Thịnh Hành 5/2024 # Cách Nuôi Nhím Thịt & Nhím Sinh Sản. Thức Ăn Cho Nhím. Xây Chuồng Nhím # Top 9 Yêu Thích

Nhím vốn là loài động vật gặm nhấm hoang dã được con người thuần dưỡng thời gian gần đây. Trong tự nhiên vẫn có số lượng lớn nhím hoang sống ở vùng đồi núi, phân bổ chủ yếu ở các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Đắc Lắc. Nuôi nhím cho giá trị kinh tế cao. Không chỉ có thịt nhím thơm ngon, nhiều nạc ít mỡ, mà dạ dày, gan, ruột già và cả phân nhím đều có tác dụng như những bài thuốc chữa bệnh.

Nhím có các đặc điểm ngoại hình như sau: nhím đặc trưng bởi bộ lông có thể dài đến 30cm, vừa cứng vừa nhọn mọc từ phần giữa lưng trở ra sau đuổi. Nhím đực có mỏ và đuôi dài hơn nhím cái, thân hình thon dài, tính tình hung dữ, sẵn sàng đánh nhau với con được khác để bảo vệ lãnh thổ. Nhím cái đầu hơi tròn, thân hình quả trám, đuôi ngắn, thường mập hơn con đực và có 6 vú nằm ở 2 bên sườn.

Về tập tính sinh sống, nhím có tính gia đình rất cao. Nhím đực hay ghen, chỉ chấp nhận sống cùng những nhím con do nó đẻ ra và sẵn sàng cắn đến chết nhím con hay nhím đực khác. Không thể nhốt chung 2 hoặc nhiều nhím đực cùng một chuồng. Kể cả nhím đực con khi lớn lên cũng sẽ bị tấn công bởi nhím bố. Về tập tính sinh sản, nhím không giao phối đồng huyết. Nhím đực sẽ không giao phối với nhím cái cùng bầy đàn của nó trước đây.

Hướng Dẫn Kỹ Thuật Nuôi Nhím Thịt

Chọn con giống

Chọn được nhím giống ưng ý là điều khá khó khăn vì số nhím giống thuần hóa hiện nay chưa nhiều, sau trào lưu nuôi nhím năm 2011 nhiều hộ gia đình lỗ nặng phải bán tống bán tháo nhím giống đi, khiến số lượng cơ sở cung cấp nhím giống chất lượng giảm rõ rệt. Tốt nhất bà con nên chọn mua nhím giống ở cơ sở nuôi lâu năm, vì nhím sau nhiều đời đã được thuần hóa hoàn toàn, dễ chăm sóc hơn nhím hoang dã mới bắt về nuôi.

Chuồng Trại

Nhím thích sống nơi yên tĩnh, vì vậy bà con nên đặt chuồng nhím tránh những nơi đông người ồn ào, gần nhà máy, trường học, chợ búa hay khu dân cư đông đúc. Khu vực chuồng nuôi nhím nên hạn chế người lạ, trẻ em hay các động vật khác lui tới. Chuồng hướng về phía đông nam để ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Chuồng không nên để ánh sáng chiếu trực tiếp mà nửa sáng nửa tối, luôn khô ráo và thoáng mát vì nhím rất ghét bị ướt.

Bà con lưu ý thiết kế chuồng nhím theo dạng như ô bàn cờ kích thước chiều rộng khoảng 1 – 1.5m, chiều cao 1 – 1.2m, chiều dài 1.5m, kèm lối đi rộng khoảng 1m để tiện chăm sóc nhím. Thành chuồng có thể xây bằng gạch hoặc lưới sắt. Về nền chuồng, lựa chọn tốt nhất là làm nền chuồng bằng bê tông hoặc gạch, nếu chuồng nền đất nhím sẽ đào hang phá hoại. Nền chuồng nghiêng khoảng 3 – 5 o kèm rãnh để thoát nước. Máng ăn, máng uống đặt trong sân chuồng có kích thước 20 x 25cm x 20cm để nước vung vãi không làm ướt nền chuồng. Nhím thích ở hang nên bà con hãy xây hang giả cho nhím bằng ống nước đường kính 50 – 60cm gắn cố định trên nền chuồng.

