, cột chặt giàn tới đó. Ở nhiều vị trí, người làm giàn phải đu mình một cách khéo léo và mạo hiểm, bám vào các thân tre khác hoặc luồn lách, áp sát người vào vách đá mới có thể buộc giàn… Sau nửa ngày lao động cật lực, bộ khung giàn đặc biệt được hình thành. Những người thợ khai thác yến sẽ men theo giàn thang ấy để gỡ tổ. Vì vậy, việc làm một giàn thang đúng kỹ thuật luôn là yêu cầu cao nhất trong quy trình khai thác.

Những người khai thác yến leo trên dàn giáo này để gỡ tổ yến bằng tay, hạn chế dùng sào để tránh làm tổ yến bể (vỡ), giảm phẩm cấp. Đối với những tổ yến khó gỡ, người thợ phải phun nước vào vách đá, dùng nỉa bóc gỡ. Ở các địa điểm không thể tiếp cận bằng giàn thang, người thợ phải dùng sào dài, gắn với các dụng cụ cần thiết để chọc vớt. Tại nhiều hang nhỏ hẹp, đường vào không thuận lợi, thợ khai thác phải dùng dây thừng làm ròng rọc hoặc bắc thang bên sườn núi mới có thể vào bên trong. Những hang yến này thường thiếu ánh sáng và rất trơn trượt, ẩm ướt do phân chim và rêu bám phủ, đáy hang sâu hoắm, có nhiều ghềnh đá. Chỉ cần sơ sẩy một chút, tính mạng người thợ sẽ gặp nguy hiểm. Mỗi đợt khai thác chỉ kéo dài từ 7 đến 10 ngày, mỗi hang chỉ khai thác chứng vài ngày là hết. Sau hai mùa khai thác, người thợ ở đảo canh giữ, bảo vệ hang yến, kể cả khi mưa gió, giá rét hoặc lễ, tết, đề phòng kẻ xấu xâm nhập trộm cắp, dẫn dụ hoặc phá hoại đàn yến.

Tổ yến sau khi khai thác, mang về làm sạch bằng cách lấy dao nhọn hoặc nhíp nhặt hết lông, phân chim, rêu và bùn đất. Phải hàng hai chục công nhân làm trong vài ngày. Sau đó phân thành các hạng căn cứ theo kích thước màu sắc, khối lượng gồm: Yến huyết, yến thiên, yến quang, yến bài, yến địa, yến vụn.

Những năm qua, chính quyền và người dân Cù Lao Chàm – Hội An còn tìm tòi, cải tiến các điều kiện sinh tồn của chim, thay đổi cách thức chăm sóc, khai thác để bảo vệ, phát triển đàn yến.

Hằng năm vào mùng 10.3 âm lịch tại Miếu Tổ Nghề Yến ở Bãi Hương, người dân xứ đảo và những người khai thác yến sào khắp nơi tụ hội mang theo lễ vật thành kính dâng hương tổ nghề. Qua đó còn mong muốn thế hệ sau ghi nhớ công đức của bậc tiền nhân sáng tạo ra nghề, biết gìn giữ và đưa nghề yến ngày một phát triển.