Thịnh Hành 5/2024 # Về Hóc Môn Nghe Chích Chòe Hót # Top 8 Yêu Thích

Các tay chơi chim mang chích chòe đến tập dượt tại Hội quán Mười Hai

Sài Gòn vốn được coi là vùng đất hội tụ những nét tinh hoa của các nền văn hóa. Trong số đó, những trò chơi và thú tiêu khiển mang tính cộng đồng, hội nhóm là nét đặc trưng mà hiếm vùng đất nào có được… Và muốn được nghe tiếng hót lảnh lót đầy mê hoặc của loài chim chích chòe, mời bạn về với Hóc Môn – quê hương của 18 thôn vườn trầu. Chim không kén người chơi…

Quả thật, có tới Hóc Môn những ngày cuối năm này để nghe tiếng hót thánh thót của các loài chim mới thấy không sai khi gọi nơi đây là “đất lành chim đậu” để cho ra đời những hội chim có một không hai tại Sài Gòn. Những giống chim có chất giọng hay nhất và giá tiền “chát” nhất đều thuộc về những hội chim ở nơi này. Nuôi chim cảnh có nhiều hội, nhưng nổi tiếng để giới chơi chim Sài Gòn và các tỉnh thành lân cận đều biết thì phải kể đến hội quán Mười Hai của một ông chủ cùng tên đứng ra tổ chức. Bản thân ông Mười Hai cũng là “trùm” được nhiều người nể phục về thành tích, kinh nghiệm cũng như cách thức nuôi chim. Nếu nói về tuổi “nghề”, người đàn ông trung niên này cũng ngót nghét 20 năm có lẻ với việc nuôi chim quý. Ông cũng từng mang chim đi thi đấu nhiều nơi và sở hữu bộ sưu tập giải thưởng mà không phải tay chơi chim sành sỏi nào cũng có được. Trải qua bao thăng trầm, ông quyết định gắn bó với chích chòe bởi tiếng hót và sự công phu đến mức khó chấp nhận trong việc thuần dưỡng loại chim này.

Theo như lời kể thì hội quán đã tồn tại được hơn 15 năm nay. “Vốn ban đầu chỉ định tập hợp một vài anh em để cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về cách chăm sóc, chọn chim. Dần dà, địa điểm này ngày càng được nhiều người biết đến và trở thành hội quán từ lúc nào không hay”, Mười Hai cho biết. Từ hội chim này, ông chủ hội cũng trở thành tay “đầu nậu” bất đắc dĩ cung cấp thức ăn và mối chim cho những người muốn chơi chích chòe. Hội quán được mở vào tất cả các ngày trong tuần, nhưng đông nhất thường vào ngày thứ năm và chủ nhật. Vào hai ngày này, những người chơi chim từ đại gia, công chức cho tới người có thu nhập thấp ở Hóc Môn và các quận huyện lân cận đều lặn lội tìm về. Thậm chí, cả những người không có chim cũng lần mò tới hội quán để được nghe “ké” tiếng hót réo rắt, lúc trầm lúc bổng của hàng trăm con chích chòe. Như đã trở thành “luật”, các tay chơi dù giàu có cỡ mấy cũng không được phép thể hiện mình quá “lố” để tránh tạo khoảng cách và sự phân biệt giàu nghèo với những người còn lại. Đẳng cấp của người chơi chỉ được thể hiện ở sự thông minh, hoạt bát của con chim trong từng tiếng hót, điệu nhảy. Theo ông Danh, một người chơi chim lâu năm cho biết, một con chích chòe đạt chuẩn là phải có tiếng hót hay, hót được nhiều giọng và biết cách đập đuôi, chạy nhảy quanh lồng khi hót. Những người chơi đạt đến đẳng cấp để được gọi là nghệ nhân thường chọn những con chim chưa biết hót, chưa có bàn tay thuần dưỡng của con người để “đào tạo”. Có người khó tính chỉ chọn nuôi những con chim do chính tay mình bẫy được. Giá của một con chim chích chòe khi chưa biết gì thường không đắt lắm, chỉ tầm 300-600 ngàn đồng/con. Nhưng một khi chim đã biết hót và đập đuôi, giá của nó sẽ lên tới chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng tùy theo vẻ đẹp và tiếng hót của nó. Gần đây nhất, một con chích chòe do ông thuần dưỡng được 3 năm đã được một đại gia ngành cầu đường ở Gò Vấp trả giá hơn 2 ngàn USD. “Chích chòe có giá nên hay bị mất. Ngày xưa có thể để chim ở mọi nơi mà không phải lo lắng gì chứ bây giờ cầm chim trên tay đi ngoài đường cũng bị giật như chơi”, ông Danh cho biết. Chỉ là một nông dân thôi nhưng cái “nghiệp” chơi chim đã làm tên tuổi người đàn ông này được “rạng danh” trong một phạm vi khá lớn, không chỉ những người chơi chim mà cả những đại gia vẫn thường truyền tai nhau địa chỉ của ông để khi cần là có thể gọi hỏi bí kíp chăm sóc hoặc mua chim. Bản thân ông cũng không nhớ nổi mình đã bán bao nhiêu con trong suốt 30 năm qua.

