Đề Xuất 5/2024 # Ông Chủ Của Những Con Chim Lên Tới Nửa Tỷ Đồng # Top 2 Yêu Thích

“Chiếc xe hơi ‘đập hộp’ không đổi được một chú hoàng khuyên, con SH cáu cạnh cũng khó bì với chào mào bạch tạng”, nhiều người ví von như vậy khi nói đến thú chơi chim màu (chim đột biến). Đây là những chú chim có màu cơ thể khác thường. Như chim vành khuyên vốn có lông màu xanh, đột biến thành màu vàng tơ, gọi là hoàng khuyên. Chào mào vốn màu đen, nếu đột biến thành màu trắng (bạch tạng)… Trong cả nghìn, triệu con mới có một, nên giá cả rất cao.

Một chú chim đột biến đã đáng giá cả gia tài. Anh Dương Văn Chương, 48 tuổi (biệt danh Chương Tailor) hiện sưu tầm được tới 70 con.

Trong gian phòng gần 100m2 tại tầng 6 một tòa nhà ở Giảng Võ (Hà Nội), ông chủ trong ngành thời trang thường bắt đầu ngày mới bằng việc thưởng thức giọng hót, ngắm nghía những chú chim của mình. Bên trong chiếc lồng gỗ mun chạm trổ, một con chim khuyên toàn thân vàng tơ óng ả, đôi mắt đỏ như ruby, mỏ hồng, chân hồng đang nhả những tiếng giòn, đanh, mạnh mẽ.

“Nó là con hoàng khuyên đầu tiên tôi sở hữu, mua 220 triệu đồng. Một người bạn làm ăn ở Cao Hùng (Đài Loan) đã vài lần sang thuyết phục bán 500 triệu, mà tôi không bán”, anh Chương chia sẻ.

Dạo ấy nghe tin ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang) bắt được một tổ chim khuyên trong rừng, anh Chương tức tốc đánh xe trong đêm lên thương lượng. Tổ đó có 3 con, 2 con thường (lông xanh) và một hoàng khuyên. Anh chăm bẵm từ ngày nó còn lông tơ, vàng nhạt, đến giờ sau 5 năm trổ mã thành màu vàng tươi óng ả.

Sở thích nuôi chim đã ngấm vào máu, khi thuở nhỏ anh Chương được cùng cha chăm sóc và huấn luyện chào mào, cu gáy, họa mi cho các giải đấu. Khoảng 8 năm trở lại đây, anh dấn thân vào con đường chơi chim màu.

“Làm trong ngành thời trang, thích cái đẹp, càng chơi tôi càng nghiện. Ban đầu chỉ có mấy con hoàng khuyên, chào mào, nhưng sau là nhiều loại chim khác, không chỉ săn trong nước, tôi còn săn lùng mua ở các nước bạn”, anh chia sẻ.

Thương vụ đầu tiên là năm 2024, anh bay qua Indonesia 2 lần mới thuyết phục được một người bán cho chú hoàng khuyên. “Mua đã khó, nhưng mang về còn khó hơn. Tôi phải thuê một người vận chuyển chuyên nghiệp, đặt chim vào lồng inox cùng với vài chú chim thường khác nữa rồi mới lên máy bay, bởi vận chuyển đường dài chim buồn, dễ chết”, anh nói.

Về tới Hà Nội, anh chỉ lấy hoàng khuyên còn cho đi những chú chim thường. Tuy nhiên khi về đây khí hậu không hợp, sức khỏe nó suy yếu. Anh phải cho chế độ ăn đặc biệt hơn với loại cám riêng, châu chấu cốm, sâu lột, trứng kiến, cam, chuối. Gần một năm sau nó mới hợp với thời tiết và khỏe lại.

Trong thời gian đó, anh Chương tiếp tục mua thêm 2 con chim nữa ở Indonesia và Singapore, trong đó có một chú họa mi giá đến 15.000 đôla (hơn 300 triệu đồng).

Chơi chim màu khá nhiều rủi ro. Tuy chưa từng bị lừa hàng nhuộm, nhưng anh Chương đã vài lần mua nhầm chim trống và mái (dân chơi thường chỉ mua chim trống).

Năm 2010, anh mua một con hoàng khuyên 107 triệu ở Từ Sơn (Bắc Ninh), ba tuần sau mới biết nó là chim mái, đành đem trả lại, chịu lỗ tiền. Một lần khác, anh mua hoàng khuyên ở Hà Giang 60 triệu, mang về đến Hà Nội thì cũng biết không phải trống. Anh lại cất công đi vài trăm km lên trả và chịu lỗ 20 triệu.

“Gần Tết năm ngoái, tôi được người bạn ở Nho Quan (Ninh Bình) báo vừa bắt được một chú chim khuyên. Lặn lội đi về tới đó là hơn 2h sáng. Người chủ đã nấu sẵn nồi cháo gà, mấy người mê chim ngồi nhâm nhi tán chuyện. Sáng ra đợi nó hót thì biết mái, đành phải tay không trở về”, anh kể.

“Con chim nhuộm nhìn kỹ vùng khóe mắt sẽ nhận ra, bởi không thể nhuộm tới đó. Chất lông bị khô xơ, bạc màu. Hoặc để chắc ăn thì nhổ một sợi lông ra, sau vài tuần lông mới mọc sẽ biết. Chim trống hót to, đanh, trầm bổng, chim mái giọng sẽ chùng, yếu”, anh Chương bật mí.

Hiện số lượng chim anh đang nuôi ở Sài Gòn và Hà Nội khá lớn, đủ để đi đến đâu cũng được ngắm chúng. Đông như vậy, anh phải thuê hai “bảo mẫu” chăm sóc mới xuể.

Sáng sớm những chú chim được vệ sinh lồng, cho ăn uống, tắm táp, phơi nắng. Ở hai miền anh đều bố trí phòng riêng rộng rãi, cửa bọc lưới sắt, thiết kế tránh chuột, mèo và có điều hòa đảm bảo nhiệt độ thích hợp từ 27 đến 29 độ.

Thường thì đầu tháng 5 hàng năm, anh Chương đặt mua 12 kg châu chấu cốm (con mới nở) cho đàn chim ăn quanh năm. Nhiều loại thức ăn cũng phải nhập từ nước ngoài, hoặc đặt riêng cho từng loại chim.

“Chim sâu xanh miền Bắc là loài chim quen thuộc vốn chẳng ai chơi. Nhưng khi đột biến thành màu trắng vàng, mắt đỏ thì lại quý. Tôi may mắn từng vài lần sở hữu, rất tiếc hai lần trước đều không nuôi được”, anh trầm ngâm kể.

Sau những thất bại, anh phát hiện ra loài chim này cần có một chế độ ăn khác biệt, phải chọn đúng loại cám, ưu tiên ăn trứng kiến và sâu cực nhỏ. Đầu năm nay mua được hai con chim sâu quý này, anh đã nuôi thành công.

Hiện tại, trong tổng 70 con, hoàng khuyên chiếm số lượng nhiều nhất với 17 con; 15 con chào mào bạch, còn lại là họa mi bạch, chích choè than bạch, chích chòe lửa bông, chim sâu vàng… Giá trị của số chim này và những chiếc lồng quý, ước tính lên đến 10 tỷ đồng.

“Tôi đơn thuần là một người chơi vì đam mê, chỉ mua vào, chứ không bán ra. Giờ đam mê quá sâu, tôi sẽ sưu tầm tiếp, chứ không dừng lại được”, anh Chương bộc bạch

Anh Vũ Duy Thoại, thành viên CLB chim 19/5 (đang công tác trong lực lượng vũ trang, Hà Nội) cho biết chơi chim nhiều năm, hiện anh sở hữu 2 chú chim màu, tuy chỉ trắng vài chiếc lông nhưng anh đã rất quý. “Các thành viên trong câu lạc bộ 19/5, người chơi nhiều cũng chỉ sở hữu được 5-7 con chim đột biến, không thể ‘khủng’ và đẹp được như của anh Chương. Vì độ chịu chơi và đam mê không giới hạn của anh Chương mà chúng tôi đã gọi anh là Vua chim màu Việt Nam”, anh Thoại đánh giá.

Trong số những con chim quý anh Chương đang sở hữu, anh Thoại hâm mộ nhất là chú hoàng khuyên mắt xanh.

VnExpress

Theo anh Kittidech Saengchareon – một người chơi và buôn chim đột biến nổi tiếng Thái Lan (sở hữu 100 con), từng 3 lần làm trọng tài cho các hội thi chim ở Việt Nam, thì trước đây người chơi nước ngoài thường đến Việt Nam săn chim đột biến. Anh Chương là một trong những người đầu tiên ra nước ngoài mua về.

Theo Phan Dương