Phổ Biến 4/2024 # Hành Xác Ở Đảo Cát Bà # Top 7 Yêu Thích

Hải Phòng có nét cổ kính!

Trước đây, tôi cũng không ấn tượng mấy về Hải Phòng, chỉ nghĩ đến nó như một thành phố cảng đông đúc, và những tay anh chị. Chiều đó, sau khi nghỉ trưa ở Hải Dương, tôi và anh bạn đồng hành người Mỹ gốc Việt tên Eddie lên đường đi Hải Phòng, với địa điểm được xác định là đảo Cát Bà. Mất khoảng hơn một tiếng thì bọn tôi hòa vào sự nhộn nhịp của thành phố Hải Phòng. Hiện ra trước mắt tôi lúc này là nhiều những ngôi nhà màu vàng sẫm, có những mảng rong rêu xanh đậm bám trên đó, kiến trúc kiểu cũ của thời Pháp. Rồi thì những tòa nhà to, cũng kiểu Pháp bằng đá. Tôi thấy thích Tp. Hải Phòng ngay lúc đó, bởi chính cái nét cổ kính bên trong nó, điều mà tôi chưa từng biết, cũng như chưa từng nghĩ tới trước đây. Lòng vòng một hồi trong nội đô, bọn tôi rẽ ra con đường lớn bụi tung mù đường, sánh đôi với những chiếc xe ben, xe container kềnh càng trên con đường đã bị cày nát, lồi lõm… Tới cảng Đình Vũ thì cũng vừa kịp lúc chuyến phà cuối cùng đang chuẩn bị rời bến với đầy ắp người và hàng trên đó. Chỉ kịp mua vé cho hai người, và chiếc xe đành bỏ lại ở cảng. Bọn tôi lên phà, kiếm một chỗ ngồi chen chúc trong đoàn khách. Khói đen được nhả ra từ cái ống bô đen kịt, mùi dầu máy sộc lên mũi làm tôi cảm thấy ớn ớn trong người, như lúc tôi đang viết tới những dòng này, cái cảm giác ớn ớn đó vẫn hiện về.

Nói về cái tên của đảo Cát Bà

Cát Bà, còn gọi là đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất trên tổng số 1.969 đảo trên vịnh Hạ chúng tôi truyền thuyết địa phương thì tên Cát Bà còn được đọc tên Các Bà. Vì có một thời các bà, các chị ở đây đứng ra lo việc hậu cần cho các ông đánh giặc trên một hòn đảo lân cận. Đảo có tên là đảo các Ông (Cát Ông). Như vậy, Cát Bà là đọc chệch của các Bà.

Tương truyền xưa kia tên đảo là Các Bà, là hậu phương cho Các Ông theo Thánh Gióng đánh giặc Ân. Ở thị trấn Cát Bà hiện nay có đền Các Bà. Các bản đồ hành chính thời Pháp thuộc (như bản đồ năm 1938) còn ghi là Các Bà. Như vậy có lẽ tên gọi Các Bà đã bị đọc trệch thành Cát Bà.

Theo Wikipedia

Như vậy, cái tên Cát Bà này có nguồn gốc thú vị nhỉ! Nó làm mình nhớ đến cái tên hòn Chồng ở Nha Trang. Trong số các câu chuyện được nghe, tôi đặc biệt thích câu chuyện này, được nghe từ người dân ở đó. Ban đầu hòn Chồng là đặt tên cho mấy tảng đá to, xếp chồng lên nhau. Nhưng rồi theo thời gian, người ta lại lẫn lộn chữ chồng đó với chữ chồng trong vợ chồng. Rồi người ta lại tìm đặt cho một hòn đá khác là hòn vợ.

