Xem Nhiều 5/2024 # Mùa Đông Chim Bay Đi Đâu? # Top 1 Yêu Thích

20. Mùa đông chim bay đi đâu?

Hàng năm vào khoảng tháng mười, mười một, lúc trời trở lạnh, gió mùa đông bắc bắt đầu thổi thì trên đất nước ta lại thấy xuất hiện một số loài chim quen thuộc như rẽ giun, choắt, mòng két, vịt trời, ngỗng trời, sếu… Chúng có thể phân thành từng nhóm nhỏ dăm mười con, rải rác ở khắp các vùng đồng bằng, kiếm ăn ở những đám ruộng lấp xấp nước. Nhưng chúng cũng có thể là những đàn rất đông, có khi đến hàng nghìn, hàng vạn con như những đàn vịt trời, mòng két, ngỗng trời hay sâm cầm thường gặp trên các bãi lầy ở cửa sông Hồng, sông Thái Bình hay ở ven bờ biển Quảng Ninh. Chúng lưu lại đây trong mấy tháng mùa lạnh rồi lại bay đi lúc trời bắt đầu oi bức. Khách chim mùa đông ở nước ta không phải chỉ có mấy loài đó mà có đến hơn 200 loài khác nhau rải rác ở khắp các vùng từ núi rừng cho đến bờ biển. Tất cả chúng đều có xứ sở ở miền bắc xa xôi như Liên Xô, bắc Trung Quốc, Nhật Bản và có khi ở tận ven bờ Bắc Băng Dương. Hàng năm chúng bay về tận nước ta và nhiều nước khác ở Nam bán cầu để tránh cái giá lạnh khắc nghiệt ở quê hương trong mấy tháng mùa đông. Chúng là những loài chim di cư.

Khoảng một nửa số loài chim trên thế giới có hai chỗ ở cách xa nhau hàng nghìn kilômét như vậy và hàng năm hai lần chúng đi về, vượt qua khoảng cách đó. Lúc di cư chúng bay từng con riêng lẻ, bay thành nhóm nhỏ hay dàn thành đội hình bay oai nghiêm ngang bầu trời. Chúng bay đêm hay bay ngày, chúng bay thẳng một mạch từ nơi đi đến nơi tới hay từng lúc dừng lại ở những chỗ mà chúng ưa thích để nghỉ ngơi hay để kiếm thức ăn, bổ sung thêm chất dự trữ cho quãng đường bay tiếp. Tất cả đều tùy thuộc vào tập tính của từng loài.

Ngày nay người ta đã biết khá tường tận về các loài chim di cư, nhưng cách đây không lâu, chỉ hơn trăm năm thôi, hầu như mọi hoạt động của chúng vẫn còn là những điều bí ẩn.

Nước ta ở vào vùng nhiệt đới quanh năm có những điều kiện thuận lợi cho sự sinh sống của các loài chim nên mùa nào chúng ta cũng nghe tiếng chim ca hót, thậm chí vào mùa đông số chim ở nước ta còn nhiều hơn cả vào mùa hè nên có lẽ chúng ta ít chú ý đến sự di chuyển một cách có tính chất chu kỳ của các loài chim. Thật ra con người từ những ngày xa xưa đã chú ý đến những đàn chim xuất hiện rồi lại biến đi hàng năm vào những thời gian nhất định. Không nên nghĩ rằng những người thợ săn sống vào thời đồ đá cũ không biết đến sự di cư của con cò, con sếu hay những con chim nhỏ mà vào mùa xuân thường ca hót ở quanh chỗ ở của họ. Những người lao động và cả những thi sĩ đầu tiên của loài người mà những dòng thơ ca của họ còn truyền lại đến nay cho chúng ta, như Hôme chẳng hạn đều biết rất rõ hai lượt đi về của nhiều loại chim. Cũng đã đến mấy nghìn năm qua con người cố tìm cách giải thích hiện tượng kỳ lạ đó của các loài chim và biết bao nhiêu nhà thông thái của các thời đại đã phải nát óc suy nghĩ. Họ đã phải đưa ra nhiều điều phỏng đoán thật lý thú. Aristốt, triết gia cổ Hy Lạp nổi tiếng đã khẳng định là lúc mùa hè sắp đến thì con chim oanh biến thành con sáo (vì lúc này con chim oanh biến đi mà chim sáo xuất hiện). Nhiều người lại cho rằng khi mùa đông đến nhiều loài chim nhỏ đã cưỡi lên lưng những loài chim cỡ lớn để vượt đại dương đến những vùng xa xôi. Mãi cho đến năm 1703 có người ở nước Anh tự cho mình là nhà thông thái của thời đại đã giải thích là cứ đến mùa đông thì chim lại lũ lượt bay lên Mặt Trăng, chúng trú lại ở đấy đến 60 ngày nhưng vì không tìm được tí thức ăn nào nên chúng đã phải lâm vào tình trạng ngủ mê bất tỉnh.

