Xem Nhiều 5/2024 # Chim Sơn Ca Của Núi Rừng Tây Bắc # Top 0 Yêu Thích

Năm 2024 được coi là năm rất thành công của NSND Vi Hoa, chị được thăng quân hàm lên Đại tá và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Có thể nói, những gì mà chị đạt được hôm nay là kết quả của gần 30 năm nỗ lực cống hiến mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và đồng bào các dân tộc trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Vi Hoa được mời về phục vụ chiến sĩ Phòng không không quân và đến năm 1990 chị chuyển sang Đoàn Nghệ thuật của lực lượng bộ đội biên phòng. Từ đó đến nay, chị đã trở thành một cái tên quen thuộc đối với đồng bào và những chiến sĩ ở vùng biên cương và hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Với chất giọng mượt mà, sâu lắng, Vi Hoa đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường nghệ thuật.. Những ca khúc gắn liền với tên tuổi chị, được khán giả yêu mến như: “Bài ca đỉnh núi”, “Đi chợ vùng cao”, “Tình ca Tây Bắc”, “Chiều biên giới” và những bài dân ca Thái…

Sinh ra và lớn lên tại Sơn La – tâm điểm của văn hóa Tây Bắc, nơi gắn liền vời những điệu múa xòe của người dân tộc Thái, bản thân cũng là người dân tộc Thái nên ngay từ nhỏ, những làn điệu mượt mà đã ăn sâu vào trái tim NSND Vi Hoa. Chia sẻ về nghề nghiệp của mình, chị nhắc nhiều đến quê hương, nơi đã sinh ra chị, nơi đã nuôi lớn chị nên người và là nơi đã tạo nên một chất giọng đặc biệt của Vi Hoa, một chất giọng không giống ai. Có lẽ chính những năm tháng sống với bà con vùng cao, uống nước suối và đắm mình trong những giai điệu trong trẻo của núi rừng đã giúp giọng hát chị như tiếng chim sơn ca cao vút giữa núi rừng đại ngàn. Cái tên “chim sơn ca của núi rừng Tây Bắc” được khán giả đặt cho chị cũng là vì thế.

Là một nghệ sĩ phục vụ trong quân đội, lại trong lực lượng biên phòng nên không có nơi gian khổ, khó khăn nào mà chị và đồng nghiệp chưa đến. Hàng ngàn buổi biểu diễn phục vụ các chiến sỹ ở các đồn biên phòng, đồng bào các dân tộc biên giới, hải đảo, những nơi khó khăn, khổ cực nhất của tổ quốc.

“Nếu như nơi biểu diễn của các ca sỹ, nghệ sỹ nói chung là những sân khấu hoành tráng lấp lánh dưới ánh đèn hào nhoáng, sang trọng, thì sân khấu của các nghệ sỹ, chiến sỹ trong đoàn nghệ thuật Bộ đội Biên phòng là sân khấu…đất, biểu diễn giữa núi rừng, giữa thôn bản. Bây giờ, phương tiện giao thông đi lại đã bớt khó khăn hơn chứ cách đây chừng 10 năm, có những đồn biên phòng ở xa, tôi cùng anh chị em nghệ sỹ trong đoàn phải trèo đèo, lội suối, đi cả ngày trời mới đến được…”, NSND Vi Hoa kể.

Bởi thế, nên dù có những lúc khó khăn tưởng chừng đã phải bỏ nghề, nhưng khi đến với đồng bào vùng cao, cảm nhận được tình cảm trân trọng của bà con cũng như chiến sĩ biên phòng dành cho mình, chị lại như được tiếp thêm sức mạnh để vững bước trên con đường đã lựa chọn…

“Sao mẹ không làm cô giáo để ở nhà với con?”