Choáng ngợp với thị trấn Cát Bà

Sau khi phà cập bến, bọn tôi lên một chiếc xe bus để đi vào trung tâm thị trấn Cát Bà. Lúc tới trung tâm thì đã tầm 7 rưỡi tối. Nhìn xung quanh, tôi cảm thấy choáng ngợp vì sự sầm uất của nơi đây, tôi chưa từng đi nhiều đảo, và Cát Bà là đảo đầu tiên tôi đi ở khu vực phía Bắc. Tôi chưa từng tượng tưởng được là ở một hòn đảo lại sầm uất thế này, với rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ, cao tầng, quán xá tấp nập, và rất đông những du khách, đa phần là khách Trung Quốc. Đi bộ một đoạn mà nghe tiếng xi xô xi xao râm ran. Tôi và Eddie tìm kiếm cái gì đó để ăn, đi vòng vòng khắp phố chưa biết ăn gì, chúng tôi đi tới được một khu chợ, lượn qua lượn lại rồi cuối cùng thì chọn một quán cơm để ăn. Sau khi ăn no kềnh bụng, tụi tôi đi vào một tiệm tạp hóa để mua nước, bánh, chuẩn bị cho chuyến đi bộ trong đêm.

Mục đích ban đầu của hai đứa tôi là chinh phục đỉnh Ngự Lâm, và sau khi tới thị trấn Cát Bà thì hoàn toàn không thấy có cảm tình gì với nơi này, nên hai đứa quyết định đi bộ từ thị trấn Cát Bà, tới vườn quốc gia Cát Bà, cắm trại ngủ rồi hôm sau leo lên đỉnh Ngự Lâm. Trong màn đêm tối, bọn tôi từ từ đi bộ ra khỏi thị trấn Cát Bà, lúc này đã gần 9 giờ. Ban đầu còn có nhiều nhà cửa 2 bên đường, sau thưa dần, đèn đường héo hắt rọi xuống, nhuốm một màu vàng lên con đường, lên các tán cây, lên các ngôi nhà cũ kỹ. Rồi thì cũng qua khỏi những đoạn có đèn đường, tất cả xung quanh bọn tôi chỉ còn một màu tối đen, xa xa lại có vài ánh đèn hắt ra từ các ngôi nhà. Bọn tôi cứ tiếp tục đi, với ánh sáng từ 2 cái đèn pin đeo trên trán. Ba-lô của tụi tôi lúc này cũng khá nặng, mỗi đứa đeo hơn 10kg, nên những lúc đường lên dốc nhiều một xíu thì đôi chân bọn tôi thêm tội nghiệp. Trong khi đang đi bộ bên đường như vậy, lâu lâu lại có xe của người dân trên đảo chạy tới, từ phía trước hoặc sau, xuất hiện với một chấm sáng nhỏ xíu, rồi dần to thêm và rồi soi rọi cả một đoạn đường, âm thanh xe máy cũng phá bĩnh sự yên tĩnh đang bao vây tụi tôi. Những người dân đảo đó đều nhìn tôi với ánh mắt hơi tò mò, có lẽ vì chẳng mấy khi họ thấy mấy người vác ba lô to tướng đi bộ trong đêm khuya như vậy. Tôi còn nghe được một đôi kia nói với nhau “chắc là Tây…”. Tầm hai tiếng đi bộ, tụi tôi ngồi nghỉ ở một cái lan can bằng Bê-tông bên lề đường, cởi giày ra xoa bóp cho đôi chân tội nghiệp đã gánh chịu sức nặng của toàn bộ cơ thể và cái balo kia. Sau hơn 3 tiếng đi bộ, bọn tôi đã hoàn thành được hơn 10km đường, và chỉ còn cách vườn quốc gia Cát Bà tầm 2km nữa. Bọn tôi tìm bên đường một mặt đất bằng phẳng để cắm trại, thấy một lối mòn nhỏ, bọn tôi rẽ vô, và thấy một nền đất có lẽ phẳng, bị che phủ bởi lớp có, bọn tôi dùng chân dò dẫm xem nền đất thế nào và loại bỏ những hòn đá rồi căng trại.

Lúc này đã là 12h đêm, tôi nằm coi điện thoại một hồi thì Eddie đã ngủ say, tôi cố gắng chìm vào giấc ngủ nhưng không tài nào ngủ sâu được. Tôi thường xuyên bị mất ngủ, mà không ngờ trong lúc rất cần ngủ như thế này, tôi lại không thể thực hiện điều đó một cách dễ dàng… thật tồi tệ. Chỗ chúng tôi đặt trại cách con đường nhựa chừng 15m nên trong đêm, lâu lâu tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng xe chạy qua lại. Và có ánh đèn của một nhóm người đi vào khu vực đặt trại của tụi tôi, rọi đèn quanh lều, nhưng bọn tôi vẫn nằm im, họ nói với nhau gì đó rồi bỏ đi.

