Phổ Biến 5/2024 # Hội Thi Chim Chào Mào Hót Gia Nghĩa Mở Rộng Năm 2013: Sân Chơi Tao Nhã Của Những Người Nuôi Chim Cảnh # Top 6 Yêu Thích

Ngày 4/5, tại tổ dân phố 2, phường NghĩaĐức (Gia Nghĩa) đã diễn ra cuộc “tranh tài” khá thú vị; đó là Hội thi chim chào mào hót mở rộng năm 2013 do Phòng Văn hóa – Thông tin Gia Nghĩa phối hợp với Hội chim cảnh Gia Nghĩa tổ chức…

Ngày 4/5, tại tổ dân phố 2, phường NghĩaĐức (Gia Nghĩa) đã diễn ra cuộc “tranh tài” khá thú vị; đó là Hội thi chim chào mào hót mở rộng năm 2013 do Phòng Văn hóa – Thông tin Gia Nghĩa phối hợp với Hội chim cảnh Gia Nghĩa tổ chức.

Các chú chim chào mào đua nhau hót vang tại hội thi

Ngay từ sáng sớm tại Trường chim Tràng An, nơi diễn ra cuộc so tài này, các nghệ nhân nuôi chim cảnh ở Gia Nghĩa, Đắk R’lấp và các tỉnh bạn như: Lâm Đồng, Đắk Lắk đã đem đến hội thi 78 lồng chim chào mào tới để tiến hành các thủ tục chuẩn bị cho cuộc thi. Ngoài các nghệ nhân thì khá đông đảo “cổ động viên” trên địa bàn thị xã và địa bàn lân cận cũng đã về tham dự nên không khí của hội thi đã được hâm nóng bởi những câu chuyện ngoài lề.

Theo Ban tổ chức, trước khi bước vào Hội thi đã có rất nhiều hội nuôi chim cảnh từ nhiều tỉnh bạn đăng ký dự thi nhưng do địa điểm chật hẹp nên Ban tổ chức không thể mở rộng. Tuy nhiên, không vì thế mà chất lượng của hội thi kém đi. Theo ông Phạm Văn Hùng, Phó Ban tổ chức Hội thi thì với 78 lồng chim tham dự cũng đã là một sự thành công ngoài sự mong đợi của Ban tổ chức.

Theo quy chế của Hội thi, thì lần này 78 lồng chim tham dự sẽ được chia làm 3 bảng mỗi bảng 26 lồng. Tổ trọng tài (là những nghệ nhân giàu kinh nghiệm) sẽ trải qua 7 vòng thi lần lượt loại ra để chọn 10 lồng chim xuất sắc nhất vào chung kết.

Tương tự các hội thi ở các địa phương trong toàn quốc, tiêu chí chấm thi là: Chim có hình dáng đẹp, lông bóng, cân đối, thân thon gọn, rắn chắc, nhanh nhẹn, không được tật, lỗi; chim thi đấu phải có thái độ linh hoạt, nhảy cầu, chuyền cầu, dáng đứng vươn mình… Những trường hợp như: chim phơi nắng, xỉa lông, tắm cống dẫn đến việc mất hình dáng đẹp, bỏ nước chơi thì sẽ bị loại trực tiếp.

Quy chế Hội thi đề ra cao như vậy song khi bước vào hội thi có rất ít lồng bị loại trực tiếp. Được huấn luyện kỹ nên những chú chim rất dạn người, luôn hót vang khiến người xem như lạc vào một góc rừng nguyên sơ, khiến ai cũng thích thú.

Theo Nghệ nhân Nguyễn Hồng Thế Bảo ở Đắk Lắk thì nuôi chim cảnh nói chung và chim chào mào nói riêng trước tiên phải đam mê bởi nuôi chim cảnh rất tốn công sức, tỷ mỷ. Ngay cả việc cho chim ăn cũng đã là một sự kỳ công. Người nuôi chim chào mào thường dùng lạc hoặc đậu xanh chọn kỹ sau đó rang lên rồi xay nhuyễn, tiếp theo trộn với trứng gà, rang lại một lần nữa rồi viên lại cho chim ăn. Nước uống thì phải là nước sạch, trong.

Để chim hót hay phải thường xuyên cho chim ăn cam sành, chuối vàkỳ công hơn là trứng kiến … Để chim không nhát, sợ người thì mỗi nghệ nhân có phương pháp khác nhau nhưng nguyên tắc chung là những lúc không cần thiết phải che lồng kín để tránh gió, mưa…

Có lẽ những chú chim dự thi đều được các nghệ nhân chăm sóc kỹ nên lồng chim nào cũng đẹp và chú chim nào cũng hót hay, nếu không phải là người sành chim thì có lẽ khó mà phân biệt được.Bước vào phần thi, trong vòng hơn 3 tiếng, người xem vô cùng thích thú với những chú chim cảnh đẹp, những màn ghanh nhau từng tiếng hót, từng thế chiến đấu, tấn công dọa nạt kẻ thù của các chú chim Chào mào.

Những cảm xúc đan xen lẫn lộn tại hội thi, có cảm xúc vui sướng khi lồng chim được lọt vào vòng trong, hay cảm xúc buồn, thất vọng khi lồng chim bị loại của các nghệ nhân chơi chim cảnh. Một nghệ nhân chơi chim cảnh ởLâm Hà cho biết, dù không đạt giải cao tại Hội thi, nhưng vẫn rất vui vì được giao lưu, học hỏi, biết thêm nhiều kỹ thuật, chăm nuôi chim cảnh. Nếu năm sau, Hội thi tiếp tục được tổ chức, chúng tôi vẫn sẽ tham gia thi đấu.

Theo tổ trọng tài (Ban Giám khảo) thì để chọn ra chú chim đạt giải nhất phải dựa vào nhiều tiêu chí rất khắt khe, như: Chào mào trường chim, mào dày và cao, chim thon gọn, rắn chắc, nhanh nhẹn, không tật, lỗi. Chim mau mỏ ra giọng đều đặn, bền bỉ trong suốt quá trình thi đấu, chim hót đổ nhiều giọng, đảo giọng, luyến láy âm tiết rõ ràng, chim ra giọng quát hoặc giọng ché (chét) thị uy, dọa nạt đối thủ, phải đủ 3 âm tiết trở lên, không có âm tiết trùng lắp. Thái độ thi đấu của chú chim đó phải linh hoạt, nhảy cầu, chuyển cầu, dáng đứng vươn mình, trong quá trình thi đấu chim rê cầu (xà cầu) búng cánh rung dọa đối thủ, chim sục sạo tìm đánh ra giọng ché thị uy dọa nạt đối thủ.

Kết quả, lồng chim chào mào của nghệ nhân Hoàng Xuân Phú (Đắk R’lấp) đã giành được giải nhất, nghệ nhân Nguyễn Văn Khánh (Gia Nghĩa) giành giải nhì và nghệ nhân Lương Trong Thái (Nhân Cơ) giành giải ba. Ngoài ra Ban tổ chức còn trao 7 giải khuyến khích cho các nghệ nhân khác.

Hội thi chim Chào mào hót Gia Nghĩa mở rộng năm 2013 đã khép lại và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho các nghệ nhân và người mê chim cảnh tại địa bàn, đánh dấu bước ngoặt lớn đối với phong trào chơi chim Chào mào của giới nghệ nhân chơi chim cảnh. Qua đó, hứa hẹn một sân chơi chuyên nghiệp, làm tiền đề phát triển mạnh hơn nữa thú chơi chim cảnh tao nhã này.

Bài, ảnh: Phương Uyên

3,924