Đang chuyện trò rôm rả, mọi ánh mắt bỗng chợt đổ dồn về người đàn ông mang hai chiếc lồng chim đi vào. “”Lão tướng” của làng chim đấy”, ông chủ hội quán ghé tai tôi nói nhỏ. Lão có cái tên thật lạ: Hà Văn Ruông. Nghe đâu, lão vốn là một công chức sắp về hưu, nuôi chim cảnh thực ra chỉ là nghề tay trái. Ngoài tài nuôi chim, lão còn có một biệt tài hiếm ai có được là có thể phân biệt giọng hót hay dở của từng con giữa một rừng lồng chim treo san sát nhau. Chính biệt tài ấy nên lão được mọi người tôn làm trọng tài để nhận xét trong các cuộc thi chim. Lão vốn kiệm lời, nhưng bất cứ ai thắc mắc điều gì về việc nuôi và chăm sóc chim sẽ được lão trả lời tận tình mà chẳng mảy may sợ người khác “học lỏm” nghề.

…nhưng kén công chăm sóc

Tuy chẳng kén người chơi, nhưng chích chòe lại là loài chim cực kỳ khó tính trong quá trình chăm sóc. Những người trong hội vẫn thường nói đùa với nhau rằng, yêu chim quá có ngày mất vợ như chơi. Điều đó là do sự kỹ tính đến mức khó chịu của giống chim này. “Đi đâu thì đi, nhưng cứ về tới nhà là ông nào cũng nhìn chim trước khi nhìn vợ để xem dáng vẻ, thần sắc của chim có khác thường không mà chẳng để ý xem gương mặt vợ mình nặng nhẹ ra sao. Không bị vợ “ca” sao được”, Mười Hai hóm hỉnh nói. Sở dĩ nói nuôi chích chòe khó bởi trong một năm phải mất đến gần 7 tháng chăm sóc, 4 tháng trước và sau Tết còn lại mới chịu lên “lửa” (sung lên) để hót và cho ra tiếng hót hay. Thông thường, hội thi chim thường tổ chức vào thời điểm này vì đây là giai đoạn sung nhất của tất cả các loại chim trong một năm. Trong 4 tháng này, ngoài việc tăng khẩu phần ăn, các tay chơi còn phải chịu khó đưa chim tới nhiều điểm dợt để tập hót. Một con chích chòe có thể hót được rất nhiều giọng, có con còn có thể nghe bạn mình hót rồi bắt chước theo. Bởi vậy, hiếm có người chơi chim nào tự nhận mình là giỏi, cái sự hay dở vốn dĩ phụ thuộc vào bản chất tự nhiên của mỗi con chim. Một con chích chòe hay có thể mang về cho chủ nhân 2-3 giải thưởng/năm và 15-16 giải thưởng trong suốt thời gian sung mãn. Do đó người chơi chim thường chọn những con chân cao, mình dài, có bộ lông ôm sát người để nuôi và tập dợt. Chích chòe cũng là một trong số ít loài chim có lòng tự trọng khi tiếng hót không được như đối thủ. Trong mỗi hội thi chim, càng vào vòng trong thì người chơi càng phải chú ý tới chim của mình để kịp thời phát hiện. Theo đó, khi chim ngừng hót và xù lông thì ngay lập tức người chủ phải lấy vải bịt lồng lại và đưa chim tránh xa để chim khỏi bị sốc.