Sớm hôm sau tại Vườn Quốc Gia Cát Bà

Vì cũng chả ngủ được mấy nên tôi dậy khá sớm, tầm hơn 6 giờ, tôi bắt đầu đi sâu vô theo cái lối mòn nhỏ để khám phá bên trong, nhưng cũng chẳng có gì đặc biệt, toàn là cây và cây. Duy có một điều làm tôi chú ý nhất đó là trên nền đất có rất nhiều những cái lỗ nhỏ, đất đùn ra xung quanh miệng. Ban đầu tôi nghĩ là dế, nhưng rồi tôi nhận ra không có dế nào mà lại to thế này. Tôi chú ý quan sát kỹ hơn. À ha, có cua bên trong, vừa thoáng thấy tôi, tụi nó đã chut tọt vào trong. Tôi nhanh chóng quay lại lều lấy con dao để đào mấy cái hang lên nhằm kiếm chút thịt cho bữa sáng. Nhưng con dao ngắn và nền đất không đủ mềm, nên tôi chẳng thể đào được tới chỗ bọn cua rút xuống. Tôi dùng một cái cây dài, nhỏ chọt vào sâu bên trong cái lỗ, cho con cua kẹp vào, rồi từ từ lôi nó ra. Nhưng chúng nó khôn hơn tôi tưởng, khi gần tới cửa hang thì tụi nó nhả càng ra và lại chui tít xuống dưới. Bực mình, tôi về lại lều cố tìm kiếm được một mẩu dây để làm thòng lọng, nhưng tìm không ra. Tôi lấy một cái bao nilon, kéo dãn nó ra, rồi một đầu cột chắc vào que gỗ, một đầu tạo thành thòng lọng, rồi hí hửng quay lại gặp những chú cua kia. Tôi chọn một miệng hang to, đưa cây xuống, con cua hiếu chiến đã kẹp trúng thòng lọng, tôi từ từ lôi nó lên, lôi lên gần đến nơi thì “phực”, lủng lẳng trên cái thòng lọng là càng của chú cua kia… Không bỏ cuộc, tôi nhử tiếp lần hai, lần nay tôi tóm được chú bé. Haha. Tưởng chừng như tôi có thể kiếm được đủ một lượng cua lớn cho buổi sáng, nhưng rồi đành phải thất vọng, khi lần lượt thử hết lỗ này tới lỗ khác mà vẫn không bắt thêm được con cua nào vì dụng cụ quá thô sơ. Kiểu như có một cái que được trét keo lên đấy, chắc ngon ăn hơn, hoặc có một đoạn dây cho ra trò để làm thòng lọng…

Tôi hụt hẫng chạy về chỗ trại, thì thấy Eddie đã dọn dẹp tinh tươm, và đang bỏ lều vào balo. Hắn nói với tôi là vừa bị Kiểm Lâm tới hỏi thăm và kêu không được cắm trại ở đây, vì đây là đất của vườn quốc gia, không được tự ý cắm trại. Một trong hai người kiểm lâm đó còn nói với Eddie rằng tội này có thể bị phạt tiền nữa. Nhưng do hắn từ nước ngoài tới, và cũng không biết nên họ tha cho và không quên dặn là không được làm như vậy nữa.

Bọn tôi tiếp tục lên đường, khoác ba lô lên vai, tôi uể oải lê bước, hơn nửa tiếng, bọn tôi tới trước cửa vườn quốc gia, nhưng chưa vào vội. Thấy quán nước ở phía đối diện cổng Vườn, băng qua khỏi con đường, tụi tôi gọi hai ly cafe, và lấy lương khô đã mua từ tối hôm qua ra ăn. Tới phòng bán vé, một có gái dễ thương ngồi bên trong tư vấn cho tôi các chặng đường cũng như giá vé tương ứng. Tôi và Eddie buông vài câu trêu ghẹo cô gái rồi chọn mua tấm vé để leo lên đỉnh Ngự Lâm với giá 40 nghìn đồng (!). Tôi gửi lại một ít đồ ở phòng vé để làm nhẹ balo và sau đó thì bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh Ngự Lâm.

Đường bắt đầu vào núi được trải bằng bê tông hai bên là hai thảm cỏ xanh mướt, và những cây cao. Lâu lâu lại có những dãy nhà cũ kỹ, một vài căn còn nguyên vẹn nhưng đóng cửa kín mít, một vài căn thì đã đổ nát rong rêu. Đường đi không khó để tìm vì có lối mòn và những bảng chỉ dẫn. Có những đoạn đường khá dốc thì bạn sẽ thấy hơn mệt, nhưng nhìn chung không quá khó khăn để lên đỉnh, và cũng không mất quá nhiều thời gian vì quãng đường ngắn.

Một hồi sau thì bọn tôi leo tới đỉnh, là một mô đá nhỏ nhô ra từ trong núi, bọn tôi đứng lên đó chụp hình nhưng cũng cẩn thận chú ý bước chân vì không muốn sơ sảy, trượt ngã và rơi xuống cái cực thăm thẳm kia. Khung cảnh nhìn từ đỉnh núi rất hùng vĩ, vì tứ bề đều là núi, nối tiếp nhau trùng điệp, từ dưới chân bạn đã là núi, và trải dài ra hết tầm mắt vẫn là núi.

Ngắm nhìn chim Ưng…

Sau khi chụp hình, ngắm cảnh xong tụi tôi ngồi bệt xuống, tựa lưng vào những tảng đá để nghỉ. Bỗng Eddie chỉ tay về phía bầu trời và tôi nhìn theo, trước mắt tôi là một chú chim to, nhìn như chim đại bàng, nhưng sau này tôi tìm hiểu lại thì ở vườn Quốc gia Cát Bà chỉ có chim Ưng. Chú chim sải cánh rộng bay lượn trên bầu trời, xung quanh khu vực đỉnh Ngự Lâm nơi bọn tôi đang tròn mắt ngắm nhìn nó. Bỗng chốc nó chao cánh liệng xuống thấp rồi lại bay lên, tôi đoán nó đang tìm mồi (có thể lắm chứ)… Tôi bị mê mẩn với hình ảnh chú chim đó, một sự biểu trưng cho sức mạnh và sự tự do, với đôi cánh của nó, nó có thể bay tới mọi nơi mà nó thích, không có gì ràng buộc nó phải ở yên một chỗ cả. Bọn tôi chăm chú nhìn theo nó, Eddie bảo tôi đừng nói lớn, vì sợ nó nghe thấy sẽ bay đi mất. Một hồi nó vỗ cánh bay đi xa, rồi dần dần mất hút khỏi tầm mắt của bọn tôi. Hai đứa toan đi xuống thì có hai cô gái người Úc vừa leo lên đỉnh, Eddie lém lỉnh bảo tôi ngồi lại, để bắt chuyện với hai cô gái, hắn còn chụp hình dùm cho hai người, nói chuyện trên trời dưới đất đủ kiểu xong bọn tôi đi xuống. Tới đài vọng cảnh cách đỉnh không xa, bọn tôi lên tầng 2, tôi hy vọng có thể đánh một giấc ở đây. Tôi ngả lưng, gối đầu lên ba lô, lấy khăn rằn che ngang mắt. Được một lát thì có vài người khách tới ngắm cảnh, trò chuyện, tôi phải ngồi dậy, rồi càng lúc càng đông người kéo tới… Eddie bảo rằng hắn không nghĩ là tôi có thể ngủ được ở đây đâu. Đúng vậy thật. Bọn tôi ngồi nói chuyện với mấy vị khách mới tới, từ khắp nơi trên thế giới. Sau đó cả hai xuống núi.

Ra khỏi cổng vườn quốc gia, bọn tôi chia tay nhau, tôi ra lại bến Phà về phía Hải Phòng lấy xe về Hà Nội. Còn Eddie tiếp tục đi qua đảo Tuần Châu rồi đến Hạ Long..

Là một người yêu thích du lịch bụi, sẽ cảm thấy khó chịu khi cứ mãi ngồi yên một chỗ. Tôi luôn lang thang bất cứ khi nào có thể. Và tôi viết ra những trải nghiệm của mình. Để ghi nhớ lại những năm tháng của tuổi trẻ.