Khám Phá Thêm Về Chu Kì Làm Tổ Ấp Trứng Của Loài Chim Yến

Thời điểm chúng rời khỏi tổ được ghi nhận là khoảng từ 5h28 - 5h36 sáng và về tổ là khoảng 16h55 - 17h15. Tuy nhiên, đây chỉ là thời gian tính trung bình.

Trên thực tế các thời điểm này sẽ có sự dao động qua các tháng khác nhau và nhân tố chi phối sự dao động này chính là sự thay đổi chu kỳ chiếu sáng cũng như các hoạt động của chim cũng có sự thay đổi vào mùa sinh sản.

Trong mùa sinh sản,thường thì chim yến sẽ rời và về tổ, thời kỳ chim ghép đôi và làm tổ 1 lần/ngày, thời kỳ chim đẻ và ấp trứng thì vào khoảng 2 lần/ngày.

Thời kỳ nuôi và chăm sóc con non thì khoảng 4 - 5 lần/ngày. Chính vì vậy, cách nuôi yến trong nhà phải làm sao xác định được khoảng thời gian phù hợp để mở cửa cho yến vào.

Vào khoảng giữa tháng 1 thì chim bắt đầu xây tổ, đến giữa cuối tháng 3 thì bắt đầu đẻ trứng. Khi làm tổ thì có cả chim yến đực lẫn chim yến cái.

Chúng sẽ cùng nhau ấp và nuôi chim con. Khoảng thời gian này chúng sinh sống khá ổn định bay đi, bay về đúng tổ theo những hướng khá ổn định.

Nhịp độ sinh sản của chim yến phụ thuộc vào phương pháp thu hoạch tổ. Nếu sau khi chim yến làm xong tổ và chuẩn bị đẻ bị lấy tổ không cho chúng ấp nở nuôi con thì chim sẽ lập tức làm tổ lại nên chim nhà có thể cho đẻ nhiều lần trong chu kỳ một năm.

Nếu trong nhà yến để chim tự ấp nở thì trung bình mỗi năm, mỗi cặp chim yến chỉ có thể đẻ khoảng 3 lần. Một chu kỳ sinh sản của chim yến sẽ dao động vào khoảng 3 - 4 tháng, trong đó 1 - 2 tháng là để xây tổ và 2,5 tháng là để ấp nở nuôi con.

Nên nhớ cách nuôi yến trong nhà là làm sao để phục vụ mục đích chim yến làm tổ là để đẻ trứng, ấp và nuôi con, không phải làm tổ để ở nên chim không di cư vào mùa đông.

Cần đảm bảo được những yếu tố cũng như chu kỳ sinh sản của chim để có được những phương pháp và cách thức nuôi thật phù hợp.

Bước vào kỳ sinh sản: đối với chim mới trưởng thành chim đực làm tổ trước và kêu gọi chim mái về làm tổ chung, những cặp đã trải qua sinh sản rồi thì việc làm tổ do cả hai con. Chim yến làm tổ bằng nước dãi của chúng tiết ra từ hai tuyến nước bọt ở dưới lưỡi hai bên má.

Vào thời kỳ sinh sản thì tuyến nước bọt phát triển mạnh phình to ra hai bên má. Khi vào mùa làm tổ, mỗi đôi chim yến chọn cho mình một chỗ thích hợp và cùng nhau xây dựng tổ trên vách đá.

Mục đích làm tổ là để đẻ trứng, sau khi đi kiếm ăn về khoảng 19h nghỉ ngơi một lúc khoảng 30 phút rồi bắt đầu làm tổ.

Chim yến làm nhiều nhất vào lúc 21h00 đêm đến 4h00 sáng hôm sau. Thỉnh thoảng chim yến về lúc giữa trưa và cũng làm tổ vào lúc 11h00 - 13h00, rồi đi kiếm ăn tiếp.

Số lần làm tổ và thời gian làm tổ thì khác nhau qua từng giai đoạn, khi sắp tới thời gian đẻ trứng thì cường độ tăng lên, khoảng 16 lần trong ngày, thời gian một lần quẹt tổ thấp nhất là 30 giây và cao nhất khoảng 6 phút.

Chim thường giao phối trước khi đẻ trứng từ 5 - 8 ngày, sau khi đẻ trứng thứ 2 thì không giao phối nữa. Thời gian giao phối thường vào hai khoảng thời gian là từ 21h - 23h và 1h - 3h sáng.

Một ngày giao phối khoảng 3 - 4 lần, thời gian một lần giao phối khoảng 10 - 15 giây, rất nhanh. Chim làm tổ cho đến khi đẻ trứng thì chúng dừng lại, tuy nhiên thỉnh thoảng chúng vẫn quẹt vào chân tổ để gia cố cho tổ vững chắc.