NSND Vi Hoa bảo, câu hỏi đó của đứa con nhỏ mỗi khi chị vắng nhà để tham gia những chuyến lưu diễn dài ngày không ít lần khiến chị phải suy nghĩ. “Những lúc như thế, tôi ôm lấy con, giải thích với cháu rằng, nghề nào cũng có cái vất vả riêng, ngay giáo viên cũng không phải lúc nào cũng ở nhà cả ngày với con, cũng phải đi dạy thêm cơ mà. Nói là nói thế nhưng trong thâm tâm tôi biết, làm chồng, làm con những nghệ sĩ như tôi thiệt thòi lắm”- Nghệ sĩ Vi Hoa chia sẻ.

Vi Hoa có con muộn. Ở tuổi ngoài ngũ tuần nhưng hai đứa con sinh đôi một trai, một gái của chị mới học lớp 5. Nghe chị say mê kể chuyện về hai đứa con, có thể thấy niềm hạnh phúc rạng ngời trong đôi mắt của chị bởi hai thiên thần nhỏ của chị là kết quả của bao nhiêu khó khăn vất vả, của sự chờ đợi và thử thách.

Chị kể, khi mới lập gia đình, phần vì tuổi đời còn trẻ, lại vào một cơ quan mới, cuộc sống còn nhiều khó khăn, đặc biệt là phải thường xuyên đi công tác, chị sợ những chuyến công tác vất vả ấy sẽ không chăm được con nên quyết định những năm đầu chưa sinh con để lo cho sự nghiệp. Khi sự nghiệp đã đi vào ổn định, những con đường lên vùng cao cũng đỡ vất vả hơn chị mới dành thời gian để sinh con thì sự đời lại trớ trêu không theo lòng người, hàng chục năm sau, mong ước của chị vẫn chưa thỏa nguyện. Đã có lúc, tưởng như những băn khoăn, lo lắng và day dứt đánh gục được chị nếu như không có sự thông cảm từ gia đình. Chính sự động viên, chia sẻ của chồng và gia đình chồng đã giúp chị có thêm sức mạnh để chờ đợi. Và cuối cùng, sự chờ đợi ấy cũng đã có kết quả: ông trời đã ban tặng cho chị hai thiên thần nhỏ, hai đứa con sinh đôi, một trai, một gái.

Đối với một người nghệ sĩ, được đem tiếng hát phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, và các chiến sĩ bộ đội biên phòng ngày đêm canh giữ biên cương cho tổ quốc thật sự không có niềm vui và vinh dự nào hơn. Nhưng đối với một người mẹ, chị cũng như bao người phụ nữ khác luôn coi con cái là tài sản quý giá nhất mà không một danh hiệu nào có thể sánh được. Do vậy, dù ở cương vị nào, chị vẫn luôn cố gắng hết mình để làm tốt mọi việc. Chị bảo, để giữ gìn được hạnh phúc ở một gia đình mà cả hai vợ chồng đều là nghệ sĩ hoàn toàn không đơn giản. Chồng chị – anh Tuấn Phương cũng là một nghệ sĩ của Nhà hát tạp kỹ xiếc thuộc Sở Văn hóa Hà Nội. Cùng là người làm nghệ thuật, anh cũng phải thường xuyên xa nhà với những chuyến lưu diễn nên ngay cả việc bố trí thời gian dành cho gia đình của cả hai vợ chồng cũng là một vấn đề nan giải.

“Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng, gia đình nào cũng sóng gió và ai cũng muốn tìm con đường tốt nhất cho mình. Với người làm nghệ thuật, sự quan tâm chia sẻ của người bạn đời là cực kỳ quan trọng. Tôi may mắn đã tìm được người như thế và luôn biết ơn chồng mình về điều đó. Điều duy nhất theo tôi, để giữ gìn được hạnh phúc là sống thật lòng với nhau, hiểu nhau, tôn trọng lẫn nhau, luôn nhìn vào những điểm tốt của nhau để sống và cùng chia sẻ với nhau mọi việc, kể cả việc nghề và cuộc sống đời thường”, nghệ sĩ Vi Hoa tâm sự.

THÁI AN- CÙ HÒA