Thức ăn và chăm sóc

Nhím là loài ăn tạp, thức ăn của chúng gồm rau củ, lá quả, kể cả rễ cây, côn trùng, ốc, giun đất, sâu bọ… Bà con nên cho nhím ăn 2 bữa/ngày gồm bữa trưa và bữa chiều tối. Khẩu phần ăn thông thường cho mỗi con khoảng 2kg thức ăn/ngày, trong đó bao gồm thức ăn thô như các loại lá, thức ăn tinh như ngô, sắn, thức ăn giàu vitamin như ổi xanh, chuối xanh và thức ăn khoáng như muối hay xương động vật. Các thức ăn này cần được rửa sạch và thay đổi thường xuyên để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho nhím. Về nước uống, mỗi ngày một con nhím uống khoảng 0.2 lít/ngày.

Cách phòng bệnh cho nhím

Để nhím khỏe mạnh, bà con cần giữ vệ sinh chuồng trại, không để chuồng trại ẩm ướt hay cáu bẩn. Khu vực chuồng trại cần được quét vôi hoặc phun thuốc diệt khuẩn theo định kỳ. Thức ăn cho nhím cũng cần đảm bảo vệ sinh, đầy đủ chất dinh dưỡng và tuyệt đối không dùng thức ăn ôi thiu, ẩm mốc.

Nhím có sức đề kháng cao, ít khi bị dịch bệnh. Đôi khi nhím có thể mắc phải những bệnh như bệnh ký sinh trùng ngoài da (do ký sinh trùng cắn gây ghẻ lở) và bệnh đường ruột (bị tiêu chảy do khẩu phần ăn không vệ sinh hay chất lượng kém). Hai bệnh này tương đối dễ chữa, chỉ cần bôi thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống cho nhím.

Hướng Dẫn Kỹ Thuật Nuôi Nhím Sinh Sản

Mô hình nuôi nhím sinh sản có hầu hết những điểm tương đồng như nuôi nhím thịt, chỉ khác một số điểm như sau:

Chọn nhím giống

Bà con chọn nhím đực, cái từ các đàn khác nhau. Nhím đực cần mập mạp, sức khỏe tốt, năng động và hung dữ. Nhím cái có sức khỏe tốt, mắn đẻ, phàm ăn, nuôi con khéo và tính tình hiền lành. Nếu nuôi với số lượng nhiều, bà con tốt nhất nên đánh số và ghi chép lý lịch của từng con nhím để tránh nhầm lẫn khi ghép đôi giao phối.

Chuồng trại

Bà con nuôi con đực giống và con cái giống riêng, mỗi con một ô chuồng và chỉ ghép đôi giao phối khi chúng có biểu hiện động dục, thời gian ghép đôi lâu hay ngắn tùy thuộc vào tỷ lệ phối giống thành công hay chưa. Nhím cái mang bầu nên được nhốt riêng với nhím đực để tiện nghỉ ngơi. Nhím con mới đẻ sẽ ở chung với mẹ cho đến khi cai sữa. Nhím nhỏ và nhím hậu bị có thể nhốt chung trong một ô chuồng và phân theo lứa tuổi.

Quy trình sinh sản

Thời gian mang thai của nhím cái kéo dài 90 – 95 ngày. Nhím thường sẽ đẻ vào buổi đêm, sau khi nhím con ra đời, nhím sẽ thường ủ con dưới bụng. Nhím con một tuần tuổi mới bắt đầu chạy ra khỏi bụng mẹ. Nhím con bú mẹ trong vòng 1 tháng rồi bắt đầu cai sữa. Nhím con khoảng 30 – 45 ngày tuổi là có thể tách khỏi mẹ, để chuẩn bị cho lần động dục tiếp theo của nhím mẹ.

Thức ăn cho nhím sinh sản

Nhím đực sau mỗi lần phối giống cần được bổ sung thức ăn giàu protein, chất béo, các loại mầm, rễ cây, giá đỗ để phục hồi sinh lực cho lần sinh sản tiếp theo. Nhím cái khi mang thai cũng cần chất dinh dưỡng để dưỡng thai và tiết sữa chuẩn bị sinh nhím con, do đó bà con cho nhím cái ăn thức ăn tinh nhiều đạm, chất béo, tinh bột và đường.

Nhím từ 1 – 3 tháng tuổi có khẩu phần khoảng 0.32kg/con/ngày, trong đó thức ăn xanh chiếm 0.3kg, còn lại là thức ăn tinh và các loại lúa, bắp, đậu. Đối với nhím 4 – 6 tháng tuổi, bà con tăng khẩu phần ăn gấp đôi cho nhím, sau đó đến 7 – 9 tháng tuổi, lại gấp đôi khẩu phần thêm lần nữa.