Phổ Biến 5/2024 # Trần Phi Hổ: Vị Tướng Anh Hùng Của Bộ Đội Cụ Hồ # Top 7 Yêu Thích

Những câu chuyện xung quanh cuộc đời Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân – Trung tướng Trần Phi Hổ, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Tư lệnh Quân khu 9 luôn nhuốm màu giai thoại nhưng không kém phần dung dị. Khắp những người quen biết, bất kể thân, sơ hay đồng đội của ông qua các thời kỳ đều gắn danh xưng “Ba Hổ” phía sau vai vế để gọi ông.

Trung tướng Trần Phi Hổ là người con rất mực hiếu thảo của mảnh đất Ba Tri, Bến Tre và Trần Phán, Đầm Dơi, Cà Mau. Đối với đồng đội, ông luôn giữ tình cảm thiêng liêng, trước sau như một. Với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong thời kỳ mới, chưa một phút nào ông tự cho phép mình sao nhãng, nghỉ ngơi. Ông tự nhận mình là “mẫu người thích hành động”. Ông ít nói, thường thể hiện bằng việc làm, nhưng khi ông nói, mỗi ý tưởng, câu từ đều là gan ruột.

Vị tướng hai quê

Trung tướng Trần Phi Hổ. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG

Có một điều thật thú vị xoay quanh chuyện cuộc đời của Trung tướng Trần Phi Hổ. Ông sinh ra ở Ba Tri, Bến Tre trong sự cưu mang của bên ngoại, được ông bà ngoại rất đỗi thương yêu và đặt tên khai sanh theo họ ngoại – Lê Đức Quý. Hai bên nội, ngoại có truyền thống cách mạng.

Sau Đồng khởi, toàn bộ gia đình bên ngoại ông được “điều lắng” về xã Trần Phán, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Bạc Liêu (cũ). Ba ruột ông, đồng chí Trần Tư Hiền, cán bộ Dân vận của Xứ uỷ cũng được trên đồng thuận “điều lắng” về Ban Dân vận Bạc Liêu để có điều kiện công tác. Lúc ấy Lê Đức Quý 7 tuổi (đổi tên thành Trần Lê Quý theo họ nội), đã có một diện mạo “rất ngộ”: mắt sáng, gương mặt thanh tú, dáng vóc tuy nhỏ nhưng thanh thoát, tư chất thông minh và rất lễ phép.

Ông bà ngoại, các cậu và ba mẹ ông hết sức tạo điều kiện để ông theo học hết lớp 8. Trung tướng nhớ lại: “Trong một học kỳ, lớp bị bỏ bom napal 3 lần. Lớp học sau trận bom chỉ còn đống tro nghi ngút khói… Vậy rồi chỉ sau một ngày, thầy cô và bà con lại dựng lên một lớp học mới”. Năm 1962, ông được ông ngoại truyền nghề đan đát. Sau vài tháng, lúc ông học thông, đan thạo, thì cũng là lúc ông ngoại bị giặc bắt và oanh liệt hy sinh. Trước khi ra đi, ông ngoại nói lớn với bà ngoại, gởi trọn một niềm tin cho đứa cháu ngoại: “Nó giết tôi nhưng không giết được cộng sản, bà cố gắng nuôi dạy thằng Quý nên người và nói với nó ai là người giết ông ngoại nó”.

Chiến tranh, chuyện vui ít nhưng những mất mát, hy sinh thì quá lớn lao. Cái tên Trần Phi Hổ được cậu Bảy ruột đặt cho chàng trai 16 tuổi Trần Lê Quý vào ngày 5/7/1969, đây cũng là ngày ông bắt đầu cuộc đời cách mạng. Ngay tối đó, dưới hầm của bà ngoại, Trần Phi Hổ chính thức trở thành đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. “Đọc lời tuyên thệ mà tim đập thình thịch, người cứ run lên, miệng không nói thành lời”, Trung tướng bồi hồi. Sự hy sinh của ông ngoại có lẽ là dấu ấn đậm nét nhất, thôi thúc trái tim chàng trai mới lớn nguyện suốt đời đi theo tiếng gọi của non sông, dưới ánh sáng của Đảng, của Bác Hồ, cùng Nhân dân quyết tâm đánh đuổi kẻ thù.

Từ những nhiệm vụ nhỏ nhất, Ba Hổ đã tỏ ra nhanh trí, quyết đoán và hoàn thành xuất sắc. Năm 1972, bọn giặc nghe danh Ba Hổ đã “sợ như sợ cọp”, tên tỉnh trưởng Lê Chí Cường lệnh cho tên Liêm – Xã trưởng, rêu rao: “Ai bắt được Phi Hổ đem nộp sẽ được thưởng 400.000 đồng tiền nguỵ”. Trung tướng Trần Phi Hổ bộc bạch: “Thật là một việc khôi hài. Tôi chỉ đóng góp một phần nhỏ bé khi chỉ huy tổ du kích mật. Sao tụi giặc không treo thưởng để bắt hết lực lượng du kích Trần Phán trong sự đùm bọc của Nhân dân. Chúng làm sao hiểu được sức mạnh của chính nghĩa, cái kết cục thất bại của bọn chúng là tất yếu”.

Nhiều đơn vị du kích khác khi gặp bọn Sư 21 chủ lực nguỵ ở Cà Mau thường “rút lui bảo toàn lực lượng”. Còn Ba Hổ và đội du kích của ông vẫn kiên quyết bám chúng để đánh và được khen là “đánh nở hoa trong lòng địch”. Chiến công của Ba Hổ đã trở thành giai thoại truyền khẩu: “Bên kia có ông Cụt, bên này có ông Cọp, thằng địch nào khi nghe danh đã sợ vỡ tim rồi”. Cả tụi giặc cũng nhắc nhau: “Lớ xớ thằng Cụt ăn mày đấy, thằng Cọp cụt giò mày đấy”.

Trung tướng Trần Phi Hổ đón tiếp và làm việc với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhân dịp đồng chí đến thăm và làm việc với Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, năm 2008. Ảnh: PV

Những năm bình định, Mỹ – nguỵ ráo riết leo thang, Đội du kích Trần Phán nằm giữa tâm chấn của sự ác liệt, hung bạo. Xã có 7 ấp thì giặc đóng 7 đồn, 4 đồn kế cận, nằm trong hoả lực của Chi khu Đầm Dơi khét tiếng. Giặc ra sức kềm kẹp, dồn dân, bắt bớ, giết chóc hòng tạo thành “vùng trắng cộng sản”, Đội du kích Trần Phán vẫn bám trụ đến cùng. Không ngờ người chỉ huy du kích giặc sợ vỡ mật lại là một thanh niên tuấn tú, nước da trắng trẻo và nổi tiếng đẹp trai.

Cuộc chiến đấu mới

Trong đoàn quân toàn thắng giải phóng thị xã Cà Mau, đất nước trọn niềm vui, ông nhanh chóng nhận nhiệm vụ mới lên đường bảo vệ biên giới Tây Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia tiêu diệt tập đoàn khát máu Khmer Đỏ. Từ vị trí Đại đội trưởng cho đến Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9, Sư 339, Quân khu 9, ông đã kinh qua 13 năm ở chiến trường. Những trận đánh khốc liệt, hy sinh tổn thất không hề chùn bước, ngược lại càng rèn luyện cho Trung tướng Trần Phi Hổ bản lĩnh của bộ đội Cụ Hồ.

Nhiệm vụ đầu tiên của cuộc chiến mới là tiến công địch dọc biên giới Vĩnh Xương năm 1978. Đại đội 5 trong quá trình vận động tiến công, Đại đội trưởng Ba Hổ đạp chông ngạnh, xuyên bàn chân, máu trộn lẫn bùn. Ba Hổ duỗi chân kêu y tá giựt chông ra, bó vải, tiếp tục chỉ huy đội hình và giấu kín. Ông xúc động: “Tôi cố không cho anh em hay, sợ mất tinh thần chiến đấu, hổng biết sao ai cũng hay, rồi toàn đại đội xông lên hoàn thành trận đánh xuất sắc”.

Trận Đôn Phục, Khmer Đỏ quyết thắng để giành lại thế chủ động chiếm Hồng Ngự, Đồng Tháp, giặc đang có hoả lực mạnh, chiếm thế chủ động về địa hình. Ông Ba Hổ đã ở vị trí Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 9, nhận định, nếu cứ tiến quân sẽ tổn thất lớn. Đề xuất tổ 6 người, ông chỉ huy tổ chức mũi vu hồi, nong theo sông Ba Rài, quyết diệt các mũi hoả lực trọng yếu của địch. Trước đó, tình thế thật khẩn cấp, ta thương vong nhiều, không chiếm thế trận bởi địch trên gò, bộ đội vây đánh dưới nước phơi mình cho đạn giặc. 6 người cởi trần dùng B40, lựu đạn kỳ tập vào hoả lực chính, giặc rối loạn, toàn tiểu đoàn xung phong áp chế quân giặc. Đồng chí Dương Quốc Phục, Trung đoàn trưởng khi ấy, đã cầm tay ông: “Nếu đồng chí không xử lý tình huống này, lực lượng sẽ tổn thất lớn và không hoàn thành nhiệm vụ”.

Càng về cuối, cuộc chiến càng ác liệt. Khi tiến công những cứ điểm cuối cùng của Pôn Pốt, Trung tướng Trần Phi Hổ tâm sự: “Hoả lực hai bên như dông bão, cả tháng sau anh em tai còn điếc ù đặc”.

Anh em đồng đội phục Ba Hổ nhất là sự quyết tâm, nhãn quan quân sự rất nhạy bén và sự dũng cảm tuyệt vời. Suốt những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế, trước nhiều trận đánh lớn, ông Ba Hổ bị sốt rét, tiểu ra huyết cầu tố. Đồng đội, chỉ huy có ý nhắc lui về tuyến sau điều trị, ông khẳng khái: “Đang lúc quan trọng, mất thời cơ là mất đi thắng lợi, vả lại người chỉ huy mà để anh em xông pha nguy hiểm thì sao xứng đáng”. Vậy là trên chiếc cáng võng của đồng đội, Ba Hổ chỉ huy, trực điện đàm các mũi đánh, tiến công vào tận hang ổ Các-đa-mon của Khmer Đỏ, giành thắng lợi quyết định.

Tinh thần học hỏi, cầu thị và đức tính khiêm nhường cũng làm nên nét hoàn thiện của vị tướng bộ đội Cụ Hồ: Trần Phi Hổ. Ông nói, đánh đâu chỉ có thắng, nhiều trận cũng “trầy da, tróc vẩy”, nhiều anh em có tư tưởng chán nản. Những lúc ấy, với cương vị chỉ huy, ông Ba Hổ lại xuống tâm tình cùng anh em, phát động những phong trào thi đua, rèn quân nhưng cũng chăm chút từng giấc ngủ, miếng ăn cho bộ đội, xây dựng lòng tự hào về truyền thống đánh giặc của đơn vị, sự vinh quang khi được là bộ đội Cụ Hồ.

Trên cử đi học, ông vừa chuyên tâm trường lớp, vừa nghiền ngẫm để dùng thực tiễn sinh động hoá lý thuyết và áp dụng linh hoạt lý thuyết vào trận đánh tiếp theo. Tổ chức phân công nhiệm vụ gì, ông cũng chấp hành, đã chấp hành thì thực hiện tới nơi tới chốn. Trung đoàn 9, Sư 339 trong hội nghị tổng kết chiến dịch 1984-1985 đã được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi ấy, Đại tướng Lê Đức Anh, tặng danh hiệu “Trung đoàn Sơn cước” và Ba Hổ là “Con cọp xám rừng Ca-La-Van”.

Son sắt nghĩa tình

Trung tướng Trần Phi Hổ về Đầm Dơi thăm lại đồng đội cũ. Người đối diện với Trung tướng là Anh hùng lực lương vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Lược. Ảnh: PV

Trở về Việt Nam, ông Ba Hổ tiếp tục phấn đấu học tập, hoàn thiện bản thân và đảm nhận các vị trí quan trọng của Quân khu 9. Những năm tháng trên đất Bắc, có dịp vào lăng viếng Bác, giọng ông như ngưng đọng: “Tôi mỗi lúc một hồi hộp, dồn nén, tự hào, xúc động sâu sắc. Sâu tận trong trái tim mình, lòng tôi dâng trào niềm yêu thương, quý trọng, thương nhớ Bác khôn nguôi”.

Ông về đến Ba Tri, gặp người cậu ruột, hỏi: “Mày là ai? Ở đâu về?”, ông Ba Hổ cũng không biết là cậu, trình bày thân thế. Người cậu ôm chầm ông: “Thằng Quý đã lớn ngần này, lại là chiến sĩ quân giải phóng nữa, mừng quá, tự hào quá!”. Người cậu bắt con gà mái đẻ nấu cháo đãi ông Ba Hổ. Ông Ba Hổ nhìn bầy gà con ngơ ngác, làng quê xơ xác khi chiến tranh vừa đi qua, cảm xúc lẫn lộn không nuốt trôi ngụm cháo. Đó là lần đầu tiên sau 20 năm xa quê, ông trở về nguồn cội.

Cuộc đời cách mạng của Trung tướng Trần Phi Hổ được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người chỉ huy cũ của ông, tổng kết: “Trên bất kỳ cương vị nào, từ chiến sĩ du kích xã Trần Phán anh hùng đến Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí Trần Phi Hổ đều tỏ rõ tinh thần chiến đấu dũng cảm, chỉ huy bộ đội mưu trí, sáng tạo, kiên quyết tiêu diệt địch, quyết đánh và quyết thắng”.

Trong điều kiện mới, những vị trí mới, ông càng nhận thức rõ bản thân, càng phấn đấu vì sự nghiệp chung. Ông xông xáo đi xuống miệt Cà Mau nuôi tôm cải thiện đời sống đơn vị, không ngừng ổn định, củng cố tổ chức, cùng lãnh đạo, đồng đội xây dựng môi trường quân đội trong sạch, vững mạnh, đủ bản lĩnh để đáp ứng những nhiệm vụ, yêu cầu mới. Dù ở vị trí nào, cấp hàm nào, ông luôn gương mẫu, sống chân phương, giản dị và chiếm trọn lòng tin yêu của những người xung quanh. Lúc nào ông cũng nghĩ giản đơn: “Mình còn sức, còn khả năng thì cứ đóng góp. Điều vinh dự lớn nhất là được làm người lính Cụ Hồ, được sống, chiến đấu và học tập dưới lý tưởng của Đảng, của Bác”.

Về Đầm Dơi, ông tìm lại những đồng đội du kích năm xưa, những đồng đội ở chiến trường ác liệt Campuchia, ai khó khăn, ông vận động để cất nhà tình đồng đội. Ông về để gặp lại người cha đang tuổi xế chiều ở mảnh đất Trần Phán anh hùng. Ông tâm sự: “Đời sống bà con ở Trần Phán đã khởi sắc nhiều, nhưng phải làm sao để tạo ra nguồn lợi kinh tế ổn định hơn nữa, phát triển hạ tầng, các dịch vụ kèm theo, tìm kiếm phương thức sản xuất bền vững để địa phương phát triển”. Bằng tấm lòng của người con quê hương, ông vận động xây trường, xây đường, xây cầu, mong ước sao Trần Phán ngày càng ấm no, sung túc.

Với Đảng, với Nhân dân, ông khẳng định: “Sự nghiệp giải phóng, bảo vệ xây dựng đất nước là sự nghiệp vĩ đại mà Đảng, Bác Hồ kính yêu và biết bao thế hệ con người Việt Nam chung sức. Giữ vững quốc phòng, cảnh giác trước mọi âm mưu diễn biến, phá hoại của các thế lực thù địch, phát triển đất nước là trách nhiệm của mỗi công dân, trong đó có tôi”.

Vị tướng nói về mình: “Tôi mãi mãi nhớ ơn hai mảnh đất quê hương, gia đình, thân tộc, đồng đội và sẽ sống với niềm vinh dự là người lính Cụ Hồ”./.

Phạm Nguyên