Cũng khó mà tin được rằng chính Linê, người sáng lập ra hệ thống phân loại thế giới thực vật và động vật, vào năm 1735 đã viết trong tác phẩm nổi tiếng của ông, cuốn “Hệ thống thiên nhiên”, là chim nhạn thường làm tổ dưới các mái nhà, vào mùa đông đã lặn xuống bùn để tránh rét, nhưng đến mùa xuân lại bay lên không trung. Để kiểm nghiệm giả thuyết của Linê nhiều người thời bấy giờ đã thử buộc sợi chỉ đỏ vào chân nhạn để xem sợi chỉ có bị vấy bùn khi nhạn ẩn ở đáy ao hồ không. Và gần đây vào đầu thế kỷ 19 nhiều nhà bác học mà đáng chú ý nhất là Cuviê, năm 1817 đã đưa ra lời giải thích là mùa đông nhiều loài chim đã tìm nơi ngủ đông đâu đó trong các bờ đất, bụi cây như một số loài động vật khác.

Đúng là trong thế giới động vật có khá nhiều loài đã giải quyết vấn đề thiếu thức ăn và tránh rét mùa đông bằng cách mà người ta gọi là ngủ đông. Chúng tìm một chỗ ẩn tương đối kín đáo và ấm áp rồi ngủ một giấc ngủ dài, hạ thấp thân nhiệt và cả nhịp thở, nhịp tim đến mức tối thiểu để chỉ tiêu phí chút ít năng lượng trong thời kỳ khó khăn này. Còn đối với các loài chim thì hơn 100 năm qua giả thuyết về ngủ đông vẫn chỉ là câu chuyện hoang đường của Cuviê. Nhưng bỗng nhiên vào tháng 12 năm 1946 tiến sĩ E. Jêgơ và cộng tác viên của ông đã tìm thấy trong kẽ đá của dãy núi Chúckavala ở phía đông nam nước Mỹ một con chim nhỏ thuộc nhóm cú muỗi. Họ tưởng con chim đã chết, nhưng bỗng nhiên mắt nó hé mở. Trong bốn mùa đông liền họ đã tìm thấy những con cú muỗi như thế ngủ thiếp đi trong các kẽ đá. Có một mùa đông họ đã quan sát thấy loài cú muỗi này ngủ đến 88 ngày đêm liền. Nhiệt độ cơ thể của chim khi ngủ đo được 17oC, trong lúc thân nhiệt của chúng lúc bình thường là khoảng 40oC. Ánh sáng mặt trời chiếu vào mắt không làm chúng nhúc nhích, tấm gương để sát trước mũi chúng cũng không thấy vệt sương mờ, dùng ống nghe cũng không phát hiện được nhịp đập của tim. Thế nhưng như một phép lạ, không khí ấm áp của mùa xuân đã đánh thức chúng dậy và chúng bay đi như mọi buổi sáng vào lúc bình minh. Nhân dân địa phương cũng đã biết loài chim này và đặt cho chúng cái tên là “khôn-kô” có nghĩa là chim “ngủ thiếp”.