Thời gian chim làm hoàn thành tổ trung bình khoản 33 ngày (thời gian hoàn thành tổ còn phụ thuộc vào nhu cầu sinh sản của chim yến).

Tổ làm hoàn toàn bằng nước bọt màu trắng hình bán nguyệt, kích thước tổ trung bình để chim đẻ trứng là R = 25mm đến 70mm.

Chim yến thường chỉ đẻ 2 quả trứng màu trắng, kích thước trung bình 21,26 x 13,84 mm, trọng lượng 2,25g, chim thường đẻ trứng vào lúc sáng sớm từ 2h đến 4h sáng.

Thời gian đẻ giữa trứng 1 và trứng 2 khoảng 1 đến 4 ngày. Chim bắt đầu ấp khi đẻ trứng đầu tiên, cả chim trống và chim mái thay phiên nhau ấp trứng và tiếp tục đẻ thêm trứng thứ 2.

Khi ấp thì chỉ một con ấp trứng, con còn lại bay đi kiếm ăn, khi bay về thì ấp thay cho con đang ấp đi kiếm ăn, một đêm đổi ca ấp khoảng 4 - 5 lần.

Thời gian trứng gần nở, chim yến mái tăng cường thời gian ấp trứng, chim yến đực mớm mồi cho chim yến mái ăn. Khi ấp chim thường dùng mỏ để đảo trứng cho đều.

Sau khoảng 22 - 26 ngày thì trứng đầu tiên nở. Thời gian nở của trứng thứ nhất và trứng thứ 2 cách nhau khoảng 1 - 4 ngày, tùy theo hang đáy khô hay hang đáy nước, độ ẩm trong hang cao hay thấp thì chim con nở sớm hay chậm hơn.

Khi chim con vừa nở ngày đầu tiên, chim bố mẹ không cho ăn mà nằm ấp ủ ấm cho chim con 1 - 2 ngày, sau đó đi kiếm ăn về cho chim con ăn.

Khi chim bố mẹ đang nuôi con thì một con bay đi kiếm ăn buổi sáng sẽ bay đi ăn sớm hơn khoảng trước nửa tiếng theo thời gian bay đi hàng ngày.

Chim con từ 1 đến 5 ngày tuổi, chim mẹ cho ăn khoảng 3 - 4 lần trong ngày. Mỗi lần lại chia ra khoảng 2 lần cho ăn, và cục mồi cũng nhỏ hơn.

Chim con từ 6 đến 15 ngày tuổi thì cho ăn khoảng 2 - 3 lần trong ngày và không còn được chim mẹ ủ ấm nữa. Cục mồi mỗi lần cho ăn cũng to hơn trước đó. Và từ 15 ngày tuổi đến khi biết bay thì cho ăn khoảng 1 - 2 lần trong ngày.

Số lần chim bố mẹ cho chim con ăn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và tùy từng giai đoạn phát triển của chim con, chim con càng lớn số lần cho ăn giảm do quảng đường đi kiếm ăn của chim bố mẹ xa và thời điểm đó chim con cũng đã đủ sức đề kháng có thể nhịn đói được.

Chim mẹ mỗi lần cho ăn thường cho một con ăn nếu thức ăn kiếm được nhiều thì cho cả hai chim con. Mỗi tổ có hai chim con, trong khi chim mẹ cho chim con ăn giữa chúng có sự cạnh tranh dành mồi mớm từ mẹ.

Thời gian nuôi con kéo dài khoảng 40 - 45 ngày (trung bình là 42 ngày). Có một số chim non rời tổ sớm 35 ngày thường xảy ra đối với tổ một con do chim bố mẹ cung cấp đầy đủ thức ăn nên chim non sinh trưởng nhanh hơn tổ hai con với lượng thức ăn ít và chim non thường xuyên tranh giành mồi.

Sau khi khai thác lấy tổ lần 1 thì chim tiếp tục làm tổ đến khoảng tháng 5 - 6. Tổng chu kỳ sinh sản của chim yến đảo từ khi bắt đầu làm tổ đến khi sinh sản, nuôi chim con trưởng thành là 102 ngày, kết thúc quá trình sinh sản của chim yến trong cuối tháng 8.

Số lần làm tổ và đẻ trứng của chim yến phụ thuộc vào phương pháp thu hoạch tổ, nếu sau khi chim làm xong tổ và chuẩn bị đẻ lần đầu, ta khai thác tổ không cho chim đẻ, ấp nở và nuôi chim con thì chim yến sẽ lập tức làm tổ lại.

Chim yến có thể làm tổ nhiều lần. Tuy nhiên, không nên khai thác tổ quá mức sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến và đời sống sinh học quần thể đàn chim yến.

Next Post Previous Post