Gần đây người ta cũng đã nhận thấy một số loài chim nhỏ khác như chim ruồi, chim yến cũng có hiện tượng ngủ thiếp đi, nhưng chỉ trong chốc lát, vào những đêm đông giá lạnh mà không phải ngủ đông chính thức như loại cú muỗi châu Mỹ.

Với những hiểu biết ngày nay thì loài cú muỗi châu Mỹ đúng là trường hợp ngoại lệ. Hầu hết các loài chim thông thường đã giải quyết vấn đề mùa đông bằng cách khác. Với đôi cánh khỏe, chim đã vượt được không gian để đến bất kỳ vùng nào trên thế giới mà ở đó có đủ điều kiện khí hậu thuận lợi để sinh sống trong thời kỳ khó khăn, điều mà ít nhóm động vật khác có khả năng thực hiện.

Thực ra trong giới động vật ngoài chim còn có một số loài thuộc các nhóm khác như cá, thú, côn trùng cũng di cư theo mùa nhưng có lẽ không có nhóm nào lại di cư với quy mô rộng lớn như chim. Hàng năm cứ đầu mùa thu lại có hàng nghìn triệu con chim bao gồm hơn 4.000 loài mà hầu hết là những loài sinh đẻ ở bắc bán cầu, nơi mà mùa đông băng tuyết bao phủ phần lớn đất đai, lần lượt tham gia vào cuộc di cư ồ ạt. Chúng rời quê hương, bay xuống phương nam, đến những vùng ấm áp để tránh rét rồi lại bay ngược trở về khi mùa xuân đến. Trong cuộc hành trình này, phần lớn dân cư bắc châu Mỹ như Canađa và Bắc Mỹ thường hay bay chụm lại về phía eo đất ở Trung Mỹ rồi lại tỏa ra khắp cả lục địa phía nam. Chim ở Bắc Âu thì bay về hướng tây nam, vượt qua Địa Trung Hải để xuống trú đông ở lục địa châu Phi, phía dưới sa mạc Xahara, còn chim ở Bắc Á chủ yếu là ở vùng Xibêri và Viễn Đông, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản, Bắc Trung Quốc lại bay hướng về phía đông nam rồi ven theo bờ tây Thái Bình Dương bay xuống trú đông ở vùng Đông Nam Á và châu Úc. Trong các lục địa ở Nam bán cầu mà chim thường đến trú đông thì châu Phi có lẽ là nơi mến khách nhất. Ngoài các loài chim sống ở Bắc Âu và Trung Á, ở đây còn gặp cả một số loài từ Bắc Mỹ và từ Viễn Đông đến.

Các loài chim di cư theo hướng ngược lại rất ít, mà phần lớn cũng chỉ bó hẹp ở trong phạm vi Nam bán cầu, hiếm loài vượt qua xích đạo để lên phía trên. Điều này cũng có thể hiểu được là do ở Nam bán cầu diện tích vùng đất có khí hậu ôn hòa ít hơn nhiều so với Bắc bán cầu.

Những cuộc hành trình của chim quả thật là vĩ đại. Hầu hết các loài di cư đã phải vượt trên vài ba nghìn kilômét để đến nơi nghỉ đông. Không những chỉ các loài chim có cỡ lớn như ngỗng trời, thiên nga, vịt, đại bàng mới bay được từ lục địa này qua lục địa kia hay vượt cả đại dương rộng lớn mà cả những loài chim bé nhất như các loài chim ruồi, toàn thân chỉ nặng có 3 – 4 gam cũng vượt được những quãng đường rất xa có khi còn dài hơn cả quãng đường bay của thiên nga hay bồ nông, mặc đầu những loài này lớn hơn chim ruồi đến 2.500 lần.

Tác phẩm, tác giả, nguồn

Tác phẩm: Đời sống các loài chim

Tác giả: Võ Quý

Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội – 1978

Đôi dòng về tác giả: GS. Võ Quý: Ông dành cả cuộc đời say sưa nghiên cứu các loài chim và có nhiều đóng góp lớn cho khoa học môi trường Việt Nam và thế giới. Ông là người Việt Nam đầu tiên ở Châu Á giành được giải thưởng Blue Planet Prize về